7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Dùng hư từ
Trong tiếng Việt, hư từ có một chức năng rất chuyên biệt là chuyên làm dấu hiệu cho một loại ý nghĩa và định hướng cho một kết luận hiển ngôn hay ý nghĩa hàm ẩn nào đó. Có thể nói, hư từ có vai trò quan trọng trong việc tạo nghĩa hàm ngôn vì nó có khả năng biến hóa linh hoạt tùy theo sự kết hợp với các từ trong phát ngôn cụ thể, trong ngữ cảnh cụ thể.
Trong quá trình tìm hiểu về hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thấy tác giả sử dụng hư từ để tạo hàm ngôn có số lượng nhiều nhất (48 lần, chiếm 28, 23 %), trong đó tiêu biểu nhất là dùng liên từ nhưng (11 lần), thì (6 lần),..; dùng phụ từ: cứ (5 lần), cũng (3 lần), lại (2 lần),… và dùng tình thái từ (21 lần).
2.2.2.1. Dùng liên từ/ quan hệ từ/ từ nối
a. Liên từ NHƯNG
Theo Nguyễn Đức Dân, ý nghĩa của từ “nhưng” trong cấu trúc “A nhưng B” như sau: nếu từ A làm ta có khuynh hướng rút ra kết luận k, còn từ B làm ta có khuynh hướng rút ra kết luận đối lập “không k”, thì người nói câu này lấy khuynh
hướng của B làm khuynh hướng của cả câu.[20, tr.275] Cũng theo tác giả, từ “nhưng” trong tiếng Việt là phương thức liên kết hiển ngôn với hàm ngôn và liên kết hai hàm ngôn.
Sau đây là những trường hợp có sử dụng liên từ “nhưng” để tạo hàm ngôn trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp:
- Nhưng thể hiện ý hàm ngôn điều kiện
(Vd 10) - Tao cho chú mày lên thuyền nhưng tao bảo gì thì chú mày phải
nghe đấy…[Chảy đi sông ơi, tr. 9]
Ở (Vd 10)điều kiện để được “lên thuyền” là phải “nghe lời”, nếu không thì không được. Giả sử câu trên không có từ “nhưng” và thay bằng dấu phẩy “ - Tao cho chú mày lên thuyền, tao bảo gì thì chú mày phải nghe đấy” thìđiều kiện phải nghe lời có vẻ như không bắt buộc lắm. Nhưng ngược lại có từ nhưngthì lại là một điều kiện mang tính chất bắt buộc.
Nếu ta gọi vế trước “nhưng” là A, vế sau “nhưng” là B thì trong trường hợp này B là điều kiện của A. Tức là muốn A phải B (muốn lên thuyền phải nghe lời). Và từ đó người nói muốn người nghe hiểu rằng nếu không B thì sẽ không A, tức là “Nếu không nghe lời tao thì sẽ không được lên thuyền”. Đây chính là hàm ngôn mà người nói muốn người nghe phải chấp nhận.
Tương tự như(Vd 10), hàm ngôn có chứa từ “nhưng”trong (Vd 11) cũng là hàm ngôn đều kiện.
(Vd 11) - Trâu đen có thực! Nó ở dưới nước. Khi nó lên bờ là nó mang cho
người ta sức mạnh... Nhưng nhìn thấy nó, được nó ban điều kỳ diệu phải là người
tốt. [Chảy đi sông ơi, tr.14]
Mặc dù về hình thức từ nhưngở ví dụ này nằm ở đầu câu (có tác dụng nối câu trước và câu sau) trong khi ở ví dụ trên từ nhưng ở giữa câu nhưng ta có thể hiểu ý của câu này như sau: Điều kiện để nhìn thấy trâu đen và được nó ban cho sức mạnh (A) phải là người tốt (B). Tức là muốn A phải B như trường hợp chúng ta vừa phân tích ở trên. Và cũng từ đó ta suy ra được hàm ngôn “không B sẽ không A”, ở ví dụ này sẽ là: “Nếu không phải người tốt thì sẽ không nhìn thấy trâu đen và không
được nó ban cho sức mạnh”, tức là hàm ngôn “những người xấu sẽ không bao giờ nhìn thấy trâu đen và không được nó ban cho sức mạnh”.
