Sự thống nhất của mẫu hình con người trung nghĩa trong sáng tác của

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 86 - 90)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

2.2.2. Sự thống nhất của mẫu hình con người trung nghĩa trong sáng tác của

tác của các nhà nho Cần vương

Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần vương dù được khẳng định qua những lời “tỏ chí”, “trần tình”, “tự thuật”, “cảm thuật”, qua những điều tâm niệm được tự bạch, tự răn, tự giãi bày, tự đối thoại, tự khẳng định với muôn dạng sắc thái ở hình tượng chủ thể trữ tình hay qua những hình tượng nhân vật khách thể được miêu tả trong sáng tác đều là những nhà nho giữ tròn khí tiết, sống đúng theo đạo lý của nho gia. Dẫu rằng lý tưởng tôn quân cũng như lý tưởng yêu nước lúc bấy giờ đã lâm vào bi kịch nhưng các nhà nho Cần vương vẫn xây dựng thành công hình tượng người trung nghĩa khi họ biết dựa vào truyền thống văn hóa - tư tưởng - đạo đức dân tộc và coi đó như là ý thức hệ xã hội, họ biết dựa vào triết lý nhân sinh cao cả của con người Việt Nam: “đặt nghĩa lớn đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, lên trên tính mạng của mình; đặt vinh dự dân tộc và vinh dự làm người lên trên sự an nhàn ích kỷ, trên sự suy tính tầm thường” [15; 25]. Mẫu người trung nghĩa của thời đại này đều chưa thể thoát khỏi bóng dáng của chữ “trung” của nho giáo, họ đề cao đạo lý cương thường, họ hành xử như một bậc chân nho: nhận mệnh vua thì quên nhà, quên mình, lấy cái chết để đền đáp ơn vua, tuân theo lệnh vua để chứng tỏ được lòng yêu nước. Tuy nhiên, họ không phải là những bậc hủ nho để rồi cố sống cố chết tôn thờ một ông vua, dẫu ông vua ấy không ra gì. Lớp nho sỹ Cần vương giữ chữ “trung” kèm

theo điều kiện ông vua chi phối tư tưởng và mọi hành động của họ phải là ông vua yêu nước, trung với nước, nhược bằng vua không trung với nước thì thần tử có quyền không tuân theo mệnh vua, thậm chí có cả quyền xướng nghĩa nữa. Họ cố giữ lấy nền tảng tư tưởng nhà nho làm gốc rễ nhưng hành động của họ lại cho thấy sự chi phối một cách triệt để bởi tình cảm quốc dân sâu nặng. Chữ trung dưới cái nhìn của lớp nhà văn, nghĩa sĩ Cần vương như là một thứ vũ khí cổ truyền để làm việc nghĩa - chính là cuộc chiến chống lại kẻ thù, bảo vệ từng tấc đất tổ quốc. Bởi vậy, vẻ đẹp trung nghĩa của con người thời đại này cũng chính là vẻ đẹp của lòng yêu nước, thương dân, vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng.

Đạo lí vua tôi đã tạo nên nguồn động lực mạnh, thúc giục hành động vì nghĩa của con người thời đại Cần vương, với họ “việc nghĩa là bổn phận làm dân đối với nước, làm tôi đối với vua, làm con cháu đối với tổ tiên, làm bạn đối với bạn. Việc nghĩa là là việc cứu khốn, phò nguy, đỡ hèn giúp yếu” [15; 24]. Và để làm việc nghĩa trong những cảnh huống ngặt nghèo nhất của đất nước họ đã “ném bút nghiên cầm gươm giáo”, đánh giặc, cứu nước, cứu dân. Đó là cách hành xử hợp lẽ, đúng đắn của các văn nho thời đại này, lý tưởng vì nghĩa mà sẵn sàng hy sinh sự sống quý giá, tư tưởng “việc nghĩa phải làm không kể đến thành bại” là những gì người ta thấy ở các văn thân - chiến sỹ ấy. Văn chương đã ghi lại một cách đẹp đẽ và chân thực về hình ảnh những nghĩa binh đã dấy quân, hưởng ứng chiếu Cần vương. Họ là những tấm gương về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất, về tấm lòng trung trinh ngời rạng tựa trăng sao.

