Các thể văn chính luận (luận, thuyết, thư, biểu, tấu,…)

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 106 - 112)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.1.1. Các thể văn chính luận (luận, thuyết, thư, biểu, tấu,…)

Thể loại là nơi thể hiện rõ nhất đặc trưng loại hình của văn học. Qua hệ thống thể loại, chúng ta có thể nhận ra diện mạo, đường nét của một loại hình văn học. Không chỉ vậy, thể loại còn mang tính lịch sử bởi sự xuất hiện của các thể loại trong lịch sử văn học của mỗi dân tộc được xác định bằng nhu cầu xã hội, bằng khả năng, bằng nhu cầu hoạt động văn hóa. Thể loại cũng mang tính loại hình. Mỗi thể loại thể hiện một giới hạn tiếp xúc với đời sống, một cách tiếp cận, một trường quan sát, một quan niệm đối với đời sống. Điều này lí giải tại sao trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của văn học dân tộc lại gắn liền với sự phát triển của những thể loại nhất định. Sự lựa chọn thể loại được coi như một phương thức để tác giả văn học biểu đạt thành công phương diện nội dung của các tác phẩm văn học.

Các nhà nho Cần vương giai đoạn cuối thế kỷ XIX đã đưa vào trong văn chương của mình khá nhiều những thể loại nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của thời đại, một trong những thể loại đó chính là các thể văn chính luận. Văn chính luận thời kỳ này thực sự đã phát huy được vai trò của nó, đó là sự tác động trực tiếp đến dư luận xã hội đương thời, đến lối sống, đến các quyền lợi chính trị hiện hành. Văn chính luận còn góp phần phản ảnh được toàn bộ cuộc sống của con người và xã hội trong hiện tại và cả quá khứ. “Các bức tranh thực tại, các tính cách và số phận con người hiện diện ở tác phẩm chính luận như những chứng cứ lấy từ chính đời sống, như một hệ thống những luận cứ, như đối tượng của sự phân tích, hoặc được dùng làm cơ sở của sự xúc cảm,

làm “tác nhân” kích thích, làm nguyên cứ để lên án, tố cáo hoặc chất vấn các giới hữu quan, để khẳng định lý tưởng” [73; 8].

Mang những đặc điểm chung của văn chính luận thời trung đại, sáng tác của các nhà nho Cần vương ở các thể văn chính luận khá phong phú. Có thư của người Việt yêu nước gửi bọn Việt gian (Thư gửi Hoàng Cao Khải của Phan Đình Phùng, Thư nghĩa quân Thanh Nghệ Tĩnh trả lời Kinh lược Lương Duy Chính), thư của người Việt yêu nước gửi cho quân Pháp (Thư trả lời quân Pháp của Nguyễn Quang Bích); có các bản luận, thuyết, biểu, tấu, sớ của các nhà nho yêu nước dâng lên vua lúc còn đương triều (Sớ Xin dứt việc hòa hảo để khích lệ lòng người, Biểu tạ về việc cha mẹ được phong tặng, Bài tâu về việc trình bày mọi điều lợi hại thời bấy giờ, Bài tâu xin về quê nhà để tập hợp và vỗ về nhân dân… của Nguyễn Xuân Ôn).

Các thể văn chính luận trong sáng tác của các nhà nho Cần vương đã hướng đến những vấn đề thời sự nóng bỏng, trọng đại, có ý nghĩa thiết yếu với sự tồn vong của dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX, trong cuộc đương đầu với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, trong cuộc đấu tranh với triều đình phong kiến để chống thỏa hiệp đầu hàng. Có ý nghĩa hơn nữa, đó là qua các thể văn chính luận đó đã chứng tỏ được vẻ đẹp của những con người luôn nêu cao tinh thần yêu nước, luôn ý thức rõ trách nhiệm và bổn phận của mình với dân, với nước, luôn giữ vẹn lòng trung và khí tiết cao vời của một bậc chân Nho. Các thể văn chính luận giai đoạn này không chỉ thực hiện đúng chức năng của nó mà còn thể hiện được giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật trong việc khắc họa thành công mẫu hình con người lý tưởng của thời đại Cần vương - mẫu hình con người trung nghĩa.

Các nhà nho Cần vương đã sử dụng những bài văn chính luận của mình để tranh biện về sự nghiệp Cần vương báo quốc, họ đã tạo nên những trận

chẽ, lí lẽ sắc bén mang lập trường chính nghĩa của họ thực sự là những đòn giáng trả và tấn công trực diện không kém phần quyết liệt, mạnh mẽ đối với bọn thực dân xâm lược, đối với bọn phong kiến đầu hàng. Đồng thời, những áng văn ấy còn cho thấy sự khảng khái, bất khuất trong nhân cách, khí tiết của những nhà nho, cho thấy nhiệt huyết cứu nước sục sôi của những trái tim yêu nước lớn.

