6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
2.2.1. Sự đa dạng của mẫu hình con người trung nghĩa trong sáng tác của các
trong sáng tác của các nhà nho Cần vương
2.2.1. Sự đa dạng của mẫu hình con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần vương của các nhà nho Cần vương
Không phải đợi đến giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX thì mẫu hình về con người trung nghĩa mới xuất hiện trong văn học mà ngay từ khi nền văn chương bác học - văn chương của nhà nho hình thành thì hình tượng con người trung nghĩa đã xuất hiện như một tiêu chí để đánh giá về con người thời phong kiến. Trong văn học nhà nho, “Văn gắn liền với “đạo” để bảo vệ đạo lí cương thường. Có thể đó là thứ văn chương ca tụng vua hiền tôi giỏi, giảng giải đạo lí nhằm treo gương, thuyết phục, răn dạy. Có thể đó là thứ văn chương mượn cảnh nói tình, biểu đạt tâm chí, bộc bạch tấm lòng trung trinh tiết tháo cũng là thể hiện của đạo lí cương thường” [15; 23]. Đạo đức phong kiến thường lấy “Tam cương ngũ thường” làm cơ sở tư tưởng. Vì thế, tiếng nói chủ yếu trong thơ văn trung đại là tiếng nói ca ngợi những con người
“trung, hiếu, tiết, nghĩa”; là tiếng nói tuyên truyền về bổn phận làm tôi, bổn phận làm con; là tiếng nói ca ngợi những ông vua sáng, những bậc tôi hiền. Các nhà nho - lực lượng sáng tác chính của văn học thời kỳ này - luôn đưa vấn đề tiết tháo, nhân cách lên hàng đầu, phẩm chất của những trang nam tử hán luôn được đặt trong khuôn khổ lễ giáo phong kiến, tựu trung ở chữ
“trung” và chữ “nghĩa”. Nguyễn Bỉnh Khiêm - đại biểu nổi bật của thơ văn đạo lý, đã từng chỉ vạch cho người đời: “nếu biết lấy trung làm bến chính, giữ được đúng mức, thì mọi công việc trong thiên hạ cứ do đó mà thi thố ra
để đi đến chỗ tận thiện” [31; 398]. Mong ước của các nhà nho phong kiến là xây dựng được một xã hội phong kiến mẫu mực theo mô hình Nghiêu Thuấn
“Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn/ Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền”
(Nguyễn Trãi). Song hành với điều đó, khát vọng trước hết của các nhà nho vẫn là khát vọng hành đạo để thực hiện lý tưởng của mình, đó là lí tưởng “trí quân trạch dân”, lý tưởng chiến đấu vì độc lập của tổ quốc, lý tưởng nhân nghĩa được lo cho dân và “dĩ đáp quân ân” (báo đáp ơn vua).
Ngay từ những thế kỷ đầu của thời kỳ văn học trung đại, những thế kỷ mà dân tộc ta giành được quyền độc lập tự chủ, lập được nhiều kỳ tích trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (chống quân Tống thế kỷ XI, chống quân Mông - Nguyên thế kỷ XIII, chống quân Minh thế kỷ XV), các nhà nho đã xây dựng được những mô hình về con người rất đẹp, đó là mô hình về con người vừa ý thức được bổn phận của mình (mô hình con người chức năng - phận vị), vừa sẵn sàng xả thân mình vì đất nước dân tộc (mô hình con người quốc gia - dân tộc). Ta dễ dàng nhận thấy hình tượng của những nhân vật trữ tình nguyện một lòng vì vua, vì nước, “trung quân ái quốc”, có trách nhiệm với dân và ưu ái với đời trong thơ văn Lý Trần (như trong Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Cảm hoài (Đặng Dung) …), hay trong thơ văn Nguyễn Trãi.
