Các thể thơ (thơ cổ phong, thơ đường luật,…)

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 112 - 120)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.1.2. Các thể thơ (thơ cổ phong, thơ đường luật,…)

Thơ ca là thể loại phát triển khá sớm và chiếm ưu thế trong nền văn học dân tộc. Người xưa đã dùng thơ ca để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm, ước mơ, khát vọng, những trạng thái tâm trạng thổn thức, trở trăn, băn khoăn… về lẽ đời, về con người. Không chỉ thế, thơ ca còn gắn liền với cuộc sống và một nhiệm vụ quan trọng của thơ ca là phản ánh hiện thực cuộc sống. Điều đó cho thấy, cuộc sống xã hội chi phối nội dung của thơ ca và nội dung của thơ ca sẽ thay đổi theo sự biến đổi của xã hội. Chẳng hạn, khi đất nước có chiến tranh thì thơ ca là tiếng nói của lòng yêu nước, của tinh thần đấu tranh vì dân tộc. Ngược lại, khi đất nước thái bình, thơ ca là niềm vui, niềm hạnh phúc. Có thể nói, dù ở bất cứ thời đại nào, thơ ca cũng luôn đi cùng với lịch sử, vận mệnh của dân tộc. Thơ trung đại Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Thơ ca trung đại là những sáng tác bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, ra đời và phát triển trong suốt thời gian dài từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Thơ ca trung đại sáng tác theo truyền thống thẩm mỹ đầy những ước lệ tượng trưng. Những tác phẩm ấy chịu sự chi phối của điều kiện lịch sử, xã hội và hệ tư tưởng của thời đại phong kiến nên có kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo, hệ thống thi pháp đặc thù với những đặc trưng riêng khác biệt so với với các tác phẩm ở thời kỳ văn học hiện đại. Đó chính là sự phát triển phong phú của hình thức thơ ca trung đại với nhiều thể loại cụ thể gắn với hệ thống chữ viết

của thời kỳ này. Ở văn học chữ Hán có các thể như: thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ khúc..., còn trong văn học chữ Nôm lại có các thể: thơ Nôm Đường luật, truyện thơ, ngâm khúc, hát nói. Tuy sáng tác theo nhiều thể thơ khác nhau nhưng các tác giả trung đại về cơ bản vẫn phải tuân thủ tính niêm luật chặt chẽ với vần, đối, nhịp, số câu, số từ vốn đã được quy định hết sức nghiêm ngặt.

Thơ ca trung đại phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội và vận mệnh dân tộc. Ở giai đoạn mở đầu (từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIV), nội dung chủ yếu của thơ trung đại là thể hiện cảm hứng yêu nước. Các giai đoạn sau đó (giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII và từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX) thơ trung đại lại tập trung thể hiện cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa. Đến giai đoạn thứ tư (nửa sau thế kỷ XIX) với sự chi phối của bối cảnh lịch sử - xã hội đặc biệt (mà sự kiện trung tâm là cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của chủ nghĩa thực dân phương Tây), thơ trung đại trở lại với cảm hứng yêu nước nhưng mang một sắc thái khác trước. Sự mở rộng nội dung phản ánh phù hợp với tâm lý thời đại và nhu cầu của xã hội, gắn với hoàn cảnh đất nước, dân tộc đòi hỏi các thi nhân trung đại phải không ngừng tìm tòi các hình thức thể hiện phù hợp.

Giai đoạn cuối thế kỷ XIX với những biến cố lớn của lịch sử lẽ dĩ nhiên đã tác động mạnh đến tư tưởng thẩm mỹ của các tác giả văn học. Các nhà nho Cần vương (lực lượng sáng tác chính của văn học giai đoạn này) đã hướng đến những thể thơ truyền thống (chủ yếu là thơ cổ phong và thơ đường luật) để bộc lộ Tâm - Chí - Đạo, đặc biệt là để khắc họa thành công mẫu hình lý tưởng cho con người thời đại mình - mẫu hình người trung nghĩa.

