Các tác gia tiêu biểu của tư trào văn học Cần vương cuối thế kỷ XIX và

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 40 - 54)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

1.2.3. Các tác gia tiêu biểu của tư trào văn học Cần vương cuối thế kỷ XIX và

XIX và sự gặp nhau trong tư tưởng “Cần vương” - “hộ quốc”

Trong dòng văn học yêu nước kháng Pháp giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, nhắc đến lớp nhà văn tiêu biểu cho loại hình nhà nho hành đạo, chúng ta không thể không nhắc đến Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng. Họ những tác gia tiêu biểu của tư trào văn học Cần vương. Họ đã cùng gặp nhau trong tư tưởng “Cần vương” - “hộ quốc” và để lại những giá trị tinh thần bất tử.

Nguyễn Xuân Ôn hiệu là Ngọc Đường, sinh ngày 13 tháng 3 năm Ất Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (tức là ngày 10 tháng 5 năm 1825) tại làng Quần Phương, xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, mẹ mất sớm, ở với bà nội từ bé, mãi đến khi tuổi đã lớn mới có điều kiện đi học. Vốn có tư chất thông minh, lại chăm chỉ học tập nên ngay từ hồi còn thanh niên ông đã nổi tiếng hay chữ. Học rộng nhớ nhiều, năm 18 tuổi ông đỗ tú tài khoa thi năm Giáp Thìn (1844). Nhưng rồi lận đận trong vòng trường ốc, mãi đến năm 42 tuổi ông mới đậu cử nhân khoa Đinh Mão (1867) và ba năm sau đậu tiến sĩ khoa Tân Vị (1871).

Lúc Nguyễn Xuân Ôn bước vào hoạn lộ cũng là lúc đất nước phải đối mặt với cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Triều đình Tự Đức từ chỗ chủ hòa dần đi đến chủ hàng. Ông là một trong những quan lại kiên quyết chủ chiến. Trong thời kỳ này, ông đã nhiều lần trình bày lên Tự Đức kế hoạch đánh giặc Pháp nhưng triều đình mục nát không chấp thuận ý kiến của ông. Vì có ý chí quyết tâm chống Pháp đến cùng, không hợp ý triều đình nên làm quan 11 năm thì 6 lần ông bị thuyên chuyển. Từ Tri phủ Quảng Ninh (Quảng Bình) chuyển sang làm Đốc học Bình Định, rồi về triều làm Giám sát ngự sử, sau đó lại chuyển đi Án sát Bình Thuận. Tại đây ông đã cho bắt một giáo sĩ người Pháp về hỏi tội vì y đã cho con chiên rước mình bằng lọng vàng - thứ lọng chỉ dùng rước vua. Thượng thư bộ Lại hạch ông về tội làm trái chủ trương hòa nghị của triều đình, Nguyễn Xuân Ôn bị chuyển sang làm Án sát Quảng Ngãi. Năm 1879 vua lại điều ông về triều đình đảm nhận chức Biện lý bộ Lại để tiện bề giám sát.

Tháng 4 năm 1882, thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai, tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, Trung Kỳ tuy còn tạm thời được yên nhưng luôn bị bọn Pháp

cho người dò la, nhất là ở vùng rừng núi. Nguyễn Xuân Ôn dâng sớ xin đi kinh lý trung du, đề xuất kế hoạch phòng và chống giặc. Vua Tự Đức khăng khăng chủ trương “đánh không bằng hòa”, cử người ra Bắc thương thuyết với Pháp, xin đổi thành Hà Nội, đồng thời phái sứ thần sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Nguyễn Xuân Ôn lại dâng sớ “xin về quê để tập hợp và vỗ về nhân dân”. Vua Tự Đức không cho, chuyển ông sang làm Biện lý bộ Hình và sai ông đi điều tra các vụ kiện lặt vặt. Ông xin “đình hoãn án kiện và trù bị thời sự” và điều trần “các việc cần làm”. Vua xem sớ phê là “kiến sự phóng sinh” (thấy việc nói tràn) và cách chức ông, bắt trở về quê nhà Nghệ An. Từ đó, ông có điều kiện dốc lòng vào việc chống quân Pháp xâm lược đúng như sở nguyện.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương, Nguyễn Xuân Ôn mộ quân khởi nghĩa ngay tại làng rồi kéo lên Đồng Thông (thuộc vùng Vũ Kỳ ngày nay) lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân khá rộng, bao gồm vùng Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghệ An. Tuy chỉ có vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, trong hai năm chiến đấu, nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông đã lập được nhiều chiến công rực rỡ.

