Trồng lúa và hoa màu là lĩnh vực chủ yếu trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi. Châu Phi là châu lục có diện tích đất canh tác lớn, nhưng nhiều năm bị bỏ bễ nên sản xuất nông nghiệp không hoạt động được, trước đó châu Phi đã có một số dự án hợp tác nông nghiệp nội khối và sự tài trợ từ các nước và các tổ chức quốc tế để phát triển nông nghiệp nhưng đều thất bại. Hàng năm, châu Phi vẫn thiếu khoảng 500 - 600 triệu tấn lương thực. Tuy nhiên, khi bắt tay hợp tác với châu Phi, ngoài những khó khăn chưa thể lường trước được, Việt Nam đã nhìn thấy điểm thuận lợi. Đó là châu Phi rộng mênh mông, và có nhiều tiềm năng để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính phủ các nước châu Phi hợp tác đều có chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện về thủ tục, đất đai, lao động… để phát triển nông nghiệp. Hai điểm đó đã giúp cho các chuyên gia Việt Nam tự tin khẳng định: châu Phi là một vùng đất có nhiều thế mạnh để mở rộng và phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực trồng lúa và hoa màu là nội dung số một trong hợp tác nông nghiệp giữa hai bên.
Các dự án hợp tác trồng lúa và hoa màu được thực hiện thông qua Chương trình PSSA bắt đầu từ năm 1997, với việc ký Thỏa thuận hợp tác ba bên: Việt Nam - Xênêgan - FAO, sau đó là các nước Bênanh, Mađagaxca, Cộng hòa Côngô. Theo chương trình này, các chuyên gia Việt Nam thực hiện từ khâu tư vấn, xây dựng dự án, chọn giống, thực hiện dự án đến khâu tiêu thụ. Ban đầu, các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng lúa với quy mô 2 - 3ha, sau đó, mở rộng quy mô thử nghiệm, tăng điểm trình diễn và tăng diện tích lớn hơn. Trong quá trình nghiên cứu tình hình trồng lúa nước và hoa màu trên đồng ruộng châu Phi, các chuyên gia Việt Nam đã thực hiện những dự án nông thôn nhỏ thích hợp
với điều kiện nước sở tại. Các hoạt động này đều được các chuyên gia Việt Nam truyền lại trực tiếp cho người nông dân châu Phi. Đây là điểm khác biệt so với cách mạng Xanh tại châu Phi giai đoạn 1960 - 1990, người nông dân chỉ quen canh tác trên mảnh đất nhỏ hẹp, sau 2 - 4 năm đất bạc màu lại đi tìm mảnh đất khác. Theo đánh giá của các nước thực hiện và FAO, các quy trình kỹ thuật được áp dụng không khác biệt lắm so với các nước thực hiện ngoại trừ một vài biện pháp mới như đảm bảo mật độ, cấy dặm phân bón nhiều đợt. Tuy nhiên, vấn đề chính mà bạn khâm phục là việc thực hiện nghiêm ngặt việc thực hiện quy trình kỹ thuật, hình thức và biện pháp tổ chức nông dân của các chuyên gia Việt Nam. Vì vậy, mặc dù có hạn hán ở nhiều nơi, vụ mưa kết thúc sớm từ tháng 9 tại các vùng lúa nước trời, các điểm lúa vẫn tiếp tục phát huy kết quả khả quan và đạt năng suất cao hơn hẳn so với năng suất trước đây người nông dân nước sở tại thực hiện. Chính vì vậy, các quy trình kỹ thuật được áp dụng cho kết quả tốt và đạt năng suất cao được nông dân tín nhiệm và làm theo. Kết quả là, tại Xênêgan, các vùng lúa nước trời (Kaolack, Fatick, Kolda và Tambacound) năng suất bình quân từ 4 đến 6 tấn/ha. Ngay cả những năm hạn nặng, lúa của dân hầu như không có thu hoạch thì ở các điểm trình diễn của chuyên gia Việt Nam năng suất vẫn đạt từ 2 đến 4 tấn/ha. Lúa nước tưới vẫn chiếm ưu thế với năng suất bình quân 6 đến 8 tấn /ha, thậm chí có thửa đạt tới 10 tấn/ ha [14,tr.22]. Kết quả của mô hình trồng lúa chứng minh rõ ràng, một số vùng của Xênêgan có điều kiện đất đai, thiên nhiên phù hợp với canh tác lúa nước nếu biết đầu tư và khai thác hợp lý sẽ thu được năng suất lúa cao, góp phần đáng kể giảm lượng lương thực phải nhập khẩu hàng năm của Xênêgan. Tại tỉnh Ewo ở Côngô, giống lúa Việt Nam cũng mang lại năng suất cao với 4,5 tấn/ha, kết quả này đã nâng cao tín cho đoàn chuyên gia. Cũng như vậy, ở Mađagaxca và Bênanh, nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mà các vùng triển khai dự án, sản lượng lúa đã tăng rõ rệt, mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân trong vùng.