Tùy thuộc vào mục đích sáng tác, các văn nho Cần vương đã chọn lựa những thể thơ phù hợp. Với thơ cổ phong, đây là thể thơ ra đời trước đời Đường hoặc trong hoặc sau nhưng không theo luật của thơ Đường. Đây là thể

thơ tự do ngày xưa của Trung Quốc, không bị niêm luật ràng buộc, số chữ, số câu không gò bó. Thơ cổ phong có màu sắc tự do, phóng khoáng, có khả năng miêu tả và biểu hiện phong phú.

Cổ phong (hay còn gọi là cổ thể, cổ thi) là thể thơ dùng cho tất cả mọi đề tài. Đây là dạng thơ dùng để tự sự, cũng có khi thể hiện ý chí, qua đó gửi gắm tình cảm mang tính ký thác, tâm sự. Vì vậy, đề tài thường là câu chuyện nào đó, cảnh sắc thiên nhiên hoặc một con người, một câu chuyện nào đó. Do vậy, yếu tố hiện thực rất nhiều, tính khách quan của hiện thực được thể hiện rất cao. Tác giả thường viết về chuyện của người khác đến khi kết thúc mới gửi gắm tâm sự của mình vào.

Chính đặc điểm không phải chịu sự gò bó, ràng buộc chặt chẽ về câu chữ, lại có màu sắc tự do phóng khoáng đó của thơ cổ phong nên các nhà nho Cần vương đã sử dụng thể thơ này để giãi bày nội tâm chất chứa, cảm xúc dâng trào, để tái hiện một cách trọn vẹn về những ngày tháng “chạy vạy Cần vương” những mong muốn thực hiện lý tưởng, hoặc để dựng lên một cách đầy đủ về những tấm gương trung nghĩa. ….

Trong Ngọc Đường thi tập, Nguyễn Xuân Ôn đã có những bài thơ khá dài để viết về cảm xúc chân thực trước thiên nhiên và những nỗi niềm đau đáu của con người luôn thường trực ý thức trách nhiệm với non sông đất nước (Đi đường qua cửa ải Hải Vân ngẫu thành) hoặc để dựng lên một cách đầy đủ chân dung của những bậc anh hùng, hào kiệt (Vịnh Gia Cát). Những bài thơ cổ phong của Nguyễn Xuân Ôn đã khắc họa thật sinh động và đẹp đẽ về người tướng lĩnh luôn ý thức gánh trên vai mình sứ mệnh với đất nước, giang sơn:

Ta dư đa bạt thiệp, Quá thử độc bàn hoàn. Khai thác tư tiền liệt,

Đề phòng lự hậu gian. Như hà hữu thắng trảm, Nãi nhĩ vô thương hàn. Dương pháo bôn sơn lũy, Ô thuyền hám hải than. Vũ phi không tọa giáp, Tráng sĩ đồ xung quan.

Hạnh thiết Nguyên nhung trướng, Ưng đăng thượng tướng đàn. Vị quân tác bảo chướng, Điện nhược Thái sơn an.

(Đồ quá Hải Vân quan, ngẫu thành)

(Nghĩ mình trèo non lội nước đã nhiều/ Qua đây riêng vẫn băn khoăn/ Mở mang đất nước, nhớ ơn người đi trước/ Đề phòng phải lo đến việc khó khăn sau này/ Vì sao có hào sâu/ Mà lại không có tướng giỏi/ Súng Tây xông vào đồn trên núi/ Tàu Ô dòm đỏ ở ven biển/ Kẻ võ phu mặc áo giáp ngồi không/ Người tráng sỹ khi căm giận uổng xông lên trên mũi/ May đặt trướng Nguyên Nhung/ Nên lên bàn thượng tướng/ Làm chỗ che giữ cho nhà ngươi/ Vững vàng như núi Thái Sơn) - (Đi đường qua cửa ải Hải Vân ngẫu thành).

