Bút pháp trữ tình

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 123 - 126)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.2.1. Bút pháp trữ tình

Bút pháp vốn dĩ là một khái niệm rất cơ bản trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Bút pháp chính là “Cách dùng ngôn ngữ hoặc đường nét, màu sắc, hình khối, ánh sáng để biểu hiện hiện thực, thể hiện tư tưởng trong tác phẩm

nghệ thuật” [53; 132]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, bút pháp là “cách thức hành văn, dùng chữ, bố cục, cách sử dụng các phương tiện biểu hiện để tạo thành một hình thức nghệ thuật nào đó… bút pháp cũng tức là cách viết, lối viết” [17; 24]. Ở cả phương Đông và phương Tây đều gặp nhau trong quan niệm ban đầu về bút pháp khi cho rằng bút pháp chính là tiền thân của khái niệm phong cách… Rõ ràng, đã từng có rất nhiều cách hiểu về bút pháp nhưng đáng chú ý hơn cả vẫn là ý kiến của Roland Barthes, khi ông chia bút pháp thành ba loại, và trong quan niệm về loại thứ nhất, ông cho rằng: “Bút pháp là một tín hiệu mà các hình thức văn học rút ra từ đó các thể loại, các giọng điệu nhờ đó mà ta gọi là thơ, văn tế hay thơ trào phúng. Nó còn là tín hiệu để ta nhận biết thời đại đã sản sinh ra tác phẩm nào đó” [12;247]. Theo cách nói của R. Barthes thì “tín hiệu” chính là cơ sở hết sức quan trọng của bút pháp nhà văn, đó chính là những phương thức, nguyên tắc phản ảnh nghệ thuật mà mỗi nhà văn lựa chọn, sử dụng nhằm chiếm lĩnh các hiện tượng của đời sống. Trên cơ sở “tín hiệu” đó, mỗi nhà văn có những hình thức thể hiện phù hợp cho thấy sự đa dạng của bút pháp, cũng chính là cho thấy tài năng của người nghệ sỹ.

Sáng tác của đội ngũ các bậc văn Nho trong tư trào văn học Cần vương thuộc loại hình văn học trung đại, chịu sự chi phối bởi tính quy phạm rất ngặt nghèo nhưng không vì thế mà hạn chế tài năng sáng tạo của người nghệ sỹ. Các tác giả ấy sáng tác dựa trên sự thúc bách của thời đại, dựa trên đòi hỏi của tiếng nói phản tỉnh chất chứa trong tâm tình của những bậc vốn là những đại Nho chân chính trước lịch sử dân tộc. Để dựng lên được trong văn học mẫu người lí tưởng của thời đại mình - mẫu hình con người trung nghĩa, các nhà nho Cần vương đã vận dụng nhiều bút pháp khác nhau: bút pháp trữ tình, bút pháp lãng mạn, bút pháp hiện thực, bút pháp chính luận, bút pháp trào

phúng - tự trào… Bút pháp nào cũng tỏ ra rất thành công, nhưng bút pháp được sử dụng nhiều hơn cả có lẽ vẫn là bút pháp trữ tình.

Cốt lõi của bút pháp trữ tình chính là cảm nhận chủ quan với hạt nhân là cái tôi trữ tình làm nguyên tắc chủ yếu trong phản ánh và biểu hiện. Các nhà nho Cần vương vốn là những tác giả nằm trong phạm trù văn học trung đại, bởi vậy, việc vận dụng bút pháp trữ tình trong sáng tác của các tác giả đó cũng không nằm ngoài phạm trù này.

Văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm vốn đã đạt được rất nhiều thành tựu trong các giai đoạn trước của văn học trung đại. Đến giai đoạn này (nửa cuối thế kỷ XIX), với việc sử dụng bút pháp trữ tình các nhà nho đã có những sự lựa chọn phù hợp. Bút pháp trữ tình chủ yếu được thể hiện trong sự gắn liền với các thể thơ. Các tác giả chỉ trữ tình ở bộ phận thơ chữ Hán, với một khối lượng tác phẩm trữ tình khá đồ sộ. Rõ ràng, về mặt hình thức biểu hiện, các nhà nho đã rất chú ý sự lựa chọn để tạo sự tương thích về nội dung biểu hiện. Dường như, đối với các nhà nho, thơ chữ Hán là hình thức thích hợp hơn cả cho phong cách trữ tình hướng nội, cho sự biểu hiện những cái sâu lắng, kín đáo trong tâm hồn, để nhân vật trữ tình được bộc chí, tỏ lòng.

Sáng tác bằng chữ Hán, các nhà nho Cần vương trữ tình chủ yếu theo lối trực tiếp, gắn với hình thức độc thoại trữ tình trong thơ. Hình tượng chủ thể trữ tình hiện lên trực tiếp qua việc sử dụng những công thức trữ tình quen thuộc trong thơ ca trung đại như: Thuật hoài, Thuật hứng, Cảm tác, Cảm thuật,... và điều này được các tác giả thể hiện ngay ở tựa đề các tác phẩm. Nguyễn Xuân Ôn có: Bột hứng, Thuật hối, Thuật hoài (6 bài), Cảm thuật (7 bài), Cảm tác (8 bài),..; Nguyễn Quang Bích có: Quá Lưu quân đệ trạch cảm tác, Đoan Dương cảm tác, Độc Chu Thiết Nhai khíp trung giản hữu thư cảm tác, Ngẫu tác,…; Phan Đình Phùng có: Thắng trận hậu, cảm tác, Kiến ngụy binh thi, cảm tác.

Trữ tình theo lối gián tiếp, các nhà nho Cần vương hướng ngòi bút của mình tới những đối tượng khách thể để miêu tả, để ngợi ca (đối với những tấm gương trong lịch sử, trong sử sách), hoặc để tố cáo, lên án (đối với những bè lũ phản bội, đầu hàng). Thực ra, sáng tác của các nhà nho Cần vương vào bất kỳ lúc nào, ở thể loại nào, với hình thức trữ tình nào cũng đều bao hàm một tiếng lòng chân tình trước những cảnh tượng trước mắt hay bên mình. Bao trùm lên Ngư phong thi tập của Nguyễn Quang Bích, Ngọc Đường thi tập của Nguyễn Xuân Ôn và các sáng tác của các nhà nho Cần vương khác vẫn là nhân tố trữ tình với tiếng nói trữ tình chan chứa.

Biến cố lớn trong lịch sử dân tộc đã tác động sâu sắc đến tư tưởng và tình cảm mọi người, không loại trừ một ai. Những tư tưởng, tình cảm lớn lao và chân chính của thời đại, của nhân dân đã tiếp thêm tiếng nói trữ tình trong văn học, để rồi, dù là tố cáo hay ca ngợi, tâm sự hay hoài bão cá nhân, kêu gọi, thúc giục hay trần tình… đều không thể không chứa chan tình cảm, dạt dào xúc động. Thiên nhiên, thời gian, không gian, kỷ niệm… chính là chất xúc tác cho tâm trạng của nhân vật trữ tình, và qua tâm trạng, cảm xúc, nỗi niềm của nhân vật trữ tình là sự hiển hiện của một mẫu hình lý tưởng mà văn học nhà nho hướng đến.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 123 - 126)