6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
3.1.3. Các thể văn biền ngẫu (đối liên, hịch,…)
Trong sáng tác của các nhà nho Cần vương, ngoài các thể thơ, các thể văn chính luận còn có sự xuất hiện khá đa dạng các thể văn biền ngẫu. Theo
Từ điển thuật ngữ văn học, biền ngẫu là “Hình thức cấu trúc của một loại văn chương cổ xưa ở phương Đông (được gọi là biền văn), trong đó lấy đối làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối (...). Biền ngẫu là cách nói hình tượng hóa, chỉ câu văn có các vế sóng đôi nhau từng cặp. Nguyên tắc đối trong biền ngẫu có những yêu cầu rất chặt chẽ và phức tạp”
[17; 19 - 20].
Sử dụng thể văn vốn rất gò bó trong việc diễn tả tư tưởng, tình cảm, tuy nhiên, các tác giả Cần vương bằng những cảm xúc mãnh liệt về thời đại, về con người, đặc biệt là những con người đã xả thân vì nghĩa, bằng những lời gan ruột của những trái tim yêu nước lớn vẫn đem lại cho người đọc những tác phẩm hay, những dòng cảm xúc chân thành nhất.
Không khí trận mạc, tinh thần sôi sục tề tựu “hội quân” thể hiện rõ nhất trong các bài ca, bài vè và nhất là các bài hịch. Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều tác phẩm thuộc thể loại hịch như lúc này. Một loạt các văn phẩm nổi tiếng được truyền lan nhanh chóng, rộng khắp như: Hịch Quản Định, Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp, Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định, Hịch Lãnh Cồ… Đáng chú ý là những bài hịch ra đời vào những giờ phút bi phẫn nhất của người nghĩa sỹ, khi họ bị sa vào tay giặc và bị hành hình.
Nguyễn Duy Cung (người Quảng Ngãi) trước khi bị hành hình đã cắn ngón tay, lấy máu viết cả một bài hịch dài vừa để tỏ rõ lòng yêu nước trung
quân, ý chí quyết chiến, vừa lên án đanh thép bọn đầu hàng, phản bội và kêu gọi anh em đồng chí tiếp tục sự nghiệp chống Pháp, phục quốc. Những câu văn sóng đôi, vang lên thề quyết:
Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa, Không làm người đeo mặt nạ đầu trâu. Chín phần chết thề quyết chẳng từ, Sống dẫu nấu vạc xanh không núng chí.
Và dõng dạc lời kêu gọi đồng chí, đồng bào:
Xin trong tay sắp sẵn qua mâu, lòng địch khái hãy còn chưa mất, Xin cùng nhau gọn gàng giáp trụ, chí Cần vương còn mạnh chưa quên.
(Hịch kêu gọi chống Pháp)
Lời lẽ, khí phách của bài hịch rõ ràng không phải của một người tử tội sắp chết mà là của một chiến binh chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Lời hịch dõng dạc của Nguyễn Duy Cung có thể coi là một đòn đánh chí tử đối với kẻ thù, bởi chức năng hiệu triệu, hô hào của nó đối với những người dân yêu nước.
Lãnh Cồ trong bài Hịch đánh Tây đã kêu gọi mọi người hãy dựa vào sức mình, hãy tin ở mình để đánh giặc cũng bằng chính những câu văn biền ngẫu dứt khoát, đanh thép nhất:
Chí đã quyết sống còn với địch, chớ lo châu chấu đá voi, Việc phải tin thành bại ở người, há sợ dã tràng xe cát
Những bài ca, bài hịch lúc này không chỉ thích hợp để “gọi đàn”, để cổ động quốc dân chống giặc cứu nước mà còn chứng tỏ được tấm lòng trung nghĩa, khí phách hiên ngang, tư tưởng sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn của người nghĩa sĩ Cần vương.
