Hàm ngôntrong lời kể

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 117 - 122)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Hàm ngôntrong lời kể

Trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, lời văn kể chuyện chiếm một số lượng rất lớn, bởi vì lời văn kể chuyện là thành phần cơ bản của trần thuật. Về hình thức, lời văn kể chuyện trong truyện Nguyễn Huy Thiệp được tỉnh lược tới mức tối đa nhưng lại chứa nhiều thông tin ngầm ẩn về nội dung. Thế giới nhân vật được thể hiện thông qua những lời trần thuật ngắn gọn, khách quan. Và đặc biệt, người kể chuyện trong truyện thường đặt ra câu hỏi mà không có lời lí giải. Vì thế, lời văn của ông khơi gợi khả năng liên tưởng và suy luận sâu xa cho người đọc. Ẩn chứa đằng sau những lời kể chuyện khách quan là những ý nghĩa hàm ngôn vô cùng sâu sắc mà tác giả muốn truyền tải tới người đọc. Sau đây là một số trường hợp lời kể có chứa hàm ngôn.

3.3.1.1. Lời kể liệt kê sự việc

Trong lời văn kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, sự kiện được kê khai dồn dập, thông tin nén ép:

Chẳng hạn hai câu sau với mười bảy chữ mà diễn tả đến năm sự kiện khác nhau:

(Vd 106) Tôi đi làm, lấy vợ, sinh con. Mẹ tôi già đi. Cha tôi vẫn đi biền biệt.

[Tướng về hưu, tr.18]

Hay ở truyện “Không khóc ở California”, Nguyễn Huy Thiệp cũng có cách kể thể hiện sự gấp gáp, nhanh chóng, lạnh lùng đến dửng dưng. Các câu trong đoạn văn dường như không hề có một sự liên kết nào.

(Vd 107) Cô đã tái mặt đi vì sợ hãi… Day dứt, dĩ nhiên rồi. Cười như mọi người. Khóc như mọi người. Đọc sách như họ. Lái xe như họ. Ứng xử với luật pháp. Với cảnh sát. Với đạo đức. Với cá thu và cá hồi.

[Không khóc ở California, tr. 443 - 444] Chỉ với bốn mươi sáu chữ mà đến tới mười câu, và thể hiện đến mười hai trạng thái tâm lí và hành động khác nhau của một con người. Giọng văn kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp dường như cái gì cũng nhanh, gấp rút và đặc biệt là cách tách câu rất lạ giúp người đọc có thể nhận ra ngụ ý của tác giả.

Với hình thức là những lời kể chuyện được tổ chức theo nguyên tắc tỉnh lược, ngắn gọn, mang tính liệt kê,… góp phần tạo nên sức căng cho câu chuyện, qua đó, tác giả thể hiện được hàm ngôn của mình một cách sâu sắc: Nhịp điệu đời sống thời hiện đại ở thành thị vốn dồn dập, căng thẳng. Con người hoạt động như một cỗ máy, lạnh lùng, tàn nhẫn và vô cảm. Họ hành động, nói năng nhiều hơn suy tư. Mọi thứ xung quanh và cuộc sống thì quá ư tẻ nhạt buồn chán, nhanh gọn, gấp rút, nhưng bằng phẳng đến khó chịu.

3.3.1.2. Lời kể ngoại vi

Một thủ pháp đặc biệt quan trọng để tạo hàm ngôn trong lời kể ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là sử dụng hình tượng người kể chuyện không đáng tin cậy, tạo ra những lời kể không đáng tin cậy.

Chẳng hạn, lời kể trong truyện “Vàng lửa” có đoạn:

(Vd 108) Ông Quách Ngọc Minh, ngụ ở Tu Lý, huyện Đà Bắc viết thư cho tôi: “Tôi đã đọc truyện ngắn “Kiếm sắc” của ông kể về tổ phụ tôi là Đặng Phú Lân. Riêng chi tiết gặp Nguyễn Du không thích. Nhân vật “người trẻ tuổi trong quán trong trẻo lạ lùng, tâm hồn sạch như nước ở núi ra” không ra gì. Bài hát “Tài mệnh tương đố” có ý gán cho Nguyễn Du là khéo mà không khéo vậy. Ông gắng thu xếp lên chơi, tôi sẽ cho ông xem vài tư liệu, biết đâu giúp ông có cách nhìn khác. Con gái tôi là Quách Thị Trình sẽ mời ông món canh cá nấu khế ông thích...”

