Quy định về hình thức giao dịch dân sự dƣới thời Pháp thuộc

Một phần của tài liệu Hình thức giao dịch dân sự theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 29)

Thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm 1958, vua quan nhà Nguyễn đã thỏa hiệp và đầu hàng. Đất nước ta bước vào thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ. Chúng đã ban hành ba BLDS áp dụng cho ba miền của nước ta là: Bộ dân luật giản yếu Nam Kỳ (ban hành năm 1883), Bộ dân luật Bắc kỳ (ban hành năm 1931), Bộ luật Hoàng Việt Trung kỳ (ban hành năm 1936).

Các bộ luật trong thời kỳ Pháp thuộc cũng chưa đề cập đến khái niệm giao dịch dân sự. Định nghĩa khế ước vẫn được sử dụng rộng rãi trong văn bản pháp luật và trong nhân dân. Theo Điều 680 của Bộ luật Hoàng Việt Trung kỳ đã đưa ra khái niệm pháp lý về khế ước như sau: “Khế ước là một hiệp ước của một người hay nhiều người cam đoan với một hay nhiều người khác để chuyển giao, để làm hay không làm cái gì”. Thông qua khái niệm này thì khế ước thực chất là sự thỏa thuận giữa ít nhất hai người để xác lập quyền, nghĩa vụ của người này đối với người khác và ngược lại. Từ đó chuyển giao tài sản từ người này sang người khác, để làm một việc hoặc không làm một việc cụ thể. Có thể thấy rằng khái niệm khế ước này có bản chất tương đương với khái niệm hợp đồng trong Bộ luật dân sự hiện hành.

Pháp luật dân sự trong thời kỳ này không có quy định riêng rẽ về mặt hình thức của khế ước. Tuy nhiên, đối với một số loại khế ước thì các nhà làm luật vẫn quy định những hình thức nhất định cho loại giao dịch cụ thể đó. Có thể xem xét một loại khế ước dưới đây:

Khế ước sinh thời tặng dữ được quy định tại Điều 951 của Bộ Hoàng Việt Trung kỳ: “Sinh thời tặng dữ là một khế ước do bên tặng chủ bỏ đứt ngay một tài sản gì để cho bên người thụ tặng nhận lấy”. Theo quy định của Bộ Hoàng Việt Trung kỳ đã có sự phân biệt hình thức của khế ước tặng dữ giữa bất động sản và động sản. Đối với bất động sản phải lập thành văn bản có viên chức thị thực trước mặt người thụ tặng và người này phải đồng ý mới có hiệu lực. Đối với việc tặng dữ vật là động sản hoặc tiền bạc không đòi hỏi phải có hình thức nhất định, bởi vì có thể trao tay vật mà không cần lập văn bản. Có thể thấy quy định này rất gần so với quy định của Bộ luật dân sự hiện hành về việc cho tặng bất động sản. Bởi lẽ, bất động sản là vật có giá trị lớn, việc có sự làm chứng của viên chức thời bấy giờ hoặc công chứng viên thời nay giúp đảm bảo công bằng cho các chủ thể tham gia giao dịch. Đồng thời, cũng thể hiện sự quản lý của nhà nước đối với tài nguyên bất động sản của nước ta.

Pháp luật về thừa kế được quy định trong các bộ dân luật Bắc kỳ và Hoàng Việt Trung kỳ. Theo quy định tại Hoàng Việt Trung kỳ thì hình thức của chúc thư được quy định như sau: “Việc lập chúc thư phải bằng văn bản hoặc do viên quản lý văn khế làm ra hoặc có công chứng thị thực. Chúc thư không có người thị thực phải do người lập di chúc viết giấy và ký tên, nếu người lập chúc thư không thể viết được và đọc cho người khác viết thay thì phải có ít nhất hai người đã thành niên trở lên làm chứng, thông thường một trong hai người đó là lý trưởng”. Như vậy, việc quy định hình thức của chúc thư trong thời kỳ này khá chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người để lại di sản và người thừa kế.

Một phần của tài liệu Hình thức giao dịch dân sự theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 29)