Nguyễn Xuân Ôn trong suốt thời gian làm quan đã nhiều lần gửi về triều các bài sớ, điều trần đề cập tới những vấn đề cấp bách trước mắt cần làm để chống giặc giữ nước. Bài Tâu về việc trình bày mọi điều lợi hại thời bấy giờ

(1879) ông đã có những lời đề nghị thiết thực về cách dùng người: “Trong triều thì dùng những người cương quyết để làm rường cột, bên ngoài thì chọn những người tài lược để vững giậu mên…” [34; 258], về cách cai trị: “Tiết kiệm của cải để quân nhu được dồi dào, bớt sưu thuế để sức dân được thư thái, đừng chỉ chăm bóc lọt dân mà làm yếu sức bảo vệ, đừng chỉ cậy vàng lụa mà trễ nải việc giáp binh. Bao nhiêu phương pháp tự cường, tự trị đều phải làm gấp” [34; 258]. Còn trong bài Tâu điều trần các việc nên làm (1883) ông không chỉ nêu những đề nghị cụ thể: “hợp các tỉnh nhỏ làm thành trấn lớn”, “dời các tỉnh thành”, “bớt tiêu dùng để sung vào quân nhu”, “dứt việc hòa hảo để khích lệ lòng người”, mà còn dùng ngòi bút của mình để kịch liệt đả phá tâm lý sợ giặc, phục giặc trong giới quan lại phong kiến lúc đó. Liên tiếp trong các bài Tâu xin kinh lý miền thượng du (1882), Tâu xin đình hoãn án kiện và trù tính thời sự (1883), Tâu xin về quê nhà để tập hợp và vỗ về nhân dân (1882), Biểu tạ về việc cha mẹ được phong tặng (1878) ông đã nhắc lại các ý kiến xác đáng trên. Điều đó đã cho thấy ý thức, trách nhiệm lớn lao của một bậc đại Nho đối với đất nước, với nhân dân. Tuy nhiên, những kế sách chống giặc của Nguyễn Xuân Ôn đã không được vua Tự Đức chấp nhận, trước sau ông đều vấp phải thái độ ngoan cố cùng cực của triều đình đớn hèn,

sẵn sàng quỳ gối dâng nước cho giặc. Nguyễn Xuân Ôn đã cáo quan về quê hương mưu sự phục quốc.

Năm 1858, hưởng ứng chiếu dụ Cần vương của vua Hàm Nghi, ông đã mộ quân nghĩa, lập căn cứ chống Pháp, tạo được nhiều chiến tích vang dội. Cuộc khởi nghĩa kéo dài được ba năm thì thất bại, Nguyễn Xuân Ôn bị giặc Pháp bắt, chúng giao ông lại cho triều đình giam cầm và xét xử. Những kẻ xu thời tại triều, những kẻ cầm quyền thân Pháp đã tìm mọi cách để khép ông vào tội chết, chúng cho rằng một khi triều đình chủ hòa mà ông khởi binh chống Pháp là kháng chỉ, trái lệnh vua. Từ vị thế của một thủ lĩnh Cần vương, ông bị quy án phản nghịch, trở thành tội phạm của triều đình. Nguyễn Xuân Ôn vô cùng căm phẫn. Trong suốt thời gian bị giam cầm nơi ngục thất, ông đã viết rất nhiều bài tranh biện nhằm bác bỏ những luận điệu xằng bậy của đám quan lại đớn hèn và khẳng định sự trung nghĩa của mình khi trong việc theo vua Hàm Nghi chống Pháp. Trong bức thư nổi tiếng Gửi các ông quan quen biết ở Kinh (1888), ông đã viết: “Đứng trước mối thù của miếu xã, biến cố của non sông, không có quyền được trù tính, cân nhắc thành hay bại (…). Trong vòng ba năm, lớn nhỏ trăm trận, người chết chất chồng, dân cư tan tác; phá gia tài cung cấp cho binh sỹ mà người ta không oán, hy sinh báo đền nợ nước mà người ta không lấy làm công, là vì nghĩa khí kích thích lòng người vậy. Việc làm tuy không thành, về tình cũng nên được xét lượng mới phải. Mối rường trời đất, thể thống đế vương, tự có công luận muôn đời. Thế mà nay, những người cầm giữ việc nước lại cho là tướng ngụy, đảng ngụy. Lúc bấy giờ tôi không dám cho vua Hàm Nghi là vua ngụy, cho nên tôi cũng không tự biết mình là đảng ngụy (…). Nay nghe nói bộ Hình định án: những người đầu mục hưởng ứng việc nghĩa, bà con phải can liên, gia sản phải tịch thu, cho rằng đó là chiếu luật mà xử án. Tôi thật không biết cái luật cần vương, báo quốc mà phạm tội chết ấy là ra tự đời nào...” [34; 297 - 299].

Với sự tranh biện quyết liệt trong các thể văn chính luận, Nguyễn Xuân Ôn đã nhấn mạnh tới tính chất chính nghĩa rực rỡ trong công việc mình, đã chứng tỏ được tấm lòng yêu nước nhiệt thành, mãnh liệt của một nhà nho trung nghĩa.