Như vậy, mẫu hình người trung nghĩa hành động anh hùng, hy sinh vì vua đã là một mẫu hình đẹp của văn học trung đại ở giai đoạn đầu (thế kỷ X - XV). Mẫu hình này luôn tồn tại trong văn học trung đại, dù đậm, dù nhạt tùy theo nhu cầu phản ánh của văn học trong những bối cảnh khác nhau của lịch sử đất nước. Nhưng có thể nhận thấy rõ ràng rằng, trong bối cảnh đất nước gặp họa xâm lăng thì mẫu hình này được khắc họa đậm nét và tỏa sáng hơn bao giờ hết. Lịch sử Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX là lịch sử của một cuộc đấu tranh chống xâm lược, đầu hàng lâu dài và khốc liệt. “Trong
suốt bốn mươi năm kháng Pháp nửa sau thế kỷ XIX, tư tưởng yêu nước bao trùm tất cả, thấm nhuần tất cả, làm cơ sở cho tất cả tình cảm, thái độ và hành vi của nhân nhân dân, nghĩa sĩ và thủ lãnh cứu quốc của chúng ta” [15; 37]. Tinh thần yêu nước của nhân dân như được hồi sinh trong khói lửa sau mấy mươi năm bị đè nén dưới ách bạo tàn của chế độ phong kiến triều Nguyễn càng sục sôi hơn khi vua Hàm Nghi - ông vua trung với nước, bỏ kinh thành ra Sơn phòng đánh quân Pháp xâm lược. Tư tưởng trung quân hòa quyện với tư tưởng vì nước, vì dân mà chiến đấu, mỗi người nghĩa sĩ xướng nghĩa Cần vương giết giặc đều thiết tha bởi một tấc dạ trung lương. Chính hiện thực cuộc sống, chiến đấu của dân tộc giai đoạn này đã tiếp tục đem đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các nhà nho nghệ sỹ làm nên sự tỏa sáng cho mẫu hình con người trung nghĩa, đánh dấu những giá trị tinh thần bất tử cho văn học trung đại trong giai đoạn cuối cùng của nó.
Đọc thơ văn Cần vương, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của mẫu hình con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho thật rõ nét, thật sinh động và đa dạng. Dẫu mang dấu ấn thời đại sâu sắc nhưng mỗi con người là một hoàn cảnh, một cuộc đời, một lý tưởng, một hoài bão, một cách hành xử, một nhân cách đáng trọng. Họ là những nguyên mẫu người thực, việc thực trong đời sống, chiến đấu được biểu hiện trong thơ văn dưới những dạng thái khác nhau, có khi đó là bức chân dung tự họa của người nghệ sỹ, chiến sỹ trong sáng tác, có lúc lại biểu hiện qua sự khẳng định, ca ngợi của các tác giả về những tấm gương trung liệt mà sử sách, lịch sử dân tộc đã ghi nhận. Các nhà văn Cần vương tái hiện vẻ đẹp lý tưởng của hình tượng với những nguồn cảm hứng khác nhau, khi là cảm hứng hoài cổ, tìm về những gương trung kiên, tiết liệt trong sử sách như là những chuẩn mực sống để dựng lên mẫu hình con người trung nghĩa cho thời đại mình, khi lại là cảm hứng từ hiện thực cuộc chiến đấu khốc liệt với những chiến công và thất bại, với ý chí,
niềm tin, sự tự hào và cả niềm bi phẫn. Tuy vậy, vẻ đẹp trung nghĩa của con người thời đại Cần vương không quá chung chung, trừu tượng mà được toát lên từ những con người cụ thể, nổi bật trước hết là những nhà khoa bảng - cũng là những người đóng vai trò thủ lĩnh trong các phong trào chống Pháp đầy quả cảm (như Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích…). Họ bước vào văn học với tư cách là những nhân vật chính, nhân vật trung tâm, mỗi người một tâm trạng, một nỗi niềm, một tâm sự vừa rất chung cho lớp nhà nho ưu thời, mẫn thế, vừa rất riêng cho những lí tưởng lớn, những hoài bão lớn trong nhưng không dễ gì thực hiện trong bối cảnh đất nước hiện thời.
