Dùng tiền giả định

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 72 - 75)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Dùng tiền giả định

Trong bài “Hàm ý của từ”, Cao Xuân Hạo khẳng định: “Trong câu, các từ ngữ đều có thể có những hàm ý tùy theo ngữ cảnh và tình huống nói năng. Tuy nhiên cũng có những từ mang sẵn một hàm ý thường xuyên không lệ thuộc vào văn cảnh và tình huống. Đáng chú ý là những từ như: bèn, định, toan, suýt, trót, nỡ, chịu, muốn, thèm, v.v.” [43, tr.480]. Những từ trên được tác giả cho là vị từ tình thái và cho rằng nó có hàm ý nói rằng cái sự việc do vị từ làm bổ ngữ cho nó (đi sau nó) có diễn ra thật (hàm thực) hay không diễn ra thật (hàm hư). Cũng theo tác giả các vị từ tình thái hàm thực gồm: đành, trót, lỡ (nhỡ), liền, nỡ, dám, đánh liều, liền, vội…Các vị từ tình thái hàm hư gồm: toan, suýt, hòng, quên, thôi, hết, ngừng,… Ngoài hai nhóm này còn có một nhóm có hàm ý không phải là hàm thực cũng không phải là hàm hư, gọi là vô hàm như: định, chịu, tính, muốn, buồn, thèm, mót,…

Nguyễn Văn Hiệp cũng chia làm 3 nhóm vị từ tình thái biểu thị hàm ngôn như Cao Xuân Hạo.Theo tác giả nhóm vị từ tình thái hàm thực gồm:chớm, bắt đầu, ngưng, ngừng, bỏ, nghỉ, hết, hả, dứt, chợt, sực, bật, phát, đâm, đâm ra, sinh, sinh ra, cố tình, cố ý, giả bộ, giả cách, giả vờ, tỏ vẻ, dám… nhóm vị từ tình thái hàm hư gồm: toan, suýt, chực, hòng… nhóm vị từ vô hàm có các từ như: muốn, mong, ước, ngại, lo, dự tính, dự định, quyết, định bụng, sẵn lòng, sẵn sàng…” [47, tr.10]

Như vậy, ta có thể hiểu nhóm vị từ hàm thực là nhóm giả định hành động, trạng thái, tính chất…mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị đã tồn tại thực. Vị từ hàm hư là giả định hành động, trạng thái, tính chất… mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị

là không tồn tại, không có thật.Còn vị từ vô hàm là giả định hành động, trạng thái, tính chất… mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị là tồn tại hay không tồn tại.

Theo khảo sát của chúng tôi, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp sử dụng 11 lần các vị từ tình thái làm tiền giả định để tạo hàm ngôn chiếm 8,73% trong các cơ chế. Sau đây là một số trường hợp sử dụng vị từ tình thái làm tiền giả định hàm thực và hàm hư để tạo hàm ngôn.

- Tiền giả định hàm thực

Truyện Nguyễn Huy Thiệp sử dụng một số từ ngữ để thể hiện hàm ngôn sự tình đó là có thực như từ: đâm, đành, tỉnh, thôi.

(Vd 38 ) Lão Hạ đâm quý thằng bé tàn tật. [Cún, tr.36]

Việc dùng vị từ tình thái “đâm” trong (Vd 38) giả định rằng trước đây lão Hạ không quý thằng bé tàn tật, và hiện tại lão Hạ quý thằng bé. Vậy sự tình quý thằng bé tàn tật của lão Hạ là có thật, do đó từ “đâm”là một tiền giả định hàm thực. Nhưng cũng qua từ này, người đọc suy ra được hàm hàm ngôn trong câu nói trên là: “Lão Hạ không thật lòng thương thằng bé, lão chỉ thương khi nó kiếm được tiền cho lão”.

(Vd 39) Ông Diểu mệt lả, ông không còn sức giữ con khỉ nữa nữa. Hai tay con khỉ cào trên ngực ông tóe máu. Cuối cùng không thể chịu nổi, ông đành tức

giận ném nó xuống đất. [Muối của rừng, tr.73]

Từ “đành” ở (Vd 39) thể hiện nghĩa tình thái việc “ném” con khỉ “ xuống đất” là việc làm rất miễn cưỡng của ông Diểu. Và cũng qua từ “đành” giả định hành động mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị đã tồn tại thực tức là hành động “ném nó xuống đất” là có thật.