Đối với kẻ thù, thái độ của các nhà nho yêu nước rất dứt khoát, không chút nhân nhượng. Nguyễn Quang Bích - vị thủ lĩnh chống Pháp ở vùng Tây Bắc, trước những giọng điệu đường mật cũng như cáo buộc nham hiểm của kẻ thù, ông đã quật trả bằng những lời lẽ sắc sảo. Trong bức thư trả lời quân Pháp dụ hàng, ông khảng khái vạch trần luận điệu của kẻ thù: “Khi quý quốc sang đây, một rằng hòa hiếu, hai rằng bảo hộ, để rồi chiếm thành trì chúng tôi, đuổi vua đuổi tướng chúng tôi, để rồi lại còn tự quyền lập vua Đồng Khánh, chẳng qua đó chỉ là cái kế bịt tai ăn trộm chuông thôi. Lợi quyền chính trị đều về tay quý quốc nắm cả. Văn thần võ tướng đều bị quý quốc câu thúc trói buộc (…). Giả sử có một nước lớn khác đến kinh lý quý quốc cũng như quý quốc đã làm ở nước chúng tôi, thì quý quốc cũng cứ phục tùng theo họ ư? Hay là cũng nghĩa khí khích ở lòng, căm giận lộ ra mặt, rồi quý quốc cũng làm như chúng tôi đang làm (…). Thà chịu tội với quý quốc, quyết không chịu tội với vua nhà. Thà chịu tội với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn thế, một chữ “thú” từ nay, xin quý quốc đừng có nhắc lại nữa, xin đừng có khuyên bừa. Chúng tôi cam lòng chịu chết vì nghĩa vua tôi” [33; 216 - 217].

Còn Phan Đình Phùng trong bức thư cự tuyệt Hoàng Cao Khải (người cùng quê với ông, làm Khâm sai kinh lược Bắc Kỳ, một trong những tay chân đắc lực của thực dân Pháp) khi y viết thư dụ hàng ông, ông đã dùng những lời lẽ khéo léo mà kiên quyết, qua đó khẳng định tấm lòng yêu nước sâu sắc, khẳng định quyết tâm đánh Pháp, khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân, vạch rõ giọng điệu lừa bịp, những hành động tàn bạo, dã man của quân cướp

nước và bọn tay sai hèn hạ, bán nước cầu vinh: “Song vì mình là con nhà thế thần, cho nên đôi ba lần đức Hoàng thượng xuống chiếu vời ra, không lẽ nào có thể từ chối (...). Gần đây, Hoàng thượng lại đoái tưởng lựa chọn tôi mà giao phó cho việc lớn, ủy thác cho quyền to; ấy mang ơn vua ủy thác như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào trong cảnh như tôi, liệu chừng có nhân có đành chối từ trốn tránh đi được hay không? Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay, đã trải qua mười năm trời, những người đem thân hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết. Vậy mà lòng người trước sau chẳng hề thấy chán nản, ngã lòng bao giờ; trái lại (…) số người mạnh bạo ra theo tôi lại càng nhiều thêm mãi. Lòng người như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi, liệu có nỡ lòng nào bỏ đi cho đành hay không?” [15; 316]. Thậm chí, còn có trường hợp sĩ phu cả một vùng (từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình) họp nhau dâng sớ tranh luận với vua Tự Đức, gan góc vạch tội triều đình, tuyên bố bất tuân thánh chỉ bằng cái lý hiển nhiên, rành rẽ của những người yêu nước:

“Nay đối phó với bọn giặc kia, khác hẳn và rất khó. Không ngờ bọn bề tôi hại nước chỉ biết hòa là lợi (…). Phàm là người có tai mắt ở trong trời đất, không ai là không thấy xấu hổ, huống chi là người ở trong khoa giáp ư? (…) Thánh chỉ nói như thế, chúng tôi không dám vâng theo” [15; 465 - 467].

Những nho sỹ Cần vương đã ngoan cường chống xâm lược, chống đầu hàng cả nơi chiến trường cũng như trên mặt trận văn bút. Trước những lời đường mật cũng như cáo buộc của kẻ thù để dụ dỗ, dọa dẫm, thậm chí bức bách nhằm lung lạc ý chí chiến đấu, những thủ lĩnh phong trào đã đáp trả bằng lời lẽ, khẩu khí đáng nể trọng thể hiện nhân cách, bản tính của người quân tử, khí tiết của một bậc chân nho. Các bức thư mà các nho sỹ Cần vương viết đã toát lên cái khí thế, phong thái của những con người nắm chắc trong tay chính nghĩa, sẵn sàng sống, chết để bảo vệ chính nghĩa ấy.

Lối lập luận khúc chiết, chặt chẽ, đanh thép trong các công văn, tấu sớ, đơn từ, thư phúc đáp của các bậc nghĩa dũng như Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích… đã tạo nên một phong cách chính luận thời đại độc đáo. Cũng qua các thể văn chính luận đó, hình tượng con người trung nghĩa thời Cần vương đã tỏa sáng đẹp đẽ, xứng đáng là mẫu hình lý tưởng về con người Việt Nam trong cuộc chiến chống xâm lược, đầu hàng cuối thế kỷ XIX.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 106 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w