- Nhưng liên kết hiển ngôn với hàm ngôn
(Vd 12) “Ngôi nhà tôi ở ven nội, xây dựng trước khi cha tôi về hưu tám
năm. Đấy là một biệt thự đẹp nhưng khá bất tiện, đã được xây cất dựa theo thiết kế
của một chuyên gia kiến trúc trứ danh, bạn của cha tôi, ông này đại tá, chỉ thạo việc xây doanh trại”. [Tướng về hưu, tr.18]
Ở (Vd 12), vế trước “nhưng” “ngôi biệt thự đẹp”(= A) là ý hiển ngôn thể hiệm một ưu điểm được nối với vế thứ hai “khá bất tiện”(= B) một nhược điểm. Hàm ngôn là một lời chê, thể hiện ý không hài lòng của người nói. Đây là sự đối lập giữa hai thuộc tính, thuộc tính trỏ ưu điểm đứng trước (hịển ngôn) và thuộc tính trỏ nhược điểm đứng sau (hàm ngôn). Như vậy “nhưng” trong (12) là từ nối liên kết ý hiển ngôn phía trước và hàm ngôn phía sau.
(Vd 13) Cô Lài mặc dầu gàn dở nhưng lại xốc vác và nội trợ giỏi.
[Tướng về hưu, tr.19]
“Nhưng”ở (Vd 13) cũng nối hai vế đối lập: một đặc trưng cho nhược điểm đứng trước “gàn dở” (hiển ngôn), và một đặc trưng ưu điểm đứng sau “xốc vác và nội trợ giỏi” (hàm ngôn). Vế thứ hai là thuộc tính trỏ ưu điểm được đặt sau và qua đó thể hiện hàm ngôn của người nói là sự hài lòng, là một lời khen.
- Nhưng liên kết hai vế đối lập
(Vd 14)Truyện “Những người thợ xẻ” anh Chỉnh đánh giá về vợ như sau:
Vợ tôi ở nhà thì kèn kẹt nhưng ra thiên hạ thì hào phóng lắm anh ạ.
[Những người thợ xẻ, tr.122] “Nhưng” nối hai vế đối lập nhau đó là hai thuộc tính trái ngược của vợ tôi. Thuộc tính thứ nhất là keo kiệt đối lập thuộc tính thứ hai là rộng rãi. Từ “nhưng” đặt giữa hai vế câu nói, thể hiện hàm ngôn của người chồng là có ý trách vợ vô tâm với mình nhưng đối với người ngoài thì rộng rãi quá mức. Qua đó, anh muốn người vợ suy nghĩ và điều chỉnh lại cho phù hợp.
b. Dùng liên từ THÌ
- Thì liên kết hai hành vi ngầm ẩn
Thông thường cấu trúc “X thì X” thể hiện hàm ngôn là một sự chấp nhận miễn cưỡng.
Theo Nguyễn Đức Dân “từ Thì được dùng để liên kết hai hành vi ngôn ngữ
mà hành vi thứ hai là sự chấp nhận miễn cưỡng và sẵn sàng chịu đựng của người nói” [22a, tr.13].
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có số lần dùng cấu trúc “X thì X” là 18 lần, chiếm tới 10,58 %.
Chẳng hạn truyện “Những người thợ xẻ”, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng 2 lần cấu trúc này: Lần thứ nhất là câu trả lời của Ngọc khi anh Bường nói với Ngọc tham gia vào nhóm thợ xẻ của anh Bường.
(Vd 15) Ngọc bảo: “Đi thì đi” [Những người thợ xẻ, tr.108] Lần thứ hai là lời của chị Thục đáp lại lời yêu cầu dẫn đường của anh Bường đến nhà ông Thuyết để kiếm việc cho nhóm thợ xẻ.
(Vd 16) Chị Thục bảo: “Đi thì đi. Cách đây dăm nhà chứ mấy”
[Những người thợ xẻ, tr.111] Còn truyện “Con gái thủy thần”, tác giả sử dụng một lần cấu trúc X thì X, khi nhân vật tôi (Chương) chuẩn bị đốt lò gạch nói với bà cụ thuê anh đóng gạch:
(Vd 17) Tôi bảo: “Nếu mà đốt lò thì mấy cây khế, cây chuối trong vườn đều
chết hết cả đấy cụ ạ”. Bà cụ bảo: “Chết thì chết”
Tôi bảo: “Nếu hết củi thì phải dở nhà mà đốt đấy cụ ạ”. Bà cụ bảo: “Thì dở đi chứ! sang năm con tôi có nhà mới rồi”.
