Tư trào văn học Cần vương cuối thế kỷ XIX và quan niệm trung nghĩa

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 33 - 40)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

1.2.2. Tư trào văn học Cần vương cuối thế kỷ XIX và quan niệm trung nghĩa

nghĩa của nhà nho

Phong trào yêu nước trên lập trường phong kiến dưới danh nghĩa Cần vương cuối thế kỷ XIX đã tập hợp được đông đảo tầng lớp văn thân sĩ phu tham gia. Nhiều trí thức khoa bảng hăng hái tham gia chiến đấu, số đông là thủ lĩnh của phong trào Cần vương kháng Pháp, họ đều có văn tập, thi tập để lại, có thể gọi họ là lớp nhà văn Cần vương. Các sáng tác của họ được ra đời từ trên mũi nhọn kháng chiến, ở nơi đầu ngọn sóng gió, ở nơi lửa đấu tranh nóng nhất. Nó là tiếng nói chân thành, là tâm tư của những nhà nho nặng lòng vì vua, vì nước, là nhiệt huyết của lớp người “lên ngựa cầm thương, xuống ngựa cầm bút” [15; 6]. Nó mang nhịp đập của những trái tim tràn đầy máu

nóng, hướng về một lý tưởng sống, một thái độ sống cao đẹp: dám chết cho đại nghĩa cứu nước, cứu dân. Sáng tác của các nhà nho hành nghĩa ấy tập hợp lại, khơi sâu, mở rộng dòng ý thức - mạch thơ vì nghĩa trong sáng tạo văn học. Các nhà văn Cần vương vừa là người phất cao cờ nghĩa trong cuộc đời (xướng nghĩa Cần vương chống Pháp) vừa khơi nguồn cho một tư trào văn học đặc biệt vào cuối thế kỷ XIX: tư trào văn học Cần vương.

Tư trào văn học Cần vương nằm trong dòng mạch chung của khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX. Tuy nhiên, đây là một tư trào văn học xuất hiện vào giai đoạn sau của cuộc kháng chiến, là sự tiếp nối của cao trào văn học yêu nước Nam Bộ - cao trào xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu chống xâm lược. Khác với cao trào văn học yêu nước Nam Bộ, tư trào văn học Cần vương (chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc) được sáng tác trong điều kiện triều đình nhà Nguyễn đã công khai đầu hàng giặc, còn vua Hàm Nghi lại chống giặc và là ngọn cờ tập hợp phong trào chiến đấu chống Pháp trong cả nước. Lực lượng sáng tác của tư trào văn học Cần vương có tính quần chúng rộng rãi, đồng thời lại bao hàm được nhiều người con ưu tú, những con người đứng ở hàng đầu cuộc chiến đấu của dân tộc. Sáng tác của họ không giống nhau. Có người hàng trăm bài, có người một vài bài. Có người sáng tác bằng chữ Nôm, có người sáng tác bằng chữ Hán, có người dùng cả chữ Nôm lẫn chữ Hán. Nhưng một điểm chung nổi bật ở họ là tấm lòng yêu nước sắt son, chung thủy, là cuộc đời quên mình cho nghĩa lớn của nhân dân, của dân tộc. Những lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần vương như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích… là những người đã từng làm quan, về sau bỏ quan, bỏ cuộc sống yên ấm ở gia đình để lên rừng núi lăn lộn với nghĩa quân, xây dựng căn cứ địa tổ chức chống giặc. Công việc chủ yếu của họ là đánh giặc cứu nước và sáng tác cũng là để góp phần đánh giặc cứu nước.

Yêu nước với các nhà văn Cần vương không chỉ là vấn đề trong tư tưởng chính trị hay đạo đức thuần túy mà còn là vấn đề nóng hổi của tư tưởng thẩm mỹ, tư tưởng nghệ thuật. Yêu nước được thể hiện ngay ở lí tưởng hành đạo của người anh hùng thời loạn; ở ý thức tìm về dân tộc, tìm nguồn sinh lực từ truyền thống, cố gắng giữ gìn những giá trị vốn đã là nền tảng tư tưởng của thời đại; ở sự bộc bạch những niềm ngưỡng vọng, thành kính, ngợi ca, có khi là những ai oán, bi phẫn… của chính người cầm bút. Nó là trung tâm của mọi nỗi niềm Tâm - Chí - Đạo trong sáng tác nhà nho. Nó khiến cho văn chương giai đoạn này hướng cả về những nội dung liên quan đến lợi ích và sự tồn vong của dân tộc, cộng đồng. Nó làm nên những giọng thơ hào sảng, bi tráng đậm chất sử thi. Nó có mặt trong đủ thể loại: chiếu, biểu, thư, hịch, câu đối, văn tế… và nhiều nhất là thơ cảm hoài.

