luật dân sự 1995
Trong giai đoạn từ năm 1945 đến khi ban hành Bộ luật dân sự 1995 đất nước ta có nhiều biến động lịch sử. Vì vậy, pháp luật cũng có những điều chỉnh, thay đổi không nhỏ. Năm 1945, đất nước ta giành được độc lập và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong lúc đất nước còn bộn bề rối ren và nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để ban hành tất cả các luật mới thay thế những bộ luật cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 90/SL cho phép tạm sử dụng một số luật lệ ban hành ở bắc Trung Nam với điều kiện những luật lệ ấy không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam. Do vậy, các văn bản pháp luật dân sự từ thời Pháp thuộc vẫn được tiếp tục sử dụng.
Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng do có nhiều quy định trong các bộ luật cũ không còn phù hợp với tình hình lịch sử thời bây giờ, cho nên sau khi có Hiến pháp 1959, Tòa án tối cao đã ra Chỉ thị số 772/CY-TATC về việc đình chỉ áp dụng luật lệ của đế quốc, phong kiến. Thời kỳ này việc điều chỉnh các quan hệ dân sự sẽ do các văn bản sau điều chỉnh: Sắc lệnh 97/SL ngày 22- 5-1950; Chỉ thị số 4/DS ngày 14/10/1963 của Tòa án tối cáo về đường lối giải quyết những giao dịch hợp pháp và bất hợp pháp…Có thể nói, hình thức của
giao dịch dân sự không được chú trọng quan tâm và đề cập đến trong các văn bản pháp luật trên đây.
Cho đến thời kỳ nước ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã có hàng loạt các văn bản ra đời điều chỉnh các quan hệ giao dịch dân sự, phải kể đến như: Pháp lệnh hợp đồng dân sự có hiệu lực ngày 1-7-1991; Pháp lệnh nhà ở ngày 26-3-1991; Pháp lệnh thừa kế ngày 10-9-1990… Trong thời kỳ này, thuật ngữ “khế ước” đã được thay bằng thuật ngữ “hợp đồng dân sự”. Theo đó thì hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng cho tài sản; làm hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng [49, Điều 1]. Đồng thời, hình thức của hợp đồng cũng được quy định thành một điều luật riêng rẽ tại Pháp lệnh hợp đồng dân sự 1991 như sau:
“1. Các bên có thể giao kết hợp đồng bằng miệng hoặc bằng văn bản. 2. Đối với các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải lập thành văn bản, đăng ký, hoặc có chứng thực của cơ quan công chứng Nhà nước, thì các bên phải tuân theo các quy định đó.”
Đối với vấn đề thừa kế tại Pháp lệnh thừa kế năm 1990 đã có những quy định khá chi tiết, cụ thể đối với hình thức của di chúc tại Điều 14 về Di chúc viết được cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân chứng thực như sau:
1. Người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc.
2. Người lập di chúc có thể tự viết hoặc nhờ người khác viết bản di chúc, nhưng người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
3. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được thì phải nhờ người chứng kiến. Người chứng kiến đọc bản di chúc cho người lập di chúc nghe và ký vào bản di chúc trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. 4. Người có trách nhiệm của cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân
dân chứng thực vào bản di chúc trước mặt người lập di chúc, người chứng kiến.
Có thể nhận thấy rằng, tại Pháp lệnh thừa kế 1990 khá chú trọng tới hình thức của di chúc. Không chỉ ở việc di chúc phải được lập thành văn bản mà còn cần tới sự chứng thực của cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.
Tuy nhiên, nếu để các quy định về dân sự nói chung hoặc giao dịch dân sự nói riêng rải rác ở các văn bản pháp luật sẽ tạo ra sự thiếu sót và không đồng bộ trong quá trình áp dụng pháp luật dân sự. Đồng thời, để thúc đẩy giao lưu dân sự, phát triển nền kinh tế thì sự ra đời của BLDS là cần thiết. Vì vậy, nhà nước ta đã ban hành BLDS năm 1995 để xỏa bỏ những quy định còn lạc hậu, cổ hủ của chế độ phong kiến và ban hành những quy định mới cho phù hợp với tình hình đất nước.
Giao dịch dân sự được các nhà làm luật chú trọng và xây dựng khá chặt chẽ. Tại bộ luật này, khái niệm giao dịch dân sự đã được xây dựng một cách khái quát và khá chính xác: “Giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng của cá nhân, pháp nhân và của các chủ thể khác nhằm làm phát sinh thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” [8, Điều 130]. Trong đó, hình thức của giao dịch dân sự được quy định khái quát, chi tiết và tỉ mỉ hơn các văn bản pháp luật trước đó. Bộ luật dân sự 1995 đã dành hẳn một điều luật để quy định về hình thức của giao dịch dân sự:
Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải được Công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép, thì phải tuân theo các quy định đó.
