3.2.2.1 Chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch thanh tra thuế hàng năm
Từ những bất cập trong công tác lập kế hoạch thanh tra thuế hàng năm nêu trên, theo ý kiến của tác giả, để nâng cao được chất lượng của công tác xây dựng kế hoạch, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện các giải pháp sau:
- Tổ chức rà soát, cập nhật lại mã ngành nghề đúng theo thực tế hoạt động SXKD của doanh nghiệp để đảm bảo việc so sánh giữa các đơn vị cùng ngành nghề được phù hợp, đảm bảo việc tính toán các chỉ tiêu bình quân ngành được chính xác
làm cơ sơ cho việc phân tích, đánh giá rủi ro. Mã ngành nghề chính xác thì kế hoạch theo chuyên đề sẽ đúng đối tượng.
Chẳng hạn như, doanh nghiệp khai thác khoáng sản đá và doanh nghiệp khai thác cát phải được phân vào 2 nhóm khác nhau để phân tích rủi ro và xác định chỉ tiêu bình quân ngành về thu nhập chịu thuế, chi phí... được phù hợp.
- Có cơ chế giám sát các đơn vị trong toàn ngành nhập đầy đủ và chính xác dữ liệu vào các ứng dụng tin học (ứng dụng TTR và BCTC, QLT...); cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu thông tin và những thay đổi về người nộp thuế như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi, giấy phép khai thác... để tăng hiệu quả cho việc sử dụng ứng dụng TPR hỗ trợ cho công tác lập kế hoạch thanh tra hàng năm đạt hiệu quả cao hơn.
- Ngoài số lượng các tiêu chí tĩnh bắt buộc trong công tác phân tích, đánh giá rủi ro theo các văn bản của Tổng cục Thuế (từ năm 2012 là 16 tiêu chí tĩnh và từ năm 2014 là 21 tiêu chí tĩnh), thì các tiêu chí động phải được nghiên cứu để thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế ở từng giai đoạn để đảm bảo thanh tra đúng đối tượng, đúng trọng tâm.
- Bổ sung các tiêu chí nhận diện các doanh nghiệp có khả năng phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết dựa vào các căn cứ sau:
+ Thông tin từ hồ sơ đăng ký kinh doanh về các bên tham gia góp vốn vào doanh nghiệp, số vốn góp, tỷ lệ vốn góp, thời điểm góp vốn: Mục đính nhằm xác định có hay không có quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với các bên tham gia góp vốn theo hướng dẫn tại Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính: “Hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết”.
+ Thông tin từ chỉ tiêu các khoản đầu tư tài chính dài hạn trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp: Mục đích nhằm xác định doanh nghiệp có bỏ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác hay không, từ đó xem xét có quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với bên nhận vốn góp hay không.
+ Thông tin từ hồ sơ kê khai thuế GTGT: xác định có doanh nghiệp nào cung cấp trên 50% giá trị nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa đầu vào để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp hay không hoặc đầu ra có bán cho doanh nghiệp nào với giá trị trên 50% tổng sản phẩm bán ra hay không để xác định các doanh nghiệp có quan hệ liên kết và giao dịch liên kết.
3.2.2.2 Nâng cao chất lượng của công tác chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra thuế tại các doanh nghiệp
Qua công tác thống kê và thanh tra thực tế, có thể nhận thấy nếu thực hiện tốt công tác chuẩn bị, phân tích chuyên sâu bao nhiêu thì chất lượng của cuộc thanh tra được nâng lên và thời gian của cuộc thanh tra được rút ngắn bấy nhiêu. Trong thời gian qua, mặc dù Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm để nâng cao chất lượng của công tác này, tuy nhiên để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cuộc thanh tra cần phải thực hiện thêm một số giải pháp cụ thể sau:
- Công tác phân tích chuyên sâu tuy đã được phân công danh sách doanh nghiệp cụ thể đến từng công chức để chịu trách nhiệm chính, tuy nhiên nên thành lập từng nhóm từ 2 đến 3 công chức, mỗi nhóm có một nhóm trưởng (Nhóm trưởng phải là người có kinh nghiệm, có khả năng phân tích, tổng hợp) và phân công nhóm thực hiện phân tích chuyên về một nhóm ngành nghề. Trên cơ sở đó vừa có trách nhiệm của từng cá nhân theo hồ sơ được phân công, vừa phát huy được phương pháp làm việc nhóm và vừa nghiên cứu sâu về một nhóm ngành đã được phân công phân tích.
