I. Tình hình KT-XH của thành phố Đà Nẵng
2. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện
2.5. Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp
hành chính, cải cách tư pháp
Thành phố đã triển khai, tổ chức tốt Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; hoàn thành sớm việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, thành viên UBND cấp quận, trong đó có Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. Xây dựng và trình Chính phủ Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Chính quyền cơ sở, từ phường, xã đến Tổ dân phố, thôn luôn được kiện toàn, ngày càng đi vào ổn định và phát triển; hệ thống chính trị cơ sở gần dân, giải quyết được các yêu cầu của người dân.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức các cấp đủ về số lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Thực hiện đồng bộ việc tinh giản biên chế với chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức. Đến nay, thành phố đã đưa đi đào tạo ở nước ngoài 19 tiến sĩ và 69 thạc sĩ theo Đề án 393, 284 học sinh cử đi đào tạo đại học theo Đề án 47; 96 cán bộ đào tạo theo Đề án 89; thu hút được 790 người, trong đó có 07 tiến sĩ, 116 thạc sĩ và 667 tốt nghiệp đại học khá, giỏi bổ sung cho các cơ quan hành chính từ thành phố đến phường, xã. Thi tuyển cán bộ, lãnh đạo quản lý là chủ trương đột phá, thể hiện quan điểm đổi mới trong công tác cán bộ. Đến nay, thành phố đã có 68 chức danh được bổ nhiệm thông qua thi tuyển tại 10 sở, ngành, quận, huyện.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) có nhiều cách làm mới, hiệu quả, đáp ứng được mong mỏi của tổ chức và công dân. Xây dựng mô hình một cửa liên thông tại 100% xã, phường, 100% quận, huyện; 20 sở, ban, ngành và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác CCHC, cài đặt và đưa vào sử dụng phần mềm một cửa tại 56 phường, xã. Công tác cải cách hành chính góp phần tích cực trong việc đưa Đà Nẵng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2008-2009.
Tổ chức quán triệt và xây dựng Chương trình hành động thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đã xác định nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010. Nhận thức và hành động của cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ trong các cơ quan tư pháp có chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động tố tụng từng bước được nâng cao.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh”. Thành phố đã tổ chức quán triệt và xây dựng Chương trình
hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm; thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban. Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý nhà, đất, công sản, xây dựng cơ bản, cải cách hành chính... đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng, lãng phí.