3.2.1.1 Tổ chức, phân công lại bộ máy quản lý
- Tổ chức bộ máy thanh tra thuế theo hướng chuyên sâu theo ngành hoặc lĩnh vực
Cục thuế nên tổ chức thành lập một số bộ phận trong phòng hoặc một số phòng thanh tra khác nhau theo hướng phân công công tác thanh tra chuyên hoạt động theo nhóm, ngành (công nghiệp, khai thác khoáng sản, thương nghiệp, dịch vụ,...) tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ làm công tác thanh tra chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin về nhóm ngành kinh tế mình phân công để vận dụng tốt nhất từ công tác phân tích thông tin, rủi ro, đến hoạt động thanh tra.
- Tổ chức bộ máy thanh tra thuế tại Chi cục Thuế
Chi cục Thuế là một cấp hành chính (cơ quan quản lý thuế trực tiếp) theo Luật quản lý thuế, vì vậy cũng có chức năng thanh tra thuế. Hiện nay, Chi cục thuế chỉ được thực hiện chức năng kiểm tra thuế. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế đồng bộ, thống nhất từ cơ quan quản lý Thuế cấp trung ương đến địa phương theo đúng quy định Luật quản lý Thuế, cần thiết phải giao chức năng, thẩm quyền thanh tra thuế cho Chi cục Thuế.
- Bổ sung chức năng điều tra và khởi tố về thuế cho cơ quan thuế
Cơ quan thuế có nguồn nhân lực với chuyên môn, nghiệp vụ về thuế, kế toán, tài chính, nắm giữ các thông tin về ĐTNT, có sự hợp tác quốc tế về thuế nhưng chức
năng điều tra, khởi tố các hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa được quy định là một chức năng của cơ quan thuế. Để tăng cường tính pháp lý cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT khi thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế đòi hỏi phải tăng thêm quyền điều tra thuế đối với NNT, khởi tố các vi phạm pháp luật thuế đối với một số trường hợp nhất định như trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân; hoặc cần có giám định của cơ quan chuyên môn... Tuy nhiên, theo quy định của luật quản lý thuế, cơ quan thuế phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để thực hiện chức năng khởi tố, điều tra các vi phạm pháp luật thuế.
Mặt khác, khi cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, việc tiếp cận tài liệu, chứng từ sổ sách kế toán và các hồ sơ khác có liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế của ĐTNT lại được thụ lý lại từ đầu, dù đã có những kết quả sơ bộ sau quá trình thanh tra của cơ quan thuế. Do vậy, công tác điều tra, khởi tố các trường hợp vi phạm về thuế của NNT kéo dài và hiệu quả chưa cao.
Như vậy, việc trao thẩm quyền điều tra và khởi tố về thuế cho thanh tra thuế là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cần quy định rõ về phạm vi, đối tượng điều tra, tổ chức điều tra, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc điều tra, phân biệt rõ giới hạn hoạt động điều tra thuế với hoạt động điều tra của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
3.2.1.2 Thực hiện phân công hợp lý
Công tác bố trí công chức phù hợp với công việc cũng là nhân tố có tác động lớn đến sự hợp lý và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, do vậy cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như sau:
- Đối với công chức mới tuyển dụng vào ngành thuế thì chưa bố trí làm công tác thanh tra. Đối với công chức làm trong bộ phận khác của ngành thuế được chuyển đổi vị trí công tác để bổ sung vào lực lượng thanh tra phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
+ Tối thiểu làm việc 3 năm trong ngành thuế; + Được đào tạo nghiệp vụ thanh tra;
+ Tốt nghiệp đại học khối kinh tế các chuyên ngành về kế toán, kiểm toán, ưu tiên bố trí sắp xếp người đã tốt nghiệp văn bằng hai cử nhân Luật và những người đã làm công tác kiểm toán, kế toán tại các đơn vị bên ngoài.
+ Có đầy đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của ngạch công chức thanh tra ngành thuế;
+ Đã qua lớp đào tạo về nghiệp vụ thanh tra thuế do trường Nghiệp vụ thuế tổ chức.
- Thực hiện công tác luân phiên, luân chuyển công chức một cách hợp lý sẽ phát huy được sự đổi mới, sáng tạo của công chức thanh tra, hạn chế sức ì làm việc theo đường mòn, nếp cũ khi ở lâu một vị trí công tác; chủ động phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; đồng thời xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên sâu, chuyên nghiệp. Tuy nhiên theo ý kiến của tác giả, ngành thuế cần nghiên cứu và ban hành quy chế luân phiên, luân chuyển công việc sao cho đảm bảo sự kế thừa, tận dụng những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để phát huy được sự sáng tạo và đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc ở từng chức năng. Đặc biệt đối với thanh tra thuế cần phải có thời gian tương đối dài để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, năng lực thực tiễn, trình độ giao tiếp…. Vì vậy, chỉ nên luân phiên, luân chuyển giữa các phòng/đội thanh tra, kiểm tra.
- Đối với cán bộ thanh tra có năng lực, trình độ hạn chế không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ thanh tra; không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ thanh tra, có thái độ hạch sách, doạ nạt doanh nghiệp được thanh tra; có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng phải đưa ngay ra khỏi hệ thống thanh tra và ngành, không cần thiết theo định kỳ chuyển đổi vị trí công tác nêu trên.
3.2.1.3 Hình thành các nhóm quản lý để quản lý chất lượng
Cơ cấu các đoàn thanh tra kết hợp giữa người có kinh nghiệm với công chức mới, công chức chưa có thời gian va chạm thực tế trong công tác thanh tra để tạo điều kiện học hỏi lẫn nhau qua quá trình công tác. Có kế hoạch kiểm tra kiến thức định kỳ, lấy kết quả làm căn cứ xếp loại thi đua, là một trong những yếu tố để xem xét bố trí công việc, điều động, luân chuyển, quy hoạch.