- Tìm hiểu đặc điểm của từng ngành nghề có ảnh hưởng đến công tác kế toán của người nộp thuế (Ví dụ: ngành khai thác đá granite sẽ có mối liên quan giữa lượng thuốc nổ đưa vào để nổ mìn và lượng điện tiêu thụ để cưa sẻ đá do vậy khi kiểm tra phải lưu ý hai loại chi phí này để xác định tính chính xác của số liệu về doanh thu và tài nguyên nguyên khai mà doanh nghiệp đã kê khai; Ngành xây dựng với đặc điểm nghiệm thu theo tiến độ hoàn thành công trình, hạng mục công trình như vậy cần lưu ý việc doanh thu, chi phí có được ghi nhận tương ứng hay không thông qua một số khoản như người mua trả tiền trước, chi phí SXKD dở dang cuối kỳ lớn...). Tập hợp các văn bản về thuế và các văn bản khác có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của người nộp thuế. Xem xét tài liệu kiểm tra, thanh tra các kỳ trước và các thông tin, tài liệu từ các cơ quan ban ngành khác.
- Rà soát hồ sơ thuế GTGT hàng tháng: kiểm tra các căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế GTGT phải nộp, thuế GTGT được hoàn…, cụ thể:
+ Rà soát các mặt hàng bán ra trên bảng kê bán ra có bất thường hay không; + Đối chiếu bảng kê mua vào bán ra giữa các tháng với nhau để có sự so sánh về chi phí, doanh thu kê khai;
+ Đối chiếu số lượng thành phẩm nhập kho trên bảng kê hàng hóa nhập xuất tồn kho với các chi phí tiền điện, nước, tài nguyên nguyên khai… theo định mức đã kê khai;
+ Kiểm tra việc khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn mua vào có đúng theo quy định hay không, có dùng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn hay doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không để tập trung kiểm tra và đấu tranh xử lý khi tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp.
- Rà soát hồ sơ khai thuế TNDN tạm tính theo quý, hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm:
+ Kiểm tra căn cứ tính thuế TNDN: thuế suất, chế độ ưu đãi thuế TNDN, doanh thu, chi phí…;
+ Đối chiếu doanh thu trên tờ khai thuế hàng tháng so với doanh thu kê khai quyết toán thuế;
+ Đối chiếu so sánh đơn giá bán thành phẩm/ tài nguyên, tỷ lệ lợi nhuận so với các doanh nghiệp khác cùng địa bàn, cùng quy mô, cùng địa điểm khai thác tài nguyên;
+ Kiểm tra chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN.
- Rà soát tờ khai thuế tài nguyên, Phí BVMT hàng tháng và quyết toán năm: + Kiểm tra căn cứ tính thuế tài nguyên và Phí BVMT: sản lượng tài nguyên khai thác, giá tính thuế, thuế suất;
+ Đối chiếu số lượng tài nguyên kê khai tính thuế giữa tờ khai thuế tài nguyên và tờ khai phí BVMT;
+ Kiểm tra chủng loại tài nguyên kê khai thuế;
+ Đối chiếu so sánh đơn giá kê khai thuế tài nguyên của doanh nghiệp kê khai với giá uỷ ban tỉnh quy định và của các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, cùng quy mô và cùng nơi khai thác;
+ Tiến hành xác minh hóa đơn bán ra ở các doanh nghiệp cung cấp vật tư (nổ mìn, cắt cưa đá, segmnet…) phục vụ cho khai thác của doanh nghiệp đang chuẩn bị thanh tra để có số liệu đối chiếu, so sánh chi phí sử dụng vật tư có liên quan đến việc khai thác của doanh nghiệp, có phù hợp với định mức chi phí mà doanh nghiệp đã đăng ký hay không.
