II. Thực trạng hoạt động Hội đồng nhân dân thành phố khi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường
b) Những khó khăn, vướng mắc:
Về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND các cấp: Luật tổ chức HĐND và UBND không quy định HĐND là ngành dọc, không quy định cấp trên, cấp dưới. Nhưng trong thực tiễn hoạt động HĐND cấp huyện, cấp xã luôn có sự chỉ đạo của Thường trực HĐND thành phố. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc duy trì thường xuyên thực hiện chế độ giao ban HĐND. Thông qua hoạt động này giúp cho Thường trực HĐND cấp trên nắm bắt kịp thời các hoạt động của HĐND cấp dưới, qua đó chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, nhất là trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp, nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, hiệu quả giám sát, giải quyết tốt ý kiến cử tri và những vấn đề nổi cộm ở địa phương...
Khi không còn tổ chức HĐND huyện, quá trình thực hiện nhiệm vụ HĐND cấp xã gặp nhiều khó khăn, Thường trực HĐND cấp xã không thể thường xuyên, dễ dàng xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thường trực HĐND thành phố, nhất là trong công tác thẩm tra, giám sát. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của nhân dân trên địa bàn huyện, phường trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND cùng cấp, nay đã được giao cho HĐND, UBMTTQVN thành phố...thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên nhiều vấn đề cử tri quan tâm chưa được tiếp thu và giải quyết kịp thời.
Các văn bản của Quốc hội và các bộ ngành ở Trung ương liên quan đến chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không quy định cho tăng số đại biểu HĐND thành phố và số biên chế của văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, cơ quan phục vụ cho HĐND thành phố; trong khi nhiệm vụ cho HĐND thành phố lại tăng, sẽ là một khó khăn lớn trong triển khai hoạt động của HĐND thành phố.
Các văn bản của Quốc hội và các bộ ngành ở trung ương liên quan đến chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND thành phố.
Các Ban của HĐND thành phố đều có 9 thành viên (nhiệm kỳ 2011- 2016 các ban có 11 thành viên) nhưng chủ yếu chỉ có Trưởng, Phó ban chuyên trách hoạt động thường xuyên (nhiệm kỳ 2011-2016 có thêm 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách); các thành viên khác của các Ban hầu như chỉ tham gia chủ yếu tại kỳ họp và một số hoạt động khác trước và sau kỳ họp HĐND thành phố, do vậy chưa phát huy hết sức mạnh tập thể của các Ban.
Hoạt động của Tổ đại biểu HĐND chưa được duy trì thường xuyên, mối quan hệ với cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận địa phương chưa rõ nét, đồng bộ.
Thực hiện chức năng giám sát đối với UBND, TAND, VKSND quận, huyện chưa được thường xuyên; các báo cáo công tác của các cơ quan này chưa được các Ban HĐND thẩm tra và chưa được HĐND thành phố xem xét, thảo luận trong các kỳ họp của HĐND.
Để thực hiện việc giám sát nghị quyết của HĐND xã, thì sau mỗi kỳ họp HĐND xã phải gửi toàn bộ nghị quyết lên HĐND thành phố để HĐND thành phố thực hiện chức năng giám sát, thẩm tra mới phát hiện được những nghị quyết trái pháp luật để bãi bỏ. Tuy nhiên HĐND xã thường ít gửi nghị quyết lên HĐND thành phố; nếu có gửi thì HĐND thành phố cũng không đủ điều kiện về thời gian và con người để nghiên cứu, thẩm tra các nghị quyết của HĐND xã.