Những tác động tích cực:

Một phần của tài liệu những cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển ở khu vực đông nam á trong bối cảnh toàn cầu hóa giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2006 (Trang 26)

5. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Những tác động tích cực:

1.2.1.1. Về kinh tế:

Toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, đem lại sự tăng trưởng cao cho nền kinh tế thế giới

Toàn cầu hóa làm tăng nhanh tổng sản phẩm thế giới với giá trị hiện nay khoảng 30.000 tỷ USD, gấp 23 lần giá trị tổng sản phẩm thế giới vào cuối những năm 50 của thế kỉ XX (1.300 tỷ USD). Từ 1985 - 1994, GDP tăng 3,2%/năm, xuất khẩu tăng 6,7%/năm. Năm 1997, tăng GDP là 4,1%, xuất khẩu tăng 10%.

Từ 1990 đến 1997, khối lượng xuất khẩu thế giới tăng trưởng hàng năm đạt 7% trong khi tăng trưởng GDP thế giới chỉ đạt 3%. Từ 1991 - 1997, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 10%. Năm 1990, tổng số các công ty xuyên quốc gia là 35.000 với 15.000 chi nhánh thì đến năm 1997 đã lên tới 53.000 công ty với 45.000 chi nhánh hoạt động trên khắp thế giới, năm 2005 là 70.000 công ty.

Toàn cầu hóa góp phần làm chuyển biến cơ cấu kinh tế thế giới, tỷ trọng các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ trên công nghệ cao và tri thức tăng mạnh. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP thế giới là 21,4% và các ngành dịch vụ là 62,4%. Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển và hiện đại hóa xã hội loài người.

Các nước đang phát triển tuy không có ưu thế về công nghệ, vốn, nguồn lực con người, kinh nghiệm quản lí... nhưng nhờ toàn cầu hóa họ có điều kiện tiếp nhận các nguồn lực phát triển nên bắt đầu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Thúc đẩy nền kinh tế thị trường các nước, đòi hỏi các nước phải cải tổ và bắt nhịp vào quá trình hình thành một thị trường thế giới thống nhất.

Đây là cơ hội tốt để các nước tiếp cận thị trường khu vực và toàn cầu, mở cửa thị trường bên trong nhằm hình thành đồng bộ các thể chế kinh tế thị trường trên quy mô toàn cầu. Việc thâm nhập thị trường có ý nghĩa rất lớn: quy mô thị trường được mở rộng nhờ mở cửa và hội nhập có vai trò đặc biệt đối với tăng trưởng. Đây là vấn đề hàng đầu quyết định mục tiêu của sản xuất trong sản xuất kinh doanh kinh tế thị trường; một thị trường lớn cho phép tiếp cận với nhiều ý tưởng hơn, cho phép đầu tư quy mô lớn và phân công lao động tốt hơn; một thị trường mở ra nhiều khả năng lựa chọn đối với các doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình cho sự bức phá ngoạn mục về tăng trưởng kinh tế nhờ tiếp nhận hiệu quả các cơhội do mở rộng thị trường đem lại đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Sự phát triển mạnh mẽ thị trường toàn cầu dưới tác động của toàn cầu hóa đã cho phép các nước đang phát triển có thể tận dụng được các nguồn lực của mình, nhất là nguồn lao động dồi dào để tạo thế cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ. Sự liên kết thị trường thế giới thành một hệ thống ngày càng tăng với mức độ tăng trưởng cao hơn nhiều lần tốc độ tăng trưởng sản xuất.

Toàn cầu hóa truyền bá và chuyển giao trên quy mô lớn những thành tựu về khoa học công nghệ, về tổ chức và quản lí, về sản xuất và kinh doanh... tạo điều kiện cho các quốc gia đi sau thực hiện các bước rút ngắn.

Toàn cầu hóa làm tăng các hoạt động đầu tư quốc tế, chủ yếu là FDI với những đặc điểm chính là nguồn vốn đầu tư ngày càng tăng.

Thông qua các cơ chế song phương và đa phương, những thành quả phát triển của nhân loại như phát triển kinh tế xã hội, công nghệ mới, các luồng vốn di chuyển xuyên quốc gia... đã mang những đặc tính kế thừa và bổ sung. Các nền kinh tế đi sau có điều kiện tiếp nhận chúng một cách sáng tạo để hình thành năng lực phát triển phù hợp với bản thân mình. Mặt khác thông qua sự di chuyển các nguồn lực này, mỗi nước có điều kiện đối sách và lộ diện những lợi thế và bất lợi thế của mình trong sự phát triển. Theo đó, toàn cầu hóa đã có tác dụng rà soát lại những nguồn lực và khả năng phát triển của mỗi nước, bổ sung và phân bổ lại những nguồn lực được xem là thành quả của nhân loại cho các nước cùng phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, lợi thế cạnh tranh có sự thay đổi căn bản nghiêng về những ngành có hàm lượng công nghệ và tri thức cao. Vì vậy, những nước đi sau có lợi thế so sánh ở những ngành sử dụng nhiều lao động và vốn và chắc chắn phải hiện đại hóa các ngành này bằng công nghệ và tri thức mới nhằm tiếp tục duy trì thế cạnh tranh của chúng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ đã phát triển rút ngắn không phải đi thẳng vào các ngành sử dụng nhiều công

