Hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp Việt Nam

Một phần của tài liệu Tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ chu trình bán hàng thu tiền tại công ty TNHH đầu tư phát triển Vân Long (Trang 33 - 36)

Trong những năm gần đây số lượng công ty, doanh nghiệp ở nước ta được thành lập tăng nhanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đi cùng với nó là tập đoàn kinh tế đầu tàu tạo nên bức tranh nhiều màu sắc, cạnh tranh khốc liệt cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Tuy nhiên, trong sự bất ổn tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng, môi trường kinh doanh trở nên bất ổn hơn. Những doanh nghiệp tự phát, không có chiến lược cụ thể, lâu dài trong kinh doanh sẽ dẫn tới thất bại. Chính trong hoàn cảnh này mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến bộ máy quản lý doanh nghiệp, quản lý rủi ro và quá trình thiết kế, thực thi hệ thống kiểm soát nội bộ dựa trên cơ sở pháp luật. Hệ thống kiểm soát nội bộ giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hữu hiệu nguồn lực, tài chính, rủi ro, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giảm thiểu sai sót ảnh hưởng kinh doanh của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam số lượng do mỗi loại hình doanh nghiệp thường có cơ chế kiểm soát nội bộ khác nhau phù hợp từng doanh nghiệp trong điều kiện cụ thể:

• Đối với tập đoàn: Tập đoàn kinh tế là tổ chức lớn cần có biện pháp hữu hiệu để có thể kiểm soát. Ở Việt Nam có khá nhiều tập đoàn lớn như Đồng Tâm, FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Kinh Đô… từ ngày 1/7/2008 mô hình tổ chức mới được áp dụng ở các tập đoàn gồm có: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị (có các Ủy ban chức năng giúp việc); Ban kiểm soát và hình thành các khối chức năng. Hệ thống kiểm soát nội bộ được xuyên suốt từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Tuy nhiên, hoạt động và tổ chức của hệ thống kiểm soát nội bộ ở các tập đoàn kinh tế Việt Nam còn bộc lộ nhiều yếu kém:

- Một là chưa tạo được một môi trường kiểm soát lành mạnh làm nền tảng tốt cho hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả. Sự phân cấp, phân quyền hội đồng quản trị và ban kiểm soát còn chưa rõ ràng, chồng chéo nhau. Cơ cấu tổ chức ở một số tập đoàn còn chưa hài hòa dẫn tới chưa phát huy hết tiềm năng của tập đoàn. Các nhà quản lý chưa chú trọng vấn đề đạo đức cũng như tác phong làm việc của nhân viên.

- Hai là do tập đoàn là một nhóm các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập, cho nên hệ thống kế toán ở các doanh nghiệp thường không thống nhất, nên khi lập báo cáo thường không khớp và nhiều sai sót ở BCTC toàn tập đoàn. Sự minh bạch trong các BCTC tại tập đoàn ở Việt nam thường chưa cao.

- Ba là các hoạt động kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ được thực hiện nhưng hiệu quả không cao vì rất khó kiểm soát ở nhiều nơi do các doanh nghiệp trong tập đoàn hoạt động độc lập và thường ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

- Bốn là kiểm soát nộ bộ thường chỉ chú ý tới công tác phát hiện những sai phạm đã xảy ra rồi, bảo vệ tài sản mà chưa làm tốt công tác ngăn ngừa có thể xảy ra trong tương lai.

- Năm là hệ thống thông tin trong tập đoàn chưa được quan tâm hoặc nếu có thì không sử dụng hết công suất gây lãng phí.

• Đối với ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại như ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng công thương, ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam… Những ngân hàng có quy mô và tổ chức lớn

như vậy, hệ thống kiểm soát nội bộ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình vận hành hiệu quả bộ máy. Tuy nhiên, do bắt đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình tổng doanh nghiệp chưa lâu cùng với sự phát triển quá nhanh về quy mô và tổ chức nên cơ chế kiểm soát nội bộ của các ngân hàng đang dần bộc lộ một số yếu kém.

