Trong những năm gần đây, hoạt động thanh toán qua Chi nhánh BIDV Kiên Giang đã có sự chuyển biến rất tích cực. Phạm vi thanh toán không còn bị bó hẹp trong những khách hàng có qui mô lớn mà đã mở rộng ra nhiều đối tượng khách hàng trong đó chiếm phần lớn là các khách hàng tư nhân cá thể. Chi nhánh đã từng buớc hiện đại hoá phương tiện, cơ sở vật chất. Tuy nhiên SPDV thanh toán đến nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Vì vậy cần phải có giải pháp để phát triển hơn nữa đối với loại hình dịch vụ này, cụ thể như sau:
-Cần đa dạng hoá các kênh phân phối, sử dụng hiệu quả các kênh phân phối để phát triển dịch vụ thanh toán.
+ Đối với kênh phân phối truyền thống, mạng lưới các điểm giao dịch trực tiếp hiện nay của Chi nhánh vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán tới khách hàng. Do vậy việc hoàn thiện và mở rộng các kênh phân phối truyền thống trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Việc mở rộng phải đảm bảo được nguyên tắc chiếm lĩnh địa bàn, đưa các điểm giao dịch gần dân, sát dân và tiện lợi cho giao dịch của khách hàng cá nhân.
+ Bên cạnh việc duy trì và mở rộng kênh phân phối truyền thống. Chi nhánh cần chú trọng phát triển, ứng dụng một cách sâu rộng kênh phân phối hiện đại, tối đa hoá vai trò từng kênh phân phối một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Trước mắt, Chi nhánh cần tăng cường hiệu quả và khả năng phục vụ của hệ thống ATM, tăng cường lắp đặt thêm hệ thống máy ATM tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn như khu vực chợ Rạch Sỏi, khu vực chợ 30-4, đẩy mạnh liên kết mở rộng các điểm chấp nhận thẻ POS tại nhà hàng, khách sạn, các siêu thị lớn như Metro, Co.op Mark,…
-Đa dạng hoá dịch vụ thanh toán, lựa chọn và đưa ra những sản phẩm mới mang tính mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh về dịch vụ thanh toán trên địa bàn. Ví dụ, phát triển sản phẩm thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán kết hợp với dịch vụ BIDV Online. Mục đích của sản phẩm là đáp ứng nhu cầu thanh toán, chuyển tiền của nhóm khách hàng ở địa bàn mà Chi nhánh chưa có điểm giao dịch trực tiếp. Đối tượng hướng tới các khách hàng là hộ tư nhân cá thể có hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu chuyển tiền thanh toán lớn tuy nhiên ở xa các điểm giao dịch trực tiếp của ngân hàng. Hiện tại dịch vụ BIDV Online chỉ cho phép thực hiện việc chuyển tiền thanh toán khi trên tài khoản dịch vụ này dư có. Do vậy khi có nhu cầu chuyển tiền khách hàng phải nộp tiền mặt vào tài khoản. Nếu Chi nhánh cho khách hàng nhóm này được thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán, sử dụng dịch vụ BIDV Online để thực hiện việc chuyển tiền, sẽ giúp cho khách hàng thanh toán kịp thời, an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đồng thời Chi nhánh mở rộng cung ứng dịch vụ thanh toán, góp phần giảm dần việc thanh toán tiền mặt.
-Chi nhánh cần tạo nên sự gắn kết việc phát triển dịch vụ thanh toán với tín dụng tiêu dùng: Tín dụng tiêu dùng đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc
giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu hiện tại và khả năng thanh toán tức thời của cá nhân. Việc phát triển loại hình tín dụng này cũng là một trong những cách thức để Chi nhánh mở rộng cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua việc cung cấp các dịch vụ thanh toán qua tài khoản cá nhân.
-Phát huy vai trò tư vấn trong việc phát triển dịch vụ thanh toán: Khách hàng đến với ngân hàng với nhiều mục đích khác nhau, nhưng sự hiểu biết về SPDV còn hạn chế, nên việc tư vấn cho khách hàng lựa chọn sản phẩm nào phù hợp và tiết kiệm nhất sẽ tạo ấn tượng tốt cho khách hàng về thái độ phục vụ của ngân hàng, giúp cho ngân hàng thu hút thêm được khách hàng mới đồng thời bán được nhiều dịch vụ hơn.
-Chi nhánh cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, nhất là đối với cán bộ trực tiếp giao dịch với khách hàng chính là bộ mặt của ngân hàng, nên ngoài việc tổ chức, học tập hiểu rõ những tính năng của sản phẩm, nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ thì còn phải chú trọng nâng cao kỹ năng giao tiếp cho nhân viên giao dịch với khách hàng.