Song song với các dự án trồng lúa, các dự án về rau màu luôn được ưu tiên cả về số điểm thực hiện lẫn kinh phí và được triển khai ở hầu khắp các vùng do nhu cầu về rau tươi của người dân ngày càng cao. Căn cứ về nhu cầu, điều kiện tự nhiên, nhân lực của từng vùng, nhiều giống rau đã được trồng trên các điểm trình diễn. Các cây chủ yếu như bắp cải, khoai tây, cà chua, sắn, khoai lang được trồng trên diện tích rộng hàng hecta, các cây khác như dưa chuột, dưa hấu thường trồng trên diện tích nhỏ hơn từ vài trăm đến vài ngàn m2. Tất cả các loại rau đều cho năng suất cao, (lạc, đỗ, chè, cà phê, khoai tây, cà tím, sắn, khoai lang năng suất tăng ít nhất từ 30%-50%). Tại Côngô, các vùng rau lớn như Pointe-Noire, Brazzaville, Oyo, các kỹ thuật viên Việt Nam đã đẩy mạnh trồng nhiều bắp cải, cà chua, hành, dưa chuột mang lại lợi ích kinh tế cao, mỗi hec ta thu được 900.000 Franc Tây Phi (tương đương 2000 USD) [14,tr.23]. Ở Mađagaxca, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau màu chủ yếu thể hiện qua các mô hình trình diễn, hướng dẫn nông dân làm vườn rau để cải thiện đời sống cho gia đình.
Để phục vụ cho các dự án trồng lúa và hoa màu, các dự án thuỷ lợi cũng đã được các chuyên gia, kỹ thuật viên Việt Nam thực hiện tại châu Phi. Đặc biệt, các nước Nam Phi có địa hình khô và thiếu nước, tuy có mưa nhưng khả năng giữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, vì vậy các dự án thuỷ lợi nhỏ thực sự có ý nghĩa. Các chuyên gia và kỹ thuật viên Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình quy hoạch thuỷ lợi nông thôn phục vụ canh tác lúa vùng sử dụng nước mưa, bao gồm hệ thống bờ vùng, bờ khoảnh, cống, kênh tiêu để giữ và điều tiết nước mưa khi cần thiết. Tại Xênêgan, các mô hình thuỷ lợi đã giúp canh tác lúa đạt năng suất cao, bền vững mà chi phí chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với các nước sở tại chi phí ban đầu [14,tr.25]. Tại Côngô, các chuyên gia và kỹ thuật viên Việt Nam đã xây dựng và lắp đặt các hệ thống ống nhựa chìm trong đất để dẫn nước đến các vòi tưới trong vườn rau có chiều dài trên 1000m. Ngoài ra còn xây dựng tương đối hoàn chỉnh một đập giữ nước có chiều dài 250m, chiều rộng đáy đập là 8m,
chiêu rộng mặt đập là 3m và quy hoạch hệ thống tưới tiêu trên 5ha, sau đó mở rộng ra 30ha trồng lúa. Tuy nhiên, công trình này đã không được tính toán hợp lý nên không đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, các chuyên gia Việt Nam còn thực hiện mô hình nông lâm kết hợp Tại Xênêgan, mô hình nông lâm kết hợp đã được triển khai ở 3 vùng: Saint-Louis, Louga và Diourbel trên 10 điểm trình diễn với diện tích gần 100ha. Lợi ích bước đầu do trồng xen rau và cây công nghiệp dài ngày tương đối lớn, mang lại nhiều tiềm năng và hiệu quả kinh tế cao. Thêm vào đó, người dân châu Phi cũng được chuyển giao phương pháp cải tạo đất, áp dụng các kỹ thuật chế biến thủ công nhằm bảo quản và tăng giá trị cho các loại rau quả, hạ giá thành các công trình thủy nông nội điền, tăng thu nhập của người nông dân, nâng cao chất lượng dinh dưỡng, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, thanh niên.
