B. NỘI DUNG
2.2.1.1. Việc chính trị
Tư tưởng cuộc cải lương hương chính được thể hiện rõ nhất trong phần Chính trị và sổ chi thu với động từ “phải chiểu”. Hầu hết các bản hương ước ở trang đầu đều có ghi “Việc chính trị của làng... thì phải chiểu theo Nghị định quan Thống sứ ngày....” [36, 1]. Nếu hương ước cải lương ra đời trong đợt 1
phải chiểu theo Nghị định ngày 12/8/1921 của quan Thống sứ thì đợt 2 chiểu theo ngày 25/2/1927, đợt 3 tương tự đợt 2.
Phần lớn các hương ước đều kê khai rất chung chung về phần Chính trị là phải chiểu theo Nghị định quan Thống sứ, chỉ có hương ước làng Đức Thắng (1935) nói rất rõ về tổ chức bộ máy làng xã. Trong hơn 2 trang kê khai chia làm 2 phần: Tổ chức HĐTB và quan kỉ trong đó có 18 điều nhỏ. Hương ước nói rõ: “Các hộ hợp lại thành một làng, bởi thế một làng do các hộ cử người thay mặt để mà trông nom gọi là Tộc biểu. Tư cách người làm Tộc biểu cũng là bầu cử, người Tộc biểu tuân theo Nghị định mà thi hành. Trong ban Tộc biểu bầu một người làm Chánh hương hội, một người làm Phó hương hội, một người làm Thư kí, một người làm Thủ quỹ” [41, 1].
Hương ước làng Đức Thắng còn nói rõ tiêu chuẩn để được vào HĐTB là những người đàn ông từ 25 tuổi trở lên, có tài sản ở trong làng, xưa nay chưa bao giờ phạm vào một tội nào làm mất quyền công dân kê trong điều 29 hình luật An Nam với nhiệm kì 3 năm (từ năm 1927 là 6 năm). Trong thời gian tham gia Hội đồng, những người này được ưu đãi miễn trừ tạp dịch, tu bổ làng xã ngược lại “người nào đương tại chức mà bị cách thì làng truất vị thứ không được dự đình trung và tư văn 6 tháng” [41, 2].
Về hoạt động của HĐTB hương ước kê rõ: “Những người làm Tộc biểu, Thư kí, Thủ quỹ hết hạn 3 năm cử lại, ai được tái cử lại được làm... Trừ ra khi có việc cần mở Hội đồng bất thường còn thì mỗi tháng đến ngày 15, ngày mùng 1 mở Hội đồng một lần để bàn việc làng xã, ai say rượu thì không được dự Hội đồng. Quá nửa số người trong ban dự hội. Đồng thời có thể bàn việc làng được, bàn xong thời giải tán ngay không được bày tiệc rượu. Bàn việc gì phải làm biên bản có chữ kí của những người Hội đồng hiện tại và để vào lưu chiểu. Đương lúc Hội đồng nếu có ai theo lễ phép mà hỏi điều gì thì Hội đồng cũng lấy lễ phép mà đáp lại cho người ta biết” [41, 2].
HĐTB cũng có luật lệ riêng: “Tộc biểu mắc bận không dự Hội đồng thì phải có lời bảo để Hội đồng biết, nếu ai không có duyên cớ đích thực không đến Hội hay bận thì Hội đồng phải bảo Tộc biểu ấy cử người khác thay. Một người hay nhiều người Tộc biểu hay là Chánh - Phó trưởng không được tự quyết những việc ích lợi ở trong làng, trừ khi nào Hội đồng đã giao quyền cho người ấy. Tộc biểu làm điều gì trái với hương ước hoặc cả Hội đồng hoặc một hộ trong làng tố giác ra, thì chức sắc Kì lão trong làng họp Hội đồng mà cứu xử, Hội đồng Kì lão này có quyền quở trách hay phạt tiền từ 30 hào (0$30), 50 hào (0$50) cho đến 1đồng (1$00), không cho dự Hội đồng nữa. Nếu người nào làm tổn hại quyền lợi trong dân thì Hội đồng chức sắc Kì mục làm biên bản trình quan cứu xử” [41, 2].
Hương ước cải lương đợt 2 và đợt 3 có hình thức, bố cục, các điều kê giống nhau. Đặc điểm nổi bật của phần Chính trị các làng đều khai giống nhau và rất chung chung: “Việc Chính trị trong làng... phải chiểu theo Nghị định ngày 25/2/1927”. Theo đó, HĐKM được tái lập sau khi chính quyền bảo hộ nhận ra rằng các Kì mục đặt mình ra ngoài cuộc cải lương và ngấm ngầm chống lại HĐTB, còn HĐTB ngày càng bộc lộ là bộ máy tham nhũng, thiếu kinh nghiệm quản lý. Sự trở lại của HĐKM cũng được thực dân Pháp quy đinh rất rõ. Thành viên là những người tuổi từ 30 trở lên, đạt yêu cầu về học vị và chức bậc: những người đỗ trong các kì thi của Nhà nước phong kiến, những người có bằng cấp của nền giáo dục Pháp – Việt, những người có phẩm hàm là cựu Chánh tổng, Phó tổng... Chỉ những xã có từ 4 Kì mục trở lên mới được phép thành lập HĐKM. Nhiệm kì của những người này là vô hạn, ngoại trừ họ bị phạt hoặc khai trừ. Chức năng của nó là một tổ chức tư vấn, giám sát và thông qua các quyết định của HĐTB. Đứng đầu là Tiên chỉ, sau là Thứ chỉ.
Ta thấy rằng, đa phần các bản hương ước của huyện Hiệp Hòa viết về phần Chính trị là rất ít bởi chúng đều phải theo một khuôn mẫu nhất định. Tuy
vậy, ta cũng phải khẳng định rằng đến năm 1921 Hiệp Hòa cũng như các huyện khác trong tỉnh chính thức bước vào cuộc cải lương. Lần 1, HĐTB ra đời, HĐKM bị xóa bỏ. Lần 2 là năm 1927, khi HĐTB tỏ ra hoạt động kém hiểu quả chính quyền thực dân quyết định lập lại HĐKM bên cạnh HĐTB. Lần 3 vào năm 1941, khi hai Hội đồng trên đều bị bãi bỏ thay vào đó là HĐKH. Thực chất của HĐKH là sự củng cố lại HĐKM nhưng thay tên cho nó. Điều đó chứng tỏ thực dân Pháp đang bế tắc trên con đường chinh phục với tay đến làng xã Hiệp Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung.