Luật Hành chính

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 35 - 36)

LHC là ngành luật về quản lý nhà nước điều chỉnh các QHXH phát sinh, phát triển trong lĩnh vực quản lý nhà nước, tức là các QHXH phát sinh phát triển trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước, LHC là ngành luật có phạm vi điều chỉnh rộng bao trùm hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị kinh tế, VHXH. Hoạt động quản lý nhà nước nhằm tạo lập trật tự cho xã hội.

Trẻ em với tư cách là bộ phận hợp thành của công dân, là loại chủ thể đặc biệt tham gia vào hầu hết các QHXH, vì thế cũng là đối tượng của LHC, trẻ em thường tham gia trong các lĩnh vực hoạt động như: học tập, vui chơi, giải trí hay các lĩnh vực hoạt động như giáo dục, y tế đều chịu sự quản lý của Nhà nước. Chính vì vậy, LHC xác định trẻ em là đối tượng đặc biệt khi tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính, cần được quan tâm chăm sóc giúp đỡ đặc biệt so với các chủ thể khác. Do đó, trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã có các quy định riêng áp dụng cho trẻ em.

Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, nhà nước ta đã có những quy định tương đối đầy đủ để xử lý những hành vi vi phạm quyền trẻ em cũng như xử lý những hành vi vi phạm do trẻ em thực hiện. Đường lối xử lý trong lĩnh vực này cũng như trong lĩnh vực tư pháp hình sự tiếp tục là sự cụ thể hoá các quy định nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, pháp luật nước ta và quốc tế theo hướng vừa tăng cường tính hiệu quả trong đấu tranh chống vi phạm hành chính ở lứa tuổi chưa thành niên vừa thể hiện tính nhân đạo và trách nhiệm của cộng đồng trong việc giáo dục trẻ em trở thành những công dân tốt. Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, tuổi chịu trách nhiệm hành chính được quy định như sau: chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên mới có thể bị xử lý vi phạm hành chính (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; từ đủ 16 tuổi trở lên - về mọi hành vi vi phạm hành chính).

Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em còn được thể hiện ở các quy định nghiêm ngặt của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính về tạm giữ người theo thủ tục hành chính, theo đó khi người chưa thành niên vi phạm bị tạm giữ trên 6 giờ thì người có thẩm quyền tạm giữ nhất thiết phải thông báo cho cha mẹ

hoặc người giám hộ của họ biết, phải đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ... Những quy định này là cần thiết nhằm hạn chế những vi phạm pháp luật có thể xảy ra từ phía cơ quan, cán bộ có thẩm quyền.

Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em được thể hiện trong các quy định của luật hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử phạt vi phạm hành chính. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã quy định hai thủ tục về việc giải quyết khiếu nại: thủ tục giải quyết khiếu nại việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính và thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị xử phạt trong đó có người chưa thành niên. Điều 18 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã có quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em: đối với các quyết định hành chính, hành vi vi phạm hành chính liên quan đến quyền lợi của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất tinh thần nếu không có ai khởi kiện thì Viện Kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố vụ án hành chính và có trách nhiệm cung cấp chứng cứ.

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 35 - 36)