BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 64 - 67)

Bộ luật hình sự mới năm 1999 ra đời vừa là kết quả của sự kế thừa của cả một hệ thống chế định, nguyên tắc đã được trải nghiệm của bộ luật hình sự năm 1985. Luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Thời cuộc thay đổi, xu hướng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng cũng buộc phải thay đổi theo cho phù hợp. Trong số những thay đổi đó có sự thay đổi về các quy định đối với trẻ em khi họ là chủ thể vi phạm và bị xâm phạm các quyền của mình.

Luật hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy. Chế tài của luật hình sự thể hiện ở trong hình phạt của hình sự cụ thể trong từng tội phạm là sự biểu hiện thái độ nghiêm khắc nhất của nhà nước đối với người phạm tội. Điều1 BLHS năm 1999 quy định về nhiệm vụ như sau: ''Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm''.

Trẻ em là nguồn hạnh phúc của mọi gia đình, là người chủ tương lai của đất nước. Đồng thời trẻ em do còn non nớt về thể chất, trí tuệ và tinh thần nên khả năng tự vệ còn rất hạn chế dễ trở thành đối tượng bị tội phạm xâm hại. Vì vậy, ở nước ta việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được coi là mội chính sách lớn của nhà nước. Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận: ''Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục'' (Điều 65 Hiến pháp 1992).

Trên tinh thần này cùng với các tội khác Bộ luật hình sự còn quy định những tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ danh dự của trẻ em, người chưa thành niên hay những tội lôi kéo dụ dỗ các em vào các tệ nạn xã hội, biến các em thành những kẻ phạm tội với những hình phạt rất nghiêm khắc. Bộ luật hình sự cũng quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình, một số tội bóc lột lạm dụng sức lao động của các em.

Trong lĩnh vực pháp luật hình sự, trẻ em được xem xét dưới hai góc độ: với tư cách là người phạm tội và với tư cách là nạn nhân của các hành vi phạm tội. Trong cả hai trường hợp này đều có những đặc điểm đặc thù so với các đối tượng khác[33]. Với đặc điểm của tuổi chưa thành niên có nhiều biến chuyển về cơ thể, tâm sinh lý, làm cho trẻ em khó kiểm soát được nhận thức và hành vi của mình, do đó rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm pháp và cũng rất dễ trở thành đối tượng cho tội phạm xâm hại. Thực tế diễn biến tình hình phạm tội ở nước ta trong những năm qua đã chứng minh trẻ em thường trở thành đối tượng bị xâm hại, đặc biệt là đối với các nhóm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và tội phạm ma tuý. Bên cạnh đó Bộ luật hình sự 1999 cũng có những điểm mới trong việc hạn chế tội phạm vị thành niên trong việc quy định một số điểm liên quan đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12).

Bộ luật hình sự nước ta đã thể hiện mạnh mẽ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế về bảo vệ các quyền trẻ em trên tinh thần “trẻ lạc hậu phải được giúp đỡ; trẻ phạm tội phải được giáo dục; khi xảy ra tai hoạ trẻ em là người đầu tiên được cứu hộ” [18]. Bên cạnh tính nghiêm khắc xử lý các hành vi xâm phạm quyền trẻ em, pháp luật hình sự nước ta cũng thể hiện rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng đối với trẻ em phạm tội. Quan điểm trên đã được quán triệt trong đường lối, chính sách của pháp luật hình sự của nước ta từ khi ra đời và trong suốt quá trình phát triển. Ngay khi Nhà nước CHXHCN Việt nam chưa ban hành BLHS, trong các văn bản hướng dẫn đường lối xét xử, Toà án nhân dân tối cao đã chỉ rõ cần phải xử phạt nặng những người phạm tội đối với trẻ em, như trong bản tổng kết và hướng dẫn số 329-HS2 ngày 11-5-1967 của Toà án nhân dân tối cao về đường lối

ban hành BLHS 1985 và gần đây nhất là BLHS 1999 tư tưởng chỉ đạo này đã được cụ thể hoá thành những nguyên tắc cơ bản về xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội do NCTN thực hiện và xử lý đối với những hành vi phạm tội xâm hại tới lợi ích của trẻ em.

Một phần của tài liệu Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 64 - 67)