Hợp đồng thuê nhà vi phạm hình thức

Một phần của tài liệu Hình thức giao dịch dân sự theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 75)

Thuê nhà nhằm mục đích ở là nhu cầu phổ biến, thiết thực của nhiều cá nhân trong xã hội hiện nay. Pháp luật cũng đã có quy định về hình thức đối với hợp đồng thuê nhà ở: “phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký”[9, Điều 492]. Tuy nhiên, quy đinh này khi áp dụng trong thực tiễn lại gặp

khá nhiều vướng mắc. Chúng ta cùng xem xét ví dụ cụ thể dưới đây:

Vụ án Tranh chấp kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Quyết, bà Trương Minh Tâm và bị đơn là Tạ Văn Oai.

Nội dung vụ án: Ngày 01/4/2007 anh Nguyễn Văn Quyết ký hợp đồng cho ông Tạ Văn Oai và bà Trương Thị Nguyệt Minh thuê một phần tòa nhà thuộc nhà nghỉ Phương Nam số 33, phố Phan Xi Păng, thị trấn Sapa, huyện Sapa để ông Oai và bà Minh kinh doanh nhà nghỉ. Phần nhà cho thuê gồm phòng khách, các tầng 2,3,4,5 và bể nước,khu đặt bình ga, máy bơm nước thuộc tầng hầm và các trang thiết bị khác có bảng kê chi tiết kèm theo. Thời hạn thuê 10 năm, hợp đồng được lập thành văn bản nhưng không được công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngày 01/10/2009 bà Minh đã rút hết phần vốn góp không kinh doanh cùng ông Oai nữa. Quá trình thực hiện hợp đồng ông Oai kinh doanh không đảm bảo vệ sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nơi ông Quyết sinh sống. Tháng 12/2010 ông Quyết đã thông báo cho ông Oai biết hợp đồng giữa ông và ông Oai không có hiệu lực vì không được công chứng, chứng thực và đề nghị ông Oai chấm dứt hợp đồng, trả lại tài sản cho ông.

Bị đơn ông Tạ Văn Oai trình bày: Ông đồng ý với lời khai của nguyên đơn về thời gian và nội dung hai bên ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, ông cho rằng hợp đồng thuê nhà đã được chứng thực của UBND thị trấn Sapa vào ngày 15/11/2007 do vậy hợp đồng thuê nhà là hoàn toàn hợp pháp và có hiệu lực pháp luật. Tháng 12/2010 ông Quyết đã thông báo đòi lại nhà, xét thấy việc đòi lại nhà của ông Quyết đã ảnh hưởng đến quyền lợi của ông, do vậy ông yêu cầu hai bên tiêp tục thực hiện hợp đông đã ký.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều quyết định [59,tr.5]: Buộc ông Tạ Văn Oai phải trả cho ông Nguyễn Văn Quyết và bà Trương Minh Tâm (Trương Thị Minh Tâm) một phần tòa nhà thuộc nhà nghỉ Phương Nam số 33, phố Phan Xi Păng, thị trấn Sapa, huyện Sapa gồm phòng khách, các tầng

2,3,4,5, khu phụ trợ, khu tầng hầm gồm bể nước, khu đặt bình ga, máy bơm nước và các trang thiết bị khác có bảng kê chi tiết kèm theo.

Nhận xét về vụ án: Căn cứ theo Điều 492 và Điều 134 BLDS 2005 thì hợp đồng thuê nhà mà hai bên đã ký kết đã bị vi phạm về hình thức. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “Hợp đồng thuê nhà mà nguyên đơn và bị đơn đã ký kết ngày 01/4/2007 đã vô hiệu kể từ khi xác lập và đã hết thời hiệu tuyên bố giao dịch vô hiệu nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Việc bị đơn chiếm hữu, sử dụng tài sản của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật cần buộc bị đơn phải trả lại toàn bộ một phần nhà thuộc Nhà nghỉ Phương Nam”. Chúng tôi thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng thuê nhà trên bị vô hiệu kể từ khi xác lập là đúng. Tuy nhiên, tác giả không đồng tình với kết luận kèm theo là “đã hết thời hiệu tuyên bố giao dịch vô hiệu”, bởi lẽ nhận định này đồng nghĩa với việc hợp đồng thuê nhà này đang có hiệu lực pháp luật vì đã hết thời hạn tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Do đó chúng tôi cho rằng đây là sự mâu thuẫn và bất cập trong quy định của pháp luật cần phải được sửa đổi. Hơn nữa, đối với hợp đồng thuê nhà bị vô hiệu thì theo quy định của pháp luật các bên sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận là điều rất khó thực hiện. Bởi nhà được thuê một thời gian sẽ có những tiêu hao cả về tự nhiên và do con người. Vì lẽ đó các bên thuê nhà sẽ không thể hoàn lại nguyên trạng tài sản như ban đầu đã nhận bàn giao.

Một phần của tài liệu Hình thức giao dịch dân sự theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 75)