Trong chiến đấu, Nguyễn Xuân Ôn nêu cao gương dũng cảm để khích lệ tướng sĩ. Nghĩa quân rất mực tôn sùng chủ tướng của mình, coi ông là người nhà trời. Ông là vị lãnh tụ Cần Vương xuất sắc có tầm nhìn xa, thấy rộng. Lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, ông đã có dịp thực hiện đường lối chiến lược, chiến thuật mà ông đã từng trình bày trong các tấu, sớ gửi vua Tự Đức trước đó.

Ngày 25 tháng 7 năm 1887, trong lúc đang điều trị vết thương ở bả vai tại làng Đồng Nhân (nay thuộc xã Mã Thành, huyện Yên Thành), Nguyễn Xuân Ôn bị giặc Pháp vây bắt ngay trên giường bệnh. Chúng tìm mọi cách

dụ dỗ, mua chuộc nhưng trước sau ông vẫn giữ được tấm lòng trung với đất nước. Không khuất phục nổi vị chủ tướng nghĩa quân được mọi người cảm phục, bọn Pháp đem ông về giam giữ ở nhà lao Huế. Cuối năm 1889, ông lâm bệnh nặng, lúc sắp mất ông nói với người đồng chí, đồng hương Nguyễn Hành: “Tôi sắp chết đây, tấm lòng báo quốc mong ông cố gắng”. Ông trút hơi thở cuối cùng ngày 1 -10 -1889, thọ 64 tuổi. Nhân dân cả nước, đặc biệt là giới sĩ phu vô cùng thương tiếc Nguyễn Xuân Ôn. Một người đồng hương, một bậc đại quan triều Nguyễn nổi tiếng, bấy giờ đang giữ chức Sơn - Hưng - Tuyên Tổng đốc là Cao Xuân Dục (1841-1923) kín đáo ca ngợi ông:

Công thị, công phi, sự đại bách niên phương định luận

(Có công ư? Không có công ư? Việc lớn trăm năm sau mới nói được) Cử nhân Nguyễn Hành, người từng giữ chức Giám sát ngự sử, từng tham gia khởi nghĩa Cần Vương ở Nghi Lộc, bị bắt và cùng bị giam ở nhà lao Huế với Nguyễn Xuân Ôn có câu đối:

Thiên cổ tinh trung danh bất hủ; Nhất trường oanh liệt giác do sinh.

(Những bậc tinh trung như ông, ngàn năm danh bất hủ/ Một trường oanh liệt muôn thuở không quên)

Không chỉ là vị lãnh tụ Cần Vương xuất sắc, Nguyễn Xuân Ôn còn là nhà thơ yêu nước nổi tiếng nửa sau thế kỷ XIX. Ông để lại một tập thơ văn gọi là Ngọc Đường thi văn tập. Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn ở thời kỳ đầu đều tập trung nói lên hoài bão, ước mơ của nhà thơ. Ông đã từng băn khoăn suy nghĩ về vai trò của mình trong xã hội:

Thiên địa sinh ngô hữu ý vô Sinh ngô chung tất hậu ư ngô

(Sinh ta trời có ý chi không Hậu đãi vì ta chắc sẵn lòng)

(Cảm hứng bột phát)

