Canh phòng trong làng, ngoài đồng

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 48)

B. NỘI DUNG

2.2.1.5. Canh phòng trong làng, ngoài đồng

Việc canh phòng để giữ sự bình yên, duy trì trật tự an ninh của làng. Không chỉ đến hương ước cải lương mà ở trong hương ước cổ cũng quy định rõ điều này. Tất cả các làng đều có 2 lớp canh phòng: trong làng (tuần đinh) và ngoài đồng tuần (tuần đồng).

Canh phòng là việc không hề đơn giản bởi một, hai người không thể làm được khi muốn giữ an ninh của cả làng mà phải cần một số lượng nhất định cư dân trong làng. Canh phòng cũng không phải một chốc một lát mà canh cả ngày lẫn đêm, có lịch phân chia cụ thể. Cuộc sống của người dân trong làng có yên ả, ổn định hay không chính là nhờ một phần lớn vào việc này. Do đó, canh phòng luôn là công việc được coi trọng hàng đầu, nó được phản ánh trong hương ước với số lượng lớn các điều quy định từ điều 19 đến điều 37. Các làng ghi chép, kê khai rất cẩn thận, chi tiết theo đúng bản quy ước mẫu mà thực dân Pháp đưa ra.

Cụ thể như: Trong tục lệ xã Mai Đình ghi rõ: “Canh phòng để giữ tính mệnh và tài sản chung của làng thì hết thảy người làng từ 18 tuổi đến 50 tuổi đều phải chịu trách nhiệm canh phòng, trừ ra những người hiện đang làm việc các sỏ, người chức sắc, khoa mục đang đi học các trường và người có bệnh tật, người nào đi vắng hoặc mắc việc không ra canh được thời có thể nhờ bà con bạn hữu canh thay hoặc nộp cho làng tiền để làng thuê người

canh thay” (Điều 19) [67, 4 – 5]. Các làng thường không khai khoản tiền này là bao nhiêu.

Để canh phong hiệu quả, các làng lập ra các ban canh. Tùy theo diện tích của làng rộng hay hẹp mà chia số ban sao cho hợp lý. Có làng không nói rõ số ban chia trong hương ước như: làng Vạn Thạch, Liễu Ngạn…, còn thông thường các làng có từ 1 đến 4 ban canh, duy có làng Lương Phong chia làm 7 ban… “mỗi ban canh độ 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc một năm, mỗi ban bầu một người trong ban làm Đốc canh. Khi trong làng có cướp phát thời tất cả các ban canh nghe động hiệu phải đến cứu ngay với ban canh đương thứ” [78, 6].

Muốn canh phòng tốt yêu cầu vũ khí, trang bị cho những người canh gác (Tuần tráng) phải đầy đủ. Điều 20 các bản hương ước đều có ghi: “Những khí giới để canh của ai người ấy phải sắm, phải khắc tên vào, người nào nhà nghèo không thể sắm được, thời làng trích tiền công quỹ để sắm cho, hết hạn canh phải giao để trả làng” [58, 5]. Hơn nữa, việc canh phòng cần có địa điểm chung để vũ khí, trang bị phục vụ cho việc đi tuần đó chính là điếm canh. Đây còn là nơi để nghỉ ngơi, thay phiên nhau khi phải đi tuần đêm. Thường trong làng có nhiều xóm, mỗi xóm bố trí một điếm canh tùy theo diện tích của làng. Hầu hết các hương ước đều khai rất chung chung: “Tùy làng lớn hay nhỏ mà đặt nhiều điếm hay là ít điếm, phí tổn tiền lập điếm làng trích tiền công để chi”. Số tiền là bao nhiêu thì cũng không được nhắc đến.

Đốc canh là người đứng đầu mỗi ban, họ có trách nhiệm riêng: “...cứ gần tối thời nổi hiệu trống mõ, gọi các người trong ban ra điếm, ai có phương trở phải mượn người ra canh thay, nếu bỏ không canh thì hai lần đầu mỗi lần hương hội phạt 1 hào(1$00), lần thứ ba thì sẽ giải lên Tòa án xét, phạm về tội phạm khoản thứ 11 điều thứ 227 trong luật hình An Nam” [57, 5 – 6].