Các nhà nho “nghệ sĩ - chiến sĩ” trong tư trào văn học Cần vương đã góp phần lớn làm nên điều có ý nghĩa nhất cho văn học yêu nước giai đoạn này, đó là xây dựng thành công hình tượng nhân vật lí tưởng của thời đại: hình tượng con người trung nghĩa xả thân vì vua, vì nước, vì độc lập của dân tộc. Chính hiện thực cuộc sống chiến đấu của dân tộc đã khơi gợi cảm hứng để các nhà nho nghệ sĩ có thể khái quát nên hình tượng nhân vật lí tưởng này. Người anh hùng cứu nước - nhân vật lí tưởng của văn học lúc này là sự phối kết phẩm chất tốt đẹp của mọi lớp người, từ trí thức phong kiến, bậc sĩ phu lẫn người nông phu, những kẻ vô danh trong xã hội. Tất cả đều dấn bước trên con đường tranh đấu với tinh thần “xả sinh thủ nghĩa” (quên thân vì đại nghĩa). Thực ra, chẳng phải đến lúc này trong văn học Việt Nam mới xuất hiện con người trượng nghĩa, vì nước quên thân, trái lại nó đã có từ rất lâu. Từ hàng mấy trăm năm về trước, chúng ta đã có thể tìm thấy bóng dáng của những mẫu hình này trong những áng văn chương yêu nước. Tuy nhiên, chưa

bao giờ nó được khắc họa một cách rõ nét, mang dấu ấn thời đại sâu sắc như bây giờ.

Trong đội ngũ những bậc nghĩa sĩ này, các nhà văn Cần vương đã hướng ngòi bút của mình nhiều hơn đến hình ảnh người lãnh tụ nghĩa quân, ca ngợi họ ở cả hai phương diện: bản chất anh hùng và đạo đức nhà nho. Họ chủ yếu là những nhà nho, cũng giống như người nông dân, nhà nho không quen với súng gươm và trận mạc. Nhưng đất nước lâm nguy, nhận được chiếu dụ Cần vương họ quẳng bút lông, tình nguyện cầm giáo sắt xông trận giết giặc. Mặc dù phần lớn xuất thân từ một giai cấp suy tàn, các lãnh tụ nghĩa quân không giống với những người cùng giai cấp, họ tiếp thu được truyền thống yêu nước của dân tộc, không chùn bước trước gian khổ, không tính toán trước hy sinh. Giống như những người nông dân, họ luôn giữ vững tinh thần kiên cường gắn với lời thề giết giặc: “Y quan sĩ tận nhẫn kim cách. Soa lạp nhân giai thỉ trạch bào” (“Phường sĩ phu áo mũ đều ăn nằm trong chốn áo giáp và gươm giáo. Người nông dân tơi nón cũng thề chung áo giết giặc”) [34; 177].

Giương cao ngọn cờ Cần vương, những lãnh tụ nghĩa quân đã chiến đấu và ngã xuống dưới ngọn cờ đó. Giải nguyên Nguyễn Hữu Huân, Giải nguyên Lê Trung Đình, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu khảng khái nhận cái chết. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn không chịu lạy Khâm sứ để được ra tù. Thủ khoa Nguyễn Cao tự rạch bụng “tỏ lòng trung” cho quân bán nước xem. Họ đã để lại những bài thơ tuyệt mệnh nói lên lời cuối cùng của một ý chí không gì khuất phục được, của một tấm lòng yêu nước trong sáng như pha lê. Đọc lại bài thơ tuyệt mệnh mà Lê Trung Đình ứng khẩu trên đường ra pháp trường, về sau người đời gọi đó là bài “Lâm hình thời tác” (Cảm tác lúc bị hành hình) chúng ta có thể thấy rõ vẻ đẹp của những tấm gương tiết liệt ấy:

Kim nhật lung trung điểu Minh triều trở thượng ngư

Thử thân hà túc tích Xã tắc ái kỳ khu.

(Nay là chim trong lồng/ Mai đã cá trên thớt/ Thân này tiếc gì đâu/ Gian nan tình đất nước) [15; 343- 344].

Bài thơ tổng cộng chỉ có bốn câu, hai mươi chữ mà như đúc nén cả một ý chí cứng như thép, một tấm lòng cao vời vì đất nước. Và những nhà nho Cần vương khác, xúc động, cảm phục trước những tấm gương trung liệt, họ đã làm câu đối, văn thơ điếu phúng, ca ngợi hành động vì nghĩa quên mình của họ.