Âm hưởng, không khí đặc trưng của văn chương thời đại không chỉ được tạo nên bởi thể loại hịch mà còn thể hiện ở thể loại văn tế và đối liên. “Văn tế
là một loại văn gắn với phong tục tang lễ chủ yếu nhằm bày tỏ sự thương tiếc của tác giả và của những người thân đối với người đã mất. Nội dung văn tế thường xoay quanh hai ý chính: một là kể về cuộc đời người quá cố; hai là bộc lộ tình cảm, thái độ của người sống trong giờ vĩnh biệt. (...) Văn tế vốn có gốc từ lâu đời ở Trung Quóc nhưng không phát triển thành một thể văn quan trọng trong văn học. Sang Việt Nam, nó phát triển thành một thể tài quan trọng... ” [17; 360 - 361]. Trong văn học Cần vương cuối thế kỷ XIX, văn tế còn được các nhà nho Cần vương sử dụng rộng rãi. Nhà nho Nguyễn Quang Bích có đến ba bài văn tế viếng những người bạn, người đồng chí của mình:
Văn tế ông Chu Thiết Nhai, Văn tế tán tương Nguyễn Khê Ông, Văn tế hiệp đốc quân vụ đại thần họ Nguyễn. Và dường như tất cả những người nghĩa sỹ, người tướng lĩnh hy sinh đều được bạn bè, đồng chí điếu, viếng bằng những bài văn tế mang tính chất chính luận bi tráng: Văn tế ông Cai Trí, Văn tế Cao Thắng, Điếu Phan Đình Phùng... Văn tế ở thời kỳ này đã trở thành một công cụ tuyên truyền, một loại vũ khí sắc bén của người yêu nước, đồng thời phản ánh được những tư tưởng, tình cảm của dân tộc và vẻ đẹp sáng ngời con người thời đại.
Đối liên (còn được gọi là câu đối) thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Các tác giả Cần vương khá quen thuộc với thể loại này, họ mượn thể thức trang trọng, ngắn gọn của câu đối để tổng kết một cách hàm súc nhất về những cuộc đời anh hùng, sự nghiệp anh hùng.
Đây là vẻ đẹp bởi tấm gương trung nghĩa của tán tương Nguyễn Khê Ông:
Trọng vì nghĩa ra tay, chắc hẳn lòng son trời chiếu thấu; Nát như tro nào sợ, sá chi sương tuyết đất này nhiều.
Còn đây là vẻ đẹp của người anh hùng ở mảnh đất Hồng Lam - Lê Ninh:
Tuy rằng thành bại tự trời, tiếng xướng nghĩa trước tiên, còn truyền Nghệ Tĩnh;
Than nhẽ anh hùng không đất, tiết phò vua cao cả, khá sánh Hồng Lam (Câu đối viếng ông Lê Ninh - Phan Đình Phùng)
Và đây nữa, vẻ đẹp của người anh hùng Cao Thắng qua câu đối viếng của Phan Đình Phùng:
Có chí không thành, anh hùng đã khuất. Chưa thắng đã chết, ý trời ra sao?
(Câu đối khóc Cao Thắng, I)
Công muốn lập nên, gõ mái giặc ngoan thề quét sạch; Việc khôn tính trước, lên yên người ấy vắng từ đây. (Câu đối khóc Cao Thắng, II)
Có thể thấy, với những thể văn biền ngẫu (đối liên, hịch, văn tế...) các nhà nho Cần vương đã thể hiện một cách trang trọng và giàu hình ảnh về những con người trung nghĩa của thời đại. Văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX là giai đoạn cuối cùng, khép lại một chặng đường dài của văn học trung đại. Những đặc điểm của phạm trù loại hình văn học trung đại vẫn chi phối mạnh mẽ các sáng tác của tác giả giai đoạn này. Nhưng chính sự lựa chọn các thể loại phù hợp đã đem đến những thành công cho các tác giả văn học, đặc biệt trong việc khắc họa hình tượng con người trung nghĩa của thời đại Cần vương.