Những tấm gương của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 90 - 97)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

2.3.1. Những tấm gương của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng

hùng

Yêu nước là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử lâu dài của công cuộc dựng nước và giữ nước, thấm đượm sâu sắc trong mỗi người con đất Việt và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình văn học Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước giữ vị trí chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, là động lực nội sinh to lớn, tạo nên sức mạnh vô địch của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với đó, chủ nghĩa yêu nước là giá trị tốt đẹp đã khẳng định tầm cao nhân cách, chiều sâu văn hóa của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Con người Việt Nam được tôi luyện và lớn lên không ngừng với những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm dai dẳng. Dường như cứ mỗi lúc đất nước gặp lâm nguy thì con người Việt Nam lại thể hiện đẹp đẽ hơn bao giờ hết lí tưởng độc lập dân tộc, lòng yêu nước, căm thù giặc sáng ngời và tinh thần sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của đất nước, của dân tộc.

Gắn liền với chủ nghĩa yêu nước chính là chủ nghĩa anh hùng, bởi lòng yêu nước của con người Việt Nam được thể hiện rõ nhất qua những hành động anh hùng xả thân vì nước. Hướng về dòng lịch sử cuồn cuộn suốt bốn ngàn năm chiến đấu dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta không thể không tự hào trước những chiến công thời đại, trước bể ân tình thủy chung như nhất, tấm lòng yêu thương đùm bọc nhau của những con người quen đứng đầu sóng gió, chống lại mọi thế lực thù địch để giành lấy quyền sống,

quyền làm người. Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng làm nên một dòng chảy lớn trong văn học dân tộc, minh chứng cho vẻ đẹp sáng ngời về nhân cách, về sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam.

Truyền thống yêu nước được biểu hiện từ lòng căm thù giặc cướp nước và ý chí đánh giặc cứu nước đã sớm trở thành ý thức thường trực trong mỗi con người Việt Nam. Thơ văn trung đại dường như vẫn còn văng vẳng tiếng lòng của người tướng sĩ yêu nước khi thấy vó ngựa của quân thù khua ngoài biên ải : “ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xẻ thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù” (Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn), còn văng vẳng tiếng mài giáo dưới ánh trăng của Đặng Dung: “Thù nước chưa xong đầu đã bạc/ Bao độ mài gươm bóng nguyệt tà” (Cảm hoài - Đặng Dung), hay thấp thoáng hình ảnh múa giáo đầy thách thức của Phạm Ngũ Lão: “Múa giáo non sông trải mấy thu” (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão). Núi sông ta đã từng rung chuyển bởi tiếng hô “quyết đánh” của các bô lão tại điện Diên Hồng. Và ý chí “sát thát”, hào khí Đông A đã như một dòng máu, một sức sống luân chuyển suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Sự mất còn của non sông đã đặt lên vai con người thời cuộc gánh nặng giang sơn với những thử thách nặng nề: giết giặc cứu nước, nhưng cũng chính hoàn cảnh đó đã làm nên điều kì diệu về sức mạnh, sức sống, sức vươn tới của con người Việt Nam. Cha ông ta đã mang dũng khí của cả dân tộc để đạp bằng mọi gian nguy, để đi đến ngày toàn thắng, giang sơn gấm vóc thu về một mối. Hình tượng những con người tràn đầy khí thế, tầm vóc, mang theo sức mạnh chung của cả cộng đồng, dân tộc là vẻ đẹp chung của người anh hùng yêu nước trong văn học giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XV.

