7. Cấu trúc của luận văn
1.2. Phân loại hàm ngôn và các cơ chế tạo hàm ngôn
1.2.1. Phân loại hàm ngôn
Nhìn chung các nhà nghiên cứu đều chia hàm ngôn làm hai loại: hàm ngôn quy ước (hàm ngôn ngữ nghĩa/ hàm ngôn ngôn ngữ) và hàm ngôn hội thoại (hàm ngôn dụng học)
Đỗ Hữu Châu (1993) gọi là hàm ngôn ngữ nghĩa và hàm ngôn dụng học; Nguyễn Đức Dân (1996) gọi hàm ý ngôn ngữ và hàm ý hội thoại; Nguyễn Văn Hiệp (2006) thì gọi là hàm ngôn quy ướcvà hàm ngôn hội thoại.
1.2.1.1. Hàm ngôn quy ước
Theo Đỗ Hữu Châu “Hàm ngôn ngữ nghĩa là hàm ngôn được suy ra từ nội dung ngữ nghĩa tường minh của phát ngôn”. [11b, tr.393] Tác giả còn giải thích
thêm hàm ngôn ngữ nghĩa là các luận cứ hoặc kết luận không được nói ra một cách tường minh, mà để cho người nghe dựa vào quan hệ lập luận mà rút ra.[11b, tr.393] Ngoài ra, ông còn cho rằng: hàm ngôn ngữ nghĩa có cơ sở là các topos (các lẽ thường). Do đó có thể gọi hàm ngôn ngữ nghĩa là hàm ngôn lập luận, cũng có thể gọi là hàm ngôn mệnh đề vì nó căn cứ vào mệnh đề được diễn đạt bởi một cách tường minh trong phát ngôn. [11b,t r.394]
Nguyễn Văn Hiệp (2006) cho rằng hàm ngôn quy ước là loại hàm ngôn nảy sinh do việc sử dụng những biểu thức nào đó trong phát ngôn chứ không nảy sinh từ ngữ cảnh. [47, tr.4]
Theo Nguyễn Đức Dân (1987) hàm ý (hàm ngôn quy ước) được hình thành từ những phương tiện ngôn ngữ, tức “cứ dùng phương tiện ngôn ngữ nhất định thì sẽ tạo ra một hàm ý” [18, tr.114]
Để hiểu về hàm ngôn quy ước, ta thử xét một vài ví dụ trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp sau:
(Vd 2) “Chúng mày cẩn thận. Ở Hà Nội ăn cắp như rươi. Nó thỉnh mất bộ cưa thì ăn mày đấy.” [Những người thợ xẻ, tr.109]
(Vd 3) Vợ tôi bảo: “Lão ấy tốt nhưng nghèo” [Tướng về hưu, tr.26]
Ở (Vd 2) chúng ta đều biết, đối với người thợ xẻ, cái cưa là dụng cụ lao động quan trọng nhất. Vì vậy câu nói này có hàm ngôn dựa trên lập luận xuất phát từ những lẽ thường như sau: “mất cưa tức là mất dụng cụ lao động (không có dụng cụ lao động –không có cưa), không có cưa thì không xẻ được gỗ, không xẻ được gỗ thì không có tiền, mà không có tiền (và không có việc) thì phải đi ăn mày mới sống được.”
Còn ở (vd 3) từ “nhưng”cho phép suy ra rằng có hai sự kiện trái ngược nhau: theo người nói, người tốt thì thường không nghèo hay người nghèo thì không tốt. So sánh câu (3) với câu “Lão ấy tốt và nghèo”, ta thấy giá trị chân ngụy không thay đổi, nói cách khác đây là hai câu phỏng nghĩa (về mặt logic, p và q hay p nhưng qđều là phép liên kết, do đó hai câu trên đều chỉ đúng nếu quả thực (i) lão ấy tốt bụng; và (ii) lão ấy nghèo), nhưng cái hàm ý chỉ sự trái ngược sẽ không còn.
