B. NỘI DUNG
2.4. Vai trò của hương ước cải lương đối với việc xây dựng làng văn hóa ở
huyện Hiệp Hòa hiện nay
Hương ước, lệ làng hay tục lệ là một sản phẩm văn hóa pháp lý độc đáo. Trước năm 1945 như đã trình bày ở chương 1, chương 2 nó là công cụ hữu hiệu nhất để điều chỉnh mối quan hệ và việc quản lý ở làng xã. Sau cách mạng tháng Tám, hương ước không được thiết lập nữa, mở ra một thử thách lớn đối với sự tồn tại của hương ước. Phải chăng hương ước đã kết thúc “sứ mệnh” của mình khi người dân xóa bỏ hoàn toàn vì nó là kết quả công cuộc thống trị của thực dân Pháp. Năm 1959, khi về thăm tỉnh Thái Bình, Bác Hồ đã nhắc nhở cán bộ: hương ước là những phong tục đẹp ở nông thôn “từ sau ngày cách mạng các chú xóa hết cả thế là không đúng, cách mạng chỉ xóa đi
cái xấu, cái dở, còn cái hay cần phải giữ gìn, phát huy” [19, 38]. Từ chính lời dạy này của Bác mà làng xã trong cả nước có cái nhìn toàn diện hơn về hương ước cải lương và bắt đầu chắt lọc, kế thừa để xây dựng thôn xóm mình ngày một tốt đẹp hơn.
Giống với các huyện khác trong tỉnh Hà Bắc cũ, Hiệp Hòa khởi phát phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ năm 1989 nhưng phải đến năm 1992 mới có quy ước làng văn hóa. Quy ước này chính là văn bản quy định mọi mặt của làng xã theo Pháp luật của Nhà nước, yêu cầu người dân thực hiện cho đúng. Đây cũng chính là những tiêu chuẩn để đánh giá làng văn hóa ở làng xã. Vậy những quy ước này có phải là sự kế thừa của các hương ước cải lương không?
Trong thời gian làm đề tài được sự giúp đỡ của phòng văn hóa huyện, tôi đã được tiếp cận với một số quy ước làng văn hóa. Các quy ước này đều chứa đựng nội dung rất phong phú, bao quát mọi hoạt động của làng xã hiện nay: từ các quy định về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng đến việc cưới, việc tang, lễ hội và các việc khác. Do đó, nó thực sự là văn bản dưới luật có tác dụng hỗ trợ việc thực hiện Pháp luật của Nhà nước ở nông thôn. Quá trình soạn thảo quy ước dựa vào các Thông tư, Chỉ thị của Nhà nước là chủ yếu. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Hiệp Hòa mà còn mà còn là tình trạng phổ biến ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những nhược điểm mà lẽ ra có thể tránh được nếu người soạn thảo tham khảo hương ước cũ. Không phải cái gì của quá khứ cũng là lạc hậu, là xấu cần phải loại bỏ hoàn toàn mà bên cạnh nó có biết bao điểm tiến bộ cần phát huy. Nếu ta vận dụng phù hợp nó sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Hương ước cải lương rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, chắt lọc vì tất cả các bản hương ước của huyện đều được viết bằng chữ quốc ngữ, rất dễ đọc. Hương ước cải lương cung cấp nhiều
thông tin quan trọng về mọi mặt của địa phương đó rất hữu ích cho việc soạn thảo quy ước. Vậy mà nguồn tư liệu quý giá này đã bị bỏ qua làm cho quy ước làng văn hóa bị “hụt hẫng”, mang tính cứng nhắc. Qua nghiên cứu, ta thấy rằng quy ước làng văn hóa có thể kế thừa những điểm sau từ hương ước cải lương.