Ngoài Chương trình PSSA, hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi trong lĩnh vực cây lúa thường gắn liền với cái tên Võ Tòng Xuân3. Năm 2006, với sự đầu tư của công ty T4M - một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực ở Anh - Dự án Hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa Việt Nam tại lục địa đen của GS Võ Tòng Xuân được bắt đầu triển khai tại Xiêra Lêôn mở đầu cho mục tiêu nông nghiệp Việt Nam tiến vào Tây Phi. Xiêra Lêôn là quốc gia đất rộng, người thưa, điều kiện khí hậu khá giống với ĐBSCL nhưng đa số người dân vẫn trong tình trạng thiếu đói do thiếu trình độ và kỹ thuật canh tác. Đại bộ phận nông dân vẫn trồng giống lúa dài ngày (140-170 ngày) lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên năng suất rất thấp (2-3 tấn/ha). Qua tính toán số liệu điền dã, GS Võ Tòng Xuân đưa ra công thức: 1 nông dân Việt Nam sẽ cầm tay, chỉ việc từ kỹ thuật khoa học cho đến thực hành trồng lúa nước cho 4 nông dân bản địa trên diện tích 5 ha. Thực hiện dự án này, chuyên gia Việt Nam đã trồng khảo nghiệm tính thích nghi của giống lúa cao sản từ ĐBSCL và thiết kế hệ thống thủy lợi trên một khu đất 100 ha làm điểm trình diễn kỹ
3
thuật sản xuất lúa ĐBSCL với giống lúa OM2517 tại Xiêra Lêôn. Kết quả là, sau hai vụ, năng suất lúa đạt 4,7 tấn/ha trong 95 ngày. Hiện nay, giống lúa OM2517 đã nhân được 3 tấn, chờ sản xuất đại trà. Với thành quả ấy, Việt Nam đã giúp quốc gia Tây Phi này thoát khỏi nạn thiếu lương thực sau nhiều năm nhận cả núi tiền từ nhiều quốc gia tài trợ mà vẫn chưa có sự chuyển biến. Sau thành công này, năm 2008 GS Võ Tòng Xuân cùng đoàn chuyên gia Việt Nam tiếp tục thực hiện chuyến đi miền tây châu Phi nhằm mục đích khảo sát cho kế hoạch nhân rộng dự án Hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa Việt Nam tại châu Phi, cụ thể là hai quốc gia Nigiêria và Ghana. Mục đích khảo sát của đoàn lần này là nhân rộng thành công ở Xiêra Lêôn và đưa thêm nhiều nông dân Việt Nam sang châu Phi. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, thổ nhưỡng ở Nigiêria và Ghana tương đối giống vùng đồng bằng Cửu Long của Việt Nam, thêm vào đó, Nigiêria có thuận lợi về mặt tài chính (là quốc gia phát triển thứ hai của châu Phi - chỉ sau Nam Phi). Thêm vào đó, Nigiêria là quốc gia có diện tích đất đai lớn (923,768km2), trong đó diện tích vùng đồng bằng lại lớn gấp đôi ĐBSCL của Việt Nam và được con sông Nigiê có nguồn tài nguyên nước dồi dào thứ ba châu Phi và đứng hàng thứ 14 trên thế giới cung cấp nước. Nếu như dự án thành công ở Nigiêria, sẽ tạo ra thực tế sinh động để thuyết phục toàn châu lục tham gia. Theo GS Võ Tòng Xuân, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho kế hoạch xuất khẩu “văn minh lúa nước”, bởi trong bước đi của kế hoạch này, sẽ có hàng loạt hoạt động kéo theo như: “xuất khẩu”
máy xay lúa mini lưu động do nông dân Việt Nam tự chế tạo, hoặc thúng, mủng, lưỡi hái, máy sấy lúa, máy hút bùn, máy gặt đập liên hợp… sản xuất tại Việt Nam sẽ thẳng tiến vào châu Phi và trong tương lai gần, từ châu Phi, hạt gạo Việt Nam sẽ lên đường xuất khẩu sang nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới.
Trong bối cảnh thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực, những dự án hợp tác nông nghiệp trong lĩnh vực trồng lúa tại châu Phi là nhu cầu cấp bách để giải quyết vấn đề thiếu đói của người dân châu lục này.
Chính vì vậy, Việt Nam và châu Phi cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm triển khai các dự án trồng lúa và hoa màu tại châu Phi. Hiện nay, nhiều nước châu Phi mong muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển nông nghiệp, liên tục trong thời gian qua các đối tác châu Phi đã bay sang Việt Nam đề nghị Việt Nam giúp đỡ trồng lúa nước, cao su, cà phê, chăn nuôi, thủy sản... Trong chuyến thăm một số quốc gia châu Phi hồi tháng 4 năm 2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các quốc gia châu Phi đã đề nghị Việt Nam giúp đỡ phát triển trồng lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Chủ tịch FAO cũng đã chính thức đề nghị Việt Nam chia sẻ với châu Phi trong bối cảnh lương thực khan hiếm và đắt đỏ như hiện nay. Trước tình hình đó, chính phủ, Bộ NN-PTNT và nhiều đơn vị của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhằm hợp tác và giúp một số nước châu Phi nâng cao hơn nữa sản lượng lương thực, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại châu Phi. Như vậy có thể thấy, những dự án hỗ trợ trồng lúa và hoa màu của Việt Nam tại châu Phi thực sự có hiệu quả đối với người nông dân châu Phi. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện người nông dân châu Phi vẫn chưa tự làm chủ trên mảnh đất của mình được. Điều này cho thấy hai bên cần phải nỗ lực giải quyết những hạn chế về mặt chủ quan cũng như khách quan, có như vậy hợp tác giữa hai bên mới thực sự có lợi ích lâu dài và ổn định.