Phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX và vấn đề trung quân ái quốc,

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 30 - 33)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

1.2.1. Phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX và vấn đề trung quân ái quốc,

ái quốc, “vì vua” - “vì nước” đặt ra cho nhà nho

Phong trào Cần vương ("giúp vua", hết lòng vì vua khi gặp nguy biến”) nổ ra vào cuối thế kỷ 19 do đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết nhân danh vị hoàng đế trẻ Hàm Nghi (một ông vua yêu nước, chống Pháp) đề xướng trước nạn xâm lược của thực dân Pháp. Phong trào Cần vương thường được hiểu là phong trào chống Pháp xâm lược. Phong trào thu hút được một số các quan lại trong triều đình và văn thân. Ngoài ra, phong trào còn thu hút đông đảo các tầng lớp sĩ phu yêu nước thời bấy giờ. Phong trào Cần vương thực chất đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước, hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, kéo dài từ 1885 cho đến 1896.

Trong triều đình một nước theo chế độ quân chủ phong kiến thì từ hàng thân vương, hoàng tử, công chúa đến các quan lại đại thần trung ương cho chí

địa phương, tất cả hợp lại thành một tập thể quần thần trực tiếp giúp vua, bảo vệ giang sơn tổ quốc bằng khả năng và trách nhiệm được nhà vua tin cậy giao phó. Người dân trong một nước quân chủ phong kiến cũng có nhiệm vụ Cần vương theo tư cách công dân của mình. Nói chung, “Cần vương” là bổn phận của toàn dân đối với vị hoàng đế mà họ phải tôn kính, tuân phục và bảo vệ.

Một biến cố chính trị quan trọng đã xảy ra vào đêm mồng 4, rạng sáng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885 tại kinh thành Huế, vị phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn đã huy động quân sĩ mở cuộc tấn công đồng loạt đánh vào sào huyệt giặc ở đồn Mang Cá và khu tòa khâm sứ Pháp tại Huế, nhằm thanh toán viên Toàn quyền DeCourcy và đồng bọn. Bị đánh bất ngờ, lúc đầu quân địch hoảng loạn, nhưng sau đó chúng đã chấn chỉnh lực lượng, đến gần sáng mở phản công chiếm nốt kinh thành Huế. Kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải xuất bôn. Binh bộ Thượng thư kiêm phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đã đã đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng rời kinh đô Huế chạy ra sơn phòng Tân Sở ở Quảng Trị. Tại đây, ngày 13 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi đã hạ chiếu Cần vương lần thứ nhất. Ở Quảng Trị một thời gian, để tránh sự truy lùng gắt gao của quân Pháp, Tôn Thất Thuyết lại đưa Hàm Nghi đến sơn phòng Ấu Sơn (Hương Khê, Hà Tĩnh). Tại đây, Hàm Nghi lại xuống chiếu Cần vương lần hai vào ngày 20 tháng 9 năm 1885. Cả hai tờ chiếu đều tập trung tố cáo âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, đồng thời kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến giúp vua, bảo vệ quê hương đất nước. Hưởng ứng chiếu Cần vương, nhân dân ta ở khắp nơi, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước đã sôi nổi đứng lên chống Pháp.

Phong trào Cần vương thực chất đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước, sôi động nhất là các tỉnh Trung Kì và Bắc Kì với các cuộc khởi nghĩa lớn như Ba Đình, Bãi Sậy, Hương Khê, Hưng

Hóa. Mặc dù diễn ra dưới danh nghĩa Cần vương - giúp vua, song thực tế phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX là một phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp xâm lược của nhân dân ta. Lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa Cần vương không phải là các võ quan triều Nguyễn như trong thời kỳ đầu chống Pháp, mà là các sĩ phu văn thân yêu nước có chung nỗi đau mất nước với quần chúng lao động, nhận thức rõ về âm mưu thâm độc của thực dân nên đã tự nguyện đứng về phía nhân dân chống Pháp xâm lược, quyết liệt hành động và sẵn sàng xả thân vì nước.

Phong trào Cần vương bùng nổ và phát triển qua hai giai đoạn, giai đoạn đầu “Cần vương” có vua - vua Hàm Nghi là linh hồn của phong trào Cần vương lúc ấy; giai đoạn sau, “Cần vương” mà không có vua, bởi ngày 2 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, bị đày sang Angiêri, sống chết không rõ. Sự kiện này gây tâm lí hoang mang trong hàng ngũ các sĩ phu văn thân yêu nước, hai chữ “Cần vương” lúc này đã mất hết ý nghĩa chính thống nhưng phong trào không vì thế mà tan rã. Phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp xâm lược đến lúc này dù không còn sự chỉ đạo của triều đình kháng chiến nhưng vẫn tiếp tục phát triển quyết liệt, quy tụ dần vào một số trung tâm kháng chiến lớn như Hương Sơn - Hương Khê ở Hà Tĩnh, Ba Đình - Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa, Bãi Sậy - Hai Sông (Hải Dương - Hưng Yên).

Tuy nhiên, từng cuộc khởi nghĩa lần lượt bị tiêu diệt, phong trào Cần vương suy yếu dần. Từ cuối năm 1895 đầu 1896, khi tiếng súng cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần vương coi như chấm dứt. Phong trào này tuy thất bại nhưng đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, nó cũng đã cổ vũ, khích lệ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta ở những giai đoạn tiếp theo.

Như vậy, phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX trong tư tưởng, quan niệm của các bậc văn thân, sĩ phu thời ấy không đơn thuần là vấn đề vì Vua mà còn là vấn đề vì Nước. Thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương như Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích… là lớp nho sĩ tiến bộ, là người trí thức phong kiến, họ yêu nước, quyết tâm cứu nước thoát khỏi khổ nạn nhưng họ vẫn đang phải loay hoay tìm kiếm nhiều giải pháp để thực hiện lí tưởng của mình. Và khi Chiếu Cần vương được ban bố thì họ đã tìm ra con đường để đi - con đường xướng nghĩa Cần vương. Cần vương với họ bây giờ là giúp vua chống giặc, cứu nước, nhưng phải là ông vua dám đánh giặc, một ông vua không sợ hi sinh, gian khổ. Thậm chí khi không có vua nữa (khi vua Hàm Nghi bị bắt) thì họ vẫn kiên trì con đường đã chọn ấy bởi họ vẫn còn có đất nước và nhân dân.

“Cần vương là sự lựa chọn thỏa đáng nhất để họ thực hiện lí tưởng cứu nước trong khuôn khổ, phép tắc của nhà Nho” [46; 252]. Rõ ràng, với phong trào Cần vương, tư tưởng trung quân - vì Vua đã nhường phần lớn cho tư tưởng vì nước, vì dân mà chiến đấu.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w