Văn học phân hóa thành nhiều khuynh hướng, nhiều tư trào khác nhau

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 26 - 30)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

1.1.3. Văn học phân hóa thành nhiều khuynh hướng, nhiều tư trào khác nhau

khác nhau

Có thể nói rằng, lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX là lịch sử của phong trào đấu tranh chống xâm lược, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc - một cuộc kháng chiến lâu dài và khốc liệt. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến tiến trình vận động cũng như đặc điểm, tính chất của văn học nước nhà. Văn học là một sản phẩm tinh thần của xã hội, phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, mang đậm dấu ấn thời cuộc. Văn học giai đoạn này phát triển trong sự gắn bó chặt chẽ với các diễn biến của lịch sử, chịu sự chi phối sâu sắc của đời sống chính trị, xã hội. Quá trình vận động đã tạo ra nhiều khuynh hướng, nhiều dòng mạch văn chương rất khác nhau, đem đến sự sinh động, đa dạng và phong phú cho lịch sử văn học giai đoạn này.

Khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp được kể đến trước tiên bởi đây là khuynh hướng có tính chất chủ đạo, phát triển một cách liên tục và phong phú ngay từ đầu. Yêu nước vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc. Trải qua hàng chục thế kỷ chống ngoại xâm, từ buổi đầu dựng nước cho đến khi có văn học thành văn, nhân dân ta luôn thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt của mình. Ðến nửa cuối thế kỷ XIX, khi Pháp sang xâm lược, truyền thống yêu nước vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc lại có dịp bùng lên một cách mạnh mẽ. Văn học chống Pháp ra đời đã kế thừa một cách tốt đẹp truyền thống yêu nước đó và có những bước phát triển phù hợp với hoàn cảnh mới của lịch sử. Văn thơ yêu nước đã vạch trần những luận điệu hèn nhát, bỉ ổi của triều đình, bọn vua quan vô trách nhiệm, bè lũ Việt gian bán nước thành những bản án đanh thép hoặc những trang châm biếm sắc sảo. Văn thơ còn là lời kêu gọi nhân dân đoàn kết chiến đấu và là lời ca ngợi cuộc chiến đấu của

nhân dân, ca ngợi những tấm gương yêu nước. Có thể nói, văn chương lúc này đã trở thành một phương tiện hữu hiệu để kích động sĩ dân, khơi gợi lòng tự trọng giống nòi, nuôi dưỡng nghĩa khí của mọi người dân nước Việt. Một loạt các văn phẩm nổi tiếng được lan truyền nhanh chóng, rộng khắp như:

Hịch đánh Tây của Lãnh Cồ, Biểu trần tình của Hoàng Diệu, Phú kể tội Pháp đánh Bắc kỳ lần I của Phạm Văn Nghị, Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây của Nguyễn Ðình Chiểu, Hà thành thất thủ ca, Hà thành chính khí ca, Vè thất thủ kinh đô… Ngoài ra, văn chương còn phản ánh tâm lý đau xót của nhân dân trước cảnh nước mất, nhà tan, cũng là tâm tình của những người tham gia chiến đấu chống Pháp (bài Cảm tác của Phan Văn Trị, Vè thất thủ kinh đô của nhân dân Huế, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Ðình Chiểu…). Các tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng văn học này là Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng,… họ đều coi sáng tác cũng là hành động giết giặc, cầm bút cũng là cầm gươm, cầm súng chiến đấu. Khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp thực sự đã đem đến cho văn học một luồng sinh khí mới, một sức sống mới.

Sau khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp là khuynh hướng văn học hiện thực - trào phúng. Khuynh hướng này có quan hệ chặt chẽ với khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp. Các nhà văn thuộc khuynh hướng này ban đầu sáng tác thơ văn yêu nước nhưng về sau, khi phong trào kháng Pháp thất bại, Pháp chiếm toàn bộ đất nước ta, xã hội bộc lộ những chướng tai gai mắt nên các nhà văn này đã dùng ngòi bút của mình để phơi bày những mặt trái của xã hội bằng khiếu hài hước nhạy bén của mình. Họ đã lấy việc tố cáo hiện thực làm phương tiện để gây căm thù nhằm mục đích kêu gọi chiến đấu. Khuynh hướng này phát triển thành một khuynh hướng độc lập, tuy không đông đúc như khuynh hướng yêu nước chống Pháp nhưng

cũng khá đa dạng, phát triển khắp trong Nam ngoài Bắc. Các tác giả tiêu biểu của khuynh hướng này là Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Học Lạc, Nguyễn Thiện Kế, Tú Quỳ, Kép Trà, Trần Tích Phiên…, mỗi người một giọng, một lối trào phúng riêng nhưng đều tập trung vào chỗ đánh địch, chống đầu hàng. Bên cạnh thơ văn trào phúng của các nhà nho danh tiếng đó còn có một mảng sáng tác rất quan trọng khác cũng với nội dung như vậy nhưng lại không lưu tên tác giả. Đó là sáng tác của những tác giả dân gian, của loại truyện Ba Giai Tú Xuất mang chất tố cáo hết sức quyết liệt, mạnh bạo, dứt khoát. Khuynh hướng này sáng tác hầu hết bằng tiếng Việt, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc.