+ Thông tin về tình hình tuân thủ pháp luật thuế: Doanh nghiệp có vi phạm về thuế tài nguyên qua biên bản thanh tra, kiểm tra trước đó hoặc những lưu ý trong biên bản, báo cáo đánh giá cuộc thanh tra ở các niên độ trước để rà soát lại xem doanh nghiệp đã khắc phục được những sai phạm này hay chưa?
- Cần nâng cao kỹ thuật phân tích BCTC, Hồ sơ khai thuế bằng các phương pháp phân tích sâu như sau:
+ Phân tích theo chiều ngang: là phân tích diễn biến của từng chỉ tiêu (theo số
tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ) trong bản cân đối kế toán, báo cáo thu nhập qua một số năm (thường là từ 3 đến 5 năm). Sự phân tích này cho thấy xu hướng biến đổi của từng chỉ tiêu qua các năm. Từ đó phát hiện những bất hợp lý hoặc những bất thường trong từng chỉ tiêu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra rủi ro về thuế.
+ Phân tích theo chiều dọc: là sự phân tích diễn biến của mỗi chỉ tiêu trong bản
cân đối kế toán bằng tỷ lệ % trên tổng tài sản và diễn biến của mỗi chỉ tiêu trong báo cáo thu nhập bằng tỷ lệ % trên doanh thu. Phân tích theo chiều dọc có thể sử dụng cho một năm (biểu hiện quan hệ cơ cấu giữa các chỉ tiêu trong năm), có thể sử dụng cho một giai đoạn nhiều năm (biểu hiện xu hướng chuyển dịch cơ cấu giữa các chỉ tiêu qua các năm). Qua phân tích xu hướng biến đổi cơ cấu trong nhiều năm có thể xác định được các thay đổi căn bản trong xu thế, các bất hợp lý trong cơ cấu, trong từng chỉ tiêu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra rủi ro về thuế.
+ Phân tích tỷ suất: là phân tích mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều mục trong
báo cáo tài chính. Tỷ suất tài chính thường được phản ánh bằng tỷ lệ phần trăm hoặc số lần. Tỷ suất thường rất có ích khi so sánh chính người nộp thuế này qua các thời kỳ khác nhau hoặc so sánh cùng thời kỳ với các người nộp thuế khác hoặc số liệu chuẩn của ngành. Các tỷ suất thường được áp dụng: Các hệ số thanh khoản (đo lường khả năng đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn của công ty); Các tỷ suất sinh lời (đo lường khả năng quản lý trong kiểm soát chi phí và thu lợi nhuận đối với các nguồn lực dành cho kinh doanh); Các tỷ suất đòn bẩy (đo lường mức độ bảo hộ của việc cung cấp nguồn tài chính dài hạn và cũng là công cụ trợ giúp cho việc đánh giá khả năng của công ty trong việc huy động các khoản vay nợ bổ sung và năng lực trả nợ kịp thời của công ty); Các tỷ suất hiệu quả (cung cấp thông tin về khả năng quản lý trong kiểm soát chi phí và thu lợi nhuận từ các nguồn lực dành cho kinh doanh); các tỷ suất về thuế (cung cấp thông tin về tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp).
- Cần tăng cường thu thập thông tin từ các bên thứ 3 ngay trong quá trình phân tích như: thông tin về các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng quy mô để làm cơ sở so sánh, thông tin từ các cơ quan như Hải Quan về tờ khai hàng xuất nhập khẩu, thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Tài nguyên và Môi Trường về định mức kỹ thuật và các
hồ sơ pháp lý...các thông tin sẽ là cơ sở để đối chiếu, so sánh và đưa ra những nhận định về việc kê khai thuế của doanh nghiệp chuẩn bị thanh tra một cách khái quát nhất, từ đó sẽ đưa ra những định hướng cần tập trung trong quá trình thanh tra.
- Xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm cần thanh tra. Xây dựng đề cương yêu cầu người nộp thuế báo cáo, giải trình và cung cấp tài liệu. Xây dựng kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra bao gồm: mục đích, yêu cầu, nội dung thanh tra, phương pháp tiến hành thanh tra, dự kiến phân công, tiến độ thực hiện, chế độ thông tin báo cáo, điều kiện vật chất đảm bảo thực hiện cuộc thanh tra, những vấn đề khác.
