Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS)

Một phần của tài liệu Các quy định của pháp luật thương mại quốc tế liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường (Trang 39 - 44)

Trong WTO, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật được hiểu là tất cả các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc có tác động đến thương mại quốc tế nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của con người, vật nuôi, động thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm và/hoặc ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động thực vật. Hình thức của các biện pháp SPS có thể rất đa dạng, ví dụ, đó có thể là yêu cầu về chất lượng, về bao bì, về quy trình đóng gói, phương tiện và cách thức vận chuyển động thực vật, kiểm dịch, phương pháp lấy mẫu, thống kê...

Hiệp định về áp dụng các biện pháp Vệ sinh Kiểm dịch động thực vật của WTO, gọi tắt là Hiệp định SPS, được ban hành và có hiệu lực vào ngày 01/01/1995. Hiệp định SPS liên quan đến sự áp dụng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, thú y và bảo vệ thực vật.

Mục đích cơ bản của Hiệp định SPS là duy trì quyền lợi tối cao của tất cả các nước thành viên, xây dựng mức bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người, động thực vật thích hợp, nhưng vẫn phải đảm bảo rằng các quyền lợi này không bị lạm dụng với mục đích bảo hộ và không được tạo ra các rào cản thương mại quốc tế trá hình.

WTO cho phép áp dụng các biện pháp SPS ở mức cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người, động thực vật và môi trường. Không được sử dụng các biện pháp quá mức cần thiết nhằm ngăn cản thương mại, bảo hộ cho sản xuất trong nước.

34

Khuyến khích các nước thành viên áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và thiết lập các biện pháp SPS phù hợp với các tiêu chuẩn, hướng dẫn của các tổ chức quốc tế: Ủy ban An toàn thực phẩm (CAC) hay còn gọi là Ủy ban Codex; Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Công ước Bảo vệ thực vật (IPPC), đây là ba tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế được WTO công nhận và cho phép áp dụng trong Hiệp định SPS. (Khoản 4, Điều 3; Mục 3 phụ lục A của SPS).

Hiệp định SPS cho phép các nước tự lựa chọn không sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế mà sử dụng các tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nếu tiêu chuẩn được lựa chọn gây cản trở thương mại hoặc cao hơn tiêu chuẩn quốc tế thì quốc gia đó phải đưa ra các bằng chứng khoa học (dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ), chứng minh được tiêu chuẩn quốc tế liên quan không đảm bảo mức độ bảo vệ mà quốc gia đó cho là thích hợp. Ngoài ra, Hiệp định còn hướng dẫn cách bảo vệ khỏi những rủi ro do việc sử dụng các chất phụ gia, các chất bị ô nhiễm, các độc tố gây nên sự nhiễm bệnh trong lương thực, thực phẩm và đồ uống cũng như việc ngăn ngừa sự lan truyền của vi khuẩn. (Điều 3, Mục 1 Phụ lục A).

Các nước thành viên phải công nhận biện pháp SPS của nước thành viên khác là tương đương nếu nước xuất khẩu chứng minh được các biện pháp của mình đáp ứng được mức độ bảo vệ tương tự của nước nhập khẩu. Do đó, để thuận lợi trong thương mại, các nước đã ký kết các hiệp định song phương và đa phương về tương đương và công nhận lẫn nhau đối với các biện pháp SPS. (Điều 4).

Hiệp định SPS cho phép các quốc gia công nhận vùng an toàn dịch bệnh và chấp nhận các quy định đối với các sản phẩm đến từ các vùng này. Tuy nhiên, Hiệp định nghiêm cấm việc phân biệt đối xử một cách tùy tiện trong việc áp dụng các biện pháp SPS, giữa các nhà sản xuất trong nước và các nhà xuất khẩu, giữa các nhà xuất khẩu nước ngoài khác nhau. (Điều 6; Khoản 2, 3 Điều 2; Mục 6 Phụ lục A). [37]

Các nước thành viên phải thông báo cho các nước khác các quy định SPS mới xây dựng hoặc sửa đổi có ảnh hưởng đến thương mại và phải minh bạch hóa việc áp dụng các quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thú y và bảo vệ thực

35

vật. Để đáp ứng yêu cầu này, các nước thiết lập Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về SPS.