nghệ và tri thức cao mà tập trung hiện đại hóa bằng công nghệ tiên tiến những ngành sử dụng nhiều lao động như điện tử, dệt may, chế biến nông sản.... Chuyển giao công nghệ và tri thức cần coi là tác động quan trọng mà mọi nước phải thúc đẩy để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của mình.

Toàn cầu hóa thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại

Toàn cầu hóa thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại sẽ giảm hoặc hủy bỏ hàng rào ngăn cách, làm cho hàng hóa mỗi nước có thị trường tiêu thụ rộng hơn, do đó kích thích sản xuất phát triển. Nhờ đó sẽ thúc đẩy phân công lao động quốc tế theo hướng chuyên môn hóa, làm cho nguồn lực ở mỗi nước được sử dụng hợp lý và có hiệu quả hơn, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Toàn cầu hóa thúc đẩy sự cải cách sâu rộng các nền kinh tế quốc gia và hợp tác khu vực để có thể nâng cao thế cạnh tranh và phát triển trong nền kinh tế thế giới.

Toàn cầu hóa một mặt gây sức ép mãnh liệt và gay gắt về cạnh tranh, đòi hỏi phải cải cách sâu rộng để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp, mặt khác toàn cầu hóa mở ra những địa bàn và cách thức hoạt động mới, những thị trường mới, đối tác mới cho các nước, nhất là các nước đang phát triển.

Do đó, các nước phải tiến hành cải cách đồng bộ về mô thức phát triển - mở cửa và hội nhập, về cơ cấu - hướng vào các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ có hàm lượng về công nghệ và tri thức cao, về khả năng cạnh tranh. Những cải cách này phải lấy thị trường toàn cầu làm phạm vi hoạt động, phải lấy các tiêu chí phát triển quốc tế làm căn cứ xác định và phải lấy sự hội nhập vào làn sóng toàn cầu hóa làm mục tiêu hướng tới. Thực tế cho thấy có những nền kinh tế quốc gia hoạt động rất hiệu quả nhưng bị hạn chế bởi các nguồn lực và thị trường ở chính nước đó. Các liên kết khu vực dù rất hoàn hảo nhưng cũng bị bó hẹp trong phạm vi khu vực. Với tính khép kín của quốc gia và khu vực, nếu không thực hiện cải cách để hướng tới nhất thể hóa kinh tế toàn cầu thì các nước và khu vực vẫn không thể thoát khỏi sự ràng buộc của các nguồn lực và thị trường vốn có. Do đó, phải tiến hành cải cách bên trong các nền kinh tế theo yêu cầu của toàn cầu hóa kinh tế.

Mang lại lợi ích nhiều mặt cho các tầng lớp dân cư

Nhờ toàn cầu hóa, mọi người có thể tận hưởng các sản phẩm, dịch vụ mới, rẻ từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, đối với những nước đang phát triển và các nước nghèo có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động quốc tế, nguồn lao động được đào tạo chuyên sâu, có thu nhập cao hơn trước.

1.2.1.2. Về văn hóa - xã hội

Thông qua quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các quốc gia, các dân tộc kích thích các luồng và dạng giao lưu (kinh tế, văn hóa...) góp phần nâng cao dân trí và sự tự khẳng định của các dân tộc. Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho việc mở rộng giao lưu quốc tế, tăng cường sự

hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo điều kiện cho sự mở rộng về giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa các quốc gia, dân tộc, cho việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo điều kiện hiện đại hóa và làm phong phú nền văn hóa dân tộc.

1.2.1.3 Về chính trị - quan hệ quốc tế

Toàn cầu hóa củng cố và tăng cường các thể chế quốc tế, thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc.

Cùng với sự phát triển của quá trình toàn cầu hóa, các thể chế quốc tế ngày càng được tăng cường để đảm bảo điều tiết và quản lý các quan hệ quốc tế. Hiện nay có khoảng 120 thể chế khu vực và toàn cầu. Hàng trăm tổ chức quốc tế các loại, gồm cả các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những sản phẩm của toàn cầu hóa, đồng thời nó làm cho quá trình toàn cầu hóa được tăng cường. Chính nhờ toàn cầu hóa liên kết các nước lại với nhau làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước về nhiều mặt nên lợi ích của mỗi quốc gia gắn với lợi ích nhiều quốc gia.

Một phần của tài liệu những cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển ở khu vực đông nam á trong bối cảnh toàn cầu hóa giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2006 (Trang 26)