Hàm ngôntrong lời thoại

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 122 - 124)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Hàm ngôntrong lời thoại

Để mang tính khách quan, truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp thường kể theo điểm nhìn bên ngoài. Bằng thủ pháp này, tác giả không thể hiện trực tiếp thái độ đánh giá hay quan niệm của mình mà lại mượn những hình thức gián tiếp là lời thoại nhân vật để thể hiện những điều mình muốn nói. Đó chính là một cách thể hiện hàm ngôn rất có hiệu quả.

Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đối thoại với nhau một cách trần trụi, lạnh lùng tưởng chừng như họ đã “phô diễn” ra hết tất cả những ý nghĩa ra bên ngoài. Song đằng sau những lời đối thoại chua chát, lạnh lùng ấy lại ẩn chứa nhiều lớp nghĩa hàm ngôn sâu sắc và đó chính là lớp nghĩa đích thực mà người nói muốn chuyển đến người nghe. Đa số nhân vật tham gia các cuộc thoại trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường sử dụng hàm ngôn nhằm mục đích thể hiện hàm ý sâu xa của mình. Trong 170 ngữ liệu mà chúng tôi thu thập được có tới 153 ngữ cảnh là dùng hàm ngôn thông qua lời thoại của nhân vật, chiếm tới 90%.

Về hình thức, lời thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không tuân theo lối viết truyền thống. Nói cụ thể, là không theo hình thức: hai chấm, xuống hàng, gạch đầu hàng để giúp người đọc dễ dàng nhận ra đâu là lời thoại, đâu là lời kể. Ngược lại, cách trình bày lời thoại trong truyện Nguyễn Huy Thiệp thường phá vỡ quy tắc trên. Chẳng hạn như những truyện “Tướng về hưu,” “Không có vua” hay “Những người thợ xẻ”, “Giọt máu”… đều được Nguyễn Huy Thiệp viết theo hình thức này. Tác giả để cho lời thoại nhân vật nằm liền sau lời dẫn của mình, không xuống dòng, kéo gạch mà chỉ dùng dấu hai chấm, dấu ngoặc kép để tách biệt lời kể (lời dẫn thoại) và lời thoại. Bên cạnh đó, đa số lời thoại đều có lời dẫn ngắn gọn chỉ đóng khung trong mô hình: Chủ ngữ + động từ chỉ hành động nói năng (bảo, hỏi, nói) mà không hề có một từ nào chỉ hành động hồi đáp (đáp, trả lời). Câu trao lời và câu đáp lời đều được dẫn bằng hình thức giống nhau và lặp lại kiểu như: “Vợ tôi bảo:”, “Cha tôi bảo:”, “Phong bảo:,” “An bảo:”, “Đoài bảo:,”… Có thể nói, câu dẫn như những nhát dao chặt đứt sợi dây gắn kết giữa các nhân vật, chẳng còn tiếng nói nhịp cầu giữa người với người nữa.

Với cách trình bày như vậy, tác giả đã bóp nghẹt đối thoại và hơn hết đó là ngầm ý của tác giả muốn thể hiện tất cả những vấn đề có tính xã hội. Ẩn chứa dưới hình thức lời thoại cộc lốc, ngắn gọn, dồn dập ấy là những ý nghĩa hàm ngôn vô cùng sâu sắc.

Sau đây là một số ví dụ thể hiện hàm ngôn qua lời thoại nhân vật trong truyện Nguyễn Huy Thiệp.

Chẳng hạn, lời thoại của Thủy và chồng trong ví dụ sau:

(Vd 115) Vợ tôi bảo: "Thơ của cậu Khổng, anh có đọc không?" Tôi lắc đầu. Vợ tôi bảo:“Anh già rồi". [Tướng về hưu, tr.30]

Câu nhận xét của Thủy “Anh già rồi". có nghĩa hiển ngôn là một câu chê chồng già về tuổi tác, về tâm hồn, về tình cảm và quan hệ vợ chồng. Qua đó, Thủy muốn ngầm thông báo một cách công khai mối quan hệ của mình với cậu Khổng hàng xóm: “Vì anh già rồi nên việc tôi có tình nhân là lẽ đương nhiên”. Đấy chính là hàm ngôn của Thủy muốn chồng phải chấp nhận sự thật.

Hay hàm ngôn trong lời thoại giữa Phong và Cầm Vĩnh An trong truyện “Giọt máu” ở ví dụ sau:

(Vd 116) Hôm sau, Cầm Vĩnh An cưỡi ngựa đi sớm. Buổi chiều An về bảo Phong:“Ông Tân Dân đi đến Yên Châu thì bị tóm rồi”. Hai người cùng cười. An lấy ra một túi bạc trắng bảo Phong:“Đây là tiền thưởng”. Phong bảo: “Quan tri châu chia thành ba phần. Một phần để phụ nữ trong nhà may sắm quần áo mới…”An bảo: “Nhà tôi nhiều đàn bà lắm”. Phong bảo: “Thế thì chia bốn”.

[Giọt máu, tr.284]

(Vd 116) là cuộc đối thoại giữa An và Phong sau khi nghe lời Phong, An bí mật báo cho nhà chức trách bắt Tân Dân (vì tội buôn thuốc phiện), An được tiền thưởng và về chia chác với Phong. Câu nói “Nhà tôi nhiều đàn bà lắm” của An có nghĩa hiển ngôn là thông báo cho Phong biết nhà ông ta có nhiều đàn bà. Nhưng mục đích chính trong câu nói này đó là ý nghĩa hàm ngôn thể hiện một sự vòi vĩnh, muốn chia phần cho mình nhiều hơn. An muốn ngầm báo cho Phong biết rằng: “Phần của tôi phải nhiều hơn thế”. Và đây mới là nghĩa đích thực mà An muốn nói với Phong.

Với lối viết pha trộn, đan xen cả lời kể lẫn lời thoại, lời thoại được đặt trong dấu ngoặc kép, tất cả có thể được xem như là những thủ pháp nghệ thuật quan trọng của Nguyễn Huy Thiệp trong việc thể hiện ý nghĩa hàm ngôn.

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 122 - 124)