Nhận được thư tôi đã lên thăm gia đình ông Quách Ngọc Minh. Những tư liệu cổ mà ông Quách Ngọc Minh gìn giữ thật độc đáo. Về Hà Nội, tôi viết truyện ngắn này. Khi viết, tôi có tự ý thay đổi một vài chi tiết phụ và sắp xếp, chỉnh lý lại các tư liệu để hợp với việc kể chuyện. [Vàng lửa, tr.163]

Bằng việc kể ra những chuyện ngoài lề trước khi kể chuyện, tác giả cố tình muốn cho người đọc cảm thấy câu chuyện mình viết là có thật. Đó là dụng ý của Nguyễn Huy Thiệp ngầm tạo một niềm tin chắc chắn cho người đọc về tính chân thật của câu chuyện.

Hay việc sử dụng cách nói mập mờ, nước đôi, không khẳng định phát ngôn về phần mình mà quy về những lời đồn đại không rõ nguồn gốc trong lời của người kể chuyện cũng là những dụng ý thể hiện hàm ngôn của tác giả. Hãy quan sát ví dụ sau:

(Vd 109) Trận bão ấy, ở bãi Nổi trên sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm

đại thụ. Không biết ai nói trông thấy có đôi giao long cuốn chặt lấy nhau vẫy vùng

làm đục cả một khúc sông. Tạnh mưa, dưới gốc cây muỗm, có một đứa bé mới sinh đang nằm. Ðứa bé ấy là con thủy thần để lại.

Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ Cả. Ai nuôi Mẹ Cả, tôi không biết, nghe

phong thanh ông từ đền Tía đón về nuôi. Lại đồn thím Mòng trên phố chợ đón về

nuôi. Lại đồn các xơ trong nhà tu kín đón về. [Con gái thủy thần, tr.75]

Bằng việc sử dụng một số từ ngữ mang tính phiếm định: không biết ai nói,

kể có vẻ hư hư thực thực. Cái thật và cái giả không có ranh giới rõ ràng. Tác giả muốn để người đọc tự tìm hiểu, tự lựa chọn cách tin hay không tin những chuyện của ông kể. Đấy cũng là cách cố tình tạo ra cách nói mơ hồ và không chịu trách nhiệm về lời nói của mình – một đặc trưng về cách sử dụng hàm ngôn của Nguyễn Huy Thiệp.

3.3.1.3. Lời kể đánh giá

Nguyễn Huy Thiệp không nhận xét, đánh giá một cách trực tiếp, chỉ có một vài hành động bình luận nhưng những hành động bình luận này cũng chỉ xuất hiện một cách kín đáo, hàm ẩn chứ không xuất hiện một cách trực tiếp.

Xét các ví dụ sau:

(Vd 110) Một hôm Phong đánh liều hỏi chủ quán: “Ở đây có con điếm nào xinh không?” Chủ quán gật đầu. Phong bảo: “Gọi cho tôi một đứa”. Chủ quán hỏi: “Ông thích loại còn tân hay đã mất tân?” Phong vỗ đùi đánh đét: “Còn tân thì nói gì nữa?” “Chủ quán đứng đậy đi xuống nhà ngang, lát sau dẫn lên một đứa con gái

trạc 15 tuổi. Chủ quán bảo: “Đây là con gái tôi”. Phong uống nước, suýt nữa thì

nghẹn. [Giọt máu, tr.281]

(Vd 111) Cha tôi nghỉ hưu nhưng khách khứa nhiều. Điều đó làm tôi

ngạc nhiên, thậm chí thích thú. [Tướng về hưu, tr. 20]

(Vd 112) Cha tôi cho người trong nhà bốn mét vải lính. Ông Cơ và cả cô Lài cũng thế. Tôi cười: “Cha bình quân!”. Cha tôi bảo: “Đấy là lẽ sống”. [Tướng về hưu, tr.20]

(Vd 113) Cha tôi ở chơi với ông vụ phó bố của Kim Chi một ngày. Ông này vừa đi công tác ở Ấn Độ về, ông biếu cha tôi một mảnh vải lụa hoa và nửa lạng cao

tổng hợp. Cha tôi cho cô Lài mảnh lụa hoa, cho ông Cơ nửa lạng cao. [Tướng về hưu, tr. 23]

(Vd 114) Sau đó, rắc rối đầu tiên đến với cha tôi là việc Kim Chi sinh cháu

chỉ sau hôm cưới chục ngày. [Tướng về hưu, tr.22]