[Con gái thủy thần, tr.91] Hai ví dụ “Đi thì đi” và “Chết thì chết” ở trên đều dùng kiểu cấu trúc câu “X thì X”, để thể hiện hàm ngôn sự đồng ý, chấp nhận miễn cưỡng.
- Thì thể hiện cấu trúc nhân quả hàm ý chê trách hay khuyên can
Trong truyện “Tướng về hưu”, sau khi ông Thuấn, ông Cơ và cô Lài đi Thanh Hóa thì ở nhà bà Thuấn bệnh nặng và mất. Khi về ông Cơ và cô Lài nói:
(Vd 18) “Tại chúng cháu. Chúng cháu ở nhà thì bà không mất.”
[Tướng về hưu, tr.26] Câu nói trên có dạng “nếu A thì không B”. Nếu chúng cháu ở nhà (A), thìbà
không mất (B). Nhưng thực tế thì bà mất (tức là không B), từ đó ta suy ra là chúng cháu không ở nhà (tức không A). Ta suy ra hàm ngôn trong câu nói của cô Lài là “Vì không có chúng cháu ở nhà chăm sóc bà nên bà mất” có ý tự trách mình và ngầm ý trách vợ chồng anh Thuần, chị Thủy ở nhà không chăm sóc bà chu đáo.
Còn 2 câu ở (Vd 17)Nếu mà đốt lò thì mấy cây khế, cây chuối trong vườn
đều chết hết cả đấy cụ ạ.
Nếu hết củi thì phải dở nhà mà đốt đấy cụ ạ. [Con gái thủy thần, tr.91] đã xét ở trên lại có dạng “nếu A thì B”. Nếu “đốt lò” (A) thì “mấy cây khế, cây chuối trong vườn đều chết hết cả”(B). Trong thực tế thì không ai muốn cây cối chết cả (tức không B). Vậy muốn không B (cây cối không chết) thì không nên đốt lò (tức không nên A). Hàm ngôn của câu này là một lời khuyên: “Bà không nên đốt lò vì đốt lò cây cối trong vườn sẽ chết hết”. Tương tự câu “Nếu hết củi thì phải dở nhà mà đốt đấy cụ ạ”. Hàm ngôn của câu này cũng là một lời khuyên không nên đốt lò vì đốt lò mà nếu hết củi thì phải dỡ nhà làm củi để đốt, mà thực tế thì không ai muốn dỡ nhà làm củi cả. Vì vậy hàm ngôn của câu này cũng là một lời khuyên: “Không nên đốt lò” nhưng ở mức cao hơn so với câu trên.
- Thì + từ phiếm chỉ thể hiện hàm ngôn bác bỏ
(Vd 19) Khảm xới cơm Sinh bảo: “Cơm nóng, chú lèn thế thì ai ăn được?” [Không có vua, tr.49] Ở ví dụ này, ta có thể khái quát thành mô hình sau: “A mà B thì ai C”, suy ra hàm ngôn là “không C”. Như thế câu trên “cơm nóng” (A) mà “chú lèn thế” (B) thì “ai ăn được” (C). (C) “Ai ăn được” tức là “không ai ăn được” nghĩa là (không C). Do đó, ta suy ra hàm ngôn trong câu nói của Sinh đối với Khảm là: “Chú không nên lèn cơm chặt như thế”.
(Vd 20) Xét đoạn hội thoại giữa Phong và người chủ quán trong truyện “Giọt máu”như sau:
Chủ quán hỏi: “Ông thích loại còn tân hay đã mất tân?” Phong vỗ đùi đánh
đét: “Còn tân thì nói gì nữa?”. [Giọt máu, tr. 281]
Câu nói của Phong có hàm ngôn hài lòng,trên cả sự mong đợi: “Có được gái tân thì tốt quá/ nhất rồi, khỏi phải bàn.”
2.2.2.2. Dùng phụ từ
Về ngữ pháp, phụ từ không tham gia vào việc tổ chức cấu trúc của ngữ mà tham gia vào việc tổ chức một thành tố cú pháp. Và đại bộ phận phụ từ đứng trước thực từ (danh từ, động từ, tính từ), có khả năng kết hợp với thực từ và chuyên là thành tố phụ trước cho cấu trúc ngữ.