Thông thường người ta hay nói “lão ấy nghèo nhưng tốt bụng” ở đây là một câu khen, ngược lại Nguyễn Huy Thiệp lại để cho vế “tốt” đứng trước, còn vế “nghèo” đứng sau. Qua đó, ngầm thể hiện một hàm ngôn mỉa mai: “Lão ấy vì nghèo quá nên không còn tốt nữa”. Đặc biệt, qua từ nhưng, ta có thể suy ra được hàm ngôn của (3) mà không cần ngữ cảnh.
Như vậy, ta có thể hiểu khái quát về hàm ngôn quy ước là hàm ngôn không biến đổi theo ngữ cảnh, là hàm ngôn áp dụng cho ngôn ngữ nói chung, bất kể hội thoại hay không hội thoại.
1.2.1.2. Hàm ngôn hội thoại
Theo Đỗ Hữu Châu (1993) “hàm ngôn hội thoại là những hàm ngôn do sự vi phạm các quy tắc ngữ dụng (bao gồm quy tắc chỉ xuất ; chiếu vật; quy tắc lập luận; quy tắc chi phối hành vi ngôn ngữ, quy tắc hội thoại trong đó quan trọng nhất là phương châm và các nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice”. [11b, tr.395]
Theo Nguyễn Văn Hiệp (2006) hàm ngôn hội thoại là cái ý được suy ra từ ngữ cảnh, nảy sinh và biến đổi theo ngữ cảnh, phụ thuộc vào ngữ cảnh, nảy sinh trên cơ sở người nói cố tình vi phạm những phương châm được giả định là nền tảng cho hội thoại có thể tiếp diễn. [47, tr.391]
Chẳng hạn xét đoạn hội thoại sau giữa Đề Thám và Ông Lũy trong truyện
Mưa Nhã Namcủa Nguyễn Huy Thiệp:
(Vd 4) “Đang câu chuyện Đề Thám hỏi ông Lũy: - Ông có đủ thịt ăn không?
– Nhờ giời, - tay trộm trả lời, - Không phải lúc nào cũng ăn thịt bò nhưng
thịt gà thịt vịt cũng ngon.” [Mưa Nhã Nam, tr.204]
Hàm ngôn trong câu hỏi của Đề Thám “- Ông có đủ thịt ăn không?” là một câu hỏi có ý mỉa mai, khinh thường: “Dạo này ông ăn trộm được nhiều không?/ Ông thấy nghề ăn trộm thế nào?/ Nghề ăn trộm có dễ không?.” Còn hàm ngôn trong câu trả lời vi phạm phương châm quan hệ trong hội thoại “- Không phải lúc nào cũng ăn thịt bò nhưng thịt gà thịt vịt cũng ngon.” của ông Lũy là: “Trộm gà trộm vịt dễ hơn trộm bò.” Sở dĩ người đọc suy ra được hàm ngôn của hai câu trên là nhờ
vào ngữ cảnh với kiến thức mà truyện cung cấp ông Lũy là người chuyên ăn trộm. Chúng ta không thể suy ra được hàm ngôn của hai câu trên nếu không hiểu được ngữ cảnh của câu chuyện.
Các nhà nghiên cứu thường chia hàm ngôn hội thoại thành hai loại là khái quát và đặc thù.
- Hàm ngôn hội thoại khái quát
Hàm ngôn hội thoại khái quátlà hàm ngôn có thể suy luận mà không đòi hỏi một tri thức nền nào, tức là chúng đều giống nhau khi ở các ngữ cảnh khác nhau.
Cách suy đoán hàm ý khái quát là: nếu có một từ ngữ hạn định phạm vi hiệu lực của nội dung câu nói, thì ngoài phạm vi ấy nội dung đó không còn hiệu lực nữa. Chẳng hạn, xét đoạn hội thoại trong truyện “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp ở ví dụ sau:
(Vd 5): “Sau hôm giỗ lão Kiền một trăm ngày, Sinh đẻ con gái. Đón Sinh về, mọi người làm tiệc mừng. Cấn với Khảm đi chợ. Khiêm nấu nướng. Đoài với Tốn dọn nhà. Hai cô My Lan và Mỹ Trinh đến dự, mua cả hoa.
