CHƯƠNG II: PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH SẢN XUẤ T XUẤT KHẨU VÀ HIỆU QUẢ XUẤT KHẨU ĐIỀU Ở NƯỚC TA
2.2.1 Tình hình sản xuất nông nghiệp
Miền Nam nước ta nằm trong vùng giới hạn những nước trồng điều đạt năng suất cao (từ 15o vĩ Bắc đến 15o vĩ Nam). Điều kiện sinh thái của vùng đất Phương Nam này rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây điều.
Từ phía nam đèo Hải Vân trở vào, khí hậu quanh năm ấm áp, nhiều nắng, nhiều mưa. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 24 - 28oC, số giờ nắng trung bình trên 2000 giờ một năm, lượng mưa trung bình trên 1500 mm. Đó là những điều kiện khí hậu thuận lợi để trồng điều đạt năng suất cao.
Về đất đai: Điều là loại cây trồng không kén đất, nó có thể trồng được
trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả trên đất đồi núi trọc, bạc màu. Vùng đất cát ven biển miền Trung, vùng đồi núi trung du Trung bộ và đặc biệt là vùng cực nam Trung bộ và Đông Nam bộ là những vùng đất trồng điều thích hợp.
Cây điều được du nhập vào nước ta cách đây khoảng trên 200 năm. Nó được trồng hầu hết ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhiều nhất là ở miền Đông Nam bộ. Trước đây, người dân trồng điều để giữ đất, kết hợp với lấy hạt. Cây điều chỉ được trồng rải rác mà chưa có những vùng chuyên canh tập trung, lợi ích kinh tế từ việc trồng điều chưa được chú ý khai thác.
Sau năm 1980, hoạt động ngoại thương của nước ta có bước tiến triển, tìm được đầu ra cho cây điều thông qua con đường xuất khẩu, cây điều mới được chú trọng khai thác và mở rộng gieo trồng. Đầu thập kỷ 80, diện tích trồng điều cả nước mới trên 30 ngàn ha, đến cuối thập niên 80 diện tích trồng điều đã lên đến 100 ngàn ha. Diện tích trồng điều tăng hàng năm, cho đến năm 1998 là khoảng trên 250 ngàn ha (Phụ lục 6).
Cùng với sự gia tăng về diện tích, sản lượng hạt điều thô cũng tăng vững chắc. Năm 1981 sản lượng điều thô mới đạt 1.530 tấn, đến năm 1990 là 28.000 tấn, cao nhất là năm 1997 đạt 150 ngàn tấn. (Xem Bảng 7)
Nghề trồng điều phát triển đã giải quyết được việc làm cho gần 300.000 lao động nông thôn, tạo cho họ thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp trồng điều cũng bộc lộ nhiều bất cập, biểu hiện cụ thể là:
- Diện tích trồng điều được mở rộng theo xu hướng tự phát mà thiếu một kế hoạch cân đối đồng bộ từ các cấp quản lý nhà nước. Người nông dân thấy còn bán được điều thô thì họ còn trồng điều. Những nhận biết của nông dân là do thị trường trong nước mách bảo chứ không dưạ trên một căn cứ tính toán khoa học nào để đưa ra một dự báo có căn cứ khoa học. Điều này dễ dẫn đến
tiêu thụ được. Bài học này có thể rút ra từ kinh nghiệm của ngành cà phê và xuất khẩu gạo hai năm gần đây.
Điều đáng mừng là cho đến nay, hạt điều chưa gặp phải tình trạng khủng hoảng như cà phê. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần phải có những biện pháp dự phòng.
- Đã từ lâu trong nhân dân đã có quan niệm cây điều là cây của người nghèo. Từ đó dẫn đến tâm lý cây điều trồng ra là không cần chăm sóc mà nó sẽ tự lớn, tự ra hoa kết trái và cho thu hoạch. Do không được chăm sóc nên năng suất của cây điều rất thấp. Ngay cả những vườn điều trồng trên vùng đất tốt cũng chỉ cho năng suất mấy năm đầu, sau đó năng suất giảm dần. Theo số liệu của Hiệp hội cây điều Việt Nam, năng suất trung bình cây điều của ta mới chỉ vào khoảng 0,5 tấn/ha (trong khi năng suất trung bình của Ấn Độ là 1 tấn/ha). Mấy năm qua sản lượng điều thô của ta tăng là do tăng diện tích gieo trồng chứ không phải do tăng năng suất, điều này dẫn đến lãng phí tiềm năng mà lẽ ra cây điều có khả năng mang lại.
Những nguyên nhân nêu trên còn đưa đến tình trạng người nông dân không yên tâm hẳn với cây điều, vẫn còn tình trạng phá điều để trồng những loại cây khác cho lợi ích cao hơn. Vòng đời của cây điều hoảng 30 năm. Nếu không có một chính sách phát triển ổn định, tình trạng chặt phá cây này trồng cây khác để chạy theo lợi ích trước mắt là không tránh khỏi. Thêm nữa, nếu không chú trọng áp dụng các biện pháp khoa học vào canh tác, cây điều sẽ cho năng suất thấp và sớm thoái hóa. Khi đó phải chặt bỏ để trồng vườn mới cũng sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí không nhỏ.