Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 54 - 57)

7. Cấu trúc của luận văn

1.5.2.Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê quán huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông vốn xuất thân là giáo viên dạy Lịch sử nhưng sau đó lại trở thành nhà văn nổi tiếng.

Thuở nhỏ, ông đã cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên ... Năm 1960, gia đình chuyển về quê, định cư ở làng Khương Hạ, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 1970), ông lên dạy học tại Tây Bắc mười năm. Đến năm 1980, Nguyễn Huy Thiệp chuyển về làm việc tại công ty sách thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau đó, làm việc tại Công ty Kỹ thuật Trắc địa Bản đồ, Cục Bản đồ cho đến khi về hưu. Hiện nay, ông đang cùng gia đình sống ở Hà Nội. Ngoài công việc sáng tác, Nguyễn Huy Thiệp còn thử sức trong nhiều công việc và ngành nghề khác chẳng hạn như kinh doanh.

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.

Ngoài truyện ngắn, ông còn viết tiểu thuyết (3 tiểu thuyết) kịch (10 vở kịch), thơ (chưa xuất bản tập nào, nhưng xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông) và tiểu luận phê bình đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước.

Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với tập truyện ngắn đầu tay

Những ngọn gió Hua Tát, đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Lúc bấy giờ, tác giả đã gây cho người đọc một sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước sự trình làng của một cây bút đã vào tuổi tứ tuần. Và khi tác phẩm thứ hai Tướng về hưu ra đời sau đó một năm (tháng 6 năm 1987), Nguyễn Huy Thiệp được biết đến như là một “hiện tượng văn học” và làn sóng dư luận trở nên xôn xao. Đặc biệt không lâu sau đó chùm truyện Kiếm sắcVàng lửaPhẩm tiết ra mắt bạn đọc (tháng 4 năm 1988) đã thực sự tạo nên bầu không khí phê bình, tranh luận hết sức sôi nổi, với nhiều ý kiến đối lập gay gắt.

Với sự cách tân mới lạ, vừa xuất hiện trên văn đàn Việt Nam, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vừa ra đời đã trở thành “mắt bão”, trở thành cái mà người ta thường gọi là “trường văn trận bút”. Và ông nhanh chóng trở thành hiện tượng “lạ”,

hiện tượng độc đáo – hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Phạm Xuân Nguyên gọi ông là hiện tượng hai lần lạ “nội dung lạ, hình thức lạ”.

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường có dung lượng nhỏ, ngắn gọn nhưng lại đề cập đến rất nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống hiện đại, mà vấn đề nào cũng được đẩy lên đến tột cùng, để rồi trở thành một thứ “hóa chất” gây “phản ứng” tranh luận. Với lối chuyện kể đa thanh, lời văn giễu nhại, cấu trúc tỉnh lược tới mức tối đa, giọng điệu lạnh lùng, tưng tửng,… Nguyễn Huy Thiệp đã phơi bày trần trụi tất cả những hiện thực của xã hội thời hiện đại. Các truyện ngắn của ông chứa đựng nhiều tầng sâu đa nghĩa, vì vậy nó tạo ra nhiều cách đọc, cách hiểu khác nhau và không dễ gì nắm bắt. Chính vì điều này mà người ta không ngớt tranh cãi về tác phẩm của ông, nhưng chung quy lại chỉ là ở “cách đọc”. Là một cây bút nhạy cảm, Nguyễn Huy Thiệp luôn lật ngược vấn đề, thoát ra ngoài những chuẩn mực thông thường và xác định cái giá trị nhân thế bằng những tưởng tượng phong phú, xen vào các huyền thoại, các biểu tượng, các yếu tố dân gian, các câu thơ trữ tình. Tất cả nhào nặn, tái tạo một cách hợp lý bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ “ít lời nhiều ý”, truyện ngắn của ông đã đạt đến một tầm cao tư tưởng. Bằng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ một cách ngầm ẩn, tác giả vừa nói lên được con người xã hội, vừa nói được con người nhân tính. Sự hỗn độn trong thế giới nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Huy Thiệp đã giúp người đọc hình dung sâu sắc hơn chân dung cuộc sống trong tính đa dạng và trọn vẹn của nó. Nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Huy Thiệp không chỉ vạch ra hiện thực bằng cái nhìn rất thực, nhiều khi đến “ghê tởm” mà qua đó tác giả thức tỉnh con người, giúp mọi người nhìn lại mình và sống tốt hơn. Có thể nói rằng, Nguyễn Huy Thiệp bằng tài năng của mình đã giúp văn học nước nhà tiến bộ được một bước mới, “tiếp cận được một lý thuyết quan trọng của nhân loại cuối thế kỷ XX: lý thuyết đọc” như trong lời giới thiệu “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” của Phạm Xuân Nguyên. [70, tr. 4]

Sở dĩ được sự chú ý của độc giả như vậy là vì Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng điêu luyện các khả năng kỳ diệu của ngôn ngữ. Tác giả biết sử dụng những cơ sở tạo hàm ngôn một một cách độc đáo để thể hiện “ý tại ngôn ngoại” một cách sâu sắc

trong những trang viết của mình và nhờ đó tạo nên sự độc đáo trong phong cách sáng tác rất riêng của ông.

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 54 - 57)