Vào tiệc, mọi người để Sinh ngồi giữa, hai cô My Lan và Mỹ Trinh ngồi hai bên. Sinh đẹp lộng lẫy. Đoài rót rượu ra cốc, đứng lên nói: "Cốc rượu này tôi dâng cuộc sống. Rượu vừa ngọt vừa cay. Ai chấp nhận cuộc sống thì cầm lên cho. Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời. Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó". Mọi người nâng cốc, Đoài bảo: "Khoan đã. Nhưng nó tên gì nhỉ?" Mọi người cười. Cùng uống rượu vui, Khiêm bảo: "Chị Sinh ơi về làm dâu họ Sĩ nhà này chị có khổ không?" Khảm bảo: "Chị phải nói thế nào cho hai cô My Lan, Mỹ Trinh
khỏi sợ".
Sinh cười: "Cứ thế này thì không thấy khổ. [Không có vua, tr.64]
Từ “thế này” trong câu nói của Sinh, người đọc có thể suy ra hàm ngôn khái quát: “Thế khác (không phải thế này) tức là ngày thường thì khổ”. Và ở đây còn có một hàm ngôn hội thoại khái quát rút ra từ câu nói của Khảm: "Chị phải nói thế nào cho hai cô My Lan, Mỹ Trinh khỏi sợ" là Khảm muốn nhắc chị dâu đừng nói sự thật ở nhà chồng khổ để hai cô My Lan và Mỹ Trinh về nhà này làm dâu.
Hay câu nói của ông lão đánh cá hù dọa cậu bé xin đi theo đánh cá đêm trong truyện “Chảy đi sông ơi”cũng là trường hợp tương tự.
(Vd 6) Năm nay Hà Bá chưa bắt người nào![Chảy đi sông ơi, tr.13]
Qua từ “năm nay” ta suy ra được hàm ngôn của câu nói này mà không cần kiến thức nền là: “Năm nào Hà Bá cũng bắt người.”
- Hàm ngôn hội thoại đặc thù
Khác với hàm ngôn hội thoại khái quát, hàm ngôn hội thoại đặc thùlà những hàm ngôn phải được suy luận ra trên cơ sở hiểu biết trong bối cảnh cụ thể. Chỉ có thể suy ra trong một ngữ cảnh nhất định.Chẳng hạn:
Cũng (Vd 6) “Năm nay Hà Bá chưa bắt người nào.”[Chảy đi sông ơi, tr.13] Ở đây đáng chú ý là từ “Hà Bá”, giả sử nếu chúng ta không có tri thức nền về Hà Bá thì chúng ta không hiểu được hàm ngôn của cái hành động “bắt” ấy. Đối với quan niệm của người Việt, Hà Bá là hung thần ở vùng sông nước, thường làm hại dân. Do đó khi có người nào đó không may bị sảy chân chết đuối thì người Việt thường nói: “Bị Hà Bá bắt” hay “bị Hà Bá ăn thịt” hay “đi chầu Hà Bá”. Trong truyền thuyết, hàng năm Hà Bá thường bắt loài người cống nạp ít nhất một mạng người cho nó và người chết như vậy được coi là thế mạng. Chỉ khi hiểu được điều đó ta mới có thể suy ra được hàm ngôn trong câu “Năm nay Hà Bá chưa bắt người
nào!” là: “Năm nào Hà Bá cũng bắt người” tức năm nào cũng có người chết đuối nhưng năm nay chưa có người chết đuối. Đây là một câu nói chứa hàm ngôn nhắc nhở kiểu như: “Anh cẩn thận nếu không chính anh là người phải đi chầu Hà Bá trong năm nay đấy!”
Như vậy, hàm ngôn được chia làm hai loại: hàm ngôn quy ước và hàm ngôn hội thoại.Hàm ngôn quy ước là hàm ngôn được hình thành từ phương tiện ngôn ngữ, không phụ thuộc ngữ cảnh. Cơ chế để tạo hàm ngôn quy ước không gì khác chính là dùng từ ngữ và các lẽ thường. Còn hàm ngôn hội thoại lại được nảy sinh từ ngữ cảnh. Hàm ngôn hội thoại được chia thành hai loại là hàm ngôn hội thoại khái quát và hàm ngôn hội thoại đặc thù. Cơ chế tạo hàm ngôn hội thoại là dựa vào sự cố ý vi phạm các quy tắc như: quy tắc chiếu vật và chỉ xuất, quy tắc chi phối các
hành vi ngôn ngữ, quy tắc lập luận và quy tắc hội thoại.