Những tấm gương trung nghĩa, anh hùng trong sử sách được ngâm vịnh trong những bài thơ cổ phong cũng là để Nguyễn Xuân Ôn khẳng định vẻ đẹp của lý tưởng của con người thời đại:

Làm trai chí khí anh hào,

Công hơn ba nước, tài cao muôn đời. (Vịnh Gia Cát)

Với nhà nho Nguyễn Quang Bích, thơ cổ phong còn là thể thơ thích hợp để ông giãi bày nỗi niềm “người bôn ba” vì nước và khẳng định tấm lòng trước sau như một của người trung nghĩa:

Bôn ba phong trần nhân, Thâm lâm chướng vụ chưng. Khiết trùng huyết chinh y, Phan nhai duyên mộc đẳng. Thiên tỷ vô định cư,

Tiểu liêu giá sạn bằng. Khởi bất đạt gian khổ, Phi tâm tố sở tăng.

Sĩ phu trọng cương thường, Hoàng thiên phú tri năng.

(Vũ trụ đại khí số)

(Con người chạy vạy để cần vương, Lam chướng rừng xanh thấu cốt tủy. Sâu vắt hút máu áo đỏ hoen,

Bám đá vin cây leo trèo lên. Đêm ngày chỗ ở không nhất định, Chỉ có lều tranh cùng cửa phên. Gian khổ ai là không sợ hãi, Chỉ vì lương tâm không thể trái. Sĩ phu ở đời trọng cương thường, Trời đã cho ta tính trung ngãi.)

(Khí số lớn của đất trời)

Còn với thể thơ Đường luật (hay còn gọi là thơ cận thể hay thơ cách luật), đây là thể thơ ra đời từ thời nhà Đường, nó đòi hỏi chặt chẽ về số câu,

số chữ, cách gieo vần, về đối… Thơ Đường luật có ba dạng: thơ bát cú (mỗi bài tám câu), thơ tứ tuyệt (mỗi bài bốn câu), thơ bài luật hay trường luật (dạng kéo dài của thơ Đường luật), trong đó, thơ bát cú, nhất là thất ngôn bát cú (mỗi bài tám câu bảy chữ) được coi là dạng cơ bản, vì từ đó có thể suy ra tất cả các dạng khác của thơ Đường luật. Đây là thể thơ được sử dụng nhiều trong thời trung đại Việt Nam, có các chức năng và nội dung mang tính quy phạm cao, hoặc là để nói tâm, chí, đạo hoặc là để tự trào, châm biếm, mỉa mai, đả kích,…

Đây cũng là thể thơ chủ yếu được các nhà nho Cần vương sử dụng trong sáng tác. Là những trí thức phong kiến, việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc, quy phạm trong sáng tác không còn là điều xa lạ. Các nhà nho sáng tác trong khuôn khổ của thể loại với những quy định, những phép tắc về câu, về vần, về vần, về niêm - luật hết sức chặt chẽ. Tuy vậy, sự khuôn thước đó của thể loại không làm mất đi những xúc cảm chân thành của người sáng tác, những vẻ đẹp về Tâm - Chí - Đạo của con người thời đại. Trong “Ngọc Đường thi tập” của Nguyễn Xuân Ôn, “Ngư Phong thi tập” của Nguyễn Quang Bích ta thấy sự xuất hiện dày đặc của những bài thơ tỏ chí trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngôn hoài, cảm hoài, thuật hoài, cảm tác, cảm thuật,... là những nhan đề quen thuộc trong thơ ca của các nhà nho Cần vương. Nguyễn Xuân Ôn có tới 6 bài thơ Thuật hoài, 7 bài thơ Cảm thuật, 8 bài thơ Cảm tác. Nguyễn Quang Bích có 7 bài thơ Cảm tác. Và ngay cả Phan Đình Phùng, với số lượng sáng tác không nhiều nhưng vẫn có 2 bài thơ Cảm tác. Đây là những sáng tác mà nhà thơ trực tiếp bộc bạch nỗi lòng, cảm xúc, cảm nghĩ của mình, và mặc dù không gọi thành tên nhưng thực chất là các tác giả đang mượn những vần thơ “tỏ tình” này để “tỏ chí”.

