Mối quan hệ với các đối tác

Một phần của tài liệu Tổ chức quản lý công tác lưu trữ của các Tổng Công ty 91 (Trang 38 - 42)

2 Sắp xếp lại các TCT nhà nước Thời báo Kinh tế Việt Nam Số 69 ngày 10-6 00.

1.3.4.Mối quan hệ với các đối tác

Để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thì việc mở rộng và củng cố mối quan hệ với các đối tác là rất quan quan trọng và luôn được các TCT 91 chú trọng đến. Trong mối quan hệ này, đặc biệt nổi lên là các mối quan hệ giữa các TCT 91 với nhau. Chúng ta dễ dàng hình dung ra là các TCT 91 là những bạn hàng, đối tác tiêu thụ sản phẩm chính của nhau. Ví dụ: TCT Xi măng, TCT Điện lực là khách hàng lớn tiêu thụ sản phẩm của TCT Than. Hoặc nhiều TCT 91 là khách hàng của TCT Hàng hải Việt Nam... Bên canh đó, do các TCT 91 là các đầu mối xuất khẩu chính nên đối tác nước ngoài cũng chiếm số lượng rất lớn. Ví dụ: đối tác nước ngoài của TCT Dầu khí Việt Nam là các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế của các nước ả Rập, Singapor, Malaysia, Trung Quốc, Nga, Cu Ba... Đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các TCT đang đầu tư kinh phí rất lớn đề mở rộng ra thị trường thế giới, tìm kiếm đối tác để hợp tác cùng nhau phát triển. Ngoài ra, TCT 91 còn có mối quan hệ với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đây cũng là những đối tác góp phần quan trọng vào sự thành công của các TCT 91.

Qua việc phân tích vị trí, vai trò của các TCT 91 trong nền kinh tế đất nước, tìm hiểu những quy định của pháp luật cũng như thực tế về tổ chức và hoạt động của một số các TCT 91 tiêu biểu và các mối liên hệ của TCT 91, có thể đưa ra một số nhận xét sau:

- TCT 91 là những doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, nắm giữ những vị trí then chốt mang tính chi phối nền kinh tế quốc dân, cùng với các doanh nghiệp nhà nước khác nắm vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, các TCT 91 đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Với những ưu thế và tiềm năng lớn lao, trong tương lai các TCT này sẽ có những bước chuyển mình trọng đại, dần hình thành những tập đoàn kinh doanh lớn mạnh của đất nước. Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, chính các TCT 91 cùng với lực lượng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác sẽ là lực lượng chủ chốt, tiên phong, giữ vai trò quyết định cho sự thành công của đất nước. Chính vì thế, đây là cơ sở để chúng ta đánh giá được chính xác giá trị tài liệu hình thành từ hoạt động của TCT 91. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có thái độ đánh giá nghiêm túc về số phận của khối tài liệu này, tránh cho chúng khỏi tình trạng bị thất lạc và hư hỏng như hiện nay.

- Một đặc điểm khá nổi bật nữa là do khối lượng tài sản mà Nhà nước giao cho quản lý chiếm một phần cơ bản tài sản của cả quốc gia nên pháp luật nhà nước quy định trong cơ cấu tổ chức quản lý của tất cả các TCT 91 phải có HĐQT. HĐQT trong các TCT 91 không chỉ đóng vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản trong TCT mà còn có vai trò chi phối, ràng buộc trách nhiệm tập thể khi quyết định sử dụng tài sản này. Rất dễ hiểu là vì với số lượng vốn rất lớn bao gồm tiền và tài sản, Nhà nước không thể mạo hiểm giao toàn bộ quyền định đoạt cho một cá nhân là Tổng giám đốc mà trước khi sử dụng tài sản này cần phải có sự bàn bạc thống nhất trong tập thể HĐQT. Không chỉ có HĐQT mà các bộ phận quản lý khác như Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng cũng được pháp luật quy định theo một mô hình thống nhất. Không chỉ quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của TCT 91 mà pháp luật còn quy định rõ nghiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận trong cơ cấu tổ chức đó và mối quan hệ giữa các bộ phận. Tuy nhiên, do có chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau nên giữa các TCT vẫn có những điểm khác nhau trong việc tổ chức các phòng,

ban chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị thành viên. Từ hoạt động của những bộ phận trong cơ cầu tổ chức bộ máy quản lý các TCT 91 này sẽ hình thành nên tài liệu phản ánh một cách đầy đủ các mặt hoạt động của TCT 91. Đây chính là cơ sở để tiến hành thu thập tài liệu và thực hiện các khâu nghiệp vụ khác của công tác lưu trữ.

- Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các TCT 91 có những mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ, với các cơ quan quản lý nhà nước, với các đơn vị thành viên, với chính quyền địa phương và các đối tác trong và ngoài nước. Tất cả những điều đó tạo thuận lợi cho chúng ta trong việc hình dung các nguồn văn bản hình thành nên hệ thống văn bản của các Tổng công 91, giá trị của từng nguồn văn bản đó. Từ đó có thể có sự lựa chọn những tài liệu có giá trị và có các biện pháp quản lý thích hợp phục vụ cho việc sử dụng trước mắt cũng như lâu dài

- Ngoài những mục đích quan trọng khác thì việc thành lập các TCT 91 là nhằm mục đích giảm bớt các đầu mối quản lý trung gian, tăng tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên. Chính vì thế, TCT 91 được xem là đầu mối duy nhất để Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò là chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước của mình đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước là đơn vị thành viên của TCT 91. Chính vì được tổ chức theo mô hình này nên chức năng sản xuất kinh doanh của các TCT 91 rất mờ nhạt và cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là đơn vị thành viên kém hiệu quả theo như đánh giá của một số các nhà nghiên cứu kinh tế. Thực tế cho thấy, TCT 91 là cơ quan quản lý nhà nước cấp trung gian, thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý và điều động vốn của Nhà nước đối với các đơn vị thành viên. Trong khi đó hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu là do các đơn vị thành trực tiếp thực hiện. Chúng ta không bàn đến hiệu quả của việc thực hiện mục đích trên trong thực tế. Nhưng trên phương diện tổ chức quản lý, chúng ta có thể thấy sự tương đồng và khác biệt giữa các TCT 91 với các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này thể hiện ở chỗ trong các TCT 91 cũng có các phòng, ban chủ yếu để đảm bảo cho hoạt động bình thường của bất kỳ một cơ quan nào, giống như ở các cơ

quan quản lý nhà nước như Văn phòng, Tổ chức Cán bộ, Tài chính – Kế toán, Hợp tác quốc tế... . Điểm khác biệt ở chỗ là trong cơ cấu tổ chức của các TCT 91 có một số phòng, ban như: Thị trường, Kinh doanh, Giá cước – Tiếp thị, Thông tin điều độ, Đấu thầu, Kiểm toán để phục vụ chuyên sâu cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời ở mỗi TCT 91 còn có những phòng ban mà tên gọi đã thể hiện được ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT đó. Ví dụ: Ban Viễn thông, Ban Bưu chính – Phát hành báo chí, Ban Phát triển Bưu chính Viễn thông Nông thôn của TCT Bưu chính – Viễn thông. Nhưng cần chú ý đến điểm khác biệt lớn ở chỗ cơ cấu tổ chức của các TCT 91 không mang tính ổn định như các cơ quan quản lý nhà nước. Để phù hợp với những thay đổi theo hướng phát triển của nền kinh tế đất nước và kinh tế thế giới, mô hình các TCT 91 luôn có những thay đổi để thích ứng với các điều kiện thay đổi trên. Việc thay đổi mô hình tổ chức sẽ dẫn đến sự thay đổi cơ cấu tổ chức để phù hợp với mô hình mới. Nghiên cứu để rút ra kết luận này cho phép chúng ta có thể vận dụng một phần những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác văn thư lưu trữ trong các cơ quan quản lý nhà nước khi làm việc với tài liệu của các TCT trong điều kiện chưa có văn bản riêng áp dụng cho loại hình cơ quan này. Đồng thời, phải có tầm nhìn xa để có những định hướng kịp thời khi ban hành các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư lưu trữ đối với các TCT 91 nói riêng, các doanh nghiệp nói chung. Bên cạnh đó, những nghiên cứu trên giúp đánh giá chính xác giá trị của những tài liệu mang tính đặc thù của các doanh nghiệp, góp phần làm phong phú Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Chương 2

Một phần của tài liệu Tổ chức quản lý công tác lưu trữ của các Tổng Công ty 91 (Trang 38 - 42)