dịch dân sự
Thứ nhất, sửa đổi và bổ sung khoản 2 Điều 122 BLDS 2005. Trên thực tế đối với các giao dịch pháp luật không quy định hình thức bắt buộc thì các bên tham gia có quyền thỏa thuận hình thức là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Ví dụ: các bên có thể thỏa thuận hợp đồng mua bán trang sức quý phải được lập bằng văn bản công chứng thì mới có hiệu lực cho dù pháp luật không quy định buộc hợp đồng này phải được lập theo
hình thức văn bản công chứng. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 122 BLDS chưa dự liệu đến trường hợp này, vì lý do đó chúng tôi kiến nghị nên sửa đổi quy định tại điều khoản này như sau: “Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận”.
Thứ hai, sửa đổi và bổ sung quy định tại Điều 401 BLDS 2005 về hình thức hợp đồng dân sự. Về khoản 1 Điều 401 BLDS 2005 chưa thể hiện rõ các bên có thể sử dụng đồng thời nhiều hình thức khác nhau để giao kết hợp đồng. Từ đó đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng và quy định linh hoạt hơn về hình thức hợp đồng, bảo đảm tối đa quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng của các chủ thể [38, tr.74]. Đồng thời, theo như phân tích của chúng tôi tại tiểu mục 1.1.1 thì nên bỏ từ “dân sự” đi sau thuật ngữ “hợp đồng” để đảm bảo tính khái quát và chung nhất hơn. Có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 401 BLDS 2005 cần được sửa đổi như sau: “Hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể,hoặc bằng các hình thức vật chất khác có thể diễn đạt được ý chí của các bên và chứng minh được sự tồn tại của hợp đồng, hoặc bằng sự kết hợp của hai hay nhiều hình thức kể trên” [38, tr.75].Tác giả đồng tình với kiến nghị này và cho rằng nếu điều luật được sửa đổi theo hướng trên thì sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hơn. Đồng thời, trong quy định mới cũng lược bỏ đoạn “khi pháp luật không quy định loại hợp đồng phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”, làm cho nội dung hợp lý hơn. Bởi lẽ đây là quy định chung về hình thức của hợp đồng và không cần thiết phải nêu trường hợp ngoại lệ.
Về khoản 2 Điều 401 BLDS 2005 được quy định chưa nhất quán so với khoản 2 Điều 124 BLDS về hình thức giao dịch dân sự cần phải được sửa đổi và bổ sung để phù hợp với nhau. Do đó, đoạn 1 khoản 2 Điều 401 BLDS 2005 cần được sửa đổi như sau: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân
theo các quy định đó”. Bên cạnh đó, theo tác giả quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 401 BLDS 2005 là không chính xác: “Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này gây mâu thuẫn và làm vô hiệu hóa các quy định khác về hình thức hợp đồng [38, tr.77]. Chúng ta thấy rằng, rất nhiều hợp đồng khi không tuân thủ về mặt hình thức thì khi có tranh chấp Tòa án sẽ không công nhận hiệu lực của hợp đồng. Ví dụ: hợp đồng tặng cho nhà ở không được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký nếu theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu thì không được công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng. Đồng thời, nếu pháp luật có quy định bắt buộc hình thức đối với hợp đồng mà không được tuân thủ, sau một tháng các bên không khắc phục được hình thức của hợp đồng thì Tòa án sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu. Từ những lý do trên đây chúng tôi cho rằng nên bỏ quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 401 BLDS để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ về mặt lập pháp.
Thứ ba, sửa đổi và bổ sung quy định tại Điều 134 BLDS 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Theo như phân tích tại tiểu mục 3.1.1 chúng ta thấy rằng cách thức xử lý giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức còn nhiều bất cập, khi áp dụng trong thực tiễn chưa thể hiện được tính ưu việt của pháp luật. Chúng tôi cho rằng nên sửa đổi điều luật này theo hướng như sau:
- Điều luật nên khẳng định rằng đối với những giao dịch dân sự được pháp luật quy định bắt buộc về mặt hình thức mà không tuân thủ thì về nguyên tắc sẽ bị vô hiệu.
- Tuy nhiên, chúng ta có thể quy định về những trường hợp loại trừ để có đường lối giải quyết đúng đắn cho các cơ quan áp dụng pháp luật. Một là: đối với những giao dịch đã được các bên thực hiện thì cần phải công nhận giao dịch đó. Các bên có quyền thực hiện việc khắc phục hình thức của giao dịch. Nếu các bên không khắc phục thì cũng không là lý do để tuyên giao
dịch vô hiệu. Hai là: trong trường hợp các bên chưa thực hiện giao dịch thì Tòa án có thể cho các bên một khoảng thời gian để khắc phục mặt hình thức của giao dịch. Nếu sau khoảng thời gian đó các bên không thực hiện quy định hình thức đối với giao dịch đó thì Tòa án sẽ tuyên giao dịch vô hiệu.
- Ngoài ra, chúng tôi cho rằng các nhà làm luật nên chú ý đến vấn đề những lỗi kỹ thuật văn bản của giao dịch không bị coi là vi phạm về mặt hình thức.
- Bên cạnh đó, di chúc là đại diện tiêu biểu của hành vi pháp lý đơn phương và là trường hợp khá đặc biệt. Chúng ta không thể xét di chúc đã được thực hiện hay chưa được thực hiện để xác định hiệu lực. Bởi lẽ, người để lại di sản không còn nữa để có thể khắc phục hình thức di chúc do chính mình lập. Do đó, đối với di chúc không tuân thủ quy định về hình thức thì đương nhiên vô hiệu.
Từ những phân tích như trên, chúng tôi mạnh dạn đưa ra giải pháp sửa đổi cho Điều 134 BLDS 2005 như sau:
Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
1. Trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực đối với giao dịch dân sự mà các bên tham gia không tuân thủ thì giao dịch đó vô hiệu, trừ các trường hợp dưới đây:
a. Giao dịch dân sự đã được các chủ thể tham gia thực hiện: đã chuyển giao tiền, vật hoặc thực hiện công việc và không nhằm trốn tránh nghĩa vụ pháp lý đối với người thứ ba thì được coi có hiệu lực.
b. Giao dịch dân sự chưa được chủ thể tham gia thực hiện nhưng khi có yêu cầu của một hoặc các bên,Tòa án quyết định buộc các bên thực hiện quy định hình thức của giao dịch đó trong thời hạn một tháng. Sau thời hạn một tháng các bên không thực hiện thì Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
c. Di chúc không đảm bảo điều kiện về hình thức theo quy định của Bộ luật này thì đương nhiên vô hiệu.