Hình thức văn bản của hương ước

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 37 - 38)

B. NỘI DUNG

2.1.2. Hình thức văn bản của hương ước

Chất liệu

Tất cả các bản đều được trình bày trên giấy vở học sinh, màu nâu có dòng kẻ và được dùng chỉ khâu lại. Mở bìa cứng, ta bắt gặp tờ giấy bản màu xanh nhạt hoặc màu hồng có ghi tên làng, tổng, năm lập, huyện, tỉnh. Ví dụ: Sổ hương ước làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, năm 1942. Hương ước cải lương ở đây đều được viết bằng chữ Quốc ngữ với mực tàu màu xanh, đen hoặc bút màu tím, rất tiếc là không có bản hương ước nào viết bằng chữ Hán hay chữ Pháp.

Ngôn ngữ

Đặc điểm chung của các bản hương ước là đều sai lỗi chính tả đặc biệt là phần Tục lệ. Hương ước làng Lương Phong từ trang 12 đến trang 18 có nhiều lỗi chính tả chủ yếu là sai “d” với “r”, “ch” với “tr”, “s” với “x”. Nhưng có một số bản trình bày rất đẹp, không có lỗi chính tả như Lệ làng làng Cẩm Xuyên, hay Tục lệ xã Lục Yên, xã Phúc Linh, hương ước xã Ân Cập...

Đọc các hương ước cảm thấy rất nặng nề bởi một loạt các động từ mang tính chất ngăn cấm, áp đặt: “phải”, “cấm không”, “không ai được”, “phạt”… ở phần Tục lệ bắt gặp từ “phải kê”. Ngoài ra, ngôn ngữ văn nói được sử dụng khá nhiều trong hương ước.

Ta thấy ngôn ngữ hương ước mang tính quy phạm cao, từ ngữ đơn điệu, khô khan, cứng nhắc. Văn bản nặng tính áp đặt này là kết quả của lòng tham vọng của thực dân Pháp hòng can thiệp sâu hơn vào đời sống làng xã, quản lý từng đơn vị dân cư.

Các bản hương ước được ra đời gắn liền với những cuộc cải lương hương chính của thực dân Pháp. Năm ra đời luôn được ghi rõ ở đầu hoặc cuối trang, đa phần là các bản hương ước được ra đời vào đợt 2 và viết vào năm 1934 (có 29 bản). Đợt 3 có 18 bản viết vào năm 1942. Bên cạnh đó có 7 bản là không ghi rõ năm viết như: lệ làng làng Đông Lỗ, lệ làng xã Phúc Thắng, hương ước xã Ân Cập... Để đảm bảo theo đúng mẫu mà thực dân Pháp quy định, hầu như bản nào đầu trang hoặc cuối trang đều ghi “nay thừa sao”, “phụng sao y bản chính”, “nay trình sao”, hay “bản kê khai”.

Con dấu và chữ kí

Theo quy định ở điều thứ 82 của các bản hương ước: “Quyển hương ước này phải có chữ của các người Tộc biểu kí, có chữ quan sở tại phê, có chữ quan Tuần Phủ và quan Chánh sứ duyệt y...”. Hầu hết các bản hương ước của Hiệp Hòa đều có chữ kí, con dấu, của những vị chức trách trong làng mặc dù có bản nhiều, bản ít. Thông thường bản nào cũng có con dấu của Tiên chỉ và Lý trưởng. Đi liền với con dấu là chữ ký nên bản hương ước nào cũng có.

Ta thấy rằng đặc điểm chung của hương ước cải lương là tính khuôn mẫu hạn chế sự kê khai của các làng. Song, nếu chúng ta “gạn đục khơi trong” vẫn thấy được sức sống mãnh liệt của làng xã trong những phần tưởng chừng như đã chết đó.

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)