Hình ảnh của những nghĩa binh, những lãnh tụ nghĩa binh chống Pháp xuất hiện trong sáng tác của các nhà nho Cần vương không chỉ đẹp đẽ trong tư thế tấn công mà còn đẹp đẽ trong tư thế chiến đấu, hi sinh dũng cảm. Họ là hình ảnh tượng trưng cho ý chí một dân tộc quyết chiến đấu đến cùng. Họ còn tiêu biểu cho vẻ đẹp về tinh thần trách nhiệm, về khí phách cao cả của người trung nghĩa: nhận mệnh vua thì sẵn sàng quên mình, lấy cái chết để đền ơn vua, nợ nước. Đó là thái độ vì đời, dũng cảm vì nghĩa của nhà nho hành đạo.

Chữ “trung”, chữ “nghĩa” vốn đã gắn liền với lí tưởng của các bậc đạo Nho. Trong quan niệm Nho gia, một nhà nho biết xả thân thủ nghĩa là đáng ca ngợi, và con người biết nghĩa vua tôi, biết đạo cương thường mới là nhà nho chân chính. Tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng tôn quân vốn là nền tảng đạo đức của Nho giáo, nó đã trở nên sâu rễ, bề gốc trong ý thức hệ phong kiến, trở thành chỗ dựa tinh thần cho các nhà nho và cơ sở tồn tại của văn học nhà nho. Bởi vậy, văn học nhà nho nói nhiều đến “trung, hiếu, tiết, nghĩa” và coi đó là phẩm chất cần có của người quân tử. Với nhà nho, tư tưởng trung quân bao giờ cũng gắn với ái quốc (trung quân - ái quốc), bởi dưới chế độ phong kiến, vua với nước thường dính liền nhau, có vua riêng mới thành nước tự chủ. Huống chi, các vua sáng lập sự nghiệp ở nước ta phần lớn là anh hùng diệt ngoại xâm dành độc lập, vua và nước gắn bó là điều tất yếu. Trung với vua

cũng có nghĩa là trung với nước, là yêu nước. Nhưng ở cái đất nước mà lịch sử dân tộc là một chuỗi dài những cuộc xâm lăng, là sự hưng thịnh rồi suy vong của các triều đại, là nhiều lần đất nước chia năm xẻ bảy thì chữ “trung”

cũng chịu chung số phận nổi chìm trong quan niệm nhà nho.

Đứng trước biến động của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX, tư tưởng phương Tây tràn vào làm lay động những tư tưởng cũ tới tận gốc rễ. Thêm vào đó, triều đình nhiễu nhương, vua quan đầu hàng thực dân, thậm chí buộc các sĩ phu chống Pháp phải hạ vũ khí hòa với giặc. Nho giáo không còn giữ địa vị quan trọng như trước nữa. Ý thức hệ của Nho giáo cũng rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng, chữ “trung” dường như đã mất hết ý nghĩa của nó, thậm chí, chữ “trung quân” mâu thuẫn sâu sắc với chữ “ái quốc”. Trong tầng lớp nho sỹ, không ít kẻ vẫn khư khư giữ cái tôn chỉ “không nỡ bỏ vua” dẫu vua thế nào. Song cũng có không ít người thấy được rằng khi có mâu thuẫn giữa trung vua với yêu nước thì bề tôi không bắt buộc phải tận trung với vua. Cuộc đấu tranh giữa tư tưởng yêu nước truyền thống và tư tưởng trung quân Nho giáo diễn ra ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX tỏ ra rất quyết liệt. Ngày càng có nhiều nhà nho nghiêng về tư tưởng yêu nước nhưng thực ra họ cũng chưa thể vứt bỏ chữ trung quân, vấn đề là phải tìm được sự thống nhất có thể có được giữa trung quân và ái quốc.

Các nhà nho Cần vương đến với sự nghiệp chống giặc theo những con đường riêng, những hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên lại rất giống nhau về quá trình chuyển hóa về tư tưởng. Trong tâm hồn của lớp nho sỹ tiến bộ này đã diễn ra những tình cảm rất phức tạp. Là người trí thức yêu nước, họ quyết dấn thân mưu sự phục quốc nhằm cứu nước nhà thoát họa xâm lăng; khi thực hành việc nghĩa, họ thấy cần phải bứt phá ra ngoài vòng cương tỏa của những khuôn phép đã trở nên cứng nhắc, lỗi thời. Nhưng trong tư cách nhà nho, họ vẫn cố làm sao cho hành động của mình nằm trong giới hạn cương thường,