Thông qua điều luật này, tác giả nhận thấy việc quy định hình thức của giao dịch dân sự đã cụ thể và có những tiến bộ hơn so với các văn bản pháp luật thời kỳ phong kiến và pháp thuộc. Bộ luật dân sự 1995 quy định bốn hình thức thể hiện của giao dịch dân sự như sau: (i) Hình thức lời nói: thỏa thuận hợp đồng hoặc tuyên bố ý chí của mình bằng lời nói; (ii) Hình thức văn bản: ký kết giao dịch hoặc thể hiện tuyên bố ý chí bằng văn bản; (iii) Hình thức bằng hành vi cụ thể: hành vi giao kết hợp đồng hoặc tuyên bố ý chí bằng một hành vi. Ví dụ: hành vi mua hàng qua máy bán hàng tự động, hành vi gọi điện thoại công cộng thanh toán bằng thẻ….; (iiii) Hình thức văn bản có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực.
Về nguyên tắc, BLDS 1995 quy định các chủ thể khi tham gia giao dịch tự do lựa chọn hình thức giao dịch dân sự. Tuy nhiên khi pháp luật có quy định hình thức đối với một số loại giao dịch cụ thể thì phải tuân theo. Nếu các chủ thể không tuân theo thì sẽ vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch và giao dịch đó sẽ trở nên vô hiệu. Ví dụ: hợp đồng mua bán nhà ở phải lập thành văn bản, có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng pháp luật cũng đã có những điểm mở để giao dịch khi không tuân thủ quy định về hình thức của pháp luật có thể sửa chữa, khắc phục: “ Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự vô hiệu, nếu không được thể hiện bằng văn bản, không có Công chứng nhà nước chứng nhận, không được chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc cá bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch
trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện, thì giao dịch vô hiệu. Bên có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường thiệt hại” [8, Điều 139].
Việc quy định như trên cho thấy rằng quan điểm pháp luật của nhà nước ta thời kỳ này đã chú ý đến hình thức của giao dịch dân sự . Các nhà làm luật đã hiểu rằng quy định hình thức bắt buộc cho những giao dịch có tài sản lớn, quan trọng sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội và là công cụ pháp lý bảo đảm cho các chủ thể tham gia giao dịch.
Tóm lại, việc quy định về hình thức giao dịch dân sự tại BLDS 1995 còn thiếu quy định về các hình thức giao dịch trong thời hiện đại: telex, fax, điện báo,…Ngoài ra, đối với việc thực hiện quy định khắc phục đối với giao dịch chưa tuân thủ về mặt hình thức tại Điều 139 cũng còn nhiều bất cập. Hơn nữa, phải kể đến hai văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TANDTC là: Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/04/2003 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình và Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 hướng dẫn áp dụng trong việc giải quyết của vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Đây đều là hai văn bản quan trọng nhưng lại thiếu vắng các quy định cụ thể về hình thức của giao dịch dân sự. Tại Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP chỉ có một quy định hướng dẫn về trường hợp hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu do không tuân thủ các điều kiện về hình thức như sau:
Đối với hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu do không tuân thủ điều kiện về hình thức của hợp đồng, khi có tranh chấp và theo yêu cầu của một hoặc các bên Toà án áp dụng Điều 139 BLDS để ra quyết định buộc một hoặc các bên phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn một tháng, kể từ ngày Toà án ra quyết định thực hiện các thủ tục để hoàn thiện về hình thức của hợp đồng. Nếu có một bên đương sự vắng mặt thì thời hạn này tính từ ngày bên đương sự vắng mặt nhận được quyết định của Toà án. Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan, thì thời gian có sự kiện bất khả
kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn một tháng đó. Quá thời hạn một tháng mà họ không đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục để hoàn thiện về hình thức của hợp đồng thì Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Bên có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức vì không thực hiện theo quyết định của Toà án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 146 BLDS.
Mặc dù hướng dẫn này đã thống nhất về mặt lập pháp với việc áp dụng Điều 139 BLDS 1995 nhưng khi áp dụng trong thực tiễn lại bộc lộ khá nhiều bất cập. Quy định này vô tình đã tạo điều kiện cho bên muốn Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu có thể dùng cách không hoàn thiện các thủ tục về mặt hình thức của hợp đồng trong vòng một tháng nhằm đạt được mục đích của mình.
Tóm lại, bên cạnh những thiếu sót thì BLDS 1995 cũng góp phần mở ra một thời đại mới của pháp luật dân sự Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm đối với chế định giao dịch dân sự.