Nhưng trong thực tế việc xác định ranh giới đâu là ngữ nghĩa, đâu là ngữ dụng là một vấn đề không hề đơn giản, vì ranh giới giữa nghĩa học và dụng học thường có sự giao nhau, ở đó những nhân tố nghĩa học và dụng học tương tác một cách rất đa dạng. Vì vậy, việc phân định một cách rạch ròi giữa hàm ngôn quy ước và hàm ngôn hội thoại là một vấn đề không dễ dàng. Cho nên, trong phần cơ chế tạo hàm ngôn, chúng tôi không tách ra đâu là cơ chế tạo hàm ngôn quy ước, đâu là cơ chế tạo hàm ngôn hội thoại.
1.2.2. Cơ chế tạo hàm ngôn
Hoàng Phê (chủ biên) định nghĩa: “Cơ chế là cách thức theo đó một quá trình thực hiện”. [74, tr.214]. Như vậy, ta có thể hiểu cơ chế là cách thức thực hiện. Do đó, cơ chế tạo hàm ngôn là những cách thức tạo ra hàm ngôn. Sau đây là một số cách thức tạo hàm ngôn tiêu biểu trong tiếng Việt.
1.2.2.1. Dùng từ ngữ
Theo George Yule hàm ngôn quy ước liên quan đến những từ riêng biệt và được rút ra từ những ý nghĩa phụ thêm có được khi dùng những từ này như những liên từ trong tiếng Anh chẳng hạn như: ‘but’ (nhưng) thể hiện hàm ngôn tương phản, ‘even’ (ngay cả) thể hiện hàm ngôn ‘tương phản với sự mong đợi’ và ‘yet’(còn) thể hiện hàm ngôn mong đợi tình huống hiện đương có là khác với ngay trước đó hoặc là đối lập hay từ ‘and’ hàm ngôn ‘cộng thêm’ hay chỉ sự ‘nối tiếp’. Vậy cơ chế tạo hàm ngôn quy ước chính là cách sử dụng các từ ngữ như đã nói ở trên.
Theo Nguyễn Văn Hiệp (2006) chính vì hàm ngôn quy ước là hàm ngôn nảy sinh do việc sử dụng những từ ngữ nào đó trong câu, do đó cơ chế tạo hàm ngôn quy ước chính là dùng từ ngữ. Những từ ngữ được dùng để tạo hàm ngôn quy ước có thể là thực từ hoặc là hư từ. Chẳng hạn như dùng liên từ, dùng các từ có ý so sánh, dùng các phó từ chỉ thời thể (vẫn, lại, ra, đi,…)
Tác giả còn cho rằng cách tạo hàm ngôn quy ước chính cách dùng các vị từ tình thái hàm thực - nhóm từ giả định hành động, trạng thái, tính chất mà vị từ bổ
ngữ của chúng đã tồn tại thực như các từ: chớm, bắt đầu, chợt, bỏ, nghỉ, sực, phát, đâm, đâm ra, sinh ra,…
Thí dụ: “Nó bỏ hút”.
Việc dùng vị từ tình thái bỏ giả định rằng trước đây nó đã hút thuốc.
Hay nhóm vị từ hàm hư - nhóm vị từ giả định hành động, trạng thái, tính chất… mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị là không tồn tại, không có thật như các từ: toan, suýt, chực, hòng…
Thí dụ: “Nó toancưới cô ấy.”
Việc dùng vị từ tình thái toan giả định rằng việc nó cưới cô ấy là không có thật.
1.2.2.2. Vi phạm quy tắc chiếu vật, chỉ xuất
Chiếu vật là vấn đề thứ nhất của ngữ dụng học. Tự bản thân mình, từ ngữ không chiếu vật. Bằng hành vi chiếu vật, người nói đưa ra sự vật hiện tượng mình định nói tới vào diễn ngôn bằng các từ ngữ, bằng câu. Chiếu vật là dấu hiệu đầu tiên thể hiện quan hệ giữa ngữ cảnh với diễn ngôn. Phương thức chỉ vật là cách thức để thực hiện hành vi chiếu vật, có ba phương thức lớn: dùng tên riêng, dùng miêu tả xác định và dùng chỉ xuất. Trong đó phương thức chiếu vật bằng chỉ xuất là một hình thức tạo hàm ngôn rất hữu hiệu.
Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Chỉ xuất là phương thức chiếu vật bằng ngôn ngữ dựa trên hành động chỉ trỏ.” [11b, tr. 72]
Tất cả các ngôn ngữ đều có hệ thống từ chuyên chiếu vật theo phương thức chỉ xuất. Đó là các từ loại như đại từ, tính từ, trạng từ,… Tổ hợp có từ chỉ xuất là một biểu thức chỉ xuất. Bất cứ hình thức ngôn ngữ nào được dùng để chỉ trỏ đều được gọi là biểu thức chỉ xuất hay các yếu tố trực chỉ. Các biểu thức chỉ xuất thực hiện chức năng chiếu vật không thông qua chức năng miêu tả mà thông qua chức năng định vị tức là xác định vị trí của vật được nói tới, phân biệt vật được nói tới với các vật khác về không gian, thời gian, và về các quan hệ khác.
Trong các ngôn ngữ thường có ba phạm trù chỉ xuất đó là: phạm trù chỉ xuất người (phạm trù nhân xưng – xưng hô), phạm trù chỉ xuất không gian (nhóm các từ trực chỉ vị trí), phạm trù chỉ xuất thời gian (nhóm các từ trực chỉ thời gian).
Một trong những quy tắc chiếu vật là quy tắc định vị vai giao tiếp và hệ thống các từ xưng hô có những quy ước sử dụng khá chặt chẽ, buộc những người tham gia giao tiếp phải tuân thủ. Việc sử dụng các từ xưng hô không theo quy ước hoặc thay đổi cách xưng hô là một trong những cơ chế tạo ra hàm ngôn trong giao tiếp. Ví dụ, vợ chồng chuyển đổi xưng hô từ anh/em sang anh/tôi hoặc cô/tôi hay
tao/mày là hàm ẩn ý nghĩa thay đổi quan hệ. Hoặc xưng hô bố/con đối với những người không có quan hệ huyết thống có thể hiện mong muốn làm con rể hoặc tạo mối quan hệ thân tình.
1.2.2.3. Sử dụng hành động ngôn ngữ gián tiếp
Hành động ngôn ngữ gián tiếp theo Đỗ Hữu Châu là “Hiện tượng người giao tiếp sử dụng trên bề mặt hành vi ở lời này nhưng lại nhằm hiệu quả của một hành vi ở lời khác được gọi là hiện tượng sử dụng hành động ngôn ngữ theo lối gián tiếp”.[11b, tr.146]
Sử dụng hành động ngôn ngữ gián tiếp là hiện tượng người nói thực hiện một hành vi ở lời này nhưng lại nhằm làm cho người nghe dựa vào những hiểu biết ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ chung cho cả hai người, suy ra hiệu lực ở lời của một hành vi khác.Cách sử dụng hành động ngôn ngữ theo lối gián tiếp là biện pháp rất có hiệu lực nhằm truyền báo các ý nghĩa hàm ẩn.
Trong hành động tại lời, bằng các yếu tố ngôn ngữ có mặt trong phát ngôn, đặc biệt là các động từ ngữ vi, người ta có thể nhận diện được các hành vi ngôn ngữ chứa đựng trong đó như khuyên, hứa, yêu cầu, đề nghị,…Tức là nhờ cấu trúc ngôn ngữ mà một hành vi tại lời (A), người ta có thể tạo những hành vi ngôn ngữ gián tiếp (B) khác nhau như: đề nghị, xin, cảnh cáo, khuyên nhủ, yêu cầu,...
Như vậy, hành động tại lời phái sinh, do tính chất là một hành động ngôn ngữ gián tiếp, nên mặc dù bề mặt cấu trúc ngôn ngữ thể hiện một hành vi này nhưng nội dung thực của nó lại thể hiện một hành vi khác. Chính đặc điểm này đã làm cho “hành động ngôn ngữ gián tiếp” hoàn toàn có thể trở thành một yếu tố tạo ý nghĩa