Sự thể hiện “chí” của kẻ sĩ thực ra cũng rất đa dạng, “Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật” (Nguyễn

Bỉnh Khiêm). Các tác giả Cần vương cũng như bao kẻ sỹ phong kiến, có thể đặt chí trước nhiều bối cảnh, tình huống, quan hệ khác nhau, nhưng nhìn chung, họ vẫn ưu tiên cho việc đặt nó trước quan hệ với nghĩa lớn, với vận mệnh của đất nước. Và vũ trụ, càn khôn luôn luôn là không gian lí tưởng cho sự hiện diện của những con người “hữu chí”, “nam nhi chí”. Hình ảnh con người xuất hiện trong thơ Đường luật thường dựa trên sự đối lập nhưng đồng nhất giữa nhân vật trữ tình với các đại lượng lớn của vũ trụ như: trời - đất, sông - núi, xưa - sau... Trong tương quan ấy, kích thước con người như được phóng to lên và khả năng giao cảm giữa con người với thiên địa gần như là vô hạn:

Múa giáo xoay trời chí khí cao, Ba năm trăm trận chẳng hề sao. ...

Một mảnh lòng trung trời đất tỏ, Đôi vừng chính khí núi sông bao

(Cảm thuật, IV - Nguyễn Xuân Ôn)

Trung hiếu trên đầu trời chiếu rọi, Giang sơn che chở được bình an

(Sơn lộ hành tự ủy - Nguyễn Quang Bích)

Với các nhà nho Cần vương, thiên nhiên, vũ trụ như là phông nền để tôn vinh vẻ đẹp của con người, đó là những con người trung nghĩa mang vẻ đẹp sáng rỡ của chí khí, của lòng trung hiếu.

Hấp thụ tư tưởng chính thống của Nho giáo, các tác giả Cần vương có đề cập nhiều đến việc “lập công danh” của kẻ sỹ. Các nhà nho đã từng quan niệm rằng, là nam nhi sống trên cõi đời phải lập công danh, để lại tiếng thơm cho hậu thế. Tư tưởng này đã ăn sâu vào tiềm thức, nếp nghĩ, nếp sống của bao thế hệ người Việt và trở thành lý tưởng sống, chuẩn mực sống thôi thúc

mọi người cùng phấn đấu. Với trang nam nhi thời Cần vương, sống trong cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược, giày xéo thì những quan niệm sống trên cũng có sự thay đổi. “Chí tang bồng”, “nợ công danh” phải trả bây giờ không phải là học sách thánh hiền để thi thố làm quan nữa mà phải là dốc toàn sức, toàn trí phục vụ dân tộc, đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ giá trị làm người, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống. Sự thay đổi tích cực trong quan niệm sống đó được thể hiện trong thơ như những lời tự răn, tự nhắc của chính các nhà nho:

Thử sinh dĩ phụ tang bồng chí, Mạc tác đồ ngư lão giản biên.

(Đời này đã phụ chí tang bồng,

Đừng có làm con mọt già ở nơi sách vở) (Nguyễn Xuân Ôn)

Xưa nay trung hiếu khó hòa phai Ngẫm lại phong trần luống lệ rơi Quân phụ thù chưa đem báo hết Thánh hiền học cũng uổng công thôi.

(Phan Đình Phùng)

Những câu thơ ấy đã cho ta thấy được vẻ đẹp của lòng trung nghĩa, sự khảng khái cũng như những trăn trở của những văn thân nặng lòng yêu nước. Các tác giả đã vận dụng ưu thế triệt để của thể thơ Đường luật như kết cấu mạch lạc, ý tứ hàm súc, đối ngẫu chặt chẽ, từ ngữ uyển chuyển mà chính xác, gợi cảm để bày tỏ tình cảm, chí hướng, tâm trạng một cách kín đáo.

Có thể nói, với sự vận dụng nhuần nhuyễn, điêu luyện thể thơ Đường luật, các nhà nho Cần vương đã vượt lên những hạn chế của thể thơ này ở sự gò bó, khuôn mẫu để giãi bày tâm sự, chuyển tải cảm xúc chân thực, xúc động, những tư tưởng cao đẹp của con người thời đại Cần vương. Người

đọc, qua thể loại này cũng đồng cảm, thấu hiểu “cái chí”, ước mơ, lý tưởng sống cũng như nỗi đau, nỗi thẹn cao cả của những con người trung nghĩa thời Cần vương.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 112 - 120)