1.2.1.1 Khái niệm hoạt động bán lẻ của ngân hàng thương mại
Hoạt động bán lẻ của ngân hàng chính là việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ tới đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có nhiều định nghĩa về hoạt động ngân hàng bán lẻ như sau:
Theo từ điển Ngân hàng và Tin học của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 1996, dịch vụ NHBL là dịch vụ ngân hàng dành cho quảng đại quần chúng, thường là một nhóm các dịch vụ tài chính gồm cho vay trả dần, vay thế chấp, tín dụng chứng khoán, nhận tiền gửi và các tài khoản cá nhân
Theo khái niệm của WTO trong bảng phân loại các dịch vụ của Tổ chức thương mại thế giới, dịch vụ NHBL là việc cung ứng sản phẩm, DVNH đến tay từng cá nhân riêng lẻ thông qua mạng lưới chi nhánh, hoặc là việc khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm, DVNH thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Theo các chuyên gia của Học viện công nghệ Châu Á – AIT tiếp cận theo đặc trưng ở kênh phân phối sản phẩm dịch vụ, thuật ngữ “bán lẻ ” trong thương mại vốn được hiểu là việc cung cấp các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng qua các đại lí phân phối. Đối với ngân hàng, thuật ngữ “ngân hàng bán lẻ” có thể hiểu là việc cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới từng cá nhân riêng lẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới các chi nhánh hoặc là khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Theo từ điển đầu tư định nghĩa, ngân hàng bán lẻ là hoạt động ngân hàng phục vụ cho thị trường đại chúng nơi mà các khách hàng cá nhân được cung cấp dịch vụ qua mạng lưới chi nhánh địa phương của các ngân hàng. Các dịch vụ ngân hàng bán lẻ cung cấp bao gồm: tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi không kỳ hạn, cho vay mua nhà, tín dụng cá nhân, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và một số dịch vụ khác.
Hiện nay, các NHTM đang thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động theo đối tượng khách hàng: cá nhân, doanh nghệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn. Vì vậy, có thể cho rằng “Dịch vụ ngân hàng bán lẻ được hiểu là các dịch vụ ngân hàng được cung ứng tới từng cá nhân riêng lẻ, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới kênh phân phối truyền thống hoặc mạng lưới phân phối điện tử”.
2.2.1.2. Đặc điểm của hoạt động bán lẻ của ngân hàng
- Sản phẩm dịch vụ NHBL rất phong phú, đa dạng do khách hàng của dịch
vụ NHBL rất lớn về số lượng, rất rộng về phạm vi, rất đa dạng về thu nhập, chi tiêu, độ tuổi, trình độ, hiểu biết về ngân hàng, nghề nghiệp, tâm lý, thị hiếu… nên nhu cầu của khách hàng cũng rất đa dạng. Vì vậy, NHTM phải luôn thay đổi và phát triển nhằm cung ứng ra nhiều sản phẩm dịch vụ NHBL khác nhau từ các DVNH truyền thống đến các sản phẩm DVNH hiện đại nhằm thỏa mãn các yêu cầu riêng biệt của từng phân khúc khách hàng. Đặc biệt khi triển khai ngân hàng số, số lượng khách hàng, số lượng giao dịch cũng sẽ tăng lên đáng kể cùng với xu hướng gia tăng của nhu cầu mua sắm trực tuyến và sự phát triển của các trang thương mại điện tử.
- Số lượng giao dịch trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ lớn tuy nhiên giá trị của mỗi giao dịch nhỏ nên chi phí bình quân trên mỗi giao dịch khá cao. Tuy vậy, nếu tính tổng thì số dư huy động bán lẻ cũng tạo ra một nguồn vốn đáng kể, dư nợ tín dụng từ hoạt động bán lẻ cũng tạo được nguồn thu ổn định và tăng trưởng bền vững nếu NHTM duy trì và phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
-Nguồn nhân lực lớn và mạng lưới phân phối rộng khắp và đa dạng mới có thể đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn và rất đa dạng của DVNHBL. Ngoài kênh phân phối truyền thống như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm… thì với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, khách hàng bán lẻ còn có thể tiếp cận qua các kênh phân phối như ATM, KIOS, POS, Internet, Auto bank, Telephonebank, mobile v.v…
-Chi phí giao dịch cho dịch vụ NHBL rất lớn do số lượng khách hàng bán lẻ rất lớn, nhưng giá trị mỗi giao dịch (quy mô của từng hợp đồng vay) thường nhỏ, số lượng giao dịch rất nhiều nên chi phí tổ chức cho vay cao, chi phí thẩm định, chi phí giám sát, chi phí quản lý đối với các nhóm khách hàng là rất lớn.
-Dịch vụ NHBL cần có hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin hiện đại và luôn cập nhật. Hạ tầng kỹ thuật tốt, trình độ công nghệ thông tin hiện đại giúp NHTM lưu giữ và xử lý số lượng khổng lồ cơ sở dữ liệu tập trung từ các phòng giao dịch/chi nhánh trong mạng lưới phân phối, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản trị của NHTM. Với công nghệ hiện đại, hệ thống quản trị tập trung cho phép mọi giao dịch được hạch toán tức thời về trung tâm dữ liệu giúp cập nhật số liệu kịp thời, chính xác theo từng ngành nghề, từng dịch vụ, cho phép khai thác dữ liệu một cách nhất quán, nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt, công nghệ thông tin giúp dịch vụ ngân hàng số ra đời và phát triển với khả năng thực hiện các giao dịch trực tuyến và hệ thống DVNH tự động qua ATM, POS, mobile… hỗ trợ triển khai các sản phẩm dịch vụ NHBL tiên tiến như chuyển tiền tự động, huy động vốn và cho vay dân cư với nhiều hình thức khác nhau.
-Rủi ro trong kinh doanh dịch vụ NHBL có mức độ phân tán lớn do số lượng khách hàng đông và giá trị mỗi giao dịch nhỏ.
-Dịch vụ NHBL có tính thời điểm rất cao: Không ổn định như dịch vụ ngân hàng bán buôn, thị trường dịch vụ NHBL có nhiều biến động do nhu cầu
tiêu dùng, kinh doanh dịch vụ hoặc sản xuất nhỏ lẻ đều có tính thay đổi cao. Vì thế NHTM phải rất nhanh nhạy trong việc dự đoán, điều chỉnh hoặc phát triển sản phẩm dịch vụ NHBL cho phù hợp, quyết định giảm hay tăng lãi suất, phí dịch vụ… hoặc lựa thời điểm hợp lý để khuyến mại.
ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÂN HÀNG BÁN LẺ
Đối tượng là số lượng rất lớn cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ và vừa Sản phẩm phong phú, đa dạng
Số lượng giao dịch lớn, giá trị các giao dịch nhỏ
Mạng lưới phân phối rộng khắp và đa dạng Chi phí giao dịch lớn
Cần có hạ tầng kỹ thuật và CNTT hiện đại Rủi ro trong kinh doanh có mức độ phân tán lớn
Có tính thời điểm cao
Nguồn: Vũ Hồng Thanh, 2018
Hình 1.1: Đặc điểm của ngân hàng bán lẻ