BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM TRONG PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 59 - 64)

Đến lĩnh vực lao động, việc làm, bảo vệ quyền trẻ em lại có những đặc điểm riêng và rất phức tạp. Bởi lẽ, môi trường ở đây đã vượt ra ngoài quỹ đạo và sự kiểm soát của gia đình, nhà trường. Trẻ em tuy vẫn còn non nớt nhưng đã là chủ thể của quan hệ lao động. Trẻ em phải lao động kể cả khi chưa đến độ tuổi theo pháp luật nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên phải chấp nhận.

Bộ luật lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 23-6-1994 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-1995. Đây là một Bộ luật lớn và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội nước ta. Vì lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người tạo ra của cải vật chất và các giá

trị tinh thần của xã hội. Bộ luật lao động góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội ưu tiên đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em trong các quan hệ lao động.

“Bộ luật lao động điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động” (Điều 1).

Trong những năm qua khi đất nước chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường đã làm cho quan hệ lao động có những thay đổi đáng kể về nội dung và tính chất. Với đặc thù nền kinh tế thị trường sức lao động được coi là hàng hóa đặc biệt, bởi lẽ khác với các loại hàng hóa khác sức lao động gắn liền với nhân cách, sức khỏe của con người. Với tư cách là một bộ phận lao động của công dân trong xã hội, trẻ em nước ta được tham gia vào các quan hệ lao động tương đối phổ biến. Trong nền kinh tế thị trường trước sức ép và mặt trái của nó trẻ em phải lao động kiếm sống từ rất sớm. Bộ luật lao động của nước ta đã dành riêng chương XI gồm “Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác”.

Lao động là hoạt động quan trọng của con người, lao động tạo ra của cải, vật chất và các giá trị tinh thần cho xã hội. Chính vì vậy, lao động không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền cơ bản của công dân. Khi đất nước chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường đã làm cho các quan hệ lao động có những thay đổi đáng kể về nội dung và tính chất. Hiến pháp 1992 ra đời tạo ra một nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho sự đổi mới, phát triển và hoàn thiện pháp luật lao động. Để thể chế hoá các quy định của Hiến pháp, hàng loạt các văn bản được ban hành nhằm điều chỉnh lĩnh vực quan hệ lao động cho phù hợp với nền kinh tế thị trường: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), NĐ 50/HĐBT (1988) của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ xí nghiệp quốc doanh, Luật Công đoàn 1990, Pháp lệnh Hợp đồng lao động 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật công ty 1990, Pháp lệnh về bảo hộ lao động 1991, NĐ 120/HĐBT (1992) của Hội đồng Bộ trưởng về phương hướng giải quyết việc làm, NĐ18/CP (1992) của Chính phủ về thoả ước lao động tập thể.

BLLĐ năm 1994 đã pháp điển hoá quy định tại Điều 32 CƯVQTE là: “Trẻ em được bảo vệ khỏi sự bóc lột về kinh tế và khỏi bất kỳ công việc gì có thể gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến việc học hành, hoặc có hại đối với sức khoẻ hay sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức hay xã hội của các em”. Để thực hiện điều này, trước tiên BLLĐ xác lập độ tuổi mà NCTN được tham gia vào quan hệ lao động là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó BLLĐ cũng quy định khái niệm trẻ em là người dưới 15 tuổi (Điều 120, BLLĐ). Pháp luật lao động Việt nam đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là NCTN bằng các quy định của BLLĐ về trách nhiệm của người sử dụng lao động, BLLĐ đã quy định:

- Nghiêm cấm lạm dụng sức lao động của NCTN (khoản 2, Điều 119). - Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi làm việc trừ một số nghề và công việc do

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định (Điều 120).

- Cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại do Bộ lao động- Thương binh và xã hội và Bộ y tế ban hành (Điều 121).

Để cụ thể hoá điều quy định trên, Thông tư liên bộ số 09/TT-LB ngày 13- 4-1995 của Bộ lao động -Thương binh và xã hội và Bộ y tế quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên, trong đó Thông tư quy định cụ thể những tổ chức và cơ quan không được sử dụng lao động là NCTN (Mục A/ TT09), quy định các điều kiện có hại cấm sử dụng lao động chưa thành niên (Mục B/TT 09), quy định danh mục công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên (Mục C/TT09), trong đó quy định 81 công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên.

Mặt khác, xuất phát từ đặc điểm về tâm, sinh lý của NCTN, NCTN là người chưa phát triển đầy đủ về thể lực và trí lực, để bảo đảm cho sự phát triển bình thường cho NCTN trong điều kiện lao động, điều 122 BLLĐ quy định:

1. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên không được quá 7 giờ 1 ngày hoặc 42 giờ 1 tuần.

2. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc ban đêm trong một số nghề và công việc do Bộ lao động - Thương binh và xã hội quy định.

Với các quy định này, pháp luật lao động đã bảo vệ trẻ em khỏi sự bóc lột, lạm dụng sức lao động trẻ em.

