Sự phát triển của hương ước

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 26)

B. NỘI DUNG

1.2.1.2. Sự phát triển của hương ước

Trong mỗi giai đoạn, hương ước lại có những thông điệp lịch sử, văn hóa riêng. Những nội dung đó phản ánh khá chân thực, sinh động về diện mạo làng Việt đương thời. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu cho rằng, kể từ khi xuất hiện hương ước đã trải qua ba thời kì phát triển:

+ Thời kì thứ nhất: Từ giữa thế kỉ XV đến năm 1921. Trong thời kì này các làng xã tự soạn thảo hương ước. Do vậy, rất đa dạng về nội dung và hình thức, đa số được viết bằng chữ Hán. Các bản hương ước thời kì này được gọi là “hương ước cổ”.

+ Thời kì thứ hai: Từ năm 1921 đến trước cách mạng tháng Tám. Thời kì này hương ước được soạn thảo theo ý đồ cải lương hương thôn và mẫu hương ước của thực dân Pháp nên nội dung và hình thức không đa dạng bằng hương ước cổ. Các bản hương ước soạn thảo trong thời kì này chủ yếu được viết bằng chữ Quốc ngữ, một số được viết bằng cả chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Các bản hương ước đó được gọi là “hương ước cải lương”.

+ Thời kì thứ ba: Từ đầu thập kỉ 90 trở lại đây. Đây là thời kì “tái lập hương ước”, hay còn gọi “hương ước mới”.

Ba thời kì phát triển của hương ước gắn liền với những biến đổi trong nội tại của làng xã và hoàn cảnh chung của đất nước. Dù ở trong giai đoạn nào, nó cũng đảm nhận vai trò là một trong những công cụ quan trọng để điều chỉnh các mối quan hệ - vốn chưa bao giờ được xem là đơn giản nơi làng quê.

1.2.2. Sự ra đời của hương ước cải lương

1.2.2.1.Nguyên nhân dẫn đến cuộc cải lương hương chính ở Bắc Kì

“Cải lương hương chính” là thuật ngữ diễn đạt của báo chí thời kì trước cách mạng tháng Tám về các chính sách mà thực dân Pháp đưa ra để thi hành cải tổ bộ máy quản lý làng xã với tư cách là một đơn vị hành chính cấp cơ sở trong thiết chế cai trị thuộc địa.

“Cải cách” hay “cải lương” đó là sự thay thế cái cũ bằng một cái hoàn toàn mới – cái mới này chịu sự chi phối và tác động của cơ quan làm ra cải cách này với mục đích tối thượng là có lợi cho một số người nào đó hoặc số đông quần chúng. Cải cách có thể tốt lên hoặc xấu đi, có thể thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào nội dung hay mục đích của cải cách đó. “Hương chính” trong đó “hương” là chỉ xã, thôn, xóm, còn “chính” là những việc chi thu, bổ nhiệm, tuần phòng vệ sinh… đó là những chính sách “tự trị” của mỗi làng. Rõ ràng, “cải lương hương chính” của thực dân Pháp nhằm thẳng vào bộ máy quản trị làng xã cổ truyền. Nó không chỉ dừng lại ở mức độ tác động, thâm nhập mà đi tới lật nhào bộ máy thống trị cũ để thay thế vào đó một bộ máy mới có lợi cho chúng.

Bất cứ một vấn đề gì đó cũng có lý do của nó. Cải lương hương chính cũng vậy. Về phía thực dân Pháp vào những năm 20 của thế kỉ XX, sau chiến tranh thế giới thứ nhất tuy là một nước thắng trận song Pháp bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi

phục kinh tế, chính quyền thực dân một mặt ra sức tìm mọi biện pháp thúc đẩy sản xuất ở trong nước, mặt khác đầu tư khai thác thuộc địa, ra sức vơ vét sức người và sức của, chúng không quên bỏ qua những người nông dân chân chất, thật thà nhằm kiếm lời. Để đạt được mục đích đó, chúng phải “với tay” đến tận xã thôn, cải cách bộ máy hành chính theo mình. Thêm vào đó, thực dân Pháp đưa ra nhiều chính sách mị dân nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân khỏi ảnh hưởng của cách mạng với chiêu bài “hợp tác đề huề, cải lương” hòng xoa dịu dư luận và tiến hành cải lương một cách dễ dàng hơn.