Tiếp nối truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, con người Việt Nam lại tiếp tục bật lên mạnh mẽ tinh thần yêu nước trong cuộc

chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Văn học Việt Nam giai đoạn này là sự hợp nguồn của nhiều dòng nước vì thế nó mang một sắc màu, một diện mạo mới so với trước. Nếu như trước đây, những vần thơ yêu nước thường gắn liền với các vị tướng lĩnh, gắn liền với chí làm trai, gắn liền với những chiến thắng lẫy lừng, văn học chính là những khúc ca khải hoàn làm nức lòng nhân dân, thì đến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, bên cạnh ngòi bút của các tướng lĩnh cũng là các văn nho như Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Huân… còn có những bài vè, những câu ca lên án, tố cáo, đả kích bọn phong kiến đầu hàng, bán nước, làm tay sai cho giặc, những vần thơ thúc giục nhau chiến đấu, động viên nhau tin tưởng chiến thắng của nhân dân lao động truyền miệng nhau, tạo nên giá trị cổ vũ động viên tinh thần rất lớn cho cuộc kháng chiến. Văn học giai đoạn này tất nhiên không phải không có những vần thơ bộc lộ tâm trạng lo lắng, nặng nề, những băn khoăn dai dẳng, thậm chí bi quan, chán nản, không phải không có những vần thơ ca ngợi cái triều đình bán dân, bán nước, trung quân một cách ngu muội… Nhưng bao trùm lên hết thảy và có giá trị lớn lao nhất vẫn là tiếng nói yêu nước nhiệt thành, tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ dù hiện thực có khó khăn, đen tối đến đâu.

Văn học dân tộc đã lưu lại hình ảnh rất đẹp của những người áo vải,

chân không mang tình yêu và lòng căm thù xông lên giết giặc: “Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ. Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu). Đó là hình ảnh của những nghĩa sĩ nông dân trong những ngày đầu tiên chống Pháp ở mảnh đất Nam Bộ được khắc họa trong sáng tác của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Văn học yêu nước truyền thống thời kỳ này không chỉ

đẹp bởi hình ảnh của người nghĩa sĩ nông dân mà còn sáng rỡ bởi vẻ đẹp của những người nghĩa phu trung nghĩa. Họ là những con người tiêu biểu mang những nét hào hùng về thời đại, về dân tộc, về con người, sự phản ánh về họ trong thơ văn đã làm nên một pho sử thi đau thương nhưng không kém phần hùng tráng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Hình tượng con người trung nghĩa trong văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX phần lớn được xây dựng từ những nguyên mẫu trong đời sống kháng chiến, từ sự ý thức về đối tượng chủ thể, về cái tôi tác giả trong quá trình tự nhận thức về bản thân mình, xem xét sự hiện hữu của con người cá nhân - xã hội trong bản thân mình của nhà văn. Tựu trung lại, họ đều là những con người hành đạo có trách nhiệm với dân, với nước và ưu ái với đời, họ chịu sự câu thúc ngặt nghèo của giai cấp và thời đại nhưng họ không phải là hạng trung thần hủ lậu, mù quáng, chỉ biết bo bo vì nghĩa “thần vị quân tử” (đạo làm tôi phải chết vì vua). Họ vốn là những trí thức phong kiến được đào tạo từ cửa Khổng sân Trình, tiếp nhận những tư tưởng, quan niệm chính thống của Nho giáo nhưng cũng có được những nhận thức hết sức mới mẻ về thời cuộc, về những mối quan hệ với vua, với nước. Họ xác định được trách nhiệm của một thần tử trong mối quan hệ vua - tôi, trên cơ sở nhận thức rõ về vai trò của người đứng đầu đối với đất nước. Họ ý thức được về bản thân mình, về sứ mệnh cao cả của một công dân trước đòi hỏi của lịch sử. Chúng ta dễ hiểu tại sao những bậc chân nho ấy lại có thái độ phản kháng kịch liệt, khinh miệt cao độ đối với bọn vua chúa bán nước như Đồng Khánh và bè lũ bán nước nhưng lại sẵn sàng phất cờ Cần vương, hết mình phù tá vua Hàm Nghi khi ông vua ấy dám đánh giặc, không sợ hi sinh gian khổ.