Đồng thời với việc đưa ra các quy định cấm sử dụng lao động chưa thành niên đối với người sử dụng lao động, pháp luật lao động còn quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động thông qua các điều kiện cụ thể mà luật quy định người sử dụng lao động phải tuân thủ khi sử dụng lao động là NCTN, như quy định tại điều 119: "nơi có sử dụng người lao động chưa thành niên phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi thanh tra viên lao động yêu cầu”, và “người sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách, và có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động” (Điều 121).

Về phương diện các đối tượng sử dụng lao động, Bộ luật lao động đã quy định những biện pháp chế tài áp dụng đối với những hành vi vi phạm đối với các đối tượng sử dụng lao động, từ cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, buộc phải bồi thường, buộc đóng cửa doanh nghiệp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 192). Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/CP ngày 25.6.1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật lao động, điều 9 có quy định phạt tiền đối với việc sử dụng lao động người chưa thành niên làm nhữung công việc nặng nhọc, độc hại [32;117]

Trẻ em được bảo vệ, chăm sóc kể cả khi đang còn là thai nhi trong bụng mẹ. Để đảm bảo cho mọi trẻ em từ khi còn là thai nhi cho đến sau khi sinh được chăm sóc đầy đủ, có các điều kiện để phát triển bình thường, BLLĐ 1994 đã dành một chương để đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ trong khi mang thai và sau khi sinh. Cụ thể, Khoản 3 Điều 111 quy định: “người sử dụng lao động

lao động nữ vì do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động”; Điều 112 quy định: “người lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải bồi thường, nếu thầy thuốc chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi”.

Điều 113 ghi nhận: “người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con”; Điều 114 quy định: “chế độ nghỉ của lao động nữ trước và sau khi sinh cộng lại từ 4 đến 6 tháng theo quy định của Chính phủ, nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở lên, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày”. Quyền lợi của người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng 100% tiền lương và được trợ cấp thêm 1 tháng lương đối với trường hợp sinh con lần thứ nhất, thứ hai” (Điều 144); người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa (khoản 1, Điều 115): Điều 117 quy định: chế độ nữ lao động được hưởng trong thời gian nghỉ để chăm sóc con đau ốm.

- Về hợp đồng lao động:

Khi người lao động tham gia lao động, các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động phải thực hiện việc giao kết các hợp đồng lao động, mọi trẻ em muốn làm việc phải có sức khoẻ phù hợp với công việc, có giao kết hợp đồng lao động, nghĩa là phải có sự thoả thuận đồng ý của các em. Đối với người dưới 15 tuổi vào làm các công việc được phép thì phải có đồng ý bằng văn bản và theo dõi của cha mẹ hay người đỡ đầu các em đó (nghị định 19/CP) nhằm bảo vệ người chưa thành niên trong quá trình lao động, pháp luật lao động quy định rất chặt chẽ trong hợp đồng lao động các điều khoản về công việc phù hợp với sức khoẻ, về tiền lương (điều 117 nghị định 197/CP), thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kiểm tra sức khoẻ định kỳ và việc học tập của các em.

Bộ luật lao động cũng dự liệu về cách giải quyết những trường hợp rủi ro xẩy ra với mục đích bảo đảm sự chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trẻ em được hưởng sự

chăm sóc, nuôi dưỡng từ cha mẹ, tuy nhiên trong thực tiễn nhiều trường hợp cha mẹ là người lao động gặp rủi ro, tai nạn, trong những trường hợp này quyền lợi của con cái là trẻ em bị thiệt hại đầu tiên. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền của trẻ em, BLLĐ quy định: trẻ em dưới 15 tuổi được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng nếu bố, mẹ là người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được 15 năm trở lên tính đến khi chết; bố, mẹ là người đang hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng bị chết.

Tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về trẻ em đã được thể hiện trong bộ luật lao động như để phù hợp với các quy định về đỡ đầu, giám hộ được quy định tại BLDS 1995 và Luật HNGĐ 1986, BLLĐ 1994 quy định chế độ đỡ đầu, giám hộ đối với NCTN khi họ tham gia vào quan hệ lao động, Điều 120 BLLĐ quy định: “đối với ngành nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng những trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu”.

Với các quy định trong pháp luật lao động như đã phân tích ở trên, pháp luật lao động Việt nam đã có một bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Là thành viên chính thức của ILO, Việt nam đã tham gia phê chuẩn nhiều Công ước của tổ chức này về vấn đề lao động trẻ em nhằm theo kịp xu hướng phát triển của thế giới và xu thế chung của thời đại.

Với sự ra đời của bộ luật lao động, lần đầu tiên trong pháp luật lao động, trẻ em với tư cách là một chủ thể có địa vị pháp lý được quy định rõ ràng, thể hiện rõ nét nguyên tắc của pháp luật quốc tế về quyền trẻ em, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Bằng cách đó pháp luật lao động đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đảm bảo cho trẻ em tránh khỏi tình trạng bị lạm dụng, bóc lột sức lao động. Đây là những “lá chắn pháp lý” giúp cho trẻ em khỏi những ảnh hưởng xấu, tác động không tốt đến quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện về nhân cách.

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 59 - 64)