Trong đó có một loại hư từ đứng trước động từ và tính từ như cứ,lại, đã,đang, sẽ, cũng, vẫn,…Lê Biên gọi là phụ từ còn theo Cao Xuân Hạo và Huỳnh Văn Thông thì gọi là vị từ tình thái. Đây là những phụ từ trong tương tác với ngữ cảnh, chúng có khả năng tạo ra nghĩa hàm ngôn.
a. Dùng phụ từ CỨ
- Phụ từ Cứ thể hiện hàm ngôn sự tình xảy ra bất chấp mọi điều kiện, mọi can thiệp
Xét các ví dụ sau:
(Vd 21) Bọn người đánh cá đêm ác lắm chị ạ. Họ nghe thấy em kêu cứu mà họ cứ lờ đi. [Chảy đi sông ơi, tr. 13]
Hàm ngôn của từ “cứ” ở ví dụnày cho biết sự tình mà phát ngôn đề cập đến là cái sự tình xảy ra bất chấp mọi điều kiện, mọi can thiệp. Sự tình “lờ đi” (= p) tiếp diễn ra theo chủ đích của kẻ thực hiện sự tình, do chủ ý của “họ” – (những người đi đánh cá đêm) chứ không phụ thuộc bất cứ lí do hay điều kiện gì.
(Vd 22) Khi có giấy báo cậu mất, Đoài bảo: “Cứ gác lại đã. Các bác già
chết đi có gì là lạ? Tiếp tục cuộc vui đi. Nào, xin mời chư tướng!”
Từ “Cứ” ở (Vd 22) thể hiện sự bất chấp, bỏ qua, không quan tâm của người nói. Câu nói của Đoài có hàm ngôn là: “Cậu chết thì mặc cậu, chúng tôi vui chơi đã.” Qua hai ví dụ này, Nguyễn Huy Thiệp muốn lên án cách sống quá vô tâm của con người trước cái chết của người khác: Thấy người chết nhưng họ vẫn làm ngơ không cứu. Hay trước cái chết của người cậu ruột các cháu vẫn không có một chút cảm giác đau buồn gì.
-Phụ từ Cứ thể hiện hàm ngôn sự gượng ép, bất lực
(Vd 23) Cha tôi bảo: "Sao tôi cứ như lạc loài?” [Tướng về hưu, tr.30]
Từ “cứ” thể hiện ngụ ý một cách rất sâu sắc. Nếu không có từ “cứ” thì phát ngôn này được hiểu là ông Thuấn (cha tôi) chỉ ý thức được sự lạc lõng của mình trước cuộc sống thực dụng, bon chen, xô bồ, và bất chấp luân thường đạo lý. Nhưng với sự xuất hiện của từ “cứ” kèm theo hàm ngôn không những ông Thuấn ý thức được điều đó mà còn thể hiện sự bất lực, muốn thoát ra mà không được và phương châm “bình quân là lẽ sống” trở nên xa lạ với gia đình ông. Ông cảm thấy quá đau đớn trước sự cô đơn, lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà của mình.
- Phụ từ Cứ mang ý nghĩa hàm ngôn đánh giá, nhận xét
(Vd 24) Đoài bảo: “Người chị tôi cứ mềm như bún” [Không có vua , tr.50] Nếu như (Vd 24) không có từ “cứ” thì đây hoàn toàn là một câu nói bình
thường như là một câu kể, nhưng khi có nó lại mang một ý nghĩa hàm ý đánh giá,
nhận xét. Mà xét trong ngữ cảnh của truyện đây là một câu khen vì Đoài đang cố tình ve vãn chị dâu (Sinh).
- Cứ biểu thị hàm ngôn mong muốn sự tiếp diễn của hành động, tính chất, trạng thái
(Vd 25) Khiêm bảo: “Chị Sinh ơi, về làm dâu họ Sĩ nhà này chị có khổ không?
Sinh cười: “Cứ thế này thì không thấy khổ”. [Không có vua, tr.64]
“Cứ” ở (Vd 25) biểu thị ý nghĩa mong muốn sự tiếp diễn, đây là một sự kiện tích cực. Hàm ngôn trong câu nói của Sinh là (như thế khác) những lúc khác (không phải lúc này) thì khổ. Sinh muốn lúc nào cũng như thế này tức là muốn trạng thái
như thế này tiếp diễn mãi.
b. Dùng từ CŨNG
- Cũng đối chiếu giữa hiển ngôn và hàm ngôn
Theo Nguyễn Đức Dân lời đối chiếu giữa hiển ngôn và hàm ngôn có thể được thực hiện nhờ các phụ từ như từ cũng [20, tr.277]
Chẳng hạn, xét ví dụ sau trong truyện Nguyễn Huy Thiệp:
(Vd 26) “Mưa vẫn to. Tôi bắt đầu thấy lạnh. Chị Hiên và cái Khanh răng
cũng đánh lập cập. Vừa mệt vừa rét nhưng cả ba chị em đều thích”.