Thế kỷ XIX là thế kỷ mà mọi giá trị vàng son phong kiến, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị phá hoại bởi bàn tay thực dân. Con người trong thời đại này được nếm trải một cách sâu sắc bi

kịch của dân tộc khi mất quyền tự chủ, được chứng kiến tấn bi - hài kịch của một hình thái xã hội ở chặng đường cuối cùng của nó. Nhưng điều đáng trân quý và để lại giá trị vĩnh cửu cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam đó chính là tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc tuyệt vời của những con người nghĩa dũng thời đại ấy. Văn học giai đoạn này, đặc biệt là tư trào văn học Cần vương đã bám sát cuộc sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống Pháp, ghi lại một cách sinh động, trung thực về một giai đoạn lịch sử đau thương mà hùng tráng, ghi lại cuộc chiến đấu bền bỉ của dân tộc ta. Những tấm gương yêu nước, những tấm gương anh hùng dân tộc luôn sáng ngời trong mỗi trang viết của lớp nhà văn Cần vương.

Trước hết, đó là những con người luôn thường trực ý thức cứu nước mãnh liệt. Trước dã tâm xâm lược của bọn thực dân tàn bạo, những con người yêu nước ấy đã biểu thị một thái độ dứt khoát: kháng chiến giữ nước đến cùng. Trong Thư trả lời Hoàng Cao Khải, Phan Đình Phùng đã chứng tỏ cho kẻ thù thấy thái độ quyết liệt này của những người con Việt Nam yêu nước:

“Từ lúc tôi khởi nghĩa đến theo việc nghĩa nay, đã trải qua mười năm trời, những người đem thân hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết. Vậy mà lòng người trước sau chẳng hề thấy chán nản, ngã lòng bao giờ; trái lại (…) số người mạnh bạo ra theo tôi lại càng nhiều thêm mãi. Lòng người như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi, liệu có nỡ lòng nào bỏ đi cho đành hay không?” [15; 316]. Và quả thực, những người nghĩa binh ấy đã

“không nỡ” rời xa căn cứ địa, rời xa những người đồng chí cùng chung chiến hào chống giặc dù cho những ngày đầu còn lực yếu thế cô, dù phải chịu bao mất mát, hy sinh, khổ cực hay khi hy vọng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã không còn nhiều. Trương Định dám nghịch chỉ không đi làm lãnh binh An Giang, thuận theo lòng dân mà ở lại Tân Hòa “chịu trướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại”; Phan Đình Phùng không nỡ bỏ Hương Sơn, bám trụ

nơi đại bản doanh chống Pháp, dù cho bốn phương lửa khói lúc này như tạm thời lụi xuống cụ vẫn kiên quyết không hàng. Bao nhiêu gian khổ khó khăn chất chồng trên con đường giết giặc cứu nước vẫn không làm thối chí, nản lòng những con người yêu nước. Nguyễn Quang Bích cùng nghĩa quân của mình rơi vào tình cảnh “muôn dặm chướng lam đầy”, “mưa gió bên rừng”,

“gập ghềnh bước gian nan”, lại gặp phải sự đàn áp, vây hãm của kẻ thù, mỏi mắt chờ trông đạo quân cứu viện mà vẫn không thấy: “Tặc thế dĩ kinh tanh xú xái/ Vương sư vị đổ tiết mao lâm” (Lũ giặc đã tuôn dòng máu đỏ/ Quân vua chưa phất ngọn cờ vàng). Ấy thế nhưng, người dũng tướng ấy vẫn bền bỉ cùng quân sĩ quyết chí diệt giặc cứu nước tới cùng: “Gập ghềnh nào sợ bước gian nan/ Cứu nước thân già dạ sắt son” [33; 57 - 58]… Thái độ ấy, quyết tâm ấy của họ rõ ràng phải bắt nguồn từ một tinh thần yêu nước mạnh mẽ, một lòng căm thù giặc sâu sắc, một ý chí, nghị lực kiên cường, một ý thức rõ ràng về nghĩa vụ, về giá trị cao quý của những người chiến sỹ giết giặc cứu nước. Họ đã tiếp nối truyền thống đánh giặc cứu nước bất khuất của cha ông, khẳng định vẻ đẹp về tấm lòng yêu nước, ý thức dân tộc của con người Việt Nam trong những binh biến của lịch sử.

