Giao dịch dân sự bằng hành vi cụ thể

Một phần của tài liệu Hình thức giao dịch dân sự theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 51 - 52)

Dưới góc độ chung nhất hành vi của con người khi tuyên bố ý chí bằng lời nói, chữ viết cũng được coi là những hành vi cụ thể. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã tách các khái niệm giao dịch dân sự có hình thức bằng văn bản, lời nói và giao dịch dân sự có hình thức bằng hành vi cụ thể thì chúng ta cần xem

xét hành vi cụ thể ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp nhất. Giao dịch dân sự bằng hành vi cụ thể là giao dịch được thiết lập bằng một hành động thuần túy.

Ngày nay, giao dịch dân sự bằng hành vi cụ thể diễn ra khá phổ biến trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: mua đồ ăn, mua hàng hóa trong siêu thị…Trong các giao dịch này các chủ thể tham gia đã biết rõ nội dung, điều kiện và cách thức của giao dịch. Ví dụ: Ông A vào siêu thị C mua một hộp bánh. Sau khi lựa chọn một hộp bánh vừa ý Ông A mang đến quầy thu gân và thanh toán tiền. Ví dụ này đã cho thấy một dạng phổ biến của giao dịch được xác lập bằng hành vi cụ thể. Ông A đã biết rõ về chất lượng và giá cả được ghi trên hộp bánh. Chỉ bằng hành vi lựa chọn sản phẩm và thanh toán tiền là giao dịch của ông A với siêu thị đã được thực hiện và chấm dứt.

Đặc biệt hơn là luật pháp cũng thừa nhận và quy định giao dịch được giao kết bằng hành vi kết hợp với các nghi thức đặc biệt. Ví dụ: nghi thức gõ búa hoặc rung chuông trong hoạt động bán đấu giá. Trong phiên bán đấu giá, khi có người trả giá cao nhất và người điều khiển đã nhắc ba lần mà không có ai trả giá cao hơn thì người điều khiển sẽ gõ búa chính thức công nhận giao dịch đã thành công. Người trả giá cao nhất được mua tài sản đấu giá.

Ngoài ra, hình thức hành vi cụ thể cũng được pháp luật thừa nhận trong các hợp đồng thực tế. Đó là các hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản là những động sản không cần đăng ký quyền sở hữu…Đối với các hợp đồng này mặc dù hình thức là văn bản nhưng giao nhận tài sản là hình thức chủ yếu của các hợp đồng này và chỉ khi bàn giao tài sản trên thực tế thì hợp đồng mới có hiệu lực.

Một phần của tài liệu Hình thức giao dịch dân sự theo pháp luật việt nam luận văn ths luật (Trang 51 - 52)