Câu cuối cùng trong (Vd 110) là một câu kể: Người cha đưa đứa con gái mình để hầu hạ mua vui cho khách mà đứa con mới chỉ có 15 tuổi đầu. Chính người

cha đưa con mình vào con đường làm gái điếm, còn mình chính là chủ nhà chứa. Qua đó thể hiện hàm ngôn: “Trước một việc làm bất nhân, trái với luân thường đạo lý đến mức khiến cho một con người từng trải, chơi bời, nhẫn tâm như Phong cũng thấy quá bất ngờ.” Sự tình “suýt nữa thì nghẹn” của Phong ngầm ý là một câu đánh giá: “Thật là đồi bại đến thế là cùng! Dã man đến thế là cùng!”. Thông qua lời kể, người đọc thấy được đây là một việc làm phi lí, trái với luân thường đạo lý không thể chấp nhận được.

Thiết tưởng ở đây cần phải nhắc đến một tiền giả định hữu quan. Xét theo ngữ cảnh của câu chuyện: Phong là một tay ăn chơi và rất nhẫn tâm. Xét trong thực tế cuộc sống những con người nhẫn tâm thường dửng dưng, vô tâm trước những gì xảy ra xung quanh. Vậy mà sự việc này, quá bất thường đến nỗi một tay ăn chơi và lạnh lùng như Phong cũng không ngờ được.

Câu in đậm ở (Vd 111) có nghĩa hiển ngôn “Cha tôi đông khách khi nghỉ hưu” và có tiền giả định “Nghỉ hưu thì khách ít hơn khi đang đương chức”. Từ nghĩa hiển ngôn và tiền giả định của (Vd 111) ta suy ra hàm ngôn “Việc đông khách của cha tôi là một việc không bình thường – khách khứa chỉ đến nhờ vả”. Và đó chính là việc không bình thường thật, đến nỗi nhân vật tôi cũng phải ngạc nhiên. Cũng có thể có một hàm ý ở đây nữa là cha tôi là người tốt, trong sạch nghỉ hưu rồi mà còn có nhiều người nhớ tới ông.

Ở (Vd 112) có tiền giả định “Người thân thì cho nhiều hơn người ở”. Từ nghĩa hiển ngôn và tiền giả định của (Vd 112), ta suy ra hàm ngôn “Cha tôi xem bình quân là lẽ sống – ưa sự công bằng.”

Còn ở (Vd 113) có hai tiền giả định:

Tiền giả định thứ nhất, lụacao là những thứ rất quý, hơn nữa vào những năm 80 của thế kỷ hai mươi thì còn rất hiếm và quý. Đặc biệt lại là quà của ông vụ phó thông gia đem từ nước ngoài về thì càng hiếm và quý hơn. Những thứ quý hiếm, thông thường thì trước tiên là dành cho mình và người thân trong gia đình, khi người trong gia đình không dùng nữa mới đến người ở.

Tiền giả định thứ hai, người trong gia đình ông Thuấn đã đầy đủ chỉ có người ở (ông Cơ, cô Lài) là còn thiếu thốn.

Từ nghĩa hiển ngôn “cha tôi cho người ở vải lụa hoa và cao” và tiền giả địnhcủa (Vd 113), ta suy ra hàm ngôn trong câu trên là một lời đánh giá của người kể: “Việc cha tôi cho người ở thứ hiếm và quý là một việc làm bất thường.”

Như vậy (Vd 112) và (Vd 113) đều là những câu kể của nhân vật tôi, nhưng qua nghĩa hiển ngôn và tiền giả định, ta suy ra được hàm ngôn đánh giá của người kể: “Cha tôi là người xem người ngoài cũng như người thân trong gia đình không thiên vị ai. Ông là người ưa sự công bằng. Hơn nữa ông không có ý coi khinh người ăn kẻ ở mà còn rất yêu thương họ.”

Trong (Vd 114) có nghĩa hiển ngôn: “Sau khi cưới được chục ngày Kim Chi sinh con” (điều bất thường) và tiền giả định: “Sau khi cưới ít nhất cũng chín tháng mười ngày mới sinh con.” Từ hiển ngôn và tiền giả định, suy ra hàm ngôn là một sự đánh giá của người kể: “Kim Chi có thai trước khi cưới. Đó là một việc không hay ho chút nào!”.

Một phần của tài liệu hàm ngôn trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp (Trang 117 - 122)