Để rồi đi tới xác định rõ bổn phận, trách nhiệm của mình đối với đất nước và khẳng định một lòng tin vững chắc vào bản lĩnh của mình:

Quân tử thân danh đơn bút duyện Nam nhi phận sự nhất tang hồ Ngã niên tuy thiếu tâm nhưng tráng Phú quý nam dâm đại trượng phu

(Bột hứng)

(Thân danh quân tử riêng cậy bút Phận sự nam nhi một cánh cung Tuổi dẫu còn non hăng hái sẵn Giàu sang khôn đắm dạ hào hùng) (Cảm hứng bột phát)

Nhưng trong bối cảnh phức tạp của xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, giặc Pháp ngày càng lấn lướt, tìm cách biến nước ta thành một thuộc địa độc chiếm, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, nhượng bộ kẻ thù, đất nước đang dần rơi vào tay giặc, Nguyễn Xuân Ôn không có điều kiện để có thể “thi thố được chí tang bồng”. Dù vậy, tinh thần yêu nước của ông luôn được bộc lộ kịch liệt ra ngoài bằng một nỗi căm giận đầy uất hận đối với bọn giặc cướp nước, kết hợp chặt chẽ với một lòng khinh bỉ lẫn đau xót đối với bè lũ bán nước. Ngòi bút bừng bừng chính nghĩa của ông đã lên án nghiêm khắc quân giặc bạo tàn và bọn phong kiến đầu hàng, hèn nhát:

Thành trì phó mặc mấy thằng Tây, Thế cũng cân đai mũ với giầy! Một nước cơ đồ tan nát vậy,

Muôn dân đồ thán xót xa thay.

Những phường trở đậu ngồi trơ mắt, Mấy lũ can thành đứng chắp tay. Cơm nặng áo dầy thì cũng thế, Phong trần rứa mãi biết sao đây?

(Cảm tác, I)

Ông còn đả kích cả vua Tự Đức, ông vua chỉ biết ung dung săn bắn giữa lúc dầu sôi, lửa bỏng:

Bồng thỉ tang hồ chí tứ phương, Tòng cầm nhật nhật đáo sơn dương. Nha tường cẩm lãm thê lô kính, Ngọc luyện kim dư trú thảo đường. (Cảm tác, II)

(Tên bồng, cung dâu, người nam nhi lấy chí ở bốn phương/ Thế mà ngày ngày đi săn trên núi/ Cột buồm dây neo đậu ở khe lau/ Kiệu ngọc, xe vàng đứng nơi bờ cỏ).

Ngược lại, ông ca ngợi các chí sĩ và nghĩa quân không sợ tù đày, chết chóc, dũng cảm chiến đấu:

Chí sĩ tâm tào luy tiết khổ

Nghĩa quân na quản tử vong lưu

(Cảm thuật)

(Bao nhiêu chí sĩ đều bị khổ vì nỗi gông cùm/ Người dân ứng nghĩa thì không quản gì chết chóc).

Ông tự hào khi nghĩ đến truyền thống giết giặc cứu nước vẻ vang của dân tộc, nhớ đến khí thế hùng dũng của những đoàn quân ra trận:

Ngô châu tư cổ sinh danh tướng Huy chỉ giang sơn chuyển miện thanh (Võ Kỳ Sơn)

(Châu ta ngày xưa sinh nhiều vị danh tướng/ Vẫy tay trong chốc lát mà non sông trong sạch)

Lòng yêu nước mãnh liệt của Nguyễn Xuân Ôn còn được thể hiện bằng quyết tâm hành động đến cùng, thúc đẩy ông luôn đi hàng đầu trong chiến đấu:

Múa giáo xoay trời chí khí cao, Ba năm trăm trận chẳng hề sao. (Cảm thuật, IV)

Nhưng bản thân ông cũng không tránh khỏi những nỗi đau của người anh hùng khi sa cơ lỡ vận, bị quân thù vây bắt. Nỗi đau đó dẫn tới nỗi tự thẹn với bản thân mình:

Trời đất sinh ta có phụ nào Đường đời lận đận nghĩ mà đau Anh hùng thành bại chi thèm kể Đành phận tôi nên học Võ hầu

(Cảm tác, II)

Nỗi đau, nỗi thẹn mặt anh hùng đó trong thơ không chỉ có ở một Nguyễn Xuân Ôn mà đó là nỗi niềm chung của lớp nhà nho hành đạo đương thời, của những Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng, Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Trị… Đó cũng chính là một trong những biểu hiện của lòng yêu nước nồng nàn, nhân cách cao đẹp ở các bậc đại nho.

Cũng như Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích được biết tới không chỉ là một trí thức yêu nước, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào kháng Pháp nửa sau thế kỷ XIX, mà còn là một trong những tác gia tiêu biểu của tư trào văn học Cần vương. Nguyễn Quang Bích sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức 7 tháng 5 năm 1832), tự là Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, người làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ngay từ nhỏ, Nguyễn Quang Bích đã nổi tiếng thông minh học giỏi nhất trong vùng. Năm

1858 ông đỗ tú tài, năm 1861 đỗ cử nhân và được bổ làm giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1869, ông đậu đình nguyên hoàng giáp (nhị giáp tiến sĩ) và được cử làm Tri phủ tại phủ Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ ngày nay), rồi làm Tri phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Những năm tiếp sau, ông được cử làm các chức vụ: Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám Huế, Án sát Bình Định. Năm 1875, ông được vua Tự Đức giao cho duyệt bộ sách Khâm định Việt sử cương mục. Cũng trong năm đó, khi triều đình mở ban doanh điền ở Hưng Hóa (Phú Thọ), Nguyễn Quang Bích lại được cử làm chánh sứ sơn phòng, và năm sau (tức năm Bính tí - 1876), ông kiêm luôn chức tuần phủ Hưng Hóa.

Suốt thời gian làm quan, Nguyễn Quang Bích luôn là một vị quan thanh liêm, có đức độ, luôn chăm lo đến đời sống quần chúng nên được nhân dân các địa phương rất ngưỡng mộ và thường gọi ông là “Hoạt phật” (Phật sống). Ông còn là một trong những người chủ trương kháng chiến và kiên quyết chống lại đường lối thỏa hiệp của triều đình. Năm 1883, quân Pháp tấn công Hưng Hóa, ông đã anh dũng chỉ huy binh lính giữ thành. Khi thành mất, ông rút lên vùng Tây Bắc lập căn cứ chống Pháp lâu dài, không chịu tuân theo triều đình bãi binh để về Huế nhận chức.

Năm 1885, phong trào Cần vương bùng nổ, vua Hàm Nghi xuất bôn kêu gọi kháng chiến, ông được phong làm Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ và trở thành một trong những người lãnh đạo trọng yếu của phong trào kháng chiến ở Bắc kỳ. Nghĩa quân người kinh và người miền núi đã hợp sức xung quanh ông, đánh giặc cứu nước. Biết dựa vào núi rừng hiểm trở và dùng lối đánh du kích, nghĩa quân của ông đã lập được nhiều chiến công oanh liệt và làm quân thù bị tổn thất nặng nề. Ông cũng đã được vua Hàm Nghi hai lần cử sang Vân Nam cầu viện Trung quốc. Thực dân Pháp đã dùng bọn ngụy quan đem danh vọng, tiền tài mua chuộc ông nhưng ông cương quyết cự

tuyệt, thề chết không hàng: “Một chữ thú, từ nay xin quý quốc đừng có nhắc lại nữa, xin đừng có khuyên bừa, chúng tôi cam lòng chịu chết vì nghĩa vua tôi” [33; 217].