Để xử lý vấn đề là khi khoa học chứng minh được sự nguy hại của sản phẩm nhất định đối với sức khỏe, cuộc sống của con người, động thực vật thì đã quá muộn, Hiệp định cho phép các nước thành viên áp dụng biện pháp phòng ngừa để bảo vệ môi trường. Cụ thể là các nước thành viên được phép áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu tạm thời đối với trường hợp chưa có đủ thông tin bằng chứng khoa học liên quan. Ví dụ: để ngăn chặn bệnh dịch SARS hay cúm H5N1, người ta có thể tiến hành các biện pháp ngăn chặn tại biên giới ngay từ lúc chưa xác định được đầy đủ và chính xác các thể của các virus liên quan, cách thức lây nhiễm cũng như hệ quả trực tiếp đến sức khoẻ

Liên quan đến các yêu cầu về đặc tính sản phẩm, quy trình sản xuất, đóng gói… bên cạnh các “biện pháp kỹ thuật”, là các nhóm “biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật”. Trên thực tế, có nhiều điểm giống nhau giữa hai nhóm biện pháp này. Tuy nhiên, WTO có quy định riêng cho mỗi nhóm, tập trung ở hai Hiệp định khác nhau, với các nguyên tắc khác nhau. Tiêu chí để phân biệt hai nhóm biện pháp này là mục tiêu áp dụng của chúng:

Các biện pháp SPS hướng tới mục tiêu cụ thể là bảo vệ cuộc sống, sức khoẻ con người, vật nuôi, động thực vật thông qua việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn các dịch bệnh.

Các biện pháp TBT hướng tới nhiều mục tiêu chính sách khác nhau (an ninh quốc gia, môi trường, cạnh tranh lành mạnh…).

Ví dụ: Các quy định về thuốc sâu, quy định về lượng thuốc sâu trong thực phẩm hoặc trong thức ăn gia súc nhằm bảo vệ sức khoẻ con người hoặc động vật: Biện pháp SPS; quy định liên quan đến chất lượng, công năng của sản phẩm hoặc những rủi ro về sức khoẻ có thể xảy ra với người sử dụng: Biện pháp TBT.

Ví dụ: Các quy định về bao bì sản phẩm, quy định về hun khử trùng hoặc các biện pháp xử lý khác đối với bao bì sản phẩm (tẩy uế nhằm tránh lây lan dịch bệnh):

36

Biện pháp SPS; quy định về kích thước, kiểu chữ in, các loại thông tin về thành phần, loại hàng trên bao bì: Biện pháp TBT.

Việc phân biệt khi nào một biện pháp là TBT hay SPS là rất quan trọng đối với doanh nghiệp bởi mỗi loại biện pháp sẽ chịu sự điều chỉnh của các nguyên tắc và quy định riêng của WTO; trên cơ sở đó, doanh nghiệp biết bảo vệ quyền lợi của mình bằng phương pháp nào thì thích hợp.

Để làm rõ hơn các quy định của Hiệp định SPS, phân tích sâu hơn khả năng áp dụng của các điều khoản nêu trên, sau đây là một Ví dụ: về “tranh chấp liên quan đến khiếu nại của Hoa Kỳ rằng Nhật Bản áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ nhằm hạn chế nhập khẩu táo của Hoa Kỳ là vi phạm các nghĩa vụ của Hiệp định SPS”:

Tóm tắt vụ tranh chấp: Nhật Bản đã áp dụng hạn chế kiểm dịch đối với táo Hoa Kỳ để ngăn chặn bệnh Fire Blight do một loại vi khuẩn có nguồn gốc Bắc Hoa Kỳ lan rộng ra nhiều khu vực của Châu Âu, Trung Đông, Úc và New Zealand. Vi khuẩn này xâm hại cả những loại cây trồng canh tác và cây mọc tự nhiên, bao gồm các loại cây ăn quả và các loại thực vật sử dụng trong vườn và bờ rào. Vào ngày 7/5, chính phủ Mỹ đề nghị WTO thành lập một uỷ ban để xem xét vấn đề hạn chế nhập khẩu của Nhật Bản.

Hoa Kỳ khiếu nại các biện pháp mà Nhật áp dụng không có “bằng chứng khoa học đầy đủ” trái với Điều 2.2 của Hiệp định SPS và rằng Nhật không đánh giá rủi ro để chứng tỏ việc áp dụng các biện pháp này cần thiết là vi phạm Điều 5.1 của Hiệp định.