dựa vào cương thường mà chống ngoại xâm:“Kẻ sĩ phu lấy cương thường làm trọng” [33; 169]. Có thể nhận thấy ở họ sự pha trộn rất lí thú giữa những gì thuộc ý thức truyền thống bền chặt của dân tộc với triết lí tư tưởng Nho gia mà họ đã tu dưỡng, đào luyện suốt đời. Để rồi khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành ra Sơn Phòng đánh quân Pháp xâm lược, ban chiếu Cần vương thì các bậc chân nho này sẵn sàng xướng nghĩa. Họ dựa trên nền tảng tư tưởng truyền thống của cha ông, của dân tộc để thực hiện lí tưởng cứu nước.

Các nhà nho Cần vương đã thể hiện một quan niệm về chữ “trung” hết sức mới mẻ, họ đề cao tư tưởng trung quân nhưng trung ở đây là trung với vua Hàm Nghi, một ông vua thủ lĩnh của cuộc kháng chiến, thực chất cũng là trung với cuộc kháng chiến. Đối với thứ vua theo giặc như Đồng Khánh thì họ hoặc là bỏ qua không thèm nói đến, hoặc có nói đến thì thái độ cũng là phê phán, đả kích gay gắt: Hàm Nghi mới thực vua trung/ Còn như Đồng Khánh là ông vua xằng [15; 579]. Đồng thời với quan niệm đó, họ đã tìm ra được sự thống nhất giữa tư tưởng trung quân và ái quốc. Theo vua hay chống vua bây giờ thực chất là vì nghĩa lớn đối với nước. Tư tưởng trung nghĩa mà văn học giai đoạn này hướng đến thực ra cũng là để làm tròn một chữ “nghĩa” đáng trọng: “Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa, trước sau cho trọn nghĩa vua tôi [15; 426]. “Cần vương” là thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của bề tôi đứng ra giúp vua chống giặc, cứu nước. Chính tình cảm dân quốc sâu nặng đã giúp họ vượt qua được ranh giới của những định kiến cố hữu. Điều này lí giải cho việc những người vốn coi chữ “trung” Nho giáo là tín điều thiêng liêng nhất trên đời lại chấp nhận hành động phế bỏ vua (các vị vua không đáp ứng yêu cầu thời cuộc), tìm lập bằng được minh quân để ban bố chiếu Cần vương. Và ngay cả việc lạ lùng hơn là “Cần vương” mà không có vua (khi vua Hàm Nghi đã bị giặc bắt, bị đày ra nước ngoài), thậm chí, phong trào Cần vương lúc đó lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hướng vào nghĩa, nhấn mạnh nghĩa trong sự gắn liền với trung, các nhà nho Cần vương đã nhằm đúng vấn đề cốt tử nhất của yêu cầu lịch sử giai đoạn này. Sức hấp dẫn nhất của hình tượng trong tư trào văn học Cần vương chính là cái đẹp đáng trọng của tinh thần tự nhiệm lịch sử - hiện thân sinh động nhất của lí tưởng thẩm mỹ vì nghĩa. Đấy là cái nghĩa cứu nước, cứu dân, cái nghĩa đáng làm. Với người nghĩa dân thì vì mến nghĩa làm quân chiêu mộ. Với người nghĩa tướng thì vì nghĩa mà đền nợ núi sông một lòng chịu chết. Vì nghĩa mà gần kề cái chết, người anh hùng vẫn không một lời oán thán, lo sợ, mà chỉ băn khoăn, day dứt bởi đã không hoàn thành trách nhiệm với nước, với vua. Một Phan Đình Phùng tự hổ thẹn với chính bản thân mình “Tướng môn riêng thẹn với anh hùng”, một Nguyễn Quang Bích mang nỗi buồn, nỗi bi phẫn, ưu tư vì ba chữ “nợ quân thân” thật khiến người đời xúc động.

Như vậy, quan niệm về trung nghĩa của các nhà nho Cần vương không đơn thuần là đề cao đạo lý cương thường trong mối quan hệ quân - thần nữa. Trung nghĩa ở đây đồng nghĩa với yêu nước thương dân, với hy sinh, anh hùng; đồng nghĩa với lẽ sống đẹp, đáng tự hào. Quan niệm này có sức mạnh hiệu triệu, cố kết và khích lệ những hành động vì chính nghĩa, làm nên những áng văn chương làm xúc động lòng người. Hình tượng con người trung nghĩa - con người hành đạo theo lý tưởng của các nhà nho trong văn học Cần vương sẽ là một mẫu hình đẹp, đáng được trân trọng và ngưỡng mộ.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w