Bên cạnh các khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp, văn học hiện thực trào phúng còn có nhiều khuynh hướng, nhiều mạch cảm hứng khác rất đáng lưu ý. Chẳng hạn, khuynh hướng văn học trữ tình - lãng mạn, khuynh hướng văn học “nô dịch”,…

Khuynh hướng văn học trữ tình - lãng mạn ra đời và phát triển song song với khuynh hướng hiện thực trào phúng. Ða số các nhà thơ thuộc khuynh hướng này đều xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến suy tàn, mang tâm lý hưởng lạc, cá nhân, tùy thời. Trong bối cảnh chung là sự thất bại của phong trào chống Pháp và việc đặt ách thống trị của Pháp lên đất nước ta, một số người ra làm quan cho thực dân Pháp, mục đích để hưởng lạc cá nhân chứ không đàn áp phong trào kháng chiến, một số khác thoát ly vào thơ, rượu, vào mộng, vào tình yêu… Khuynh hướng này thường viết về thiên nhiên, thời thế, tâm trạng, thỉnh thoảng có bày tỏ nỗi lòng yêu nước thầm kín nhưng chủ yếu nói về cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc của họ, tìm ý thơ theo “nhịp phách trống chầu” (nghệ thuật ca trù). Các tác giả tiêu biểu của khuynh hướng này như Dương Lâm, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh… Sáng tác của họ thường bằng chữ Nôm nên đã có những đóng góp nhất định trong việc trau dồi ngôn ngữ

dân tộc. Thỉnh thoảng họ cũng có một số bài thơ viết bằng thể thơ lục bát của dân tộc, không đắm chìm trong hưởng lạc mà ghi lại những giây phút rung động, trong sáng của tâm hồn.

Khuynh hướng văn học “nô dịch” là khuynh hướng thân Pháp, gắn bó với thực dân Pháp, tiêu biểu như Trương Vĩnh Ký, Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải,... Mặt tiêu cực của khuynh hướng này là ca ngợi người Pháp, bênh vực biện hộ cho chủ nghĩa thực dân Pháp; mặt tích cực đáng nói là ý thức cầu tiến, muốn cải cách văn hóa văn học dân tộc theo hướng đi về hiện đại, gắn với mô hình của phương Tây. Khuynh hướng văn học “nô dịch” trước đây bị lên án, phê phán nặng nề. Nay cần phải đánh giá, xem xét lại một cách khách quan, công bằng hơn. Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,… có những sáng tác, những công trình khảo cứu, biên soạn bằng chữ Quốc ngữ công phu, có giá trị, chuẩn bị cho nền văn học Quốc ngữ giai đoạn sau.

Hướng nhân bản truyền thống hay hướng cải cách, đổi mới không “nhóm” các hiện tượng thành những khuynh hướng văn học nhưng có sự đan xen, xuyên thấm vào các hướng cảm hứng khác. Có những tác giả có sáng tác mang đầy ý nghĩa nhân bản như thơ văn của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm nhưng khó có thể xếp vào một khuynh hướng văn học nào. Có những bản điều trần, những tập luận văn, những tác phẩm có giá trị mang tư tưởng canh tân tự cường đất nước của một số trí thức đương thời có nhãn quan thấu suốt, suy nghĩ sâu xa vượt trước thời đại trên nhiều phương diện, tiêu biểu như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ… nhưng cũng chưa có tính thống nhất để hình thành một khuynh hướng văn học.

Nhìn một cách tổng quát, sự phát triển của văn học Việt Nam giai đoạn này rất phức tạp, các biến cố lịch sử đã cuốn theo, chi phối sâu sắc sự vận động của văn học. Rất khó để có thể phân biệt, xếp loại rành mạch các phong trào, các dòng, các khuynh hướng văn học. Trong một khuynh hướng

văn học cũng bao gồm trong đó nhiều chi lưu, nhiều nhánh khác nhau. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, đây là giai đoạn nở rộ của thơ văn yêu nước. Khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp vẫn tỏ ra vượt trội, trở thành dòng chủ lưu của văn học dân tộc giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Khuynh hướng này được truyền tụng rộng rãi và thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng cũng như sĩ phu cả nước. Sở dĩ như vậy vì văn thơ đã trở thành một bộ phận thiết yếu của đời sống, liên quan đến số phận của mọi thành viên trong xã hội. Đây không còn là chuyện của một ai, của riêng nhà nào, mà là chuyện của cả dân tộc, liên quan đến toàn thể cộng đồng. Sức ảnh hưởng của khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp đã được khẳng định bằng sự xuất hiện của tư trào văn học Cần Vương - một hiện tượng lớn trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w