Thứ nhất, về văn phong: Ta thấy rằng trước cách mạng tháng Tám, số người biết chữ rất ít song có điều lạ là ai cũng thuộc “luật làng” để thực hiện vì sợ làm sai lại tai tiếng nhưng quan trọng hơn là cách diễn đạt trong hương ước mộc mạc, ngôn từ với câu chữ “khúc triết, có âm vần, vừa có dáng dấp của văn phong pháp lý, lại vừa có âm hưởng, có vần điệu của các bài giáo huấn thuyết pháp” [2, 175]. Với điểm này quy ước làng văn hóa dường như kém xa hương ước cải lương. Cụ thể như: Khi nền kinh tế phát triển, một số giá trị truyền thống của ông cha ta bị xem nhẹ, đặc biệt phải nói đến quan hệ nam nữ trước hôn nhân bị băng hoại. Những quy chuẩn đạo đức bị mai một, mất dần truyền thống của người phụ nữ Á Đông “gái thời trinh tiết làm câu sửa mình”. Hương ước làng Sơn Giao đã nói điều này rất thấu đáo, dễ đi vào lòng người: “Khi con gái, con trai đến tuổi cập kê thì vào tháng đầu xuân cha mẹ không được cho đi hội để hát đúm, hát ví dễ sinh ra “tà dâm”. Thấy vậy, cha mẹ phải biết ngăn cấm và dậy con để khỏi trái với lễ nghĩa của Thánh hiền và giữ gìn nòi giống. Sau này con trai lớn mới không phải tiểu nhân, con gái mới toàn được phụ hạnh rồi mới có thể sinh ra nòi giống tốt” [77, 23]. Do sự thay đổi của thời cuộc nên những quan niệm này cũng không thể khắt khe như trước xong bản sắc dân tộc cần được giữ gìn. Chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan đánh mất mình trước cái mới. Trong khi đó, về việc này quy ước làng văn hóa ghi rất ngắn gọn “đối với việc hỷ từ khi hỏi đến khi cưới không cầu kì thực hiện vui vẻ, tiết kiệm, nghi lễ phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc” [86, 6].
Ta thấy ở hương ước cải lương cách diễn đạt có tình, có lý, vừa nhắc tới luật nước vừa có lời dăn dạy của Thánh hiền, ai cũng muốn nghe theo. Còn quy ước mới tuy ngắn gọn nhưng lời dạy còn khô khăn, cứng nhắc, ít khuyên răn nên không gây được sự chú ý để người đọc nhớ. Đúng là chúng ta không nên bê lối hành văn cổ vào quy ước làng văn hóa nhưng việc học tập cách diễn đạt giản dị, gần gũi đời thường, vừa uyển chuyển có vần điệu của hương ước cải lương, chắc rằng tính thuyết phục sẽ cao.
Thứ hai, một số điều của hương ước cải lương nếu đưa y nguyên vào quy ước vẫn còn nguyên giá trị như những quy định liên quan đến bảo vệ sản xuất và phát triển nông nghiệp, sự vệ sinh, giữ gìn trật tự an ninh làng xã, xây dựng tình đoàn kết xóm làng, khuyến học... Trong đó những quy định về bảo vệ lúa má, hoa màu, đê điều chống thiên tai hỏa hoạn là những điều luôn luôn thiết thực với làng xã làm nông nghiệp. Hương ước cải lương quy định điều này rất chi tiết hơn hẳn các quy ước hiện nay từ sự sửa sang đường sá, cầu cống, đê điều, sự vệ nông gồm 9 điều (từ điều 47 đến điều 55) trong khi đó quy ước các làng chỉ có 3 điều (Từ điều 10 đến điều 13) với nội dung chủ yếu là bảo vệ lúa khi có sâu bệnh, tiêm phong gia súc và chăn thả trâu bò “ban lãnh đạo thôn có trách nhiệm thông báo cho nhân dân thông tin về bảo vệ thực vật khi có sâu, bệnh gây hại mùa màng, các gia đình phải tích cực diệt trừ, hàng năm tiêm phòng cho đàn gia súc” [89, 3].
Chẳng hạn như trong quy ước làng văn hóa thôn Sa Long, xã Hoàng An khi chống hỏa hoạn, thiên tai chỉ ghi: “Khi trong làng có việc cần cấp cứu như hỏa hoạn, đê vỡ, trộm cắp sẽ có hiệu lệnh kẻng hoặc thông báo trên loa. Tất cả nguời dân phải có mặt ở nơi quy định để làm nhiệm vụ” [87, 3]. Còn hương ước cải lương trước đó đã quy định rất rõ: “Tuần lúc cần như Nhà nước cừ đê, hoặc lửa cháy nhà nào, trộm cắp nhà nào tuần bổn phận đã dành, dân làng trừ những người đi vắng, còn từ 18 tuổi trở lên thấy động hiệu thì
phải lập tức đến cứu. Việc nước cừ đê, sạt ai cũng phải có một con dao, một cây tre, cứu việc cháy nhà ai cũng phải có một cái câu liêm, một cái thùng xách nước, cứu việc trộm cướp cũng phải cái đồ trường hay đoản, nếu ai trái Hội đồng xét thực phạt từ 10 hào (0$10) đến 1 đồng (1$00) [41, 10]. Với quy định này tránh được thái độ thờ ơ, “bình chân như vại” của người dân, nó trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của từng người đối với làng xã mình. Điều này quy ước làng văn hóa chưa thể hiện được.
