Theo xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, khách hàng cá nhân và hộ gia đình đang là một thị trường đầy tiềm năng thúc đẩy cạnh tranh vì mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng với các ý nghĩa quan trọng sau đây:
*Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển, ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng, mở rộng thị trường và nâng cao vị thế.
Khách hàng là nhân tố quyết định thành công của mỗi ngân hàng, mở rộng đối tượng khách hàng là mục tiêu của bất kỳ ngân hàng nào. Phát triển hoạt động NHBL, các ngân hàng sẽ thu hút khách hàng mới, giữ lại khách hàng cũ từ đó nâng cao hình ảnh vị thế của chính mình.
Với số lượng lớn, khách hàng cá nhân chiếm đa số trong danh sách khách hàng của một ngân hàng, các khách hàng này làm cầu nối để ngân hàng tiến hành xâm nhập thị trường thông qua khả năng truyền dẫn thông tin nhanh và rộng. Theo kết quả điều tra của các nhà nghiên cứu, một khách hàng hài lòng với dịch vụ của ngân hàng mang đến ít nhất 15 khách hàng mới cho ngân hàng, như vậy ngân hàng không tốn chi phí quảng cáo mà vẫn mở rộng được số lượng khách hàng thông qua việc phục vụ tốt nhóm KHCN hiện có.
Phát triển hoạt động bán lẻ giúp ngân hàng khai thác các lợi thế về kinh nghiệm, trình độ, các mối quan hệ sẵn có để thu hút khách hàng doanh nghiệp. Các cá nhân là những người đóng vai trò quyết định trong hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức trong nền kinh tế, hoạt động bán lẻ tốt sẽ thu hút được những khách hàng lớn như Tổng công ty, tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp…
Phát triển hoạt động bán lẻ sẽ thúc đẩy ngân hàng cải tiến và đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các dịch vụ, phát triển thêm dịch vụ mới nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhóm khách hàng này từ đó nâng cao vị thế của chính ngân
hàng.
*Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển tạo điều kiện cho ngân hàng tăng doanh thu và lợi nhuận.
Hoạt động bán lẻ phát triển sẽ đẩy mạnh nguồn thu phí dịch vụ, giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận ổn định. Thông qua hoạt động bán lẻ, ngân hàng thu được phí dịch vụ chuyển tiền, phí thanh toán séc, phí bảo lãnh, phí dịch vụ thẻ, phí quản lý tài khoản, phí sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và các loại phí khác… Nguồn thu phí đóng góp phần không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng. Đồng thời nguồn thu từ lãi cho vay và chênh lệch lãi suất từ hoạt động bán lẻ cũng ngày càng gia tăng trong hoạt động của các ngân hàng.
Với lợi thế phục vụ số đông khách hàng, không những doanh thu của ngân hàng tăng lên một cách đáng kể nhờ những khoản thu phí do cung cấp nhiều hơn các dịch vụ cho khách hàng, mà còn hỗ trợ thêm cho các hoạt động khác của ngân hàng phát triển. Việc huy động vốn và cho vay đối tượng KHCN giúp cho ngân hàng tránh sự bị động do phụ thuộc vào khách hàng lớn, hơn nữa sẽ tạo nguồn vốn trung dài hạn để tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng quy mô tín dụng. Hoạt động bán lẻ đóng vai trò bổ sung và hỗ trợ cho các mặt hoạt động khác nên nó gián tiếp tạo ra lợi nhuận từ các mặt hoạt động này như thu hút việc duy trì tài khoản tiền gửi thanh toán của các tổ chức thông qua dịch vụ trả lương cán bộ, phát hành thẻ thanh toán….
*Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển tạo điều kiện cho ngân hàng phân tán rủi ro.
Kinh doanh ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro nhất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế thế giới luôn có nhiều biến động thì rủi ro mà các NH phải gánh chịu ngày càng gia tăng. Xét trên giác độ tài chính và quản trị NH, hoạt động bán lẻ phát triển sẽ tạo điều kiện cho NH phân tán bớt rủi ro, tạo nguồn thu ổn định cho NH, là một bộ phận có xu hướng tăng trưởng nhanh của các NH trên thế giới trong những năm gần đây. Kinh nghiệm thực tế của các NH trong khu vực và trên thế giới cho thấy phát triển hoạt động NH hướng theo đối tượng KH đặc biệt và các hoạt động phục vụ KH cá nhân là một xu thế tất yếu, vì nó đảm bảo quản lý rủi ro hữu hiệu hơn, các dịch vụ được cung ứng một cách tốt nhất cho KH, công tác kinh doanh, thị trường sản phẩm mục tiêu sẽ có định hướng rõ ràng giúp NH đạt được hiệu quả kinh doanh tối ưu.
*Hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển góp phần mở rộng quy mô và mạng lưới tăng thương hiệu ngân hàng trên thị trường.
Những biến đổi sâu sắc của ngành ngân hàng nhiều thế kỷ qua đã cho thấy, chính các hoạt động bán lẻ phục vụ cá nhân là động lực thúc đẩy ngân hàng phát triển các kênh phân phối và mở rộng mạng lưới mạnh mẽ. Các kênh bán hàng truyền thống như chi nhánh, PGD vẫn ngày càng phát triển song song với việc gia tăng các kênh hiện đại như mạng lưới ATM, POS, KIOS…Mạng lưới của một số ngân hàng không còn chỉ trong phạm vi một quốc gia mà còn phát triển mạnh mẽ sang các quốc gia khác, điển hình như các ngân hàng của Mỹ, Anh. Việc phát triển mạng lưới góp phần làm tăng hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng trong lòng công chúng.