- Yêu cầu các đoàn thanh tra tại doanh nghiệp phải phối hợp với nhóm phân tích để rà soát lại kết quả thanh tra thực tế và kết quả phân tích, trên cơ sở đó đánh giá những mặt đã phân tích tốt, nhưng điểm chưa được đưa ra trong bài phân tích nhưng qua thanh tra thực tế đã phát hiện... để đúc kết kinh nghiệm từ đó nâng cao trình độ của công chức
3.2.2.3 Tập hợp các dấu hiệu sai phạm và kỹ thuật kiểm tra phát hiện để phát hiện các sai phạm nhằm tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra
Để tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra tại trụ sở doanh nghiệp, theo tác giả các công chức thuế cần nắm bắt và sử dụng thành thạo các kỹ thuật của thanh tra được nêu ra dưới đây:
a. Tiếp xúc ban đầu
Tiến hành phỏng vấn người có thẩm quyền của người nộp thuế để nắm bắt các vấn đề liên quan đến thanh tra như:
- Thông tin về doanh nghiệp
+ Loại hình doanh nghiệp (sản xuất, xây dựng; dịch vụ; thương mại). Hình thức sở hữu (Doanh nghiệp nhà nước; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Doanh nghiệp cổ phần hoá; Công ty TNHH; Doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể)
+ Trụ sở chính, các địa điểm kinh doanh, sơ đồ cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, nơi lưu giữ chứng từ, sổ sách kế toán.
+ Quy trình sản xuất, kinh doanh
- Thông tin về tài chính kế toán và kinh doanh:
+ Thời điểm kết thúc năm tài chính, hình thức và hệ thống sổ sách kế toán được áp dụng. + Ý kiến và hồ sơ của các đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính (nếu có).
+ Xác định tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh và liệt kê các sản phẩm hoặc dịch vụ chính, các nhà cung cấp (người bán) và các khách hàng chính (người mua).
+ Quy trình luân chuyển chứng từ.
- Mối quan tâm, các vướng mắc của doanh nghiệp về lĩnh vực thuế
+ Các sắc thuế, mức thuế, thông tin về dịch vụ của ngành thuế,
+ Các văn bản hướng dẫn chính sách thuế có liên quan đến doanh nghiệp hoặc ngành nghề, lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động.
b. Quan sát
Lập kế hoạch và tiến hành quan sát để thu được bằng chứng bằng cách liên hệ giữa thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế với các thông tin kế toán. Thông qua việc quan sát thực tế các hiện tượng như vậy, đoàn kiểm tra, thanh tra đã có ghi nhận ban đầu về tính hiện hữu của các hiện tượng này. Việc quan sát được thực hiện trên giác độ phân tích tác động của những hiện tượng này đối với hoạt động kế toán và ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, thanh tra.
Tham quan cơ sở doanh nghiệp:
- Ghi chép thông tin liên quan đến cuộc kiểm tra, thanh tra, khẳng định xem dịch vụ, hàng hoá sản xuất có đúng được mô tả trong quá trình phỏng vấn không?
- Lưu tâm những bằng chứng về kê khai thiếu doanh thu từ các nguồn phụ trợ (Ví dụ: phế liệu trong ngành chế biến hải sản, ngành đóng và sửa chữa tàu biển...).
Mục đích nhằm so sánh, đối chiếu với đề cương, kế hoạch đã xây dựng để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.
c. Yêu cầu cung cấp thông tin
Đoàn thanh tra phải đặt ra nhiều câu hỏi và các yêu cầu giải trình, quá trình hỏi – đáp cả dưới dạng văn bản chính thức và trao đổi thông thường. Tất cả các câu trả lời và giải trình đều phải được chứng minh bằng tài liệu, chứng từ có giá trị pháp lý.
Chẳng hạn như sử dụng danh mục câu hỏi về kiểm soát nội bộ để thu được thông tin về các quy trình kiểm soát do các nhân viên doanh nghiệp mô tả hoặc xem xét các chữ ký,