(Vd 40) Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên con đò ngang. Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ khăn trùm kín mặt. Đôi mắt to đen nhìn tôi mừng rỡ:

- Thế là tỉnh rồi… Em ăn một tí cháo nhé?[Chảy đi sông ơi, tr.13]

Ở (Vd 40) từ “tỉnh” giả định sự tình “tỉnh” là có thật. Từ đó thể hiện hàm ngôn: em (thằng bé đi đánh cá đêm bị rơi xuống sông) không chết, mà chỉ bị ngất đi thôi. Và đối với cách dùng từ “tỉnh rồi,”hàm ý trước đó ở tình trạng “không tỉnh”

(ngất/xỉu). Hiện tại không còn trong tình trạng đó nữa mà là ở tình trạng khác là tình trạng “tỉnh”.

(Vd 41) Tháng mười hai, vợ tôi gọi người bán sạch đàn chó béc giê. Vợ tôi bảo: "Anh thôi hút thuốc Galăng đi. Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi bảy nghìn,

chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn. [Tướng về hưu, tr.23]

Từ “thôi” cho biết tiền giả định của câu trên là anh Thuần (nhân vật tôi) trước đây và hiện tại bây giờ đang hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá của anh Thuần là việc có thật, từ “thôi” chứa tiền giả định hàm thực. Từ nghĩa hiển ngôn và tiền giả định của câu trên, ta suy ra hàm ngôn của bà vợ trong câu "Anh thôi hút thuốc Galăng đi.” là nhằm mục đích để tiết kiệm tiền vì năm nay mình hụt thu quá nhiều.

Như vậy, những từ “đâm”, “đành”, “tỉnh,” “thôi” ở trên đều chứa tiền giả định hàm thực và là cơ sở thiết lập nên nghĩa hàm ngôn.

- Tiền giả định hàm hư

Truyện Nguyễn Huy Thiệp sử dụng hai từ tình thái hàm hư là “suýt” và “tưởng” làm tiền giả định để thể hiện hàm ngôn. Sau đây là những ví dụ:

Trong truyện “Tướng về hưu”, khi Thủy (vợ tôi) có quan hệ “không bình thường” với Khổng – một anh chàng hàng xóm, anh Thuần (nhân vật tôi) rất bực và khi ông Cơ (người làm cho vợ chồng anh Thuần) ngỏ ý muốn đánh Khổng, anh Thuần “suýt” đồng ý:

(Vd 42) Khổng có ý tránh mặt tôi. Ông Cơ ghét lắm, một hôm bảo tôi:

“Cháu đánh nó nhé?”. Suýt tôi gật đầu. Lại nghĩ: “Thôi”. [Tướng về hưu, tr.30]

“Suýt tôi gật đầu.” Từ “suýt”, giả định hành động tôi gật đầu là không có thật. Vì vậy, “suýt” là tiền giả định hàm hư. Từ nghĩa hiển ngôn và tiền giả định, ta suy ra hàm ngôn anh Thuần (nhân vật tôi) không gật đầu đồng ý để ông Cơ đánh Khổng.

(Vd 43) - Để chị bón cho - Người phụ nữ nói dịu dàng - Chị tưởng em chết.

Chân tay em cứng đờ ra… Lão Tảo dốc trong bụng em dến nửa vại nước. Em là liều lắm! Đi đánh cá đêm với lão trùm Thịnh có ngày chết toi mất xác! - Chị cứu em à? - Tôi hỏi. [Chảy đi sông ơi, tr.13]

Ở (Vd 43) “Chị tưởng em chết” có tiền giả định “Em chết là chuyện không có thật”. Tức sự tình “chết” là không xảy ra. Vậy“tưởng” là tiền giả định hàm hư. Từ nghĩa hiển ngôn và tiền giả định của (Vd 43) ta suy ra hàm ngôn: “Em còn sống”.

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 72 - 75)