Những con người trung nghĩa thời Cần vương còn để lại những bài học giá trị về đạo lí làm người, khẳng định những chuẩn mực về giá trị sống qua cách hành xử, qua những quan niệm của họ về lẽ sống - chết, về thành công - thất bại. Dường như tất cả những con người đã từng “dấn thân nơi lam sơn chướng khí”, từng“treo mình trước mũi tên hòn đạn” trong cuộc chiến ác liệt chống kẻ thù đều có một thái độ rất dứt khoát khi buộc phải lựa chọn giữa sốngchết, họ không ham sống sợ chết, họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, không ngần ngại bước qua cái chết để tìm đường sống cho dân tộc, cho đất nước. Họ nhận thức rất rõ về thực tế chênh lệch trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa “Rơm con cúi, lưỡi dao phay” với “tàu thiếc, tàu

đồng, đại bác”, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng khâm phục, đề cao ở đây là tinh thần quyết đấu, là ý thức tự giác tuyệt vời của những con người luôn làm hết khả năng, bổn phận của mình. Với họ “sống nhục sao bằng chết vinh”, cũng bởi thế cái “chuẩn” để luận anh hùng không phải thành hay bại mà là khí tiết, là chữ “nghĩa”. Trên thực tế, các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX kết cục đều thất bại và chặng cuối con đường mà các anh hùng phải bước tới đều không tránh khỏi đoạn đầu đài, không tránh khỏi sự hy sinh. Những bậc trung nghĩa đó, người thì hy sinh trên trường bắn, giữa vòng vây kẻ thù, kẻ thì tuẫn tiết để tỏ lòng trung nghĩa, kẻ lại bỏ mình trên các nẻo đường miền sơn cước. Đối mặt với cái chết, người nghĩa sĩ càng trở nên gan góc, rắn rỏi, và tự tin đến kì lạ. Một Hồ Huân Nghiệp sửa soạn đi đến nơi hành hình mà bình tâm như đang sửa soạn đi vấn an mẫu thân hay đi giảng bài cho học trò; Một Nguyễn Duy Cung trước khi bị hành hình đã cắn móng tay để viết một bài hịch dài mà lời lẽ khí phách như là của người chuẩn bị xông trận quyết sống mái với kẻ thù; Một Nguyễn Cao ở trong tù sắp bị đem ra chém còn gọi khí thiêng đất nước biến thành sấm sét giáng xuống đầu quân cướp nước… Chiến binh trên trận mạc, chiến sĩ trong ngục tối đều là anh hùng. Họ giữ cho mình phong thái ung dung khi đối mặt với cái chết, không những thế, bước chân lên máy chém, giá treo cổ, họ vẫn khảng khái đọc thơ tuyệt mệnh, tiếp thêm lửa căm thù, tiếp thêm ý chí chiến đấu cho những trái tim yêu nước. Họ đã thắng kẻ thù ngay trong trận cuối cùng đó bằng chiến thắng về tinh thần, họ đã bảo toàn danh dự của dân tộc bằng tinh thần bất khuất, kiên trung. Dẫu chiến bại nhưng Trương Định, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng, Cao Thắng và bao nghĩa sĩ Cần vương khác đã minh chứng cho vẻ

đẹp “xả thân thành nhân”. Họ đã sống đúng với triết lý nhân sinh cao cả của người anh hùng trong thời đại bi hùng.

Trong cuộc chiến chống xâm lược, đầu hàng đầy khốc liệt, những con người yêu nước ấy đã giương cao lá cờ Cần vương, cũng là lá cờ đại nghĩa, sẵn sàng tiên phong nơi mũi tên hòn đạn, nung nấu ý chí diệt thù cứu nước bền bỉ. Họ là những tấm gương trung trinh, biểu tượng cho kiểu người mà

“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai võ bất năng khuất” (Giàu sang không làm cho mê đắm, nghèo khó không làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ chẳng làm cho khuất phục được), trước sau luôn giữ tròn bổn phận với vua, với dân, với nước, luôn nêu cao phẩm tiết đẹp đẽ.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 90 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w