Những tác động tiêu cực:

Một phần của tài liệu những cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển ở khu vực đông nam á trong bối cảnh toàn cầu hóa giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2006 (Trang 29 - 33)

5. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Những tác động tiêu cực:

1.2.2.1. Về kinh tế:

Sự bất bình đẳng trong cạnh tranh quốc tế

Hợp tác được coi là xu thế chính trong giai đoạn hiện nay nhưng không có nghĩa là bỏ cạnh tranh, trái lại sự hiện diện đầy đủ các đối thủ cạnh tranh sẽ làm cho mức cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn. Điều đó sẽ kéo theo cuộc chiến đào thải lẫn nhau giữa các quốc gia, các đối thủ trong lĩnh vực nào đó. Hiện đang có sự bất bình đẳng trong vấn đề cạnh tranh quốc tế. Các nước phát triển chiếm ưu thế về cạnh tranh vì họ chiếm ưu thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị lực chi phối thị trường thế giới. Các nước đang phát triển trình độ cạnh tranh yếu do trình độ phát triển kinh tế thấp nên chịu thua thiệt, dễ đi đến phá sản, thất nghiệp và làm trầm trọng hơn các vấn đề xã hội khác. Các nước đang phát triển dễ chịu tác động của những chấn động xấu có thể xảy ra và khó chống đỡ vì thiếu kinh nghiệm. Đồng thời việc xuất khẩu nhiều lao động và tài nguyên tạo nguy cơ phát triển thiếu bền vững cho các nước này. Vì vậy, ở một số nước đã lên tiếng phản đối gay gắt toàn cầu hóa. Nếu xét một cách toàn diện, khách quan thì những ngành nghề, doanh nghiệp yếu kém, lạc hậu bị đào thải là một điều tất yếu, nó phản ánh sự phát triển khách quan của nền kinh tế thế giới.

Về lý thuyết, toàn cầu hóa sẽ làm tăng mức sống chung trên toàn thế giới, rút ngắn khoảng cách phát triển của các nước. Toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất trên khắp thế giới, tạo bước nhảy vọt về lực lượng sản xuất trong các nước lạc hậu. Nhưng xu thế toàn cầu hóa cũng dẫn tới việc các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế bên ngoài.

Đối với các nước nghèo, cần có một lượng vốn nhất định để vực dậy nền kinh tế vốn mỏng manh, yếu kém để thoát khỏi tình trạng nợ nước ngoài triền miên và nhiều sự phụ thuộc khác. Đầu năm 1996, tổng số nợ nước ngoài của các nước đang phát triển là 1,8 nghìn tỷ USD, trong đó Mỹ Latinh nợ 655 tỷ, châu Phi nợ 340 tỷ, châu Á nợ 857 tỷ USD. Theo báo cáo phát triển con người (UNDP) năm 1997, các nước nghèo cần 80 tỷ USD hàng năm để giảm đói nghèo, tạo y tế cơ bản, giáo dục và nước sạch. Trong khi đó, thế giới chi gấp 10 lần số tiền đó cho quân sự. Xóa nợ cho các nước nghèo là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, viện trợ cũng như xóa nợ luôn đi kèm những điều kiện chính trị hoặc kinh tế làm cho sự phụ thuộc vào bên ngoài của các nước đang phát triển tăng lên.

Toàn cầu hóa buộc các nước đang phát triển phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế và thay đổi chính sách cho phù hợp

Toàn cầu hóa tác động mạnh đến việc hoạch định chính sách quốc gia của từng nước. Các nước chịu sức ép lớn buộc phải đặt các thỏa thuận đa phương lên chính sách quốc gia. Một trường hợp đặt ra là những quy luật kinh tế được vận dụng ở các cường quốc sẽ không phù hợp với những nước đang phát triển làm cho các nước này gặp khó khăn, lúng túng. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chính sách cũng đòi hỏi chính phủ các nước phải có thời gian và chi phí lớn. Mặt khác, các nước sẽ gánh những hậu quả tai hại nếu sự lựa chọn những biện pháp, chính sách không phù hợp với điều kiện phát triển của từng quốc gia.

1.2.2.1.Về văn hóa - xã hội

Toàn cầu hóa tạo ra sự bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, giữa các bộ phận dân cư trong một nước

Toàn cầu hóa làm trầm trọng hơn sự bất công xã hội, đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo trong từng nước và giữa các nước. Theo chương trình Liên Hiệp Quốc về phát triển, cuối những năm 90, 85% thu nhập thế giới rơi vào túi 1/5 số người giàu nhất, 1/5 số người nghèo nhất chỉ chiếm 1,4%. Vào những năm 90, số người nghèo là 1 tỷ nay đã lên đến 1,2 tỷ. Các nước công nghiệp hóa giàu hơn các nước nghèo nhất tới 74 lần. Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển thì trong số 644 tỷ USD đầu tư quốc tế, 2/3 vào Mỹ và Liên minh châu Âu, các nước đang phát triển chỉ thu hút được 1/3. Thực chất các nhà đầu tư quốc tế đến từ các nước phát triển và mục đích chủ yếu của họ là lợi nhuận chứ không phải giúp các nước đang phát triển tăng trưởng bền vững.

Cơ hội toàn cầu hóa mang lại cho các nước là như nhau song do một mặt toàn cầu hóa được dẫn dắt bởi các nước phát triển nên hầu hết các nước phát triển được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế, thương mại, mặt khác do quy luật phát triển không đều, những nước kém phát triển luôn là kẻ bất lợi trong toàn cầu hóa.

Có thể coi sự bất bình đẳng này như một sức ép để các nước nghèo bằng những nỗ lực cải cách của mình nắm lấy các cơ hội của toàn cầu hóa để đẩy mạnh hội nhập.