- Một là, môi trường kiểm soát còn nhiều yếu tố không thuận lợi cho công tác kiểm soát nội bộ. Mặc dù được tổ chức theo mô hình tổng doanh nghiệp nhưng mức độ độc lập của các chi nhánh và các doanh nghiệp trực thuộc của các ngân hàng còn tương đối hạn chế.

Hội đồng quản trị là đại diện sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng này nhưng xét về thực chất chưa được trao quyền tương ứng. Đa số các vấn đề phát sinh của ngân hàng đều phải báo cáo và xin phép Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính. Điều này gây khó khăn cho công tác kiểm soát nội bộ, đặc biệt là kiểm soát quản lý bởi trách nhiệm quyết định đã không thuộc phạm vi nội bộ của ngân hàng.

Ban kiểm soát trực thuộc Hội đồng quản trị được trao trách nhiệm thực hiện toàn diện hoạt động kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, Ban kiểm soát về thực chất vẫn chưa có được sự độc lập tương đối với bộ phận được kiểm tra, đặc biệt là Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Hơn nữa, sự hạn chế về nguồn lực con người và thiết bị đã hạn chế rất nhiều khả năng kiểm soát nội bộ của Ban kiểm soát. Vì lẽ đó, chức năng của Ban kiểm soát thuộc Hội đồng quản trị mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá các BCTC cuối kỳ và xử lý các vấn đề đã phát sinh.

- Hai là, hệ thống kế toán - bộ phận cấu thành quan trọng của cơ chế kiểm soát nội bộ của các ngân hàng này vẫn đang ở trong quá trình chuyển đổi. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam đã được ban hành chưa tính đến những yếu tố đặc thù trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng và vẫn có sự khác biệt xa so với chuẩn mực kế toán quốc tế. Hệ thống kế toán của các ngân hàng đã được hình thành tương đối đầy đủ, nhưng chức năng tổng hợp và lập báo cáo các nghiệp vụ phát sinh gần như chưa được đề cập. Mặc dù tổ chức hoạt động theo mô hình tổng doanh nghiệp nhưng hệ thống kế toán chưa lập được các báo cáo bộ phận và báo cáo tổng thể bằng cách sử dụng phương pháp kế toán hợp nhất. Vì lẽ đó, vai trò kiểm soát nội bộ của hệ thống kế toán còn rất hạn chế.

- Ba là hệ thống kiểm soát nội bộ chưa làm tốt chức năng ngăn chặn và giám sát mà mới chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý các vấn đề đã phát sinh. Cơ chế kiểm soát quá tập trung vào các cuộc kiểm tra, kiểm toán đột xuất, trong khi đáng ra cơ chế kiểm soát thường xuyên cần được xây dựng và thực hiện. (Phạm Anh Tuấn, 2009)

• Đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các doanh nghiệp nhà nước thường là doanh nghiệp lớn và thường tồn tại những vấn đề như đề cập ở phần tập đoàn và phần ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước. Còn đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp này thường không có, hoặc nếu có thì được thiết kế một cách qua loa không đảm bảo hoạt động cũng như quy trình cần thiết và thường chỉ là thiết kế do nhà quản lý tự nghĩ sao cho tiện và phù hợp với chính họ nên hay mắc những sai sót. Môi trường kiểm soát thường không đảm bảo không có sự phân công phân nhiệm rõ ràng. Các thủ tục kiểm soát cơ bản gần như là không được thực hiện kế toán có khi kiêm nhiệm cả thủ quỹ...

Chính vì những yếu kém trong hệ thống kiểm soát nội bộ đã tạo ra những lỗ hổng lớn. Nếu không khắc phục kịp thời có thể gây ra sự mất ổn định của không chỉ riêng trong hoạt động doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ chu trình bán hàng thu tiền tại công ty TNHH đầu tư phát triển Vân Long (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w