I Duyên Hải Nam Trung bộ 61.00 07 33
4. Một số sản phẩm từ trái điều và vỏ cây điều
3.2.3 Giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu
Nguyên liệu là yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động sản xuất gia công chế biến. Quy mô và tốc độ phát triển của sản xuất là do cơ sở nguyên liệu quyết định. Ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng hiệu quả của hoạt động chế biến tùy thuộc rất nhiều vào giá cả và chất lượng nguyên liệu được cung ứng. Bởi vì trong kết cấu giá thành sản phẩm, nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất là khâu nguyên liệu. Giá nguyên liệu cao hay thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành. Chất lượng nguyên liệu tốt hay xấu sẽ làm cho tỷ lệ hao hụt sơ chế và tỷ lệ tiêu hao sản xuất cao hay thấp, cũng dẫn đến giá thành cao hay thấp.
Ngành nông nghiệp trồng điều của ta do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lại thiếu những bộ giống tốt nên năng suất còn thấp và không ổn định, gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản lượng điều thô không theo kịp sự gia tăng công suất chế biến, càng làm cho tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thêm trầm trọng. Hậu quả là tình trạng tranh mua tranh bán xảy ra, đẩy giá nguyên liệu lên cao làm cho giá thành hàng xuất tăng lên, gây ra tình trạng khó khăn cho xuất khẩu. Mặc dù hàng năm khi vào vụ thu hoạch, Hiệp hội điều Việt Nam đều có định ra một giá trần thu mua nguyên liệu nhằm ổn định thị trường , nhưng ngành chế biến điều “ trăm hoa đua nở”, nhiều cơ sở chế biến không nằm trong Hiệp hội sãn sàng tranh mua với giá cao hơn nên mức giá trần không còn ý nghĩa.
Khi điều nguyên liệu khan hiếm thì chất lượng của nó đôi khi cũng bị xem nhẹ. Người nông dân do ít am hiểu kỹ thuật hoặc do muốn nhanh thu lợi đã hái cả những trái điều chưa đủ độ chín lẫn với những trái điều đã đủ độ chín, làm cho chất lượng nguyên liệu không được đồng đều.
Phần đông các nhà máy chế biến điều không tự tổ chức mạng lưới thu mua nguyên liệu từ người nông dân mà thường mua qua đại lý. Tuy có tinh giản được chế biến nhưng giá thu mua thường cao. Đôi khi cũng có tình trạng thu mua đầu cơ, tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Trong trường hợp như thế, các nhà máy thường không chủ động được nguyên liệu.
Ngoài ra cũng còn phải kể đến sự cạnh tranh thu mua giữa các nhà máy trong cùng hiệp hội, giữa các nhà máy với các xưởng chế biến nhỏ, giữa các xưởng chế biến nhỏ với nhau. Tất cả những yếu tố đó đều làm cho thị trường nguyên liệu luôn biến động không ngừng.
Để khắc phục những tình trạng trên, ngành điều cần thực hiện những giải pháp sau:
- Phân chia khu vực thu mua cho từng nhà máy, mỗi nhà máy chỉ được thu mua nguyên liệu trong khu vực được phân chia, tránh tình trạng từ khu vực này sang tranh mua ở khu vực khác.
- Các nhà máy nên chủ động tổ chức các trạm thu mua để thu mua điều nguyên liệu trực tiếp từ nông dân. Làm được như vậy sẽ giảm đi được những chi phí trung gian. Nhà máy chế biến sẽ thu mua được giá hạ hơn. Người nông dân trồng điều bán sản phẩm với giá cao hơn.
Các nhà máy cần chủ động đầu tư vào các vùng nguyên liệu thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với người nông dân. Nhà máy sẽ ứng trước tiền vốn, giống, phân bón và các vật tư khác giúp cho người nông dân có vốn sản xuất. Người nông dân bán lại sản phẩm cho nhà máy. Khi đó ai là người đầu tư thì mới được quyền thu mua nguyên liệu. Ai không bỏ vốn đầu tư thì không được quyền thu mua nguyên liệu ở khu vực đó. Làm được như vậy người nông dân yên tâm sản xuất, nhà máy đảm bảo thu mua được nguyên liệu, tình trạng tranh mua tranh bán được khắc phục nên giá nguyên liệu sẽ ổn định hơn. Bằng cách này các yếu tố chi phí sản xuất sẽ được tính toán trước giúp cho nhà máy chế biến chủ động kế hoạch sản xuất của mình.