Toàn cầu hóa làm tăng nguy cơ thất nghiệp và "chảy máu chất xám"

Toàn cầu hóa tác động đến các quốc gia làm thay đổi cơ cấu kinh tế các nước, kéo theo sự thay đổi việc làm trong một bộ phận dân tạo nên những làn sóng di cư ồ ạt đến các thành phố lớn và các nước phát triển, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đời sống xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão để đáp ứng nhu cầu sản xuất và cuộc sống, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với lực lượng lao động, phải có trình độ chuyên môn phù hợp. Những người có trình độ chuyên môn thấp phải bị sa thải và do đó mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính, gây nên những bất ổn trong đời sống cư dân.

Toàn cầu hóa tác động đến các nước, đặc biệt đến các nước đang phát triển kéo theo sự luân chuyển nguồn lao động và sự thu hút của các nước phát triển, điều này dễ dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám" ở các nước đang phát triển, gây nên sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong quá trình phát triển của đất nước.

Toàn cầu hóa làm trầm trọng hơn vấn đề môi trường ở các nước đang phát triển.

Để đẩy nhanh phát triển kinh tế, các nước này đã đẩy mạnh việc khai thác làm các nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, rừng bị tàn phá, không khí, nguồn nước bị ô nhiễm. Môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng thiên tai, thiếu nước sinh hoạt, sa mạc hóa... đe dọa cuộc sống con người và ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Toàn cầu hóa tạo nên thách thức đối với việc giữ gìn văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc.

Toàn cầu hóa làm tăng mối giao lưu quốc tế giữa các quốc gia, tính phổ biến về văn hóa của các nền văn hóa lớn. Trong đó, các nước có nền kinh tế mạnh có ảnh hưởng nhiều hơn đến các nước khác, những giá trị văn hóa - xã hội của họ sẽ được thừa nhận và phổ biến rộng rãi gần như trở thành giá trị chung cho các xã hội khác nhau. Những giá trị riêng của các dân tộc bị mất dần ảnh hưởng và bị xói mòn.

Toàn cầu hóa với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là mạng internet toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi cho con người trong mọi lĩnh vực nhưng đồng thời đã mang lại những tác hại trong lối sống, suy nghĩ, quan điểm khi tiếp nhận những quan điểm lệch lạc, quan điểm phản động, lối sống đồi truỵ, đạo đức suy đồi, lối sống thực dụng, vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân, văn hóa phẩm độc hại du nhập.

Tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò của toàn cầu hóa tạo điều kiện cho các nước đào thải những phong tục, tập quán lạc hậu hoặc không phù hợp với đời sống hiện đại và tiếp thu những giá trị tiến bộ của nền văn minh nhân loại.

Trên thực tế, nhiều nước bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nền văn minh Âu - Mĩ, sự đe dọa về văn hóa này khơi dậy mạnh mẽ ý thức bảo vệ và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống.

1.2.2.2. Về chính trị và an ninh quốc gia:

Toàn cầu hóa tạo ra những thách thức đối với độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia.

Toàn cầu hóa tác động trực tiếp đến lĩnh vực chính trị và an ninh quốc gia, tạo ra nguy cơ cho các nước chậm và đang phát triển bị lệ thuộc về kinh tế, từ đó sẽ dẫn tới lệ thuộc về chính trị, gây nguy hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia.

Các nước đang phát triển gắn bó và đề cao nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia một cách gần như tuyệt đối nên các nước này phải đương đầu với áp lực mâu thuẫn giữa yêu cầu hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa với việc duy trì an ninh, chủ quyền quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ở một mức độ nào đó, chủ quyền quốc gia bị ảnh hưởng và xói mòn thông qua sự hạn chế về quyền lực, phạm vi và hiệu quả tác động của các nhà nước trước những quy định chung, từ đó nền tảng xã hội, sự ổn định chính trị trong nhiều trường hợp bị xáo trộn buộc các chính phủ phải có sự thích nghi cần thiết nhằm duy trì quyền lực của mình. Do chịu nhiều tác động ngày càng tăng của nhiều định chế khu vực và toàn cầu, các nước đứng trước yêu cầu phải chủ động và kiểm soát các mối quan hệ, các hoạt động kinh tế chính trị diễn ra.

Thông qua con đường trao đổi hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ... theo hướng tư nhân hóa, tự do hóa các thế lực tư bản đứng đầu là Mỹ muốn áp đặt chính trị tư sản lên các nước khác, thực hiện "diễn biến hòa bình" để thay đổi các chế độ xã hội theo hướng thân phương Tây. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, nó nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản. Thông qua con đường kinh tế, Mỹ và các nước phương Tây muốn gây sức ép với nhiều nước khác, trong đó có các nước xã hội chủ nghĩa về những vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, dùng mọi hình thức để tác động vào nội bộ nước đó, đồng thời sử dụng các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế do họ chi phối làm công cụ tác động vào kinh tế và chính trị các nước này.

Chủ quyền và sức mạnh kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một quốc gia vững mạnh về kinh tế thì chủ quyền, an ninh quốc gia được giữ vững. Phát triển kinh tế là nền tảng của phát triển đất nước, các nước đang phát triển không còn cách nào khác phải tham gia vào quá trình toàn cầu hóa để tận dụng cơ hội mà toàn cầu hóa đem lại, họ phải lệ thuộc vào thị trường thế giới và nguồn vốn nước ngoài nhưng họ phải đối mặt với việc tăng cường gìn giữ nền an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực.

Một phần của tài liệu những cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển ở khu vực đông nam á trong bối cảnh toàn cầu hóa giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2006 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)