Mặt tiêu cực

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 79 - 81)

B. NỘI DUNG

2.3.1.2. Mặt tiêu cực

Hạn chế của hương ước cải lương nằm ngay trong những quy định của hương ước. Một đặc trưng nổi bật nhất của bản hương ước cải lương mang tính khuôn mẫu (trên thực tế nó được soạn thảo theo ý đồ nắm làng xã của thực dân Pháp). Hương ước cải lương tuy đa dạng nhưng đơn điệu, khô khan, cứng nhắc nhất là ở phần “Điều lệ tổng cục” hay phần “Chính trị”. Hương ước làng nào cũng mang nội dung nhất quán trên, chỉ có thể thay tên một làng nào đó có thể biến thành hương ước của làng khác. Phần Chính trị trong hương ước cải lương đều bám sát vào các Nghị định, Thông tư của chính phủ bảo hộ về cải lương hương chính. Nội dung của phần I cho thấy sự cụ thể hóa Nghị định của Nhà nước hơn là một bản hương ước của dân làng. Khác biệt giữa các bản hương ước chỉ là tiểu tiết (ở điều 20, 36, 61, 71). Vì thế, khi đọc và nghiên cứu hương ước cải lương người ta thường “bỏ qua” phần Chính trị, mà quan tâm nhiều đến phần Tục lệ. Đó là phần II, các làng đươc tự ý kê khai tục lệ của mình. Song các bản mục này đều theo gợi ý của chính quyền thực dân gồm: Sự quân điền thổ, hôn lễ, tang lễ, những việc khao vọng, mua bán danh, tế tự, các loại thuế của làng. Tất cả đều được ghi một cách chung chung, sơ lược nên dường như bản nào cũng giống bản nào. Có một điều làm người đọc rất khó khi tiếp xúc, nhanh nản vì các hương ước đều chép tay, chữ khó đọc, mực bị nhòe, trình bày không rõ ràng, ngôn từ dùng cả văn nói, văn viết, tiếng địa phương, sai lỗi chính tả là hiện tượng phổ biến. Khi nghiên cứu bức tranh làng xã, chúng ta luôn muốn tìm những nét văn hóa đặc sắc, nét riêng của từng làng song hương ước cải lương phải theo mẫu nên đã mất tính sáng tạo.

Trong 54 bản hương ước mà tôi tiếp xúc đều chưa thấy được trình tự, nghi thức đầy đủ của một đám cưới hay một đám tang, đặc biệt là một buổi tế lế, đó là những sinh hoạt thường xuyên của chốn thôn quê. Ở hương ước cải lương hội làng cũng hoàn toàn vắng bóng, thậm chí ngay cả việc tế lễ cũng chỉ nhắc tới tên, các tiền thu để tổ chức lễ hội, lễ vật mà thôi, ngoài ra lễ có bao nhiêu nghi thức và diễn ra như thế nào thì không thấy ghi lại. Diện mạo và tâm hồn làng Việt thể hiện một cách sâu sắc và trọn vẹn nhất qua hội làng đã bị lãng quên. Lễ hội không được ghi chép lại là một khoảng trống lớn của hương ước cải lương. Mặc dù qua văn bản không thể phản ánh được hết cái hồn của lễ hội làng Việt, nhưng nó chính là những mảnh ghép quý nhất giúp ta hình dung một cách rõ nét và trọn vẹn hơn về diện mạo làng quê Việt. Mặt khác, không có một hương ước nào phản ánh về các hội thi trong lễ hội, giải thưởng như thế nào... khiến người tìm hiểu không mấy hứng thú.

Ngoài ra, trong hương ước cải lương như đã trình bày ở các phần ở trên vẫn duy trì những quy định ngặt nghèo, những tập tục đã trở thành hủ tục của làng xã như việc phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư, thậm chí còn củng cố về ngôi thứ trong làng. Cũng như hầu hết các làng quê khác, ở Hiệp Hòa vào thời kì cải lương ngoài ngôi thứ cho những người có phẩm hàm, chức tước còn ngôi thứ làng bán cho những người có tiền mua. Việc khao vọng của một số làng rất nặng, có làng kết hợp cả hình thức khao làng với nộp tiền vào công quỹ. Ngay cả các cụ cũng phải vọng lão. Những quy định này ban đầu đơn giản, vốn để cộng đồng chứng giám, chia vui với những người được chức tước, đỗ đạt, phẩm hàm hay lên lão nhưng dần dần đã bị tư tưởng ganh đua nhau, khích lệ nên đã biến phong tục trở thành hủ tục “trừ nợ miệng”. Sống trong cùng làng xã người nông dân không thể không theo tục làng và những hủ tục đó trở thành sợi dây vô hình trói buộc họ, khiến cả đời dành dụm tiền

bạc chỉ nhằm lo cho “hoàn thành” được nghĩa vụ trả nợ miệng với dân làng. Hủ tục đã góp phần đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa.

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)