Nhật Bản lập luận rằng trong trường hợp các biện pháp của họ chưa có “bằng chứng khoa học đầy đủ” theo Điều 2.2 của Hiệp định thì các biện pháp này là “các biện pháp tạm thời” theo Điều 5.7 của Hiệp định. Nhật Bản vẫn cho phép nhập khẩu táo Hoa Kỳ vào Nhật nếu các chuyến hàng được chuyên chở trực tiếp đến Nhật không qua bất cứ cảng nào và tuân thủ các tiêu chuẩn sau của Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Nhật Bản: Táo Hoa Kỳ được trồng tại các vườn không bị

37

nhiễm vi khuẩn Fire Blight đã được xác nhận (việc xác nhận dựa vào kiểm dịch); Vườn không có các loại cây bị nhiễm bệnh và bao quanh bởi một vùng đệm 500 m; Vườn và vùng đệm phải được kiểm dịch 3 lần một năm và sau mỗi cơn bão (kể cả mưa đá); táo thu hoạch, thùng đựng táo và bên trong phương tiện gói hàng phải được tiệt trùng theo phương pháp clo; táo xuất khẩu sang Nhật phải được tách riêng và chứng nhận bởi cán bộ bảo vệ thực vật của Hoa Kỳ về việc tiệt trùng và không có các loại vi khuẩn thuộc diện kiểm dịch...

Hoa Kỳ cũng cho rằng không có chứng cứ nào cho thấy “táo chín và không có triệu chứng” có hoặc có thể là vật truyền nhiễm, ổ vi khuẩn hoặc phát tán vi khuẩn Fire Blight. Hoa Kỳ khiếu nại rằng bên này có bằng chứng khoa học về sự hiếm hoi có mặt vi khuẩn và trong các trường hợp đó, không có chứng cứ nào thể hiện rằng táo là tác nhân truyền nhiễm vi khuẩn.

Đối lại Hoa Kỳ, Nhật Bản cho rằng vi khuẩn Fire Blight có thể có cả ở trong những quả táo chín và không có triệu chứng, táo cũng là một tác nhân truyền bệnh. Nhật Bản cũng khiếu nại rằng việc lây nhiễm xuyên đại dương đã từng xảy ra.

Ban Hội thẩm đã xét nhiều bằng chứng chuyên gia của các bên và đã tham vấn các chuyên gia độc lập. Ban Hội thẩm thấy rằng các biện pháp của Nhật Bản, bao gồm các điều kiện cụ thể đối với táo xuất khẩu của Hoa Kỳ là không hợp lý với rủi ro và không có “đầy đủ bằng chứng khoa học” chứng minh rằng táo Hoa Kỳ có khả năng là vật chủ cho việc thâm nhập, là ổ bệnh hoặc phát tán vi khuẩn Fire Blight vào Nhật Bản.

Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ lập luận của Nhật Bản rằng Ban Hội thẩm buộc phải cung cấp tiền lệ về cách tiếp cận đối với bằng chứng khoa học của nước nhập khẩu và rủi ro khi phân tích, đánh giá bằng chứng khoa học, xác định rằng Ban Hội thẩm đã không phạm sai lầm xét rằng “đầy đủ” được xác định trong từng trường hợp dựa vào mối quan hệ hợp lý giữa biện pháp SPS và bằng chứng khoa học. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đến ngày 15/7/2003, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết khẳng định các biện pháp mà Nhật Bản áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu táo từ Mỹ

38

là trái với các quy định của WTO tại Hiệp định của WTO về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật. Nhật Bản đã áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu không dựa trên cơ sở khoa học. Việc này đã buộc Nhật Bản phải gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập khẩu đang được áp dụng đối với táo của Mỹ. [2]

Như vậy, từ việc nghiên cứu vụ tranh chấp cụ thể về việc thực hiện các quy định về an toàn sức khỏe gắn với thương mại và môi trường trong Hiệp định SPS, sẽ giúp Việt Nam nói riêng và các nước trong WTO nói chung bảo vệ được hàng nhập xuất khẩu của mình, tránh được rào cản thương mại; đồng thời quy định của Hiệp định là cơ sở pháp lý giúp các nước thành viên ngăn chặn hợp lý hàng hóa gây tác động xấu tới môi trường vào nước nhập khẩu.

Một phần của tài liệu Các quy định của pháp luật thương mại quốc tế liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường (Trang 39 - 44)