Thực thi hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 81 - 83)

B. NỘI DUNG

2.3.2. Thực thi hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa

Như đã trình bày ở trên, mục đích của cuộc cải lương hương chính được thực dân Pháp đặt rất nhiều kì vọng nhằm mục đích kiểm soát làng xã. Trong 20 năm chính quyền bảo hộ đã cố gắng chỉnh sửa, uốn nắn chủ trương này với việc tiến hành 3 đợt cải lương nhưng kết quả của nó có đúng như sự mong đợi của chính quyền thực dân Pháp không? Thành công hay thất bại? Chúng ta phải tìm câu trả lời từ trong thực tế của cuộc cải lương hương chính ở huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, trên cơ sở nghiên cứu 54 hương ước.

Trong cuộc cải lương lần thứ nhất do nhiều bản hương ước không kê khai năm viết nên rất khó tiếp cận. Nhưng chúng ta cũng thể hình dung số lượng các quyển hương ước này là không nhiều. Còn lần thứ hai, chúng ta tiếp cận với số lượng lớn các bản hương ước. Khi nghiên cứu ta thấy cuộc cải lương lần này được coi là thành công nhất của thực dân Pháp. Bởi tư tưởng cải lương đã đến từng làng “gõ cửa”, đi sâu vào làng xã làm cho những người nông dân bắt đầu “thấm” cái mà chính quyền bản hộ gọi là “văn minh” chốn hương thôn. Để thực hiện cuộc cải lương, thực dân Pháp đã đưa ra rất nhiều biện pháp về thay đổi bộ máy làng xã, sổ chi thu, luật lệ của làng. Thực dân Pháp đã lợi dụng hương ước, khéo léo lồng nội dung cuộc cải lương hương chính để phổ biến cho nhân dân. Hầu hết các bản hương ước ở phần Chính trị đều truyền tải những nội dung chủ đạo của các Nghị định và Thông tư theo nguyên tắc được chính quyền cấp trên phê duyệt. Mỗi bản hương ước được sao ra làm 4 bản, làng giữ 1 bản để thực hiện còn 3 bản gửi cho chính quyền cấp trên. Các hương ước này đều bị chính quyền thực dân giám sát chặt chẽ trên tinh thần cuộc cải lương. Bởi vậy, tất cả các bản hương ước đều có sự định dạng tương đối giống nhau về cấu trúc và nội dung. Một bản hương ước

gồm 2 phần: Phần 1 “Chính trị” với nội dung cụ thể hóa các Nghị định và Thông tư của cuộc cải lương, phần 2 là “Tục lệ”.

Thất bại của cuộc cải lương hương chính mà Pháp tiến hành thể hiện ngay trong nội dung chính của 3 cuộc cải lương. Ta thấy rằng đợt 1 thực dân Pháp thay HĐKM bằng HĐTB, đợt 2 phục hồi lại tồn tại HĐKM, song song với HĐTB, đợt 3 xóa bỏ HĐKM và HĐTB thiết lập HĐKH trên sự củng cố lại HĐKM. Nhìn toàn bộ cuộc cải lương ở Hiệp Hòa nói riêng, cả nước nói chung cho thấy sự lúng túng, luẩn quẩn của thực dân Pháp trước làng xã.

Sau khi tiến hành cuộc cải lương lần 1, các làng xã Hiệp Hòa thành lập HĐTB. Sau 6 năm tiến hành cuộc cải lương, chính phủ bảo hộ phải thừa nhận rằng: “người ta đã phạm một sai lầm trong việc lập các Nghị định năm 1921 là quên mất ảnh hưởng của các vị Kì mục cũ, bởi vì những nhân vật hiểu biết có chức tước thường có sự đảm bảo chắc chắn về tài sản tinh thần, có quyền thế thực sự đối với lớp người sau” [12, 41]. Không những thế qua thời gian HĐTB cũng hiện nguyên hình của bộ máy tham nhũng, vả lại nó cũng vấp phải sự chống đối mãnh liệt của lớp Kì mục cũ. Trước cuộc cải lương, làng xã chỉ có HĐKM, sau đó HĐTB được dựng lên lại thêm một bọn ăn trên, ngồi chốc. Cải lương hương chính vì thế làm cho đời sống của người dân ở chốn thôn quê tối tăm. Nhận biết những điều thiếu xót đó, Nghị định năm 1927 đã chấn chỉnh một phần tình trạng này. Một vấn đề lại đặt cho thực dân Pháp khi “...HĐKM đúng hơn chỉ giữ vai trò phụ. Đơn thuần họ chỉ xin ý kiến chứ không có chút quyền hành nào. Vì vậy, trong rất nhiều xã các vị Kì mục không hài lòng về vai trò phụ của mình, họ bị động, bó tay trước mọi việc” [12, 41]. Do đó, hai Hội đồng này hoạt động không hiệu quả nên cần phải phục hồi quyền hành của các vị Kì mục và để cho họ làm những người lãnh đạo dân chúng. Năm 1941, HĐKH được thiết lập trên nguyên tắc củng cố lại từ HĐKM. Thực dân Pháp quay lại điểm xuất phát ban đầu của cuộc cải lương.

Sự thất bại mà thực dân Pháp không thể ngờ được dù đã cố che đậy bằng một cái tên khác là HĐKH. Rõ ràng, hai mục tiêu lớn nhất mà thực dân Pháp đề ra là thủ tiêu HĐKM thay thế HĐTB đều bị thất bại. Năm 1927 với sự công nhận trở lại của HĐKM là bước lùi đầu tiên, năm 1941 với việc bãi bỏ HĐTB, củng cố HĐKM có tên HĐKH và quay lại thể chế bầu cử truyền thống đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân.

Hiệp Hòa là một huyện có số lượng hương ước khá lớn so với các huyện khác trong tỉnh Bắc Giang, chỉ đứng sau huyện Việt Yên. Trong công cuộc cải lương hương chính ở đây có thể đi đến kết luận thực dân Pháp đã khá thành công. Chúng đã phần nào đạt được mục tiêu can thiệp, quản lý đối với làng xã. Mặc dù làng xã bị biến dạng ít nhiều, nhưng tính tự trị làng xã không hoàn toàn mất đi như mong muốn của chính quyền thực dân khi khởi xướng và thực hiện cuộc cải lương. Các làng xã luôn tìm lối đi riêng, uốn mình để phản đối linh hoạt với những quy định của chính quyền bảo hộ, để bảo vệ tính độc lập tương đối vốn có. Đây là nét đặc trưng, phản xạ có điều kiện rất lâu đời chốn hương thôn.

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)