- Hiệp hội điều phải hướng dẫn cho người nông dân kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Hạt điều phải đủ độ chín mới được thu hái, sau đó phải được phơi khô để bảo quản. Cần xây dựng những lò sấy để chủ động trong khâu làm khô, tránh lệ thuộc vào thiên nhiên, nhất là vào những tháng mùa mưa.
Về vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu cần căn cứ vào quy hoạch chung của vùng lãnh thổ, dân cư, điều kiện tự nhiện khí hậu, điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng để quyết định hình thức đầu tư phù hợp.
Đối với vùng sâu vùng xa, rừng đầu nguồn, đất trống đồi núi trọc, diện tích đất đai còn rộng, dân cư thưa thớt thì có thể chọn hình thức đầu tư tập trung, quy mô lớn. Nhà nước (các DNNN trong nông nghiệp như nông trường, lâm trường) quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối, từ khảo sát thiết kế lập dự án đến khai hoang gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến xuất khẩu. Người lao động làm việc theo cơ chế khoán của nông trường, lâm trường. Với hình thức này thì nông trường, lâm trường chịu toàn bộ chi phí đầu tư , tổ chức và quản lý sản xuất. Người lao động chỉ có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và thu
hoạch sản phẩm giao nộp cho nông trường, lâm trường để được hưởng lương khoán theo cơ chế giao khoán của nông trường, lâm trường (hình thức khoán gọn, lâu dài).
Đối với những vùng diện tích đất đai ít, phân tán thì có thể chọn hình thức đầu tư phân tán dưới hai dạng:
+ Nông trường tổ chức khai hoang và trồng mới, sau đó giao khoán cho người lao động chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và giao nộp sản phẩm. Phần sản phẩm vượt khoán có thể bán lại cho nông trường, lâm trường.
+ Nông, lâm trường giao đất cho người lao động và chỉ có trách nhiệm quản lý đất đai. Nông trường, lâm trường cung ứng dịch vụ kỹ thuật, giống, vật tư, bảo vệ thực vật … Người lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch sản phẩm bán cho nông trường, lâm trường.
Nhìn chung, mỗi loại hình đầu tư có những ưu, nhược điểm nhất định. + Đối với hình thức đầu tư tập trung: Nếu nhà nước quan tâm đầu tư thì sẽ xây dựng được vùng kinh tế – xã hội phát triển ở vũng sâu, vùng xa, đồng thời khai thác được tiềm năng to lớn về đất đai, khí hậu thuận lợi.
Về ưu điểm:
- Với quy mô lớn, tập trung sẽ có nhiều thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động và năng suất cây trồng.
- Tập trung được nguồn nguyên liệu lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến, doanh nghiệp chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình hình cạnh tranh gay gắt về thu mua nguyên liệu hiện nay.
- Tập trung được nguồn vốn và sản phẩm, tạo thế đứng vững vàng cho doanh nghiệp trên thị trường.
- Xây dựng được những vùng kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
- Góp phần tích cực vào việc cải tạo môi trường sinh thái.
Về nhược điểm:
- Đầu tư tập trung đòi hỏi tập trung nguồn vốn tương đối lớn cho nên phải có sự đầu tư của nhà nước.
- Công tác quản lý phức tạp do quy mô lớn và điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.
- Người lao động còn ỷ lại, ít quan tâm đến kết quả đầu tư. + Đối với hình thực đầu tư phân tán:
* Về ưu điểm
- Không cần một lượng vốn lớn cũng có thể mở rộng được quy mô sản xuất.
- Vẫn đưa được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua dịch vụ khuyến nông.
- Nông trường, lâm trường quản lý được sản phẩm thông qua cơ chế khoán.
- Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động hài hòa nên có tác dụng tăng năng suất lao động.
- Tận dụng được các nguồn lực như đất đai, tiền vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
- Công tác quản lý gọn, nhẹ, ít phức tạp.
* Về nhược điểm
- Đầu tư phân tán sẽ có phức tạp trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu. - Do điều kiện phân tán, đời sống người lao động còn nhiều khó khăn nên rất khóquản lý và thu hồi đầu tư, nhiều khi còn xảy ra tình trạng khê đọng và thất thoát vốn.
Tóm lại, xây dựng vùng nguyên liệu là giải pháp tích cực để ổn định phát triển ngành điều. Thực chất của giải pháp này là tìm cách gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất nông nghiệp trồng điều và công nghiệp chế biến, ổn định đầu vào nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm điều xuất khẩu nước ta.