Sang năm 1889, bị đau ốm luôn, nghĩa quân lại gặp nhiều khó khăn về lương thực và vũ khí, ông vẫn không hề thoái chí nản lòng. Người nhà xin đi theo để chăm sóc thuốc men, ông không nhận và chỉ dặn lấy ngày thành Hưng Hóa mất làm ngày giỗ. Năm 1890, Nguyễn Quang Bích chuyển bệnh nặng rồi mất tại đại bản doanh nghĩa quân ở núi Tôn Sơn, châu Yên Lập. Thi hài ông được nghĩa quân trân trọng chôn cất trên ngọn núi Tôn Sơn, biểu dương ý chí bất khuất của nhà văn thân yêu nước và cũng là của cả một dân tộc anh hùng. Nhân dân cả nước nghe tin ông mất, vô cùng thương tiếc, đã có câu đối viếng ông:

Bất hủ giả danh, tại thiên hạ, tại hậu thế Hà đoạt chi tối, thử quốc bộ thử nhân tâm

(Tiếng để lưu truyền, khiến thiên hạ biết mãi, đời sau biết mãi Trời sao vội cướp, lúc vận nước thế này, lòng người thế này) Là một danh tướng, một nhà nho, Nguyễn Quang Bích một tay cầm gươm, một tay cầm bút. Tư tưởng chủ đạo quán triệt toàn bộ thơ văn của ông là một tinh thần yêu nước cao độ. Tác phẩm ông để lại có một số bài văn xuôi nhưng giá trị nhất là tập thơ Ngư Phong thi tập, gồm 97 bài thơ bằng chữ Hán theo thể Đường luật, sáng tác trong thời gian tham gia phong trào Cần vương. Qua tập thơ, con người Nguyễn Quang Bích đã biểu hiện một cách chân thực, đó là một người ý thức rất rõ ràng về hai chữ cương thường, về nghĩa quân thân của một nho tướng trong cảnh nước mất nhà tan:

Khởi bất đạn gian khổ? Phi tâm tố sở tăng

Sĩ phu trọng cương thường, Hoàng thiên phú tri năng

(Gian khổ ai là không sợ hãi? Chỉ vì lương tâm không thể trái Sĩ phu ở đời trọng cương thường, Trời đã cho ta tính trung ngãi)

(Khí số lớn của trời đất)

Bất chấp mọi khó khăn gian khổ, trước sau vị nho tướng này vẫn trung thành với ý chí chiến đấu tới cùng, giương cao ngọn cờ cứu quốc:

Khi khu mạc phạ lộ hành nan, Đồ báo dư sinh thệ thốn đan. (Sơn lộ hành tự ủy)

(Gập ghềnh nào sợ bước gian nan, Cứu nước thân già dạ sắt son)

(Đi đường núi tự an ủi)

Tinh thần yêu nước nồng nàn của Nguyễn Quang Bích còn biểu hiện sắc cạnh trong chí căm thù giặc, trong lòng yêu thiên nhiên, yêu lao động, trong tình đồng chí, tình nhân dân, trong chữ hiếu đối với cha mẹ, thậm chí trong cả nỗi ưu tư, khắc khoải của một vị văn thân nặng lòng vì vua, vì nước, nỗi thẹn của người anh hùng khi ý thức được lí tưởng, hoài bão cống hiến cho đời không thể thực hiện được. Bấy nhiêu yếu tố đó hòa hợp chặt chẽ với nhau để tạo nên giá trị chân chính của Ngư Phong thi tập và khẳng định được vẻ đẹp bi - hùng cao cả trong triết lí sống của Nguyễn Quang Bích cũng như các nhà nho Cần vương khác.

Cũng giống như Nguyễn Xuân Ôn và Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng được lịch sử ghi danh là một văn thân yêu nước, một lãnh tụ kiệt xuất trong phong trào Cần vương, đồng thời là một tác gia tiêu biểu của tư trào văn học Cần vương - tư trào văn học để lại dấu ấn rõ nét cuối cùng trong dòng thơ

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 40 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w