Các chỉ số cận lâm sàng lúc bệnh nhân mới nhập viện

Một phần của tài liệu Phân tích sử dụng thuốc trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 tại khoa nội tim mạch bệnh viện 108 (Trang 64 - 66)

 Đường máu lúc đói (FPG) và HbA1C.

FPG và HbA1C là hai xét nghiệm đặc trưng và quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ĐTĐ typ 2, là mục tiêu điều trị chính trong ĐTĐ typ 2. Chỉ số HbA1C được xét nghiệm trên cả bệnh nhân có tiền sử và bệnh nhân mới được chẩn đoán ĐTĐ typ 2. Trên đối tượng bệnh nhân có tiền sử ĐTĐ, HbA1C cho phép xác định hiệu quả kiểm soát đường máu của bệnh nhân trong 2-3 tháng gần đây. Còn trên bệnh nhân mới được chẩn đoán ĐTĐ typ 2, HbA1C sẽ giúp phân biệt các trường hợp tăng glucose máu khác như tăng glucose máu do stress. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng việc kiểm soát đường máu tốt bằng cách đưa HbA1C càng gần về giới hạn bình thường sẽ hạn chế được các biến chứng nghiêm trọng của ĐTĐ đặc biệt là các biến chứng tim mạch. Tuy nhiên, mục tiêu điều trị HbA1C là khác nhau trên từng đối tượng bệnh nhân, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thời gian mắc bệnh, thể trạng và các bệnh mắc kèm. Hơn thế, kiểm soát đường huyết quá nghiêm ngặt đặc biệt ở người cao tuổi sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong, suy giảm nhận thức do nguy cơ hạ đường huyết [68]. Như vậy, mục tiêu điều trị HbA1C nên cá thể hóa trên từng đối tượng bệnh nhân. Và để tránh nguy cơ hạ đường huyết việc giám sát đường máu của bệnh nhân bằng chỉ số FPG trong quá trình điều trị là rất quan trọng. Chỉ số FPG không chỉ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng hiện tại của bệnh nhân, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hợp lý để đạt được mục tiêu điều trị. FPG còn giúp bác sĩ kịp thời điều chỉnh chế độ ăn cho bệnh nhân, lựa chọn thuốc và mức liều phù hợp để hạn chế được nguy cơ hạ đường huyết.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, các chỉ số FPG và HbA1C được xác định trên phần lớn các bệnh nhân vào nhập viện, tỷ lệ tương ứng 96,4% và 100%. Mức glucose máu FPG và HbA1C của bệnh nhân lúc mới nhập viện đều khá cao, giá trị trung bình tương ứng là 14,82 ± 9,78 mmol/l và 8,33 ± 2,48 mmol/l. Nguyên nhân có thể do phần lớn bệnh nhân có thời gian mắc bệnh trên 10 năm. Đồng thời, trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2, bệnh nhân phải nhập viện điều trị chỉ khi đường huyết của bệnh nhân không thể tự kiểm soát hoặc vì biến chứng của ĐTĐ với mức đường huyết cao. Hơn nữa, đặc điểm của nhóm nghiên cứu chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi (63,3%) với nhiều bệnh lý mắc kèm, đại đa số là đã có tiền sử ĐTĐ nên việc ghi nhận và giám sát các chỉ số này là hết sức cần thiết để đặt ra mục tiêu điều trị cũng như phương pháp điều trị phù hợp.

 Các chỉ số xét nghiệm lipid máu

Sự bất thường về chuyển hóa carbohydrate, đặc biệt là do sự đề kháng insulin trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 ở mức độ mô dẫn đến sự bất thường về chuyển hóa lipid, 70% bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có một hoặc hai thể rối loạn lipid (RLLP) [30]. Rối loạn lipid máu trong bệnh tiểu đường typ 2 được đặc trưng bởi triglycerid tăng cao đặc biệt là sau khi ăn, HDL-C giảm, cholesterol toàn phần và LDL-C ở mức độ bình thường nhưng các hạt LDL nhỏ, dày đặc. Sự bất thường này gây tổn thương mạch máu, từ đó gây ra các biến chứng trên mắt, thận, gây THA và làm tăng nguy cơ tim mạch trên bệnh nhân ĐTĐ typ 2 đặc biệt là bệnh động mạch vành - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong bệnh ĐTĐ typ 2 [61],[75]. Do đó, trong điều trị ĐTĐ typ 2 kiểm soát lipid máu là một trong những mục tiêu điều trị quan trọng, đã được đưa vào các hướng dẫn điều trị của ADA, IDF, EASD. Việc phát hiện và điều trị sớm RLLP trên bệnh nhân ĐTĐ sẽ làm giảm các biến chứng, giảm nguy cơ tim mạch và tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân ĐTĐ. Tại nghiên cứu của chúng tôi, ghi nhận bệnh lý mắc kèm của bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy chỉ có 4 bệnh nhân được ghi nhận có RLLP máu trong chẩn đoán. Trong khi đó, ghi nhận về xét nghiệm cận lâm sàng chúng tôi lại nhận thấy: tại thời điểm nhập viện các chỉ số xét

nghiệm lipid máu ban đầu có giá trị trung bình ở mức kiểm soát kém (triglycerid máu 2,60 ± 2,09 mmol/l). Phần lớn bệnh nhân có mức kiểm soát lipid máu kém chiếm tỷ lệ lớn, cholesterol chiếm 41,8%; triglycerid chiếm 44,6%; LDL-C chiếm 47%. Tuy nhiên, đại đa số bệnh nhân đều được chỉ định dùng thuốc điều trị RLLP máu. Như vậy, tại khoa việc đánh giá, phát hiện sớm và điều trị RLLP đã được quan tâm và thực hiện, điều này sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong do ĐTĐ.

Một phần của tài liệu Phân tích sử dụng thuốc trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 tại khoa nội tim mạch bệnh viện 108 (Trang 64 - 66)