[Những bài học nông thôn, tr.143] Qua từ “cũng”ở (Vd 26), chúng ta đã đối chiếu điều hiển ngôn “răng chị Hiên và cái Khanh đánh lập cập vì lạnh” với một điều ngầm ẩn “răng người khác cũng vậy”, thể hiện hàm ngôn “Răng tôi cũng đánh lập cập”.
Truyện “Những ngọn gió Hua Tát” khi nói về việc trái tim hổ có thể chữa được bệnh, có câu:
(Vd 27) “Liệt chân như Pùa, uống thứ thuốc ấy cũng sẽ khỏi được”.
[Những ngọn gió Hua Tát, tr.125] Từ “cũng”cho ta biết ngoài “bệnh liệt chân” thì thứ thuốc ấy có thể chữa được cả những bệnh khác.
- Cũng hàm ngôn biểu thị sự đồng tình
(Vd 28) Anh Bường bảo: “Tay ấy cũng cao nhân đấy, bà chị ạ. Hắn nói
chuyện với mình hệt như nói với thằng Không, thế là hắn cũng đắc đạo. Hắn có cho em cãi hắn một câu nào đâu?” Chị Thục phì cười: “Đạo gì mà đạo lạ thế?” Anh Bường bảo: “Nước ta lắm đạo lắm. Trong miền Nam có đạo thờ cả ông Quan Công, lẫn ông Victo Huygô thì mới quái dị”. Chị Thục bảo. “Thế thì tôi biết ông
Thuyết thờ đạo gì rồi”. Anh Bường cười tủm: “Em cũng biết”.
[Những người thợ xẻ, tr.111]
Từ “cũng” trong câu“Em cũng biết” của anh Bường hàm ngôn biểu thịsự đồng tình nhưng đằng sau đó ngầm một ý mỉa mai.
c. Dùng phó từ LẠI
(Vd 29) Lão Kiền hỏi Khảm : “Có mang búa về không?” Khảm cáu : “Tí nữa mất mạng với hai con chó bécgiê còn búa với lại kìm gì?” Lão Kiền bảo: “Thế
lại toi trăm bạc”.[Không có vua, tr.56]
Từ “lại” trong câu “Thế lại toi trăm bạc” của lão Kiền, cho ta biết trước đó đã mất trăm bạc (xét trong ngữ cảnh của truyện lão Kiền đã mất một cái ổ khóa do Khiêm đập hư trước đó). Từ “lại” thể hiện hàm ngôn tiếc rẻ của lão Kiền. Phó từ “lại”đứng trước vị từ, ngoài nghĩa khách quan là biểu thị sự lặp lại của hành động, trạng thái nó còn biểu thị hàm ngôn: người nói cho rằng sự việc diễn ra như vậy là không mong muốn.
(Vd 30) Thằng Tiến khóc. Chị Hiên dỗ nó:“Nín đi! Chị cho Tiến cái càng cua này”. Thằng Tiến lắc đầu:“Ứ ừ... càng cua bé tí”. Chị Hiên bảo: “Ngày mai chị đi chợ, chị mua cho Tiến bộ tam cúc nhé”. Mẹ Lâm bảo:“Cờ bạc là bác thằng bần. Đừng mua tam cúc cho nó. Lớn lên nó ham chơi thì chết! Cứ mua cho nó cái roi” Thằng Tiến lại khóc: “Mua tam cúc cơ”. [Những bài học nông thôn, tr.134]
Từ “lại” cũng mang ý nghĩa hàm ngôn “Trước đó, thằng Tiến đã khóc”, đồng thời thể hiện thái độ không mong muốn việc khóc của thằng Tiến lặp lại của người nói.
2.2.2.3. Dùng từ ngữ tình thái
Từ ngữ tình thái là lớp từ biểu thị mối quan hệ giữa người nói với nội dung phản ánh trong câu hoặc thực tế phát ngôn (gồm người nghe, hoàn cảnh phát ngôn,