Đó là một “nỗi niềm ngổn ngang” bởi “công danh chưa trọn lời thề”
của con người trung nghĩa trong thơ văn Nguyễn Xuân Ôn. Nguyễn Xuân Ôn ra làm quan, thực thi cái lí tưởng “Tu, tề, trị, bình” đúng vào lúc mà vấn đề chiến đấu chống giặc hay thỏa hiệp đầu hàng đặt ra một cách gay gắt. Chứng kiến cảnh trong triều, lực lượng yêu nước, chủ trương chống giặc thì quá ít mà lực lượng cầu an, “tham sinh úy tử” sẵn sàng nhượng bộ kẻ thù thì nhiều, một người yêu nước, luôn thường trực ý thức trách nhiệm như ông tránh sao khỏi mối u hoài. Tâm sự luôn canh cánh trong lòng ông, luôn đeo đuổi, ám ảnh ông đó là mong “vẹn chữ kiên trung”, “vẹn tiếng anh hùng”. Nhưng ước mơ, hoài bão lớn lao của ông không dễ gì thực hiện trong bối cảnh xã hội ấy. Ông đã từng viết nhiều bài tấu sớ, bản điều trần gửi triều đình trong nhiều năm liền, trình bày những việc cần làm để chống giặc giữ nước nhưng không được chấp nhận. Tâm niệm làm một bề tôi trung khiến ông không khỏi xót xa trước sự thối nát của phong kiến triều Nguyễn, sứ mệnh làm việc nghĩa đã thôi thúc ông dùng ngòi bút lên án, đả kích bọn quan lại cam tâm bán rẻ giang sơn, Tổ quốc, làm tay sai cho giặc để vinh thân phì gia: “Triều đình hòa hảo thêm bày chuyện/ Biên quận lo toan khéo vẽ tuồng” [34; 126]. Lòng yêu nước
mãnh liệt đã thôi thúc ông hành động, đi đầu trong chiến đấu, thể hiện “chí khí cao” của một trang hảo hán thực thi việc nghĩa, coi đó là việc làm chính nghĩa nhằm soi tỏ cho ông về tấm “cô trung” sánh cùng trời đất. Phẩm chất trung nghĩa của người anh hùng càng sáng rõ hơn khi Nguyễn Xuân Ôn cùng với văn thân sĩ phu trong vùng tập hợp tướng sĩ, lập căn cứ kháng chiến lâu dài, hưởng ứng chiến cuộc Cần vương chống Pháp với một lòng tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc: “Non nước chi về đành có lúc/ Nổi chìm chi phụ kiếp thân mình” (Lòng tưởng nhớ II). Nhưng rồi, khi cuộc kháng chiến ngày càng khó khăn, sa cơ lỡ vận rơi vào vòng vây của kẻ thù, ông lại thấm thía nỗi đau của người anh hùng bại trận: “Tiếc thay non nước ngàn thu/ Mảng vui múa hát cơ đồ nát tan”, và thẹn bởi sự bất lực của bản thân trước thời cuộc:
“Trời đất sinh ta có phụ nào/ Đường đời lận đận nghĩ mà đau/ Anh hùng thành bại chi thèm kể/ Đành phận tôi nên học Võ hầu” (Cảm tác II).