Những con người trung nghĩa ấy không chỉ thống nhất ở hành động quên mình vì nghĩa mà còn mang chung một mối quan hoài lớn lao về đất nước, về đạo lý làm người. Họ xuất hiện trong thơ văn với tư cách những con người phản tỉnh, tự trách, tự thẹn mình trước yêu cầu của lịch sử thời đại. Tình thế

đã làm cho lý tưởng của những nhà nho yêu nước ấy không thể thực hiện được, ý thức về cái chí chưa thành, hiểu được sự hữu hạn của con người trong lịch sử, các nhà nho ấy tránh sao nổi những xót xa, những trở trăn, dằn vặt. Có thể xem bài “Lâm chung thời tác” (Làm lúc sắp mất) của Phan Đình Phùng là tiếng nói tiêu biểu cho ý thức phản tỉnh đó của một lớp nhà văn Cần vương. Tinh thần phản tỉnh trong hầu hết các sáng tác đã chứng tỏ cái nhìn mới, tiến bộ về con người và thời đại của những bậc chân nho. Con người được quan niệm theo một tiêu chuẩn vừa rất truyền thống, vừa hết sức mới mẻ, đó vừa là con người bổn phận luôn canh cánh ba chữ “nợ quân thân”, luôn hành xử hợp lẽ cương thường, vừa là con người tự nhiệm trước lịch sử, con người yêu nước, thân dân, bất khuất, kiên trì chiến đấu, trọng danh dự, không từ chối làm việc nghĩa.

Dẫu vậy, cái khí khái của văn thân, nho sỹ của một thời Cần vương chống Pháp vẫn ngút đầy trong thơ văn, đối với họ, cuộc sống có ý nghĩa chỉ khi nó gắn với sự vẹn toàn danh tiết, tạo được danh thơm có sức truyền lưu thiên cổ. Danh tiếng được quan niệm ở đây quyết không phải là tư tưởng háo danh tầm thường, đó là danh thơm, tiếng tốt có được từ cuộc đời trượng nghĩa, từ cách hành xử của họ khi đối mặt với kẻ thù trong cuộc chiến chống xâm lược, từ sự lựa chọn rất rõ ràng giữa sống và chết, từ quan niệm về thành công và thất bại. Ta bắt gặp một Nguyễn Duy Cung với tinh thần bất khuất khi đối diện với cái chết: “Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa/ Không làm người đeo mặt ngựa đầu trâu.” (Nguyễn Duy Cung - Hịch kêu gọi chống Pháp), một Nguyễn Quang Bích với thái độ dứt khoát trước lẽ sống chết:

“Rồi nếu thắng, mà sống, thì là nghĩa sĩ của triều đình nhưng chẳng may mà thua, mà chết thì cũng là quỷ thiêng giết giặc.” (Nguyễn Quang Bích - Thư trả lời quân Pháp), một Nguyễn Cao với tinh thần “thà chết trong còn hơn sống đục, thà chết đứng chứ không sống quỳ”:

Sống mà bị chìm đắm trong vòng dê chó, Thà chết đi cùng trời đất đi về.

Sống mà làm vật thừa thịt bưỡu cõi nhân thế,

Thà chết đi mà làm cành quỳnh hoa ngọc nơi nước đẹp non kì.

(Tự phận ca)

Mỗi người hành xử theo một cách riêng nhưng đều chung quan niệm về lẽ sống - chết, đó là sẵn sàng “chết vinh” chứ không chấp nhận “sống nhục”, sống hay chết đều phải giữ được lòng trung nghĩa, phải đánh giặc đến cùng, làm tròn trách nhiệm đối với đất nước để không hổ thẹn với lương tâm, với đồng bào, với tổ tiên. Quan niệm đó cho thấy vẻ đẹp trong tâm hồn, khí phách của người nghĩa sĩ Cần vương. Họ đã vượt lên trên danh lợi tầm thường, hướng bản thân về đất nước trầm luân, họ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì nghĩa lớn trong tinh thần quật cường, bất khuất. Đánh giá về họ - con người thời loạn, lẽ dĩ nhiên không thể theo tiêu chuẩn thắng, thua đơn thuần mà phải dựa trên tiêu chuẩn vì nghĩa. Họ xứng đáng là những anh hùng của thời đại, những người anh hùng với sứ mệnh “việc nghĩa phải làm không kể đến thành bại”.

Có thể nói, mẫu hình con người trung nghĩa được khắc họa trong sáng tác của các nhà văn Cần vương không chỉ thừa hưởng những nét đẹp vốn dĩ đã trở thành đạo đức truyền thống của nhà nho là “trung quân ái quốc” mà đặc biệt hơn là được xây dựng trên tinh thần phản tỉnh nghiêm túc của lớp nhà nho hành đạo đầy tinh thần trách nhiệm nhưng mang những bi kịch chung của thời đại. Sự thống nhất về mẫu hình này trong sáng tác của các nhà nho Cần vương chính là ở vẻ đẹp của những con người luôn tuân thủ đạo đức nhà nho, sống chết đến cùng vì nghĩa lớn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xả thân thủ nghĩa, làm hết phận sự của mình, nhưng cuối cùng vẫn tự trách mình, lấy làm hổ thẹn với người anh hùng.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w