Sự vệ sinh; sửa sang đường xá, cầu cống và đê điều; sự vệ nông

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 52)

B. NỘI DUNG

2.2.1.7. Sự vệ sinh; sửa sang đường xá, cầu cống và đê điều; sự vệ nông

Sự vệ sinh

Làng xã là nơi tập trung của cộng đồng dân cư đông đúc, do đó việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Các hương ước cải lương của huyện đều mở đầu bằng câu: “Muốn cho người làng được mạnh khỏe, cần phải theo phép vệ sinh, một là phòng bệnh, hai là chữa bệnh” [43, 11].

Ở mỗi làng từ xưa đã có một giếng làng to, cả làng cùng sử dụng từ ăn uống đến tắm giặt, ngoài ra đã có một số giếng ăn trong dân. Nguồn nước là thứ thiết yếu nhất đối với người dân, nếu nước bị nhiễm bẩn thì cả làng mắc bệnh. Vì vậy, vấn đề giữ gìn vệ sinh giếng nước luôn được quan tâm hàng đầu “Các giếng ăn của làng Lý Phó trưởng phải xem xét, dốc sức sửa sang cho sạch sẽ, có nên sửa chữa hoặc đào giếng thêm phải trình Hội đồng xét định trích tiền công quỹ chi làm, phải cầm sấp trông nom cho được sạch sẽ luôn,

nếu thấy ai đến giếng hoặc gần giếng làm sự trái phép bắt trình Hội đồng nghị phạt từ 10 hào (0$10) đến 50 hào(0$50)” [43, 11].

Các hương ước đều ghi rõ: “Cấm không ai được vứt uế vật ra ngoài đường, làm nhà xí bên đường ai phạm cấm Hội đồng phạt 20 hào (0$20)”.

“Trong làng người nào bị bệnh phong Lý dịch phải trình Hội đồng, Hội đồng xét thực lập biên bản giao Lý trưởng giải quan đưa về nhà thương quá cảm. Trong làng khi nào bị bệnh truyền nhiễm như bệnh dịch, bệnh đậu thời Lý Phó trưởng phải lập tức tường trình Chánh Hội đồng họp Hội đồng nhất diện lập biên bản trình quan ngay để xin quan thầy thuốc chữa, một mặt lấy tiền công dựng nhà tre để đem người có bệnh vào, để thầy thuốc về chữa còn như những đồ người bệnh ấy dùng phải đem ra hồ ao ngoài đồng mà giặt hay là đốt đi chứ không được giặt ở ao trong làng. Trong làng ngõ có trâu bò bị bệnh dịch thì Hội đồng phải lập biên bản, Lý trưởng phải đi trình quan xin thầy thuốc về khám chữa, nếu lân cận mà có trâu bò dịch thời những trâu bò trong làng cấm không được chăn ở địa phận tiếp giáp làng ấy để giữ cho khỏi hại lây” [43, 12].

Không chỉ phòng và chữa bệnh cho người và gia súc, người dân trong làng còn phải biết giữ gìn vệ sinh chung: “Lý Phó trưởng thường đi mà khuyên bảo làng nước không được để dơ bẩn ngoài sân cổng ngõ, không được để chứa dòng nước bẩn, chuồng trâu bò phải sạch sẽ và quét vôi luôn nếu ai không tuân Hội đồng phạt 1 đồng (1$00)” [43, 12].

Các quy định về việc giữ gìn vệ sinh được quy định trong hương ước đều rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ tuân theo và dễ kiểm soát. Người dân trong làng chỉ cần có một chút ý thức là có thể làm được. Những quy định này không chỉ gắn kết mối quan hệ giữa người trong xóm ngoài làng mà còn tạo ra một bầu không khí trong lành, sạch sẽ đảm bảo cuộc sống của người dân.

Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, cư dân trong làng xã huyện Hiệp Hòa chủ yếu là nông dân gắn bó cả cuộc đời với nông nghiệp. Mà nông nghiệp trồng lúa nước sớm hôm phải chú ý đến cầu cống đê điều, cùng với đó là đường xá đi lại trong thôn không kể đường to ngõ hẻm phải thuận lợi. Chính vì vậy mà sự sửa sang đường xá, cầu cống đê điều là trách nhiệm của cả dân làng. Các hương ước đều ghi rõ: “Làng cử một người Thủ lộ trông coi các việc trên. Nếu Thủ lộ phát hiện đoạn đê hay bờ mương nào bị sạt lở phải báo ngay để Hội đồng kịp thời họp cử dân đinh bồi đắp. Làng sẽ trích tiền công hoặc chia suất đinh để sửa” [47, 8]. Riêng có hương ước Vạn Thạnh kê:

“Làng nhiều thân ở tùy từng địa phận rộng hẹp mà cử người Khám lộ để trông nom đê điều cầu cống, thấy nơi nào cầu cống hư hỏng thì phải trình Hội đồng để chữa lại, đến như đê điều thì Khám lộ chỉ phải coi sóc để cho người và súc vật khỏi làm tổn hại đến đê lúc nào đê cũng được tốt, khi có hư hỏng nhiều cần phải Nhà nước chữa thì Hội đồng phải tường trình quan. Các đường chung của làng thì làng lấy tiền công mà chữa hay là chia ra nhân xuất tùy Hội đồng chù nghỉ, các đường riêng từng xóm thì xóm nào xóm ấy chữa” [55, 7]. Ta thấy tên gọi của người trông coi tuy có khác xong công việc cũng như bổn phận mà người đó phải làm vì dân làng là hoàn toàn giống nhau.

Những hành vi cá nhân mà gây hại đối với đường xá, cầu cống đều phải bồi thường, chịu phạt: “Ai vì lợi riêng mà làm hại đến đường xá cầu cống chung của làng thời phải bồi thường và phải phạt từ 20 hào (0$20) đến 1 đồng (1$00)” [47, 8]. Đường cái quan lộ thì cấm không ai được đào xẻ ngang đường, nếu ai phạm cấm thì Hội đồng lập biên bản trình quan, còn như đường công của làng ai cần tháo nước qua đường trước phải xin phép hương hội, tháo xong lại phải đắp lại đẹp đẽ như cũ. Thủ lộ làm việc 3 năm được chu toàn thời làng cho ngôi Tộc biểu cũng như Phó lý nếu không làm hết bổn phận thời

phải bãi chức. Những quy định này của làng là rất khắt khe, yêu cầu ai cũng phải thực hiện vì lợi ích chung của mọi người.

Sự vệ nông

Việc chăm lo thủy lợi, bảo vệ cây trồng là công việc thường xuyên và cần thiết của tất cả làng xã. Vì sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chính tạo ra nguồn lương thực đảm bảo cuộc sống của người dân. Do đó, công tác trị thủy đặc biệt quan tâm. Tất cả các hương ước trong huyện có phần Chính trị đều kê khai rất rõ từng quy định đối với sự vệ nông. “Thường năm làng tu bổ các đường khuyến nông và khơi sâu các ngòi lạch chứa nước, cho tiện việc làm ruộng. Mỗi năm cứ tháng 11 hay là tháng 12, Hội đồng cho rao mõ các chủ ruộng gần ngòi phải khơi ngòi ấy lấy bùn đổ vào ruộng mà bón (Điều 51). Cấm không ai được phát cỏ bờ ruộng mà lại không đắp để bờ lở, dần ai phạm hương hội phạt 10 hào (0$10) (Điều 52). Nếu ai xin phép mà hương hội không đồng ý thì không được đắp đập qua ngòi mà đơm cá khiến cho nước không thông phạm cấm hương hội phạt 10 hào (0$10). Cấm không được trồng trọt (lúa, khoai lang, khoai sọ…) ở bên trong bờ sông ngòi, như thế sông ngòi dễ úng tắc, ai không tuân sẽ phải phạt từ 10 hào (0$10) đến 20 hào (0$20) (Điều 53). Khi gieo mạ và cấy lúa, cấm chăn trâu, bò, vịt ở bờ ruộng ai phạm hương hội phạt 10 hào (0$10), nếu trâu bò ăn lúa của người ta thời phải đền, nếu vịt vày mạ hương hội phạt 1 đồng (1$00) và phải đền nữa” [60, 7].

Với những quy định khắt khe này mà hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng và năng suất cây trồng ngày một tăng lên. Cuộc sống và những nhu cầu thiết yếu của người dân phần nào đã được cải thiện. Người dân trong làng được sống trong môi trường có sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, người dân tự nguyện chấp hành các quy định, còn ai có tội có phạt. Chính vì vậy mà mỗi người dân trong làng dường như có ý thức hơn đối với công việc chung của làng xã.

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)