Con người trung nghĩa trong thơ văn Nguyễn Quang Bích lại mang nỗi sầu - đau - hổ thẹn khi “nửa đời sự nghiệp vẫn thành không”. Vốn kiên định một lập trường chiến đấu cứu nước đến cùng, con người thơ Nguyễn Quang Bích đã từng tuyên bố: “Trung hiếu trên đầu trời chiếu dọi/ Gập ghềnh nào sợ bước gian nan” (Sơn lộ hành tự ủy), ông dấn thân phấn đấu hết mình, nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với lịch sử như một việc nghĩa phải làm, nhưng cuối cùng ông cũng không tránh khỏi bi kịch. Phẩm chất trung nghĩa biểu hiện ngay trong nỗi đau, nỗi sầu vì sự bất lực của bản thân: “Giang sơn cử mục hồn như tạc/ Phong vũ thương tâm chỉ tự sầu”
(Nước non liếc mắt còn như cũ/ Mưa gió thương tâm chửa ngớt sầu) (Đã dời chỗ ở đến Thượng Bằng La Châu), biểu biện ngay trong nỗi thẹn khi ý thức được trách nhiệm, lý tưởng sống, hoài bão cống hiến cho đời không thể thực hiện: “Nửa đời sự nghiệp vẫn thành không/ Mười việc trong lòng chín chửa xong”[33; 151]. Nỗi thẹn này của người nho tướng phảng phất
nỗi buồn bi phẫn của người anh hùng Đặng Dung cách đó bốn thế kỷ “Sự khứ anh hùng ẩm hận đa” và tiếp tục được bắt gặp trong nhiều sáng tác của nhà văn Cần vương, đặc biệt qua những vần thơ đầy day dứt của cụ Phan Đình Phùng “Tướng môn riêng thẹn với anh hùng”. Đó là nỗi thẹn đáng trọng bởi nó bắt nguồn từ tấm lòng báo quốc, tấm lòng vì đại nghĩa, từ ý chí diệt thù đã thấm sâu vào tâm thức, từ trách nhiệm của người công dân trước đất nước, cộng đồng.
Người nghĩa sĩ Cần vương giết giặc với một tinh thần tự nguyện hoàn toàn nhưng họ vẫn canh cánh nhiều tâm sự, vẫn mang nhiều mối ưu tư, niềm cảm khái. Điều này cũng tạo nên nét riêng biệt mang tính thời đại của văn học giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX. Không còn chất hào sảng, không còn lối văn chương tuôn trào hào khí “xung thiên” của thời đại Đông A (thời nhà Trần), thay vào đó là những vần điệu đầy chất bi tráng, những âm hưởng thống thiết, cảm thương khi khắc tạc về mẫu người anh hùng trung nghĩa. Điều này cũng dễ hiểu bởi văn chương thời kỳ này chủ yếu dựng bức chân dung tự họa của người nghệ sỹ - chiến sỹ trong cảnh huống vô cùng khắc nghiệt, gian nan do phải đối đầu với một kẻ thù hoàn toàn xa lạ chứ không phải mô tả trang hảo hán hăm hở trên con đường công danh.
Người nghĩa sĩ chống xâm lăng còn hiện diện trong thơ văn Cần vương với những dáng vẻ rất đẹp. Họ là chiến sĩ nhưng cũng vừa là nghệ sỹ, họ vừa thức nhận những tư tưởng mới về thời đại nhưng cũng vừa giữ được phong thái ung dung, tự tại, đĩnh đạc của một bậc chân nho. Họ đánh giặc mà vẫn hào hoa, đối mặt với gian khổ, hy sinh mà tâm hồn vẫn dạt dào cảm xúc trước thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Họ quyết đấu nơi trận mạc nhưng lại mềm mỏng mà vẫn khẳng khái, đanh thép khi giao thiệp với kẻ thù. Dường như ở họ, không chỉ hành xử theo một chữ nghĩa mà cái ý thức về chữ lễ cũng đã thấm sâu vào tâm hồn.
Hình tượng người nghĩa sĩ được khắc tạc trong thơ văn của các nhà nho Cần vương mang nhiều dáng vẻ khác nhau, thật đa dạng và ấn tượng. Tất cả các vẻ riêng đó hợp lại đã tạo nên một mẫu người thật đẹp, vừa có sự kế thừa nhưng cũng thật mới mẻ, rất đáng được trân trọng và tự hào, đó là mẫu hình con người trung nghĩa - mẫu hình đánh dấu cho sự kết thúc của dòng văn học yêu nước thời trung đại.