I. Tình hình KT-XH của thành phố Đà Nẵng
2. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện
2.1. Kinh tế tăng trưởng ổn định; môi trường sản xuất, dịch vụ được triển khai và cải thiện theo hướng thuận lợi, thông thoáng
So sánh 11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, dự kiến 09 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2010 gấp 2,1 lần so với năm 2006, cao hơn gấp 1,7 lần so với mức bình quân của cả nước năm 2010. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”, phù hợp với định hướng của Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX và Nghị Quyết 33-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa IX). Kết quả đạt được thể hiện tính thích ứng, đầu tư chiều sâu và hiệu quả, phát huy sức bền của kinh tế thành phố trong những thời điểm khó khăn nhất.
Các ngành dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, đời sống nhân dân và hội nhập kinh tế quốc tế. Các lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, tư vấn, bưu chính - viễn thông... từng bước mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của khu vực.
Hoạt động thương mại, dịch vụ nội địa đạt nhiều kết quả tốt, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 24,6%/năm; mạng lưới thương mại, hệ thống kênh phân phối phát triển với nhiều siêu thị, chi nhánh, văn phòng đại diện, kho hàng của các doanh nghiệp lớn trên cả nước, đáp ứng vai trò trung tâm phát luồng bán buôn cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2010 gấp 1,7 lần so với cả nước (770 USD/người); cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng tinh chế công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Ngành du lịch được đầu tư phát triển mạnh, hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng. Trên địa bàn thành phố hiện có 55 dự án đầu tư về du lịch, với tổng vốn đầu tư 54 nghìn tỷ đồng. Thương hiệu văn hóa - du lịch của thành phố được cải thiện thông qua kết quả bầu chọn của Tạp chí Forbes “Đà Nẵng là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh”; Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC); đưa vào sử dụng cáp treo Bà Nà với 2 kỷ lục thế giới (dài nhất và cao nhất); Lễ Hội Quán Thế Âm là điểm đến để tham quan, cầu nguyện, tâm linh hằng năm của người dân khu vực miền Trung và cả nước; các chương trình quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch mới…
Hệ thống ngân hàng đượcmở rộng với 55 chi nhánh, tổ chức tín dụng
và 196 phòng, điểm giao dịch và quỹ tiết kiệm, 323 máy ATM, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước 108.495 tỷ đồng, tăng 28,1%/năm, trong đó: tiền gửi của tổ chức kinh tế chiếm 36% và tăng 27,4%/năm; tiền gửi dân cư chiếm 64% và tăng 28,6%/năm. Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước 142.111 tỷ đồng, tăng 29,1%, trong đó: cho vay ngắn hạn chiếm 56% và tăng 24,7%/năm; vay trung, dài hạn chiếm 44% và tăng 36,2%/năm.
Hoạt động bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin phát triển cao.
Đến nay, thành phố có 55 bưu cục, 14 điểm bưu điện văn hóa xã và hơn 265 đại lý bưu điện, điểm giao dịch chuyển phát, bán kính phục vụ đạt 1,04 km; mật độ điện thoại cố định đạt 27 máy/100 dân; số thuê bao Internet/100 dân đạt 14,6 thuê bao; 100% thôn có Internet. Thành phố bắt đầu xuất khẩu phần mềm từ năm 2006, kim ngạch xuất khẩu phần mềm bình quân ước đạt 6,47 triệu USD.
Hoạt động vận tải phát triển khá, đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận
chuyển hàng hóa với chất lượng phương tiện và dịch vụ cao. Khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 11.696 triệu tấn.km, tăng 3%/năm, khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 3.929 triệu người.km, tăng 15,7%/năm, khối lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 23,5 triệu tấn, tăng 11,1%/năm.
Hoạt động đối ngoại được tiếp tục mở rộng theo hướng đa phương và đa dạng hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, không ngừng cải thiện và nâng cao vị thế, hình ảnh thành phố trong khu vực và thế giới. Đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ đối ngoại, kinh tế đối ngoại lâu dài với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; chủ động phối hợp với các tỉnh trong khu vực xây dựng quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và lân cận... qua đó quảng bá hình ảnh Đà Nẵng, góp phần vào việc tạo dựng và giữ vững môi trường đầu tư, thương mại ổn định và thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 10,1%/năm, trong đó: công
nghiệp trung ương tăng 5,8%/năm, công nghiệp địa phương tăng 15,7% (quốc doanh giảm 30,6%, công nghiệp dân doanh tăng 26,5%) và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,3%. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển biến tích cực, cải thiện hàm lượng chế biến, chế tác trong sản phẩm. Sản phẩm công nghiệp phong phú, đa dạng, hình thành sản phẩm chủ lực đóng góp lớn trong tăng trưởng như: thủy sản đông lạnh, quần áo may sẵn, săm lốp ô tô, xi măng, thép, cấu kiện kim loại, bia… Nhiều dự án mới đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án dây chuyền tôn mạ kẽm, tôn mạ màu, sản xuất lắp ráp động cơ siêu nhỏ Mabuchi, Liên doanh ITG - Phong Phú, Nhà máy Điện tử Foster Đà Nẵng, Nhà máy Lắp ráp động cơ Diesel… Thành phố đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp (KCN); di dời, xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, từ chối các dự án mới có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh 06 KCN, diện tích hơn 1.576 ha, thu hút trên 349 dự án. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển các KCN, thực hiện việc chuyển đổi chủ đầu tư 03 KCN. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới. Một số ngành tăng trưởng giảm mạnh như: sản xuất thuốc lá, giày da, sản xuất xe có động cơ và phương tiện vận tải... Tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao (cơ khí chế tạo, điện, điện tử) còn hạn chế. Tỷ trọng sản phẩm chế biến thô và gia công còn lớn. Các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
Ngành nông nghiệp (thủy sản, nông lâm nghiệp) tăng trưởng theo hướng tăng dần giá trị chế biến, giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu GDP, đúng định hướng phát triển. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, các hình thức dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được khuyến khích phát triển mạnh tác động tích cực đến việc phát triển sản xuất, tạo việc làm, và xóa đói giảm nghèo. Thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công trình, kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: đê, kè sông - biển, cầu cảng và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá... cơ bản đã bê tông hóa đường giao thông, 100% số hộ có điện sinh hoạt, hơn 83% số hộ được dùng nước sạch. Kinh tế biển phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền trên biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế biển. Cảng Đà Nẵng tổ chức lại sản xuất theo hướng văn minh, hiện đại; nâng sản lượng xếp dỡ lên 5 triệu tấn/năm, từng bước vươn lên khẳng định vai trò cảng biển lớn trong khu vực.