Thứ ba, trong hương ước cải lương, những công việc của làng được giao tới từng cá nhân với trách nhiệm cụ thể. Canh ngoài đồng có Trương tuần, canh trong làng có Tuần phiên, Lý trưởng (người đứng đầu và cùng bộ phận lý dịch chịu trách nhiệm việc trong làng) giải quyết việc thu thuế cho Nhà nước, tuyên truyền cho mọi người ăn ở vệ sinh; Thủ lộ trông coi cầu cống, đê điều; Thủ quỹ chịu trách nhiệm chi thu... Do đó nó đã hạn chế tới mức tối đa tư tưởng “cha chung không ai khóc”, ai cũng phải làm tốt công việc của mình. Trong khi đó, quy ước làng văn hóa chỉ quy định chung chung như: Quy ước thôn Chùa, xã Lương Phong về phần an ninh quốc phòng, khi người dân phát hiện việc làm sai trái báo cho ban an ninh; về kinh tế khi phát hiện hành động phá hoại sản xuất báo cho tổ bảo vệ. Đây là điểm tiến bộ của hương ước cải lương mà quy ước làng văn hóa hoàn toàn có thể kế thừa.
Thứ tư, khi so sánh nội dung giữa hương ước cải lương với quy ước làng văn hóa có điểm khác biệt là việc chi thu và quản lý đất đai của làng xã.
Thu, chi trong làng xã được hương ước cải lương quy định với những điều mục cụ thể. Tất cả các khoản chi thu đều nằm trong kế hoạch chi thu đã định trên nguyên tắc tiết kiệm. Khi nộp tiền cho Thủ quỹ phải có biên lai, tiền mà Thủ quỹ chi ra phải được sự đồng ý của người cấp trên. Ai lĩnh tiền, Thủ quỹ giao cho cái phái lai ở sổ răng cưa làm “chứng”. Cứ mỗi tháng kiểm quỹ một lần, làm biên bản. Hết năm những người có trách nhiệm phải tính thực
thu, chi bao nhiêu và số tiền thừa bao nhiêu. Sau đó yết thị tại đình ít ra một tháng, phải cho mõ đi rao cho dân biết. Vì vậy đã làm cho việc chi thu trở nên minh bạch, tránh sự lạm dụng của quan viên, sự “tù mù” trong chi tiêu làng xã. Nhưng ở quy ước làng văn hóa lại chỉ nói rất sơ lược về việc này, nghe rất chung chung “Các khoản đóng góp của dân sử dụng đúng mục đích, sử dụng hiệu quả vận động nhân dân đóng góp theo nguyên tắc tự nguyên, không áp đặt, phân bổ bình quân” [88, 17]. Ta thấy tài chính dường như không được công khai, đôi khi tạo nên tâm lý ức chế cho người dân.
Vấn đề đất đai làng xã trong hương ước cải lương được thể hiện rất rõ trong phần “sự quân điền thổ”. Còn hương ước làng văn hóa thường không có mục riêng về đất đai, rất ít thôn kê hoặc có thì rất qua loa “quản lý sử dụng đất phải công khai dân chủ” [86, 6]. Ta biết rằng vấn đề đất đai là hết sức nhạy cảm đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay, ai cũng muốn sử dụng nó vào những mục đích khác nhau. Quản lý đất đai đã có luật định và chế tài sử phạt nghiêm khắc của Nhà nước song nếu quy ước làng có thêm những điều khoản hợp lý, kê khai rõ ràng thì sẽ không xảy ra sự tranh cãi, xích mích giữa những người dân trong làng.
Thứ năm, những điểm hạn chế của hương ước cải lương đã được quy ước làng khắc phục đặc biệt là trong phần phong tục đã xóa bỏ những hủ tục trong việc tang lễ, cưới xin, lễ hội....
Việc cưới xin: Không còn tục nộp cheo cho làng phân biệt lấy chồng trong hay ngoài làng, tiền làm lễ yết thần tại đình. Thay vào đó, quy ước quy định tổ chức đơn giản, tiết kiệm.
Việc tang ma: Hủ tục đóng tang hạng nào được tổ chức hạng đó bị bãi bỏ vì “nghĩa tử là nghĩa tận” khi trong làng có người qua đời mọi người trong làng đến thăm hỏi chia buồn cùng gia chủ, tích cực tham gia an táng, chôn cất chu đáo, trang nghiêm, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo.
Lễ hội được tổ chức trên nguyên tắc “tổ chức gọn nhẹ, không gây lãng phí tiền của, phải được toàn dân tham gia bàn bạc” [85, 4]. Không còn tình trạng tổ chức nhiều lễ hội trong một năm như trước nữa.
Các làng đều đã chấm dứt hẳn tình trạng khao chức, vọng khoa và vọng lão. Trước khi việc khao lão là gánh nặng cho người cao tuổi, họ phải vay mượn để lo cho bằng người. Giờ đây đã khác trước, ngày mừng thọ của ông bà, cha mẹ trở thành ngày vui của con cháu. Những người có thành tích học tập tốt như học sinh giỏi, đạt giải tỉnh, giải quốc gia hay đỗ đại học đều được khen thưởng dù không nhiều nhưng nó mang đến sự khuyến khích, động viên rất lớn đối với thế hệ trẻ.
Đã loại bỏ sự phân biệt dân chính cư và ngoại cư gây mất đoàn kết dân tộc và cản trở sự phát triển của đất nước:“Không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị xã hội, mọi người trong thôn cần phải bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau” [89, 2], không còn những hình phạt hà khắc như trước nữa: đánh roi, phạt không cho dự đình trung.
Với những minh chứng sát đáng, cụ thể ở trên ta thấy rằng hương ước cải lương và quy ước làng văn hóa có rất nhiều điều bổ sung cho nhau được. Việc nghiên cứu, chắt lọc, phát huy những điểm tiến bộ, loại bỏ dần những điểm hạn chế, những hủ tục là điều mà các cán bộ văn hóa làng xã phải tích cực tiến hành. Hương ước cải lương sẽ là nguồn tư liệu rất quý bổ sung cho quy ước làng để nó có thể khắc phục được những thiếu xót đang tồn tại và tiếp tục đưa làng xã trong huyện phát triển đạt danh hiệu “làng văn hóa” theo đúng nghĩa của nó.
Tiểu kết
Khi tìm hiểu về hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (1921 - 1942) ta thấy cuộc sống của một xã hội thu nhỏ chốn thôn quê dần dần được phác họa. Nếu phần Chính trị được coi là cứng nhắc, soạn thảo
hoàn toàn theo bản mẫu mà thực dân Pháp đưa ra thì phần Tục lệ lại là nguồn tư liệu phong phú cho việc nghiên cứu phong tục tập quán, văn hóa làng. Khi mới đọc qua, ta thấy mỗi bản Tìm hiểu những mặt tích cực, tiêu cực của hương ước cải lương giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị lịch sử, văn hóa – tinh thần của hương ước này, đồng thời thấy được giá trị của nó trong việc xây dựng làng văn hóa ở huyện Hiệp Hòa.
C. KẾT LUẬN
Cuộc cải lương hương chính đã mang đến cho làng xã một diện mạo mới. Trong quá trình thực hiện, cuộc cải cách toàn diện làng xã ấy đã luôn phải điều chỉnh vì vấp phải sự phản ứng gay gắt từ chính đối tượng được hướng đến. Cuộc cải lương này xuất phát từ phía chính quyền bảo hộ và phục vụ cho mục đích của thực dân Pháp chứ không phải xuất phát từ làng xã và phục vụ lợi ích của người nông dân. Làng xã đã thực sự bị xáo trộn trên tất cả các hoạt động mà phải kể đến việc soạn thảo hương ước.
Hương ước cải lương ra đời nằm trong kế hoạch của cuộc cải lương hương chính. Thực dân Pháp đã rất khôn khéo khi lợi dụng hương ước để lồng tư tưởng chính trị của mình trong việc quản lý làng xã, hạn chế quyền tự trị của làng xã một cách tối đa. Dù không được soạn thảo trên tinh thần tự nguyện nhưng nó có giá trị lịch sử nhất định bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu nông dân và nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Với huyện Hiệp Hòa – hương ước đã phác họa bức tranh làng xã với những nét đặc trưng trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, bảo vệ sản xuất, phong tục – tập quán... Hương ước cải lương cũng là câu trả lời cho mức độ thành công của cuộc cải