Khi tìm hiểu về làng xã, thực dân Pháp nhận ra rằng bộ máy các làng đại thể có những nét tương đồng. Đứng đầu và đưa ra các quyết nghị là HĐKM đại diện là Tiên chỉ, Thứ chỉ liên quan đến việc quan trọng như phân bổ sưu thuế, lính tráng, phân cấp công điền… Theo phong tục thành viên của Hội đồng này không do bầu cử và không cần sự công nhận của Nhà nước. Còn Hội đồng lý dịch đứng đầu là Lý trưởng là người trung gian giữa Nhà nước và làng xã, có nhiệm vụ thực hiện các yêu cầu đóng góp cho Nhà nước, quản lý sổ đinh… giúp việc cho Lý trưởng là Phó lý. Song Lý trưởng và Phó lý rất kém về vai vế, ngôi thứ lại đứng sau Tiên chỉ, Thứ chỉ và những người chức tước phẩm hàm, không có chân trong Hội đồng làng, khi Hội đồng họp Lý trưởng chỉ là người “bàng thính”. Trong các dịp đình đám, tế lễ, khao vọng Lý trưởng không có vai trò gì lớn, được chia phần kém. Mặt khác, chính quyền Pháp còn nhận ra rằng “Các hương thôn ta từ xưa đến nay các chức sự Kì mục đều là bọn vô học hay học dở dang mới chịu ra làm. Nhưng tuy vô học mà phần nhiều lại có khéo khôn hơn, khi ra làm việc dân chỉ chăm chăm về sự lập bè đảng để giữ lấy quyền bính ở trong làng” [7, 222].

Mặt khác, nạn tham nhũng và sự thối nát của bộ máy chức dịch làng xã cho đến thế kỉ XX tỏ ra ngày càng trầm trọng hơn trước. Sự thực, làng xã chỉ là tổ chức của một nhóm những người có thế lực nhất, thay mặt dân quản trị

công việc trong làng. Đây là một thực trạng đã diễn ra khá phổ biến ở làng xã Bắc Kì bấy giờ. Xã thôn trở thành công cụ để củng cố hơn nữa quyền lợi và quyền lực của bọn cường hào, địa chủ. Nạn cường hào ngày càng đẩy người nông dân đến con đường bần cùng hóa. Xã thôn trở thành mối ràng buộc đáng sợ đối với người dân. Và đó cũng chính là lý do mà chính phủ Pháp vẫn liên tục rao giảng trên sách báo để tuyên truyền cho chủ trương cải lương của mình, và coi đó là cách thức tốt nhất làm cho làng xã “có trật tự và có minh bạch trong việc quản hành công việc cùng quyền lợi ở các xã ở xứ Bắc Kì ta” [14, 3]. Điều đó đồng nghĩa với HĐKM trở thành đối tượng của cuộc cải lương hương chính lần này. Chính quyền thực dân ngày càng củng cố hơn nữa bộ máy quản lý cấp xã, biến nó trở thành công cụ hữu hiệu nhất cho việc nâng cao và phát huy hơn nữa quyền lực của mình ở xứ Đông Dương.

Tất cả những lý do trên khiến cho thực dân Pháp phải cải cách bộ máy quản lý ở nông thôn nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, dã tâm của chính quyền lúc này là “thò” tay đến tận cơ sở để cho nền bảo hộ của chúng được hoàn bị.

Song không phải đến năm 1921 thực dân Pháp mới tiến hành cải lương ở Bắc Kì mà trước đó chúng đã đưa ra một số chính sách thử nghiệm. Sự can thiệp đầu tiên của Nhà nước vào làng xã là nắm lấy bộ máy lý dịch. Năm 1907, thực dân Pháp đề ra “Lệ bầu tổng lý” nhưng phải đến năm 1913 mới có Nghị định quy định một cách đầy đủ chặt chẽ. Qua đây, chính quyền bảo hộ muốn biến các Lý trưởng, Phó lý thành những tên tay sai trung thành. Thực dân Pháp còn sử dụng nghị viện thứ dân làm công cụ thực hiện ý đồ cai trị. Cuối năm 1914, trong bài diễn văn đọc trước nghị viện, thống sứ Đêtơnay đã phê phán sự trì trệ của tổ chức làng xã ở Bắc Kì đề ra phải cải lương hương chính, nhưng cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã làm gián đoạn công cuộc đó. Đến năm 1921, chính quyền bảo hộ đã tiến hành cuộc “cải lương hương chính” mở đầu cho công cuộc cải lương ở Bắc Kì.

Một phần của tài liệu Hương ước cải lương ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang ( 1921 - 1942) (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)