Làng nào cũng quy định ban canh nào đến lượt đi tuần cũng phải đi quanh làng để cho cướp khỏi vào. Tuần phiên sẽ phải chịu trách nhiệm về việc trộm cướp trong làng, có công bắt trộm sẽ được thưởng, có tội phải phạt. Theo điều 25: “Ai bắt được một đứa trộm trong làng thì thưởng 1 đồng (1$00), bắt được một đứa cướp làng thưởng 10 đồng (10$00)”. Trái lại, “...trong làng có người mất trộm, cướp mà tuần phiên không bắt được đứa phạm, thời phải chiểu giá đã mất mà đền cho sự chủ. Khi cướp phát tuần đã hết sức kháng cự, mà không giữ được thời không phải chịu trách nhiệm” [60, 5].

Không chỉ có vậy, việc an ninh trong làng có được yên ổn còn một phần phụ thuộc vào Lý Phó trưởng. Các hương ước đều ghi rõ trách nhiệm của Lý Phó trưởng. Ở điều 27: “Lý Phó trưởng phải thường kiểm soát những người lạ mặt vào làng, nếu thấy người nào không có thẻ tùy thân, hay là căn cước đáng ngờ thời bắt giải quan xét”. Rõ ràng công việc bảo vệ trật tự xóm làng là công việc chung của tất cả mọi người trong làng, không trừ một ai.

Lớp thứ 2 là canh phòng ngoài đồng (tuần đồng) tức là bảo vệ đồng áng, bởi cư dân trong làng đa số là nông dân “chân lấm tay bùn”, nông nghiệp là ngành sản xuất chính nuôi sống họ. Vì tầm quan trọng đó mà việc tuần đồng đều được mọi người chú ý quan tâm từ việc cử người trông nom, tư cách của họ, việc họ phải làm rồi thưởng phạt ra sao... Các hương ước đều kê khai việc này từ điều 28 đến điều 37: Làng cử một người Trương tuần và ít ra là 20 tuần tráng để trông coi đồng điền. Tuần tráng thì cứ cắt lượt mà chọn những người mạnh khỏe, tư cách là người mạnh bạo, thực thà và có gia sản, người nào mang tiếng bất hảo đều không được làm và phải tuân theo quyền phép của các Tộc biểu và Lý trưởng. Những người tuần đồng chịu trách nhiệm chăm lo cho công tác khuyến nông, mương nước, ngăn không cho tháo nước đánh cá, bảo vệ hoa màu không cho trâu bò phá hoại. Tùy làng lớn hay làng nhỏ mà cử ra số tuần tráng khác nhau, tuần tráng không canh giữ cẩn thận cây trồng mất

đâu là tuần tráng phải chịu nguyên giá phải đền, mà nếu dung túng cho người dân thì bị phạt tiền như người phạm.

Để khuyến khích cho Trương tuần làm việc bảo vệ ruộng đồng, hương ước các làng đều có ghi: “Làng cấp tiền công cho tuần, không kể nội canh hay phụ canh, đều đồng niên lúa 30 lượm lấy một lượm. Hoa màu 20 phần lấy một phần, trâu đồng niên 20 hào (0$20), bò đồng niên 10 hào (0$10)” (Điều 36) [49, 5]. Đặc biệt “Trương tuần làm việc ba năm đều được chu toàn thời làng cho ngôi Tộc biểu cũng như là Phó lý”. Riêng hương ước làng Đức Thắng cho ngôi Kì mục nếu hoàn thành tốt công việc.

Ta thấy rằng, an ninh trong làng xã có được đảm bảo hay không chủ yếu là nhờ vào việc canh phòng trong làng và ngoài đồng của cộng đồng dân cư. Những quy định này rất cụ thể, dễ hiểu được nhân dân trong làng hưởng ứng và tình nguyện thực thi. Vì vậy, làng xã ngày một